Bí ẩn đằng sau tác giả của trường ca Beowulf
Beowulf là một anh hùng ca tồn tại lâu đời nhất của tiếng Anh cổ và thường được trích dẫn là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Anglo-Saxon, một trong những tác phẩm văn học Anh bản địa sớm nhất. Nhưng đến nay, trường ca này vẫn là chủ đề của cuộc tranh luận học thuật khốc liệt: giữa những người cho rằng đây là tác phẩm của một tác giả duy nhất và một số khác cho rằng nó được ghép lại từ nhiều nguồn. Trong nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa hai luồng ý kiến, một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Madison Krieger, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Chương trình Động lực tiến hóa và Joseph Dexter, tiến sĩ từ Harvard, đã viện đến một công cụ mới mẻ và hiện đại: một chiếc máy tính.
Bức tranh mô tả vua Beowulf đối diện với con rồng lửa. Nguồn: Wikipedia.
Họ đã sử dụng một phương pháp thống kê được gọi là stylometry (phân tích phong cách viết của các nhà văn) để phân tích tất cả mọi thứ: từ vần điệu cho đến số lần một nhóm các kí tự xuất hiện trong văn bản… Với nỗ lực đó, Krieger và các đồng nghiệp đã tìm thấy bằng chứng mới cho thấy Beowulf là tác phẩm của chỉ một tác giả. Nghiên cứu được công bố trong một bài báo ngày 8 tháng 4 và được đăng trên tạp chí Nature Human Behavior.
Ngoài Krieger, nghiên cứu còn có sự góp mặt của Leonard Neidorf từ Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, một chuyên gia về trường ca Beowulf, tác giả của nhiều nghiên cứu bao gồm một cuốn sách về khả năng truyền tải của bài thơ, và Michelle Yakubek, người làm việc trong dự án từ khi còn là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Pramit Chaudhuri từ Đại học Texas ở Austin. Chaudhuri và Dexter là đồng giám đốc của Phòng thí nghiệm phê bình định lượng, một nhóm liên ngành chuyên phát triển các phương pháp tính toán cho nghiên cứu văn học và văn hóa.
“Chúng tôi đã xem xét bốn loại thủ pháp trong văn bản” Krieger nói. “Mỗi dòng có một vần, nhiều dòng còn có đặc điểm mà chúng tôi gọi là khoảng lặng, tương tự như kiểu ngắt nhịp giữa các mệnh đề và các câu văn, giống như việc dùng chấm câu trong Tiếng Anh hiện đại. Chúng tôi cũng đã xem xét các khía cạnh của việc lựa chọn từ.”
“Nhưng hóa ra một trong những điểm đáng lưu ý nhất lại không phải ở cấp độ từ, mà là ở cấp độ kết hợp chữ cái,” ông cho biết thêm. “Vì vậy, chúng tôi đã đếm tất cả các lần tác giả sử dụng phức hợp chữ cái ‘ab’, ‘ac’, ‘ad’, v.v.”
Sử dụng những thước đo đó, nhóm nghiên cứu của Krieger đã duyệt qua bài thơ Beowulf và nhận thấy những yếu tố đó đồng nhất trong toàn bộ trường ca – một kết quả ủng hộ giả thiết nó chỉ có một tác giả.
“Trong các chương, hồi của bản trường ca, chúng tôi thấy rằng có sự đồng nhất trong cách xử lý bốn yếu tố trên của tác giả. Nếu chỉ xét về bài thơ Beowulf, giữa những quãng nghỉ này không hề thể hiện có một sự thay đổi lớn về phong cách, và đây chính là một luận điểm vững chắc cho tính thống nhất của toàn bài”, Krieger giải thích.
Nghiên cứu này là nỗ lực mới nhất trong việc giải mã nguồn gốc bí ẩn của Beowulf, một trong những tác phẩm đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử văn học Anh. Từ trước đến nay, có hai cuộc tranh luận lớn về Beowulf. Một là nó được viết vào lúc nào, bởi vì khoảng thời gian sáng tác sẽ ảnh hưởng đến cách diễn giải bài thơ. Ví dụ, trường ca này được viết gần hay xa thời kì hưng thịnh của Kitô giáo là một câu hỏi quan trọng. Cuộc tranh luận thứ hai xoay quanh việc bài thơ là tác phẩm của một tác giả, hay nhiều tác giả.
“Phiên bản phổ biến đầu tiên được xuất bản vào năm 1815 và người ta ngay lập tức chỉ trích tính thống nhất của tác phẩm,” Krieger nói. “Thời trung học, ai [nghĩ về tác phẩm] cũng chỉ nhớ tới trận chiến giữa Beowulf với quái vật Grendel và mẹ của Gredel, và có thể với cả con rồng nữa, nhưng nếu quay lại đọc toàn bộ trường ca, sẽ có rất nhiều đoạn lạc lõng, ví dụ như Beowulf giỏi bơi lội như thế nào, và những đoạn khác kể về hàng trăm năm trước đó nói về những vị vua anh hùng chẳng hề liên quan đến nội dung của câu chuyện. Vì vậy, cách chúng ta đọc nó hiện nay…có vẻ rất rời rạc.”
Một bằng chứng khác về vấn đề thiếu thống nhất trong sáng tác trường ca này có thể phát hiện ra ngay chỉ bằng việc nhìn vào văn bản.
“Nét chữ (trong bài thơ) khác nhau.” Krieger nói. “Tại một điểm ngẫu nhiên trong bài thơ, thậm chí ngay ở giữa câu, chữ viết tay của người ghi chép đầu tiên dừng lại, và một người khác tiếp tục viết. Vì rõ ràng là người thứ hai hiệu đính cả nội dung của người thứ nhất, bởi vậy nên mặc dù hiện nay không ai thực sự nghĩ rằng đây là hai người này là hai nhà thơ khác nhau, hoặc cùng nhau viết một số đoạn của trường ca ở những vị trí ngẫu nhiên giữa những câu thơ, bằng chứng này lại nghiêng về giả thuyết cho rằng, theo bút tích của Beowulf, và có thể đó chính là bút tích bản gốc của bài thơ, thì trường ca này là một tác phẩm tập thể.
