Bia – bí quyết của hội họa Đan Mạch thời kỳ vàng

Một bí quyết tình cờ đã góp phần đem lại cho Thời kỳ vàng của hội họa Đan Mạch những kiệt tác nghệ thuật.

Bức “Two Russian Ships of the Line Saluting” (1827) của Christoffer Wilhelm Eckersberg.

Dẫu không nổi tiếng bằng các nền hội họa khác ở châu Âu như Hà Lan, Pháp, Ý…, nhưng hội họa Đan Mạch cũng có thể tự hào về thời kỳ vàng của mình, một thời kỳ sáng tạo đặc biệt trỗi dậy vào nửa đầu thế kỷ 19. Thật kỳ lạ, đây cũng là thời điểm Copenhagen trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là phải hứng chịu những trận oanh tạc mà Anh nhắm vào hạm đội Đan Mạch-Na Uy trong Chiến tranh Napoléon. Việc xây dựng lại thành Copenhagen đã đưa nó vượt ra khỏi thành lũy cũ, tạo ra những chân trời mới cho sự mở rộng đô thị.

Đó cũng là những tiền đề quan trọng để nghệ thuật Đan Mạch chuyển sang một thời kỳ sáng tạo mới với sự thúc đẩy của Chủ nghĩa lãng mạn Đức, thể hiện ở hầu hết các khía cạnh của đời sống nghệ thuật quốc gia như âm nhạc, văn học, điêu khắc, sân khấu, và dĩ nhiên là hội họa. 

Ở đây, cái nhìn mới đã đưa hội họa bước vào thời kỳ thay đổi. Nếu trước đây, nghệ thuật là để phụng sự triều đình và tôn giáo thì nay các họa sĩ như Christoffer Wilhelm Eckersberg và các môn đệ của ông nhận thấy, với sự xuất hiện của công nghiệp hóa, tầng lớp trung lưu đang ngày một trở nên quyền lực và có nhiều ảnh hưởng hơn. Từ đây, loại nghệ thuật phản ánh những chủ đề lịch sử rộng lớn phải nhường chỗ cho những chủ đề mới, đời thường bình dị và phong cảnh, trong đó tập trung vào miêu tả ánh sáng phương Bắc, chủ đề cho phép các họa sĩ sử dụng các nét cọ mềm thể hiện sự tương phản màu sắc một cách rõ nét. Việc truyền lên mặt toan các cảnh tượng huy hoàng do ánh sáng phương Bắc tạo nên trên thực tế là một phiên bản lý tưởng của thực tại, thậm chí còn hiện thực hơn cả thực tế. Trong những chủ đề sinh hoạt trong nhà, họ tập trung vào mô tả chân dung các nhóm người, thường là những người bạn thân của mình.

Phụ phẩm của quá trình làm bia có thể đã được đưa vào mặt toan như một chất nền khá lý tưởng. 

Cecil Krarup Andersen, nhà bảo tồn hội họa tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch

Thông thường, đối với các bức phong cảnh, các họa sĩ thường chuẩn bị một mảnh vải, sau đó sử dụng các hợp chất có thể giúp gắn kết các màu vẽ với mặt vải dệt. Các đồng nghiệp hiện đại của họ thường sử dụng một loại polymer tổng hợp gọi là gesso – hay còn gọi là keo gesso, một hỗn hợp sơn màu trắng phủ lên các bề mặt làm chất nền lót thấm hút lâu dài để tô màu lên. Tuy nhiên 200 năm trước, các nghệ sĩ thường phải tự pha rất nhiều hợp chất khác nhau để tạo ra một chất kết dính ưng ý. 

Với câu hỏi là các họa sĩ thời kỳ vàng của Đan Mạch có sử dụng loại keo làm từ động vật hay không cho các mặt toan của mình, các nhà nghiên cứu ĐH Copenhagen, Học viện Hoàng gia Đan Mạch và Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Đan Mạch đã tìm hiểu mười bức tranh của Christoffer Wilhelm Eckersberg, người được mệnh danh là “cha đẻ của hội họa Đan Mạch”, và học trò ông là Christen Schiellerup Kobke. Cecil Krarup Andersen, nhà bảo tồn tranh tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch, chia sẻ với hãng thông tấn AP “Sau đó, thật ngạc nhiên, chúng tôi đã tìm thấy một thứ hoàn toàn khác với điều mình nghĩ”.

