Bí quyết thành công của Medicon Valley

Đằng sau thành công của Medicon Valley, hay nói rộng ra là cả vùng Oresund, là một cơ chế quản lý linh hoạt và những chính sách khuyến khích hợp tác của Ủy ban vùng Oresund, nơi được cả các tổ chức chính phủ, tư nhân và phi lợi nhuận ủng hộ.

 

Trường đại học Lund là một trong nơi thực hiện nhiều sáng kiến hợp tác của vùng Oresund. Nguồn: Đại học Lund.

Sáng tạo từ thành công và thất bại

Để trở thành một trung tâm KHCN tầm cỡ châu lục và thế giới, nơi cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo tốt và môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các startup phát triển và thu hút các công ty đa quốc gia, Oresund cần được quản lý theo kiểu khác. Do đó, trong quá trình xây dựng cây cầu Oresund và hình thành vùng xuyên biên giới Oresund, chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển đã thống nhất về một cơ chế quản lý hiệu quả và hợp lý cho “vùng đất mới”. Ủy ban Oresund – một nền tảng quản trị có sự tham gia của đại diện các vùng địa phương của hai quốc gia, nắm quyền quyết định những vấn đề mang tính chiến lược của vùng còn trách nhiệm điều hành chính ở Oresund là Hội đồng thư ký và sự hỗ trợ của nhiều tổ chức như Phòng Thương mại Oresund, Hội đồng Kinh doanh Oresund, Tổ chức hỗ trợ thị trường nhân lực Oresund Direkt, Viện nghiên cứu Oresund…

Ở vùng đất mới này, việc lập những tổ chức điều hành các mảng công việc, hay nói đúng hơn là các nền tảng đổi mới sáng tạo công tư, đều thông qua các sáng kiến – các dự án Interreg do Quỹ Phát triển vùng châu Âu tài trợ cho Ủy ban Oresund. Không tài trợ riêng cho vùng Oresund nhưng chính tại nơi này, hiệu quả từ tài trợ của Quỹ phát triển vùng châu Âu được thể hiện rõ nét khi “thế hệ đầu tiên của các dự án hợp tác do EU tài trợ này hết sức thành công và có một tác động rõ ràng, thậm chí đầy ý nghĩa cho sự cải thiện khung kinh tế và thúc đẩy hiểu biết văn hóa xã hội”. Những dự án trong suốt hai thời kỳ 1994-1999, 2000-2006 đã trở thành công cụ xây dựng cơ sở đổi mới sáng tạo ở Oresund: cụm công nghiệp trên nền tảng khoa học, mạng lưới doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội đồng Kinh doanh Oresund, trường đại học Oresund, Vùng khoa học Oresund (nơi thiết lập thêm 7 nền tảng hợp tác: Medicon Valley, IT Oresund, Oresund environment, Oresund Food Network, Oresund Logistics, Diginet Oresund và Nano Oresund).

Các sáng kiến này đều có sự tham gia của lĩnh vực công, tư và phi lợi nhuận tham gia – đây là một cách tiếp cận sáng tạo vào cuối những năm 1990, trong đó lĩnh vực công vẫn đóng vai trò chủ đạo thông qua nguồn kinh phí đóng góp. Nhiều sáng kiến như Medicon Valley, Oresund Food Network, Oresund Logistics… đã thành công và được tiếp tục mở rộng sau khi kết thúc giai đoạn tài trợ đầu tiên. Điển hình trong số này là việc Medicon Valley và Oresund Food Network đã kết hợp cùng mở dự án “Thực phẩm + Dược phẩm = Sức khỏe không giới hạn” (Food + Pharma = Unlimited Health) nhằm kết nối thành mạng lưới liên kết giữa các trường đại học, bệnh viện, giới công nghiệp, chính quyền và hệ thống chăm sóc sức khỏe vùng Oresund. Thành công của dự án này đã được tiếp nối bằng Foodbest Oresund nhằm củng cố công nghệ thuộc hai lĩnh vực này và tăng cường sức cạnh tranh của ngành công nghiệp thực phẩm Oresund ra ngoài biên giới châu Âu. Nó trở thành một dự án thành phần của chuỗi Foodbest châu Âu – một khối hợp tác của Pháp, Ý, Hà Lan và Anh.

Tuy nhiên, cũng có những sáng kiến phải kết thúc khi hết tài trợ, không phải vì nó không tạo ra sản phẩm chất lượng mà bởi cam kết của các bên tham gia chưa đủ mạnh như với trường hợp trường đại học Oresund hoặc không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia do quy tắc tài trợ của EU như trường hợp của Nano Oresund hoặc đơn giản là các dự án thành phần hiệu quả hơn và không cần đến một tổ chức cao hơn quản lý nữa như trường hợp Vùng khoa học Oresund.

