Bảy xu hướng để khởi nghiệp

Để có tư duy và kiến thức “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” phải chăng ta cũng nên tìm hiểu và được dẫn dắt bằng hiểu biết về xu hướng thị trường quốc tế?

Boris Mordkovich người đồng sáng lập Evelo với sản phẩm xe đạp dành cho người già.

Cách đây vài tuần, tôi nhận được email của một bạn startup từ Hà Nội nhờ tham vấn về ý tưởng xây dựng nhà lưới, nhà kính phục vụ cho việc đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho sản phẩm nông nghiệp. Theo đánh giá của bạn, ý tưởng kinh doanh này rất có tiềm năng cho thị trường Hà Nội. Đọc xong email, tôi không khỏi băn khoăn.

Từ bốn năm nay, tôi có may mắn tham gia làm cố vấn và trực tiếp giảng dạy cho doanh nghiệp startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong chương trình “Doanh nghiệp hội nhập & phát triển” của Chính phủ Malaysia. Chương trình này được xây dựng dựa trên nền tảng đưa nền kinh tế Malaysia từ kinh tế sản xuất sang kinh tế tri thức, từ sản xuất phục vụ thị trường nội địa sang xuất khẩu mô hình và thương hiệu ra thế giới. Và để đạt được mục tiêu này, một trong những mục tiêu lớn nhất của chương trình là phát triển nguồn vốn con người, nâng tầm tư duy, kiến thức, và kỹ năng của DNVVN từ nội địa sang tầm quốc tế.

Chỉ khi doanh nghiệp nghĩ xa, nhìn rộng, tập trung phát triển vững bền ra thế giới, kinh tế quốc gia mới có thể phát triển. Và vì vậy, những bài học đầu tiên của chương trình này dành cho doanh nghiệp, dù là khởi nghiệp hay tái khởi nghiệp, đều tập trung vào kiến thức về thị trường thế giới, tư duy chiến lược dài hạn, kỹ năng xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp để có thể vững vàng bước ra thế giới…. Ngay cạnh Việt Nam, người ta đã tư duy thế giới, chuẩn bị chiến lược và kế hoạch để bước ra thế giới và một trong những điểm đến đầu tiên, hợp lý nhất của họ là thị trường Việt Nam.

Và điều đó lý giải lý do vì sao doanh nghiệp Việt đang bị ép trên chính sân nhà. Người ta tư duy thế giới. Mình tư duy Hà Nội. Và thế là hai tư duy khác nhau sẽ dẫn đến hai kết quả khác nhau, hai tầm vóc khác nhau, hai cách startup và phát triển doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên đặt lại câu hỏi về định hướng cho startup Việt Nam trong bối cảnh kinh tế chung của quốc gia, khu vực, và thế giới? Phải chăng điều ta cần lúc này không phải là bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp, mà là bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp bằng tư duy và kiến thức “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”?

Nếu thế, phải chăng ta cũng nên tìm hiểu và được dẫn dắt bằng hiểu biết về xu hướng thị trường quốc tế? Tại Diễn đàn doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và khởi nghiệp, khi được mời chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, tôi tập trung chia sẻ về bảy xu hướng tương lai của thị trường thế giới.


Altra Running Shoes, startup ở Anh với sản phẩm là giày thể thao gắn thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân.

Xu hướng thứ nhất là thị trường người cao tuổi. Nói là cao tuổi nhưng trên thực tế là những người từ 50 tuổi trở lên, hiện đang chiếm ¼ dân số thế giới. Đây là một thị trường cực lớn đòi hỏi rất nhiều sản phẩm và dịch vụ thiên về sức khoẻ, y tế, kết nối, vui sống, du lịch, vv. Tháng tám năm 2016, báo New York Times đăng tải một bài rất hay mang tựa đề “Thị trường start-up nóng nhất thế giới? Chính là thị trường người cao tuổi”1. Một trong những startup rất thành công gần đây tại Mỹ chẳng hạn là sản phẩm xe đạp điện Evelo thiết kế dành riêng cho người già.

Xu hướng thứ hai là thị trường trẻ em dưới 12 tuổi. Đây là thị trường được mệnh danh là El Rey De La Casa – The King of the House – hay ông Hoàng của gia đình. Theo nghiên cứu mới nhất, trẻ em trên thế giới hiện ảnh hưởng 60-80% quyết định mua hàng của bố mẹ. Tại châu Á, tỷ suất này là 68%. Trẻ em ngày nay được tiếp cận thông tin quá dễ dàng trên mạng, và do đó, sử dụng thông tin này làm cơ sở thuyết phục bố mẹ mua hàng gì cho mình và mua từ nhãn hàng nào. Áp dụng xu hướng này, tại Target chẳng hạn, dòng sản phẩm quần áo cho trẻ em 6-12 tuổi là do một nhóm nhà thiết kế nhí đánh giá và đưa ra các yêu cầu chỉnh sửa cho đội ngũ thiết kế sản phẩm mới của công ty.

Xu hướng thứ ba là xu hướng IWWIWWIWI – I Want What I Want When I Want It – Tôi muốn thứ tôi muốn ngay khi tôi muốn. Do sự phát triển của công nghệ, ngày nay con người chúng ta luôn luôn kết nối. Sự kết nối này mọi lúc, mọi nơi, dẫn đến nhu cầu tìm hiểu thông tin, đưa ra quyết định mua hàng, và mong muốn nhận hàng ngay lập tức. Như vậy, một sản phẩm truyền thống nếu có thể được tái thiết kế theo xu hướng này, gia tăng dịch vụ cung cấp thông tin đa diện, kết nối và tương tác với khách hàng đa diện, và tăng cường dịch vụ giao hàng nhanh, tận nơi là có thể trở thành một sản phẩm mới, một startup mới.

