Bộ bách khoa toàn thư về lịch sử mùi hương châu Âu

Odeuropa là cơ sở dữ liệu trực tuyến về mùi hương từ châu Âu từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20 được chọn lọc từ các tác phẩm nghệ thuật và văn học lịch sử.

Odeuropa lưu trữ toàn bộ mùi hương dưới góc độ văn hóa.

Mùi hương có thể trở thành “phương tiện vận chuyển” chúng ta. Chẳng hạn, mùi lá thông có thể đưa ta quay về cuộc phiêu lưu đi bộ đường dài trên tuyết trong những khu rừng trên dãy núi Cascade ở Washington, hoặc đến một buổi sáng Giáng sinh đáng nhớ. Khứu giác là một công cụ hiệu quả đến kinh ngạc để trải nghiệm thế giới xung quanh, và gắn bó chặt chẽ với ký ức của chúng ta hơn bất kỳ giác quan nào.

Vì vậy, khi Liên minh châu Âu kêu gọi các nhà nghiên cứu tìm cách nâng tầm ảnh hưởng của những bộ sưu tập kỹ thuật số trong các bảo tàng, “chúng tôi nghĩ ngay đến mùi hương”, Inger Leemans, giáo sư lịch sử văn hóa tại Đại học Vrije Universiteit Amsterda và là nhà nghiên cứu chính của Odeuropa, cho biết. Odeuropa là một dự án nghiên cứu do EU tài trợ với mục tiêu thể hiện tầm quan trọng của di sản mùi hương trong văn hóa châu Âu.  

Về cơ bản, Odeuropa là một bộ bách khoa toàn thư về mùi hương. Đây là cơ sở dữ liệu trực tuyến tập hợp dữ liệu văn bản và hình ảnh liên quan đến mùi hương của các bảo tàng, trường đại học và các tổ chức di sản khác. “Nó sẽ giúp mọi người khám phá nền văn hóa khứu giác trong quá khứ”, Leemans nói. Từ mùi nước hoa chữa bệnh cho đến những mùi hôi trong thời kỳ công nghiệp hóa được mô tả trong các tác phẩm hội họa và văn học lịch sử – tất cả đều xuất hiện trong Odeuropa. 

Odeuropa khám phá mùi hương như một “hiện tượng văn hóa. “Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều với các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, cũng như các đối tác về nước hoa và hóa chất để xây dựng mô hình kết hợp mùi hương với các địa điểm, cảm xúc và các thuộc tính…”, GS. Inger Leemans nói.

Khi dự án được công bố vào tháng 11/2020, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định và phân tích các tài liệu tham khảo về mùi hương ở châu Âu từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20 trong các văn bản và hình ảnh lịch sử. 

Trả lời phỏng vấn trên Independent vào thời điểm đó, Leemans cho biết mục đích của họ là “đào sâu các bộ sưu tập di sản kỹ thuật số để khám phá những mùi hương quan trọng của châu Âu và đưa chúng trở lại”. Giờ đây, sau ba năm, Odeuropa đã chính thức ra mắt sản phẩm của dự án – công cụ tìm kiếm Smell Explorer, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những mùi hương trong quá khứ, cũng như cách mọi người mô tả và trải nghiệm những mùi đó. Ngoài ra, dự án cũng cung cấp một bộ bách khoa toàn thư về di sản và lịch sử mùi hương, với các danh mục từ nội thất ô tô cho đến những quán cà phê. Những kết quả này đã được công bố trong Hội chợ Văn hóa mùi hương, diễn ra vào ngày 28/11 tại Amsterdam. 

Các thành viên của Odeuropa bao gồm các chuyên gia về khứu giác, Leemans cho biết, một số người đã phát triển những kỹ thuật AI về văn hóa ẩm thực và di sản, những người khác đang cộng tác với các viện bảo tàng và thư viện để tái tạo mùi của các đối tượng trong lịch sử và một số người đã thử nghiệm phương pháp “kể chuyện bằng khứu giác”, đưa mùi hương vào bảo tàng thông qua các chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Dưới sự phối hợp của các bên, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ AI để nắm bắt “những sự kiện mùi hương” – theo cách gọi của Leemans, hoặc các tình huống, thời điểm và những nơi cụ thể “được mô tả bởi những mùi hương trong lịch sử”. 