Vì vậy, các nhà quản lý nhận ra rằng, để có được thành công ở vùng Oresund, các sáng kiến cần phải được xây dựng ở cả hai khía cạnh từ trên xuống và từ dưới lên. Thuyết phục được Liên minh châu Âu tài trợ là một may mắn nhưng cần phải có “chiến lược tồn tại” với sự đồng thuận từ nhiều bên khác, đảm bảo cam kết đầu tư lâu dài của họ còn sự tham gia của Ủy ban Oresund chỉ là điều phối. Việc giữ cho các bên tham gia có được tiếng nói của mình trong viêc đề xuất và thực hiện dự án, đặc biệt quan tâm đến ý kiến của khối công nghiệp – thành phần quan trọng để các kết quả sáng kiến “sống” được, đã được Ủy ban Oresund cũng như các tổ chức khác coi trọng hơn. Đây cũng là lý do để Medicon Valley Accademia – một mạng lưới được thành lập trên sáng kiến của hai trường đại học top 100 thế giới là đại học Copenhagen, Lund để thúc đẩy sự phát triển của Medicon Valley, được đổi tên thành Liên minh Medicon Valley hướng tới mục tiêu tăng cường sự kết nối, trao đổi hiểu biết giữa các nhà nghiên cứu với giới công nghiệp, chuyển giao công nghệ, trao nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế… thông qua việc tạo dựng một môi trường hoạt động đổi mới sáng tạo và có khả năng sinh lợi nhuận.

Để hoạt động được hiệu quả, cấu trúc của Liên minh đã được tinh giản để có thể dễ dàng thay đổi va đáp ứng được những yêu cầu mới và trở ngại có thể gặp. Khi nhận thấy là tài trợ của Quỹ Phát triển vùng châu Âu có thể dừng bất cứ lúc nào, một mặt họ cố gắng cắt giảm kinh phí hoạt động bằng việc sử dụng nhiều tình nguyện viên hơn, mời thêm các công ty công nghệ sinh học – những đối tác được giới thiệu về khả năng mở rộng kinh doanh với những sản phẩm mới từ các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, mặt khác họ tìm cách giảm thiểu thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa nhà khoa học.

Những đổi mới không ngừng như vậy đã đưa Medicon Valley tới thành công, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thành lập những startup mới. Những thành công ấy thậm chí còn kích thích cả những người khác, vốn không liên quan đến công nghệ sinh học nhưng cũng thành lập startup trong lòng Medicon Valley. Đó là trường hợp nhà vật lý hạt Thụy Điển Elina Berglund, từng nghiên cứu hạt Higgs boson tại CERN. Khi phát hiện ra rằng những thuật toán cô yêu thích có thể giúp xác định được những chu kỳ sinh học trong cơ thể con người, năm 2013, cô đã lập một công ty mang tên Natural Cycles để phát triển các thuật toán đó thành ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trả lời Nature về lý do vì sao chuyển hướng công việc, Elina Berglund cho biết: “Nếu ở Thụy Sỹ thì chúng tôi tự phải làm nhiều thứ, đi photo chủ tục giấy tờ, đến văn phòng công chứng còn ở đây mọi thứ đều rất nhanh, ít thủ tục hành chính và một môi trường tốt cho đổi mới sáng tạo”. Quan điểm của cô cũng giống như các đồng nghiệp khi trao đổi với các nhà đánh giá của tổ chức OECD “tất cả mọi thứ đều đã sẵn sàng ở đây, chúng tôi chỉ việc đặt những thứ của mình vào đúng chỗ”.

Thành công vẫn còn chưa đủ

Các nhà sinh học được phép lên đảo nhân tạo Peberholm để nghiên cứu về hệ sinh thái nơi này. Nguồn: Sydsvenskan.

Medicon Valley đã trở thành một thương hiệu của vùng xuyên biên giới Oresund. Tuy nhiên, các nhà quản lý vùng Oresund và các nhà khoa học đều nhận thấy một nguy cơ cạnh tranh ở phía trước, đó là sự đầu tư rất lớn của Trung Quốc vào công nghệ sinh học với hai địa điểm là Bắc Kinh và Thượng Hải thông qua việc lập Viện Hệ Gene Bắc Kinh và thực hiện một số sáng kiến nghiên cứu về não người, giải trình tự gene, công chỉnh sửa gene… Vì vậy, Oresund đã quyết định lập thêm những sáng kiến mới, không chỉ trên quy mô liên vùng mà còn ở quy mô châu Âu, thu hút sự tham gia của nhiều cường quốc hơn.