Trong thế kỷ XIX, quan điểm phổ biến trong giới học thuật là bài thơ phải là tác phẩm của nhiều tác giả. Mãi đến đầu thế kỷ 20, một nhà văn, một cái tên gắn liền với khả năng kể chuyện thiên tài, đã thách thức quan niệm đó.
Cái tên đó là J.R.R. Tolkien, tác giả của “Chúa tể những chiếc nhẫn”.
“Tolkien là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho giả thiết một tác giả”. Krieger cho biết. “Ông là một học giả Beowulf nổi tiếng, và đã viết một tác phẩm mang tính bước ngoặt vào năm 1936 có tên là “Những con quái vật và các nhà phê bình” (The Monsters and the Critics)”. Chính trong tác phẩm này, ông đã làm sống lại ý tưởng rằng chỉ có một tác giả duy nhất viết bản trường ca.
Trọng tâm lập luận của Tolkien, Krieger nói, là cách mà Kitô giáo được phản ánh trong văn bản. “Sự phát triển của Kitô giáo trong Beowulf rất thú vị, bởi vì mỗi nhân vật trong đó đều theo pagan giáo (thực hành tín ngưỡng đa thần), kể cả tuyến nhân vật phụ” Krieger nói. “Beowulf từ miền nam Thụy Điển đến Đan Mạch để giúp các dân tộc Đức pagan giáo chiến đấu với quái vật … nhưng bài thơ lại thấm đượm góc nhìn Kitô giáo và được phủ lên bởi ngôn ngữ Kitô giáo.” Bằng chứng từ những tính toán trong nghiên cứu đã giúp ủng hộ quan điểm của Tolkien từ một góc nhìn mới. “Các lập luận dựa trên nội dung của bài thơ hoặc tôn giáo của tác giả tất nhiên là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là các lập luận dựa trên các chi tiết và lối viết. Giá trị của chúng nằm ở chỗ chúng có thể kiểm chứng được. Mặc dù không tin rằng nghiên cứu mới này sẽ giúp kết thúc các cuộc tranh luận về quyền tác giả của Beowulf, Krieger tin rằng nó có thể giúp làm sáng tỏ những quan điểm mới về văn học truyền thống Anh.
“Nếu chúng ta thực sự tin rằng đây là một tác phẩm mạch lạc được viết bởi một người, thì tại sao nó lại có những đặc điểm kì dị như vậy?” Krieger đặt ra câu hỏi. “Có lẽ một trong những vấn đề lớn nhất là cách chúng ta cấu trúc một câu chuyện hồi đó. Có lẽ chúng ta đã mất khả năng đọc thơ văn theo cách của người thời đó, và giờ đây chúng ta nên tìm hiểu xem những khía cạnh kì dị đó khớp với câu chuyện như thế nào.
Krieger và các đồng nghiệp đang hy vọng áp dụng các công cụ phân tích trong nghiên cứu này vào các tác phẩm văn học dân gian và kinh điển khác. “Ngay cả những tác phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng như Iliad và Odyssey vẫn chưa được phân tích bằng cách sử dụng các công cụ tính toán,” Krieger nói. “Các công cụ này, mặc dù vô cùng quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua khi phân tích các tác phẩm dân gian, và chúng tôi hi vọng có thể khiến chúng trở nên phổ biến hơn, để thay đổi cách tiếp cận các vấn đề tương tự.”
Krieger cũng hy vọng sẽ sử dụng các kỹ thuật trên để hiểu sự phát triển phong cách của tiếng Anh trong suốt lịch sử.”
“Đặt tiếng Anh cổ vào đúng bối cảnh của nó là một tiền đề quan trọng,” ông nói. “đây chính là cái nôi của văn học Anh. Từ đây, chúng ta có thể xem xét nhiều khía cạnh trong sự phát triển của phong cách viết, không chỉ ngữ pháp, mà còn ở cấp độ văn hóa, thị hiếu người đọc và cách các yếu tố này thay đổi theo thời gian.”
Krieger còn cho rằng công cụ phân tích trong nghiên cứu này, ngoài soi sáng các tác phẩm văn học lâu đời, còn có những ứng dụng trong đời sống hiện đại, như phát hiện ra những tổ chức cực đoan chuyên đi khiêu khích trên mạng và tin tức giả mạo (fake news).
“Chúng ta biết hàng ngàn bài đăng trên Facebook đã được viết bởi cùng một nhóm chuyên đưa tin tức rác của người Macedonia trong cuộc bầu cử năm 2016”, ông nói. “Nếu chúng tôi có một số cách để xác định rằng các bài đăng có khả năng được viết bởi cùng một tác giả, điều đó rõ ràng sẽ rất hữu ích trong việc ngăn chặn các chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch.”
Mặc dù Krieger tin rằng nghiên cứu này là một ví dụ điển hình về cách bí mật của các văn bản cổ có thể được khám phá thông qua việc sử dụng các công cụ hiện đại. “Đây là bước đầu tiên trong việc làm mới một cuộc tranh luận cũ bằng các phương pháp mới” ông nói. “Đó là sự mở rộng quan trọng, và thật thú vị khi một vấn đề được coi là rất truyền thống lại có thể được giải quyết bằng các phương pháp tiên tiến mà có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực nhân văn và khoa học.”
Hạnh Duyên dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2019-04-beowulf-statistical-technique-evidence-english.html