GS. Inger Leemans, người đứng đầu dự án Odeuropa, ngửi gia vị trong tiệm bào chế Jacob Hooy ở Amsterdam, nơi đã hoạt động từ năm 1743. Nguồn: smithsonian

“Những công việc tay chân kiểu này đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhất là những nhà nghiên cứu mới vào nghề, trong việc tìm kiếm bằng chứng thiếu ổn định này (mùi hương) ở quá khứ”, Evan Kutzler, một nhà sử học Hoa Kỳ và là tác giả cuốn sách “Living by Inches: The Smells, Sounds, Tastes, and Feeling of Captivity in Civil War Prisons”. “Nó luôn tồn tại ở đó nhưng đôi khi khó có thể xác định được”. 

Thay vì truy vết mùi hương ở góc độ hóa học – tương tự cách một nhà chế tạo nước hoa mô tả mùi hương thông qua hương đầu và hương cuối (ví dụ: hương hoa hồng, theo sau là hương vani lưu hương lâu hơn), Odeuropa khám phá mùi hương như một “hiện tượng văn hóa”. Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu đã thu thập hình ảnh và văn bản liên quan đến những mùi hương của chủ nghĩa Vị lai (Futurism), một phong trào nghệ thuật bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 ở Ý nhấn mạnh đến năng lượng và sự chuyển động, họ cũng khai thác dữ liệu trên internet để nắm bắt những mùi hương của nước Pháp hoặc bệnh dịch.

“Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều với các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, cũng như các đối tác về nước hoa và hóa chất để xây dựng mô hình kết hợp mùi hương với các địa điểm, cảm xúc và các thuộc tính…”, Leemans cho biết. Sau đó, nhóm dự án Odeuropa đã phát triển một trình duyệt web có thể trích rút những chi tiết như vậy từ 23.000 hình ảnh và 62.000 văn bản lịch sử bằng bảy ngôn ngữ khác nhau (gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức), tất cả đều có sẵn và miễn phí. “Khi có những kết quả đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng đó là những câu vô nghĩa hoặc những trích dẫn không liên quan đến mùi”. Nhưng thay vào đó, những gì họ thu được là hơn 2,5 triệu bản ghi mô tả về mùi hương, chẳng hạn một bản ghi liên hệ “không khí có mùi khó chịu” với cảm giác hoài cổ và tri ân, một bản ghi khác nhắc đến mùi hương “không thể chịu nổi” của một căn hộ ở Edinburgh giữa thế kỷ 19.

“Nghiên cứu về mùi mở ra những lối suy nghĩ hoàn toàn mới về trải nghiệm trong quá khứ và hiện tại”, William Tullett, thành viên của dự án Odeuropa và là tác giả của cuốn “Smell in 18th-Century England”, cho biết. Chẳng hạn, cách chúng ta cảm nhận mùi tỏi ngày nay có thể hoàn toàn khác với những người sống ở 200 năm trước. “Những ý tưởng văn hóa và y học khác nhau dẫn đến những ý nghĩa khác biệt của mùi hương”, ông cho biết, “chúng ta có thể hiểu thêm rất nhiều về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại bằng cách so sánh những phản ứng đó”.

Công cụ tìm kiếm Smell Explorer và cuốn bách khoa toàn thư về di sản và lịch sử mùi hương của Odeuropa đều có thể truy cập công khai, dành cho tất cả mọi người, từ nhà trị liệu bằng hương thơm muốn tìm hiểu những công thức cổ xưa cho đến một du khách tò mò về mùi hôi của các con kênh ở châu Âu thế kỷ 19. Để xây dựng công cụ Smell Explorer, nhóm dự án đã chú thích thủ công 5.000 hình ảnh mô tả các đối tượng liên quan đến mùi – chẳng hạn như chai nước hoa hoặc một người đang bịt mũi – sau đó đào tạo công cụ tìm kiếm để nhận diện các yếu tố liên quan đến mùi tương tự trong các bức ảnh khác, mở rộng toàn bộ cơ sở dữ liệu trong quá trình này. 

Nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện với hàng nghìn cuốn sách lịch sử, bao gồm những tác phẩm về du lịch, sách giáo khoa về thực vật, thậm chí là các báo cáo về điều kiện vệ sinh – tạo ra một hệ thống tự động có thể sao chép các chú thích thủ công bằng cách xác định những cảm xúc và đặc tính liên quan đến mùi (ví dụ phòng ngủ có “mùi thơm” hoặc tảo có “mùi tanh”) gắn với một địa điểm, đối tượng hoặc sự kiện cụ thể. Trong số khoảng 550 nguồn mùi hương, 115 không gian có mùi thơm và 35 hành động liên quan đến khứu giác (chẳng hạn như “thay tã” và “tẩy trắng”) được trưng bày, một số nguồn như “trừu tượng”, “tồn tại” và “địa điểm” ít cụ thể hơn một chút so với “cháy rừng” hay “chợ cá”. Kutzler nhận xét: “Việc áp dụng nhiều cách tiếp cận nhất có thể là điều phù hợp để bắt đầu lập chỉ mục cho một dự án như thế này”. 

Cuốn bách khoa toàn thư này khám phá những câu chuyện đằng sau khoảng 120 mùi hương. Nội dung gồm hai phần: các mục từ (entry) và cốt truyện (storyline). Mục từ bao gồm những mô tả giống như Wikipedia được viết bởi các chuyên gia hóa học và khoa học xã hội, chia thành năm danh mục chính (mùi, địa điểm, thực tiễn, cảm xúc và khứu giác). Ở phần cốt truyện, người dùng có thể nhấp chuột vào những câu chuyện về lịch sử mùi hương với hàng loạt chủ đề đan xen, đưa độc giả đi sâu vào cảnh quan mùi hương trong quá khứ. Chẳng hạn, nhấp vào từ “thành phố” và bạn đột nhiên được đưa đến Rozemarijnsteeg (Phố Rosemary) của Amsterdam, những người phụ nữ ở nơi đây từng chế tạo những vòng hoa tang từ cây hương thảo. Thêm vài cú nhấp chuột nữa, bạn sẽ biết được những quả cam gắn nụ đinh hương từng giúp phòng tránh dịch bệnh như thế nào; bạn cũng biết rằng nhà bào chế thuốc lâu đời nhất ở Amsterdam, Jacob Hooy, không chỉ tạo ra những mùi hương gắn liền với các sản phẩm thảo mộc và gia vị có tác dụng phòng chống bệnh tật đáng kinh ngạc, mà thương hiệu này (Jacob Hooy) vẫn còn tồn tại và hoạt động đến tận ngày nay. 

“Tôi đặc biệt thích các cổng thông tin ‘cốt truyện’ này, nó giúp chúng ta suy nghĩ như một nhà sử học giác quan”, Kutzler nói. “Kết hợp với phần ‘mục từ’, chúng có thể mở cửa tiếp cận lịch sử giác quan và giúp việc khám phá các nguồn tài nguyên trên bộ bách khoa thư này dễ dàng hơn”.

Công trình của Odeuropa xuất hiện vào thời điểm lý tưởng, vì trong thập kỷ qua, ngày càng nhiều viện bảo tàng, cơ quan lưu trữ và các tổ chức văn hóa tìm cách kết hợp kể chuyện bằng khứu giác vào các cuộc triển lãm. Vào mùa thu năm 2022, Bảo tàng Penn ở Philadelphia đã giới thiệu cuộc triển lãm lớn đầu tiên ở Hoa Kỳ của nhà nghiên cứu và nghệ sĩ mùi hương Sissel Tolaas hiện đang sống ở Đức. Triển lãm đã trưng bày 20 tác phẩm sắp đặt sống động ứng dụng các mùi như mồ hôi và vani – mùi hương được yêu thích nhất trên thế giới – làm điểm nhấn cho các vấn đề như nhân học và biến đổi khí hậu. 

Tiếp đó, vào tháng ba vừa qua, Bảo tàng Hirshhorn của Smithsonian đã tổ chức một chuