Bẫy bất bình đẳng

Ngay cả ở Mỹ, nơi tưởng như giấc mơ bình đẳng đã thành hiện thực thì xu hướng giữ nguyên địa vị kinh tế xã hội giữa các thế hệ rất dai dẳng. Phải mất đến 5 thế hệ để một gia đình có mức thu nhập bằng nửa mức thu nhập trung bình của quốc gia vươn lên được mức đó.

Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2006 của Ngân hàng Thế giới với nhan đề “Công bằng và phát triển” đưa ra một so sánh:

Trong khi cứ 1.000 đứa trẻ sinh ra ở Mỹ thì có 7 trẻ chết trước khi đầy năm thì cứ 1.000 trẻ Mali ra đời có đến 126 trẻ chết trước khi tròn một tuổi. Những đứa trẻ còn sống phải đối mặt với nguy cơ thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng hơn nhiều so với các bạn chúng ở các nước giàu. 

Nthabiseng, một bé gái da đen, chào đời trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Đông Cape, Nam Phi. Nguy cơ tử vong trước khi tròn một tuổi của em là 7,2% và nếu sống sót rất nhiều khả năng em bị suy dinh dưỡng. Trong cả cuộc đời, thời gian đi học của Nthabiseng chưa tới một năm, lớn lên em sẽ không được dùng nước sạch và tuổi thọ trung bình tối đa là 50 tuổi.
Trong khi đó, bé trai Pieter da trắng sinh ra trong một gia đình giàu có ở Cape town và mẹ em đã tốt nghiệp cao đẳng của một trường đại học uy tín. Nguy cơ tử vong trước một tuổi của Pieter chỉ có 3%, em sẽ được học hết 12 năm phổ thông và có tuổi thọ trung bình là 68.
Nhưng nếu so sánh với bé trai Sven sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Thụy Điển thì sự chênh lệch lớn hơn nhiều. Sven hầu như không có khả năng tử vong trước khi tròn một tuổi (0,3%) và tuổi thọ trung bình là 80. Em sẽ được học hết bậc phổ thông với chất lượng giáo dục tốt hơn nhiều: Sven đạt điểm kiểm tra toán tương đương quốc tế là 500 trong khi Nthabiseng không có điểm số đó vì không thể tham dự kỳ kiểm tra.
Cơ hội của Nthabiseng, Pieter và Sven trong việc mưu cầu cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ không giống nhau: Nthabiseng có rất ít cơ hội vươn lên. Sự khác biệt về cơ hội này lại xuất phát từ các yếu tố về màu da, giới tính, nhóm xã hội, nơi sinh, nghề nghiệp, học vấn của cha mẹ – các yếu tố được định trước và không thể thay đổi. Đó là bất bình đẳng về cơ hội.

Ở Braxin, bốn yếu tố định sẵn là màu da, nơi sinh, học vấn và nghề nghiệp của cha mẹ đóng góp vào khoảng ¼ sự chênh lệch về lương giữa những người lao động. Tức là nếu có da trắng, sinh ra ở đô thị lớn, cha mẹ học đại học thì những đứa trẻ này tương lai sẽ có thu nhập tăng thêm 25% so với những đứa trẻ da màu, sinh ra ở vùng nông thôn hoặc miền núi, bố mẹ không được đi học chính thức, nghề nghiệp không ổn định.

Bất bình đẳng về cơ hội là nguy cơ dẫn đến sự lãng phí tiềm năng con người và có thể làm giảm mức phát triển. Đôi khi một số đứa trẻ có năng lực tốt không có điều kiện học hết tiểu học nhưng nhiều đứa trẻ khác năng lực kém hơn lại tốt nghiệp đại học. Bất bình đẳng về cơ hội cũng gây ảnh hưởng xấu đến các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội đang có. Nếu tất cả các cá nhân có cơ hội như nhau để phát triển thì sẽ có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, kinh tế, chính trị. Vậy tại sao bất bình đẳng về cơ hội vẫn tồn tại dai dẳng? Tại sao những bất bình đẳng đó cứ tái diễn mãi?
Câu trả lời ngắn gọn là hệ thống chính trị không phải lúc nào cũng coi trọng các cá nhân như nhau. Chính sách và thể chế không sinh ra từ một nhà lập kế hoạch xã hội tốt bụng, người mong muốn tối đa hóa giá trị hiện tại của phúc lợi xã hội. Chúng là kết quả của quá trình kinh tế chính trị trong đó các nhóm khác nhau tìm cách bảo vệ lợi ích của chính mình.  Do đó, bất bình đẳng về cơ hội tiếp tục truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Con cái nhà nghèo và địa vị thấp kém được hưởng ít hơn cơ hội về giáo dục, y tế, thu nhập và địa vị. Thậm chí ngay cả ở Mỹ, nơi tưởng như là giấc mơ bình đẳng đã thành hiện thực thì xu hướng giữ nguyên địa vị kinh tế xã hội giữa các thế hệ rất dai dẳng. Phải mất đến 5 thế hệ để một gia đình có mức thu nhập bằng nửa mức thu nhập trung bình của quốc gia vươn lên được mức đó.
Trên phạm vi toàn cầu, các nước phát triển không có hoặc có rất ít tiếng nói trong công tác quản lý và điều hành toàn cầu. Kết quả là các quy chế đặt ra trở nên không phù hợp hoặc quá thiệt thòi cho các nước nghèo.

Tất cả những hiện tượng trên đều có xu hướng tự tái diễn qua thời gian và Báo cáo Phát triển Thế giới 2006 gọi đó là “cái bẫy bất bình đẳng”.

Sự thịnh vượng chung của thế giới đã không đến được với ít nhất là 2,5 tỷ người – những người đang sống dưới mức 2 USD/ngày

Cái bẫy bất bình đẳng này rất khó phá vỡ vì chúng gắn chặt vào cuộc sống hàng ngày, khiến người nghèo rất khó tìm được cách thoát nghèo. Vì thế bẫy bất bình đẳng có thể khá ổn định và có xu hướng tồn tại dai dẳng qua nhiều thế hệ.

Nếu bất bình đẳng ảnh hưởng đến quá trình phát triển thì Nhà nước cần phải có vai trò quan trọng trong việc mở rộng các cơ hội cho người nghèo. Nhà nước cần tạo ra các cơ hội kinh tế, nâng cao vị thế chính trị và phân phối của cải công bằng. Điều mà dân nghèo cần là chính sách có thể giúp họ thoát khỏi cái bẫy bất bình đẳng để hướng tới một tương lai sáng lạn hơn.

P.V.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)