Muốn đạt được mục tiêu đó, tầm nhìn của Oresund phải trải rộng hơn “vùng an toàn” khoa học sự sống, tuy nhiên vẫn tận dụng được những hiểu biết của ngành này. Với xu thế liên ngành, khoa học sống có thể tham gia vào rất nhiều nghiên cứu của các ngành khoa học khác, ví dụ khoa học vật liệu để có thể làm ra các vật liệu hữu cơ, vật liệu lai, vật liệu y sinh… cần thiết để tạo ra những sản phẩm “xanh” và thân thiện với môi trường. Đó là một trong những nguyên nhân để Oresund thiết lập sáng kiến MAX IV, một phòng thí nghiệm với máy synchrotron thế hệ mới MAX IV ở Lund. Trên cơ sở kinh nghiệm có được từ việc thiết kế và lắp đặt các máy gia tốc synchrotron: MAX I (550 MeV), MAX II (1,5 GeV) và MAX III (700 MeV), MAX IV được được đánh giá là cỗ máy có chùm tia mạnh nhất thế giới vào thời điểm đi vào hoạt động, năm 2019, và có khả năng tạo điều kiện cho hơn 2.500 người làm việc hàng năm. Oresund dự báo, có khoảng 30 quốc gia quan tâm và gửi đề xuất làm việc khi cỗ máy chính thức đi vào hoạt động.   

Những kinh nghiệm trong triển khai các sáng kiến hợp tác của Oresund cũng như đội ngũ các nhà nghiên cứu trường đại học Lund do giáo sư Mikael Eriksson – người thiết kế và lắp đặt các thế hệ synchrotron, đã thuyết phục châu Âu bỏ qua Bilbao (Tây Ban Nha) và Debrecen (Hungary) để chọn Lund làm địa điểm của Trung tâm nghiên cứu đa ngành European Spallation Source (ESS), một cơ sở nghiên cứu với luồng xung neutron mạnh nhất thế giới khi đưa vào sử dụng năm 2023, và vận hành toàn công suất vào năm 2025. Đây không chỉ là nơi giúp các nhà khoa học thấy và hiểu rõ các lực và cấu trúc hạt nhân cơ bản tại các thang độ thời gian mà những nguồn neutron hiện nay chưa thể làm được mà còn giúp khám phá và phát triển những vật liệu mới với những ứng dụng cho ngành công nghiệp, sản xuất thuốc, hàng không, năng lượng, vận tải, kỹ thuật viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Thậm chí, Trung tâm này còn được thiết kế để trung hòa được carbon nên được chờ đợi sẽ giảm thiểu được lượng khí thải CO2 trong cả vùng.

17 quốc gia châu Âu đã tham gia thực hiện sáng kiến Trung tâm ESS. Trong quá trình 15 năm xây dựng ESS, hơn 300 nhà khoa học đã cùng nhau thực hiện nhiệm vụ này với mục tiêu đưa nơi này thành mái nhà chung của gần 4000 nhà nghiên cứu trong và ngoài châu Âu mỗi năm – mở ra một cơ hội hợp tác mới và có thể một tương lai mới cho Oresund.

Một trong những bí quyết của Oresund là phát triển bền vững môi trường theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Quá trình xây dựng cầu Oresund cho thấy điều đó. Thay vì phá hủy Saltholm – một hòn đảo tự nhiên ở gần cầu cây văng và đường hầm dưới biển Drogden, họ đã tạo ra Peberholm – một hòn đảo nhân tạo cách đảo tự nhiên 800m, làm điểm nối giữa hai phần cầu. Dù là nhân tạo nhưng cơ chế của tự nhiên đã đem lại sự sống cho Peberholm. Theo một điều tra năm 2011, nơi đây là nhà ở của 25 loài chim, 500 loài cây, 345 loài bọ cánh cứng, 421 loài bướm và 18 loài ong, hầu hết là loài đặc hữu của Đan Mạch và Thụy Điển. Ngày nay, Peberholm được bảo vệ một cách tối đa, chỉ có những nhà sinh học mới được phép đến thường xuyên khu vực này để phục vụ nghiên cứu.

 

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn: http://ec.europa.eu/regional_policy/en/projects/best-practices/sweden/1359/download

https://www.oecd.org/cfe/regional-policy/publicationsdocuments/Oresund.pdf

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)