Blockchain: Hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam, tin rằng một số giải pháp tài chính bền vững – như trái phiếu xanh hay tín chỉ carbon – có khả năng hỗ trợ nước ta đạt mục tiêu giảm phát thải.
Trên thực tế, Việt Nam đang tích cực tham gia vào thị trường trái phiếu xanh (green bond, tức các loại trái phiếu huy động vốn vay cho những dự án mang lại lợi ích về môi trường) và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát hành trái phiếu xanh sau Singapore, theo Báo cáo tài chính bền vững ASEAN năm 2021 của Climate Bonds Initiative và HSBC. Hơn 80% số trái phiếu này là trái phiếu chính phủ, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và năng lượng.
Sự tăng trưởng gấp đôi của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam trong năm 2021, cũng như việc phân bổ số tiền thu được từ trái phiếu cho các dự án xanh đủ điều kiện đều là những tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát và định lượng hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính của các dự án này.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có kế hoạch thí điểm hạn mức phát thải và mô hình mua bán tín chỉ phát thải carbon (carbon credit) từ năm 2025. Về cơ bản, Chính phủ sẽ đặt ra trần hạn chế phát thải đối với các ngành công nghiệp cụ thể; theo đó, doanh nghiệp nào vượt quá mức cho phép sẽ phải mua các tín chỉ mới để tăng giới hạn phát thải của họ.
Trên thế giới còn đang phổ biến cách tiếp cận thị trường bù đắp carbon (carbon offset) và các doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường này một cách tự nguyện. Thị trường bù đắp carbon cho phép các bên mua bán giấy tờ chứng minh họ đã bù đắp một lượng khí thải bằng cách tài trợ cho các dự án giảm phát thải CO2 tương đương ở những nơi khác.
Tuy vậy, cách tiếp cận này đang bị chỉ trích bởi những doanh nghiệp hoặc quốc gia giàu có thể dễ dàng trả tiền để bù đắp lượng khí thải mà họ phát ra trong khi không thể đảm bảo rằng các dự án giảm phát thải CO2 mà họ tài trợ hoạt động hiệu quả.
Do vậy, cần có cơ chế đảm bảo rằng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bù đắp carbon không chỉ mua lượng carbon bù đắp mà còn phải nỗ lực thực sự để giảm lượng khí thải CO2 của mình hoặc chứng minh được các dự án mà họ tài trợ thực sự góp phần giảm CO2.
Một khía cạnh khác mà Việt Nam cần lưu ý là tăng cường khả năng theo dõi, ghi chép và giám sát phát thải ròng để biết được tình hình thực hiện cam kết Net Zero và có những biện pháp can thiệp thích hợp.
Là sáng lập viên của trung tâm FinTech-Crypto RMIT, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy cho rằng, ở tất cả những điểm kể trên đều có thể ứng dụng công nghệ blockchain để “token hóa CO2” nhằm theo dõi phát thải một cách hiệu quả, chính xác và đáng tin cậy.
Mã token CO2 (đại diện cho một tấn CO2 được thu giữ, lưu trữ hoặc đo lường) có thể được đúc và sẵn sàng giao dịch sau khi được kiểm chứng bởi một bên xác nhận. Mã cũng có thể bị hủy nếu chủ sở hữu chọn sử dụng nó để bù đắp lượng khí thải carbon của mình.
Phương pháp mã hóa CO2 này được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong cơ chế giao dịch phát thải và thị trường bù đắp cacbon hiện tại, qua đó cải thiện quy trình hạch toán cacbon, tăng cường tính thanh khoản của phát thải CO2 và cho phép các chương trình/thị trường giao dịch phát thải liên kết với nhau một cách dễ dàng.
Ngoài lợi ích của token hóa, công nghệ blockchain còn được dùng để cải thiện tình hình báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị (báo cáo ESG). Ở cấp độ doanh nghiệp, đây là những báo cáo thường có dữ liệu không minh bạch, không đáng tin cậy và khó theo dõi. Ở cấp độ quốc gia và khu vực, các kế hoạch mua bán khí thải cũng dễ gặp phải hành vi gian lận. Blockchain có thể trở thành công cụ có giá trị để tăng tính minh bạch của các báo cáo và tăng khả năng truy xuất nguồn gốc phát thải.
Thu Trang

Tác giả