Biến sa mạc thành cánh đồng

Tiểu vương quốc ẢRập Qatar dự định nuôi trồng các loại rau quả, ngũ cốc, và tảo trên sa mạc dựa vào nguồn năng lượng mặt trời phong phú và nước biển. Đây là một dự án tầm cỡ thế giới.

Có lẽ ông Fahad Al-Attiya, Giám đốc chương trình An ninh lương thực quốc gia của Qatar, có lý khi ông cho rằng dự án của ông có thể so sánh với ý tưởng trồng cây trên sao hỏa.

Từ văn phòng của mình ở Doha, ngồi trong tòa tháp bằng kính ở lưng chừng trời, Fahad Al-Attiya phóng tầm mắt ra sa mạc bao la một màu nâu sẫm. Khách vãng lai nếu đi chân trần sẽ bị bỏng rộp vì nóng. Nhưng những điều đó không làm cho Al-Attiya nản lòng. Chương trình An ninh lương thực quốc gia là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về phát triển nông nghiệp của Qatar trong tương lai. Qatar dự kiến sẽ nâng sản lượng lương thực, thực phẩm trong 10 năm tới lên gấp năm lần hiện nay – trong điều kiện không sử dụng nhiều nguồn nước ngầm, khí đốt và dầu mỏ. Đến năm 2030, những cánh đồng trên sa mạc sẽ đủ sức nuôi ba triệu dân – Qatar chủ trương chỉ nhập khẩu những loại lương thực khó trồng trong nước.

Dự án sa mạc xanh của Al-Attiya đã hoàn thành trên laptop: Qatar sẽ xây dựng nhà kính và những cánh đồng mênh mông trên một diện tích khoảng 75.000 km2. Ở phía nam bán đảo trải dài tới gần Ả Rập Xê Út, nơi mặt trời hun nóng lâu nhất, một nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ sẽ được xây dựng để phục vụ hệ thống khử muối trong nước biển. Lượng nước khai thác từ đây sẽ được bơm vào khu trữ nước ngầm tự nhiên gần như đã cạn kiệt vì sử dụng thái quá.

Hiện nay trên thế giới chưa có dự án nhà nước nào có quy mô khổng lồ về trồng cây lương thực, rau quả trên sa mạc. Trong những tháng tới, ông Al-Attiya dự định sẽ lập xong quy hoạch, trong đó quyết định phát triển các loại cây gì, sản lượng cần đạt của các loại cây trồng đó ra sao…

Qatar hiện đã có dự án thí điểm nông nghiệp trên sa mạc đầu tiên phục vụ khách tham quan. Dự án này cách Doha khoảng một giờ đồng hồ đi xe. Tại đây, bên cạnh hai nhà máy sản xuất phân bón, từ tháng 12 năm ngoái, có khoảng vài chục nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật đang làm việc trong một cơ sở có tên là “Sahara Forest Project”. Thoạt trông, những gì người ta đang làm tại đây không có gì ghê gớm. Họ vừa thu hoạch lứa dưa chuột thứ hai trồng trong ba nhà kính. Nguồn nước cung cấp cho dưa chuột được lấy từ cơ sở khử muối trong nước biển nằm kề bên.

Để kích thích cho cây trong nhà kính phát triển mạnh mẽ hơn, khí CO2 từ nhà máy phân bón được dẫn tới khu nhà kính. Đằng sau khu nhà kính là những bể bê tông khá đồ sộ, đây là cơ sở phát triển tảo đầu tiên ở các nước Ả Rập. Ngay trong năm nay, cơ sở này sẽ cung cấp dầu để sản xuất nhiên liệu.

Thích nghi với điều kiện khắc nghiệt

Trên một mảnh ruộng nhỏ, những bông lúa mạch đang uốn mình dưới làn gió sa mạc. Đây là một sự bất ngờ. Thông thường, ngũ cốc không thể phát triển trong điều kiện nắng nóng gay gắt như ở sa mạc. Người Ả Rập đã làm mát đồng đất ở đây bằng một giải pháp khá thông minh: ngay bên bờ ruộng, họ dựng những bức tường cao ngang đầu người bằng bìa cứng có đục lỗ và nhúng những bức tường này vào nước. Gió nóng sa mạc lùa qua những cái lỗ nhỏ của các bức tường làm cho nhiệt độ trên ruộng giảm xuống.

“Chúng tôi không phát minh ra công nghệ gì mới mẻ ở vùng sa mạc này cả,” theo lời Joakim Hauge. Ông là người Na Uy, đồng thời là giám đốc dự án thí điểm này. Hai doanh nghiệp sản xuất phân bón tài trợ nhiều triệu Euro cho dự án.

Hauge coi nhiệm vụ chính của trang trại thí điểm là thích nghi với các điều kiện rất khắc nghiệt ở Qatar và qua đó giảm chi phí sản xuất. Khi đã tìm ra công thức hoàn hảo để phát triển nông nghiệp trên sa mạc, Hauge sẽ phổ biến chúng và đưa vào áp dụng ở những vùng đất có điều kiện khí hậu tương tự trên thế giới. Nhu cầu đối với những giải pháp này hết sức lớn. Hiện có khoảng hai tỷ người trên trái đất phải sống trên những vùng đất vô cùng khô hạn, cằn cỗi, con số này còn có xu hướng tăng.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo, đến năm 2025 sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nước ở những vùng sản xuất nông nghiệp của thế giới. Vì vậy sản xuất nông nghiệp không phung phí tài nguyên ở Qatar, như sử dụng năng lượng tái sinh và nước biển, có thể sẽ trở thành một điển hình tốt.

