Bí quyết xây dựng thành công cơ sở ươm tạo trong trường ĐH
TS Eryadi K Masli và TS Jerome Donovan (trường ĐH Công nghệ Swinburne, Australia) cho biết, để xây dựng thành công cơ sở ươm tạo trong trường ĐH ở Việt Nam ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về vốn vả khâu R&D.  
Trong khuôn khổ hội thảo “Xây dựng chính sách hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN”, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/3, TS Eryadi K Masli và TS Jerome Donovan đã trình bày báo cáo “Xây dựng thành công cơ sở ươm tạo trong trường ĐH tại Việt Nam”.
Theo TS Eryadi K Masli và TS Jerome Donovan, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp hỗ trợ chủ yếu bằng hai cách chính: đào tạo kỹ năng quản lý và đem lại không gian làm việc tốt. Các hoạt động ươm tạo đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp cần bao gồm việc cung cấp dịch vụ, hỗ trợ hoạt động, phát triển kỹ năng, hỗ trợ vốn hạt giống (seed capitals). Các diễn giải lý giải, các vườn ươm cần được hỗ trợ mảng công việc kinh doanh cơ bản và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp gia nhập mạng lưới liên kết với các doanh nghiệp khởi nghiệp khác. Ngoài hệ thống cơ sở vật chất cần thiết như không gian làm việc, mạng internet chất lượng cao…, các vườn ươm nên đem lại cho những khách hàng của mình những dịch vụ khác như hỗ trợ quản lý tài chính/kế toán, hỗ trợ kỹ năng thuyết trình để thuyết phục nhà đầu tư, cung cấp các chương trình đào tạo về kinh doanh.
Một trong những điều các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu hụt là vốn đầu tư ban đầu để phát triển dự án của mình. Vì vậy vườn ươm cần hỗ trợ họ bằng cách cho tiếp cận vốn vay ngân hàng và những chương trình bảo lãnh khác. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với các vườn ươm. Tuy nhiên bằng uy tín của mình, vườn ươm có thể giúp họ tiếp cận với nhà đầu tư thiên thần (angel investor) hoặc một Quỹ đầu tư vốn mạo hiểm nào đó. Để mọi việc diễn ra tốt đẹp, vườn ươm sẽ trở thành cầu nối để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm.
Với những nỗ lực của mình, vườn ươm có thể đem lại nhiều kết quả hữu ích như gia tăng việc làm, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo, khuyến khích thương mại hóa công nghệ, góp phần đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống và hạn chế thất bại của các nhà khởi nghiệp.
Để minh chứng cho luận điểm của mình, các diễn giả đã lấy ví dụ từ Mỹ, nơi có 41.000 doanh nghiệp khởi nghiệp từ 1.250 vườn ươm (theo số liệu năm 2012). Sau năm năm hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp “sống sót” đạt 87%, cao hơn gần gấp đôi so với lượng doanh nghiệp khởi nghiệp không tham gia vào các vườn ươm. Không chỉ tạo ra 200.000 việc làm, các doanh nghiệp này còn đem lại doanh thu hàng năm là 15 tỷ đô la.
Tuy nhiên không phải bao giờ các vườn ươm cũng đạt được thành công như mong muốn của các nhà sáng lập. Ví dụ tại Indonesia, tính đến năm 2005 sở hữu 32 vườn ươm, trong đó 75% thuộc hệ thống trường ĐH dân lập và công lập, số còn lại thuộc các chủ sở hữu khác. Sau một thời gian hoạt động, chỉ có 9/32 vườn ươm còn tồn tại. Tương tự, Australia cũng chứng kiến sự thiếu hiệu quả trong các hoạt động ươm tạo, dù đã rót vào Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo (IIF) tới 600 triệu đô la Australia. Nguyên nhân thất bại được xác định là “một phần do cung cách quản lý quan liêu nên hạ chế khả năng chủ động trên thị trường của các doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Qua những ví dụ thành công và thất bại này, TS Eryadi K Masli và TS Jerome Donovan đã nhận thấy những vấn đề gặp phải trong quá trình quản lý, điều hành của các vườn ươm tại trường ĐH. Trước hết, họ không có đủ các nhà quản lý tận tâm và có kiến thức sâu về kinh doanh để sẵn sàng cố vấn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Về quản lý điều hành vườn ươm, hoặc là họ mang tư tưởng quan liêu, hoặc lại bị rơi vào thế không chủ động xử lý công việc do bị trường ĐH, nơi đặt vườn ươm, can thiệp quá sâu vào hoạt động ươm tạo. Mặt khác, vườn ươm thiếu liên kết, hợp tác với các tổ chức bên ngoài, hạn chế về vốn do phần lớn kinh phí hoạt động đều lấy từ ngân sách trường…
Để đạt được thành công, TS Eryadi K Masli và TS Jerome Donovan nhận định, các vườn ươm trước hết phải có sự cam kết ủng hộ mạnh mẽ từ trường ĐH và đảm bảo quyền tự quyết trong hoạt động. Đồng thời, các vườn ươm cần phải có đủ các yếu tố sống còn như đội ngũ quản lý, cố vấn giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, có vốn ban đầu cùng khả năng tiếp cận được vốn vay tiếp theo, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tốt và hộ trợ trong khâu R&D, tiếp cận vơi các ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, trong quá trình quản lý điều hành, vườn ươm cần minh bạch các hoạt động liên quan đến ký kết hợp đồng với doanh nghiệp khởi nghiệp, những vấn đề ưu đãi các bên tham gia…