Xu hướng thứ tư là Wabi-Sabi – tiếng Nhật là nghệ thuật khiếm khuyết. Ngày nay, do có quá nhiều thông tin được cung cấp, và cũng có quá nhiều thông tin không đúng, người tiêu dùng cần sự nguyên bản, cần tính địa phương, cần sự minh bạch, và cần nhìn tận mắt, nghe tận tai từ những con người thật, những câu chuyện thật. Đã thật thì không thể bóng bẩy, không thể hoàn hảo vì chẳng có ai hay chẳng có điều gì hoàn hảo trên đời. Điều đó lý giải vì sao người tiêu dùng ngày nay tại Việt Nam thích mua bó rau có một con sâu. Do đó, các startup có thể áp dụng xu hướng này để xây dựng câu chuyện sản phẩm của mình mang tính địa phương hơn, cộng đồng hơn, thật hơn, và đừng sợ trình bày vài điều khiếm khuyết. Những khiếm khuyết đó là thật, là nền tảng để xây dựng lòng tin đối với khách hàng. Khiếm khuyết đó là khiếm khuyết hoàn hảo.

Xu hướng thứ năm là sản phẩm và dịch vụ cho TÔI. Đã qua rồi thời kỳ doanh nghiệp tạo ra, sản xuất hàng loạt, và tôi mua hàng vì sẵn có. Công nghệ giờ đây cho phép con người có thể cá nhân hoá sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu cá nhân, theo ý thích cá nhân, và theo gu tiêu dùng cá nhân. Mọi thứ phải phục vụ cho trải nghiệm của tôi, thiết kế dành riêng cho tôi, theo nhu cầu của tôi, hiểu ý tôi, và để cho tôi có thể kể câu chuyện của tôi. Một startup mới đây tại Anh chẳng hạn, đã thiết kế ra một loại giày thể thao có gắn thiết bị thu thập thông tin sức khoẻ cá nhân, có khả năng xử lý thông tin và cho bạn biết bạn cần chạy thêm bao nhiêu cây số, đốt bao nhiêu năng lượng, cần nghỉ giữa giờ bao lâu, cần chạy nhanh hay chậm để giữ nhịp tim của mình tốt nhất, vv. Như vậy, những sản phẩm truyền thống cũng có thể sử dụng xu hướng này để tăng cường tính năng cá nhân hoá, xây dựng thành một dòng sản phẩm mới, một startup mới.


Thương hiệu Cat & Jack của Target mời nhiều trẻ em đến để phản hồi nhằm phát triển sản phẩm.

Xu hướng thứ sáu là xu hướng về sức khoẻ. Gần đây trong thời gian công tác tại Dubai, tôi có đi thăm thành phố sức khoẻ Dubai (Dubai Healthcare City). Thành phố rộng khoảng 2500 m2 và bao gồm tất cả các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc y tế, bệnh viện, trung tâm giáo dục y tế và sức khoẻ, vv phục vụ cho nhu cầu y tế cao cấp của cả khu vực Trung Đông và châu Phi. Sức khoẻ là tài sản quý giá nhất đối với mỗi người. Khi xã hội ngày càng phát triển, khi thời gian nghỉ ngơi ngày càng ít đi, thời gian làm việc tăng lên, và thu nhập cá nhân ngày càng tăng lên, con người càng chú ý nhiều hơn đến sức khoẻ. Sức khoẻ là thành đạt. Do đó, sản phẩm hay dịch vụ gì giúp ta nhìn bề ngoài khoẻ, tiện lợi tăng cường sức khoẻ mọi lúc mọi nơi, giúp ta ăn và khoẻ, giúp ta hưởng thụ và khoẻ đều có tiềm năng rất lớn.

Xu hướng thứ bảy là Everything Tech – dù sáng tạo ra sản phẩm hay dịch vụ gì cũng phải áp dụng công nghệ. Thế giới đang đứng trước những thay đổi nền tảng nhất từ ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ. Bất kỳ phương diện nào của cuộc sống con người đều bị ảnh hưởng nếu không phải từ công nghệ mobile – di động, AI – trí tuệ nhân tạo, thì cũng từ IoT – mạng lưới vạn vật kết nối, robot hay tự động hoá, công nghệ bảo vệ an toàn an ninh, vv. Do đó, tất cả các sản phẩm hay dịch vụ mới của startup nhất thiết phải cân nhắc và áp dụng công nghệ mới để có thể tiến xa vào tương lai, và tiến ra được thị trường thế giới.

Nếu có thể thay đổi một góc nhìn, từ thị trường nội địa đang phát triển sau, sang thị trường thế giới đang đi trước, từ hiện trạng thị trường Hà Nội hôm nay sang chiến lược phát triển dài hạn, dựa vào xu hướng thế giới cho tương lai, tránh kẹt vào cái bẫy vừa tung ra đã lỗi thời, startup Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, phát triển nhanh và mạnh ra khu vực và thế giới, tránh được cho mình một trận chiến cạnh tranh không cân sức ngay tại sân nhà. Xét cho cùng, thắng một cuộc chiến là thắng trong tư duy. Nếu không thay đổi tư duy để “quảy gánh băng đồng ra thế giới”, có lẽ chúng ta đang bắt đầu cuộc đua từ quá khứ, trong khi người ta đang hay đã trở về từ tương lai…
———-
1 https://www.nytimes.com/2016/08/ 04/business/smallbusiness/the-hottest-start-up-market-baby-boomers.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)