Việc ông Hauge cởi bỏ bộ complet đen để làm việc dưới cái nắng cháy da ở Qatar cũng bắt nguồn từ vụ khủng hoảng lương thực thế giới năm 2007. Mùa màng thất bát, giá dầu mỏ tăng vọt làm bùng nổ sự phát triển nhiên liệu sinh học, điều này lại đẩy giá lúa mì, ngô hạt và các loại lương thực khác lên cao.

Ngay từ lúc đó, Tiểu vương Qatar Hamad Bin Chalifa al-Thani, ông mới từ chức cách đây không lâu, đã nhận thấy chỉ vài thập niên nữa, nguồn khí đốt phong phú sẽ cạn kiệt và cuộc khủng hoảng lương thực cũng có thể đổ lên đầu các thần dân của ông. Dự án sa mạc xanh là câu trả lời của vị Tiểu vương này.

Những người đi tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp trên sa mạc như chuyên gia người Đức Philipp Saumweber làm cho người dân Qatar tự tin, lạc quan hơn. Saumweber vốn là chuyên gia ngân hàng của Goldmann-Sachs, nhưng từ hơn một năm nay ông điều hành doanh nghiệp Sundrop Farms ở miền nam Australia nóng bỏng – ông đã xây nhà kính khổng lồ đầu tiên ở đây. Saumweber cũng là người hỗ trợ ông Joakim Hauge trong việc xây trang trại nông nghiệp ở Qatar.

Rau quả trong nhà kính trên sa mạc của Saumweber không trồng trong đất mà trồng trong dung dịch dinh dưỡng. Phương pháp này đem lại năng suất cao hơn – có thể cao gấp 12 lần so với trồng trên đất thông thường – và tiết kiệm nước hơn. Để làm mát nhà kính, ông dùng nguồn nhiệt của nhà máy điện mặt trời thông qua trao đổi nhiệt để làm lạnh. Về đêm, khi nhiệt độ ở sa mạc giảm mạnh, nhiệt được dẫn trực tiếp từ nhà máy điện đến khu nhà kính. Nhờ đó nhiệt độ trong nhà kính luôn ổn định ở 22 độ C, lý tưởng với cây trồng.

Không bao cấp cho nông nghiệp

Giá rau sa mạc thí điểm thậm chí tương đối rẻ vì không mất tiền mua nước đại dương, trong khi nguồn nhiệt lấy từ nhà máy điện mặt trời sau khi hoàn tất khấu hao dùng để khử mặn cũng không đáng kể. Theo ông Saumweber, thời gian khấu hao là năm năm và có thể còn rút ngắn hơn với việc áp dụng công nghệ làm lạnh mới của Israel – khi đó giá thành sản xuất trong nhà kính sẽ giám tới 20% so với hiện nay.

Đây là một tin vui với Fahad Al-Attiya vì ngành nông nghiệp ở quốc gia sa mạc này không được trợ giá mà phải tự cạnh tranh trên thị trường. Nhà nước chỉ hỗ trợ ngành nông nghiệp bằng cách cam kết thu mua một lượng sản phẩm nhất định, từ đó tạo an ninh đầu tư cho người nông dân sản xuất trên sa mạc.

Cựu chuyên gia ngân hàng Saumweber chứng minh có thể kêu gọi đầu tư cho các dự án như ở Qatar. Ông đã chi 25 triệu Euro để xây dựng ở Australia 200.000 m2 nhà kính và nhà máy điện mặt trời công suất 35 Megawatt. Các cơ sở này khi hoàn thành mỗi ngày sẽ khử được mặn được 2 triệu lít nước. Sản lượng cà chua hằng năm khoảng 15.000 tấn.

Tới đây, Ả Rập Xê Út và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng sẽ đưa vào vận hành những trang trại Sundrop đầu tiên của mình.

Qatar còn có một khả năng nữa để nâng cao hiệu quả của dự án, chủ yếu qua việc khử mặn nước biển. Hiện tập đoàn Siemens của Đức đang xúc tiến dự án xây dựng cơ sở khử mặn nước biển cỡ lớn đầu tiên ở Singapore theo công nghệ dẫn điện vào nước biển và thông qua điện trường để tách muối. Cho đến nay, các cơ sở khử muối chủ yếu hoạt động theo công nghệ phun nước với áp lực cao qua các màng cực mịn hoặc đun nước biển để nước bốc hơi còn đọng lại là muối. Theo công nghệ này, để lấy được 1.000 lít nước phải tiêu tốn 3 Kwh, trong khi công nghệ mới của Siemens giảm một nửa lượng tiêu thụ điện năng.

Để cung cấp rau quả cho 100.000 người, một nhà kính trong trang trại trên sa mạc phải tiêu thụ khoảng hơn 50.000 lít nước mỗi ngày. Đây là bài toán đau đầu, chưa kể một vấn đề cũng gây đau đầu không kém là việc xử lý lượng muối chất cao như núi hình thành trong quá trình khử mặn nước biển như thế nào.

Hiện tại, hai nhà máy sản xuất phân bón sử dụng một lượng nhỏ muối phế thải. Trong tương lai, ông Al-Attiya hy vọng tập đoàn hóa chất khổng lồ của Mỹ Dow Chemical sẽ chế biến lượng muối này thành chất dẻo tổng hợp.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)