Phát hiện thú vị này được họ trình bày trong công trình “Proteomic identification of beer brewing products in the ground layer of Danish Golden Age paintings” (Nghiên cứu protein của các sản phẩm bia trên lớp nền của các bức họa Thời kỳ vàng của Đan Mạch), mới được xuất bản trên tạp chí Science Advance

Bí mật của thời kỳ vàng 

Đằng sau một bức tranh đẹp là mặt toan, tuy nhiên với những vị khách đến bảo tàng để thưởng lãm cái đẹp nghệ thuật, bề mặt đan dệt của những sợi vải có thể không phải là thứ hấp dẫn cho lắm. Dẫu vậy, góc nhìn khoa học thì khác biệt một chút. Thông tin cụ thể và chi tiết về mặt toan và các thành phần hợp chất hóa học vô cùng quan trọng với các nhà nghiên cứu, bởi nó sẽ gợi mở cho họ các giải pháp bảo tồn tranh và hơn thế, rọi cái nhìn sâu sắc hơn vào quá trình sáng tạo của một danh họa cũng như cách họa sĩ trưởng thành. Tất cả như thể chúng ta đang đứng ở ngay đằng sau họa sĩ và quan sát cách họ lao động miệt mài.

Trong nhiều thập kỷ gần đây, việc ứng dụng các kỹ thuật vào phân tích các tác phẩm nghệ thuật đã trở nên vô cùng phổ biến bởi sự hữu dụng của nó trong việc hướng dẫn phục chế và bảo tồn nghệ thuật. Không chỉ có vậy, cách tiếp cận này còn đem lại “những hồ sơ phân tử lịch sử” về bối cảnh văn hóa và xã hội mà tác phẩm nghệ thuật khởi sinh. Thậm chí, vật liệu được sử dụng cho các tác phẩm nghệ thuật cũng phản ánh một cách trực tiếp khả năng tiếp cận vật liệu, mạng lưới giao thương, thói quen của thời đại cũng như sự biểu hiện nghệ thuật của nghệ sĩ và thời kỳ nghệ thuật đó. 

Nhóm các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã trích xuất các mẫu bé xíu có đường kính bằng một đầu bút chì từ mười tác phẩm nghệ thuật được vẽ từ những năm 1820 đến những năm 1830 rồi dùng phương pháp khối phổ nối tầng để phân tích đặc điểm của các protein có trong mẫu, nhận diện được từng loại vật liệu protein, nguồn gốc ban đầu của nó cũng như các dạng phá hủy mà nó có thể gây ra theo thời gian cho các bức họa nó góp phần tạo thành. Kết quả thu về thật bất ngờ: họ tìm thấy trong các mẫu một lượng rất lớn protein từ men bia, lúa mì, lúa mạch, hạt kiều mạch và lúa mạch đen – tất cả đều là những dấu hiệu nhận biết của những nguyên liệu đầu vào cho bia. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu là nhà hóa sinh Fabiana Di Gianvincenzo nói với Artnet News rằng bảy tác phẩm chứa protein các loại ngũ cốc và men đều là những tác phẩm được sáng tác sớm nhất và có liên quan đến Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch. “Điều này không phải là sự ngẫu nhiên. Nó cho thấy, công thức ‘làm bia’ này đã được sử dụng trong các xưởng vẽ của Học viện”, cô nói. 

Vật liệu được sử dụng cho các tác phẩm nghệ thuật cũng phản ánh một cách trực tiếp khả năng tiếp cận vật liệu, mạng lưới giao thương, thói quen của thời đại cũng như sự biểu hiện nghệ thuật của nghệ sĩ và thời kỳ nghệ thuật đó. 

Vậy sự xuất hiện của nó trên các bức tranh là do ngẫu nhiên hay chủ ý của các họa sĩ? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu nhìn vào mối liên kết của các thành phần trong mẫu. Họ phát hiện ra, các protein được tìm thấy ở đây đều là nguyên liệu sản xuất bia hoặc rượu, các mẫu cũng hiển thị sự phân rã từ từ. Sự liên kết giữa các enzyme và các chất nền đều chỉ dấu là các vật liệu đều được lên men có chủ đích, trong suốt quá trình men chuyển đổi bột thành ethanol. Quá trình này có thể xảy ra trước hoặc sau khi các họa sĩ đưa hợp chất này vào lớp nền trên mặt toan. Nếu sự lên men xảy ra sau khi được đưa lên mặt toan thì sẽ dẫn đến sự hủy hoại mặt toan do quá trình lên men. Bởi sản phẩm của khí carbon dioxide liên quan đến con đường chuyển hóa có thể tạo ra sự hình thành các lỗ trống dễ nhận biết trên các lớp màu vẽ. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là các nhà nghiên cứu đều không thấy sự thay đổi như vậy trong các mẫu, qua đó có thể đi đến kết luận là quá trình lên men đã diễn ra trước khi hai họa sĩ sử dụng nó. Mặt khác, việc nhiễm bẩn trong quá trình bảo quản hoặc lây mẫu đã được kết quả phân tích loại trừ. 

Như vậy, rõ ràng là hai thầy trò Eckersberg đã sử dụng những phụ phẩm của quá trình làm bia hoặc aquavit – một loại rượu chưng cất từ ngũ cốc hoặc khoai tây, chủ yếu được sản xuất ở Scandinavia từ ​​thế kỷ 15. Ở đây, các nhà nghiên cứu nghiêng về bia hơn bởi đây là dạng đồ uống phổ biến ở Đan Mạch trong thế kỷ 19 và trong các mẫu được phân tích, không có bóng dáng của protein của bột khoai tây. Người ta thường ưu tiên chọn bia để giải khát, một phần do nước sông giai đoạn này bị ô nhiễm, không thực sự an toàn để uống trực tiếp. Người Đan Mạch thường sản xuất và uống một lượng bia lớn trong suốt thời kỳ này, điều đó cho thấy các sản phẩm phụ của quá trình làm bia thường sẵn có. Cecil Krarup Andersen, nhà bảo tồn hội họa tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch, cho rằng phụ phẩm của quá trình làm bia có thể đã được đưa vào mặt toan như một chất nền khá lý tưởng. 

Khía cạnh đời thường trong nghệ thuật

Theo một số tài liệu cổ của Đan Mạch thì bia từng được sử dụng trong nghệ thuật trong việc làm sạch và phục hồi các bức tranh, và cũng nêu khá cụ thể về việc sử dụng bia làm chất kết dính màu vẽ, lót cho các lớp màu vẽ. “Bia là một phần quan trọng trong văn hóa Đan Mạch”, Cappellini nói. “Phát hiện ra nguồn gốc của bia trong hội họa Đan Mạch vì thế vô cùng có ý nghĩa”. 

Câu chuyện về bia trong hội họa Đan Mạch khiến người ta nhớ đến một tập trong bộ phim hoạt hình “The Simpsons” (Gia đình Simpson), nhân vật Homer Simpson đã nâng một vại bia lên “Bia thần thánh! Nguyên nhân và giải pháp cho mọi vấn đề trong cuộc đời”. Cuối cùng thì các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này là sự thật với hội họa Đan Mạch thế kỷ 19.


Thông thường hàm lượng đường cao trong bia khi lên men cũng khiến cho các phụ phẩm của bia có độ bền như một chất kết dính. Sau khi lên men bia, sản phẩm cuối cùng được tách ra khỏi men có thể đã được thu gom và tái sử dụng trong các quy trình sản xuất khác. Đặc biệt, ở Copenhagen vào thời kỳ tiền công nghiệp, các nhà sản xuất bia vẫn tái sử dụng loại men chất lượng cao nhất để sản xuất bia nhưng luật pháp quy định họ phải cung cấp một phần sản phẩm phụ cho những người thợ làm bánh trong thành. Bất kỳ loại men nào còn sót lại sau đó đều có thể được bán ra thị trường, thường được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Bối cảnh lịch sử này chỉ dấu là các họa sĩ Đan Mạch ở Học viện Mỹ thuật hoàng gia có thể đã dùng những chất liệu đặc biệt này cho các tác phẩm nghệ thuật của mình, đặc biệt gia cố mặt toan và làm chất cố kết màu sơn.

Việc kết hợp các bức thư, nhật ký của các họa sĩ và các tài liệu cổ đem lại cho các nhà nghiên cứu một cái nhìn thấu suốt hơn và nhiều chi tiết hơn về cách người ta sử dụng bã bia. “Đây chính là vẻ đẹp của nghiên cứu này”, Andersen nhận xét, không khỏi tự hào. “Chúng tôi cần nhau để làm sáng tỏ vấn đề”. Ví dụ, trong số 10 bức phân tích, có bảy bức được Eckersberg và Købke vẽ trong thời kỳ ở Học viện Mỹ thuật Hoàng gia, ba bức còn lại Købke vẽ ở nửa sau những năm 1830, khi ông đã rời đi. Nhật ký của Eckersberg đề cập đến việc học trò của mình vẫn thường sử dụng dịch vụ của trường để hỗ trợ quá trình chuẩn bị vẽ của mình. Ông cũng sử dụng các loại toan này cho đến cuối những năm 1830 bởi trước đó, chúng chủ yếu được nhập khẩu từ Đức nhưng ở thời điểm này thì ở Copenhagen cũng đã tự làm được. 

Đối chiếu với bối cảnh xã hội Đan Mạch, các bức họa cho thấy cách những người thợ thủ công khéo léo tái sử dụng những vật liệu mà họ có trong tay, không để phung phí thứ gì. Nó gợi mở đến ký ức trẻ thơ của nhà văn Andersen, người sau này sáng tác những câu chuyện thần tiên, khi ông tự làm những búp bê vải cho chính mình. “Đan Mạch rất nghèo vào thời kỳ đó, tất cả đều được tái sử dụng”, nhà nghiên cứu Andersen nói. “Khi anh có các mảnh đầu thừa đuôi thẹo của một sản phẩm nào đó, ví dụ như bã bia thì anh phải đun sôi lên để thành keo hoặc anh phải sử dụng nó trong các loại nền… để sau đó sơn phết lên bề mặt”.

Với người Đan Mạch, điều này còn ý nghĩa hơn thế. Andersen cho rằng, nghiên cứu của mình đã kết hợp được hai yếu tố quan trọng của văn hóa Đan Mạch. “Vậy cái gì đại diện cho Đan Mạch? Tốt thôi, bia là một trong những thứ đầu tiên mà con người có thể nghĩ đến”, ông nói “Nhưng sau đó, khung thời gian cụ thể và các tác phẩm cụ thể đã bắt rễ một cách sâu sắc vào nguồn gốc thú vị này, trong câu chuyện của chúng tôi, để tạo ra một hình ảnh thống nhất về vẻ đẹp nghệ thuật và các khía cạnh đời thường ở một quốc gia”. 

Dĩ nhiên, việc nhận diện được các protein trong tranh sẽ giúp các nhà bảo tồn có được chiến lược bảo tồn phù hợp, giúp phát hiện ra những bức tranh giả mạo song nó cũng giúp vẽ nên một câu chuyện khác về nghệ thuật Đan Mạch, nơi những người họa sĩ tài năng biết kết nối và trân trọng những phẩm vật của đời sống thường nhật.□ 

Thanh Hương tổng hợp

Nguồn: https://www.science.org/content/article/beer-was-backdrop-danish-golden-age-masterpieces

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/danish-painters-beer-brewing-180982259/
https://news.artnet.com/art-world/danish-golden-age-beer-primed-canvases-2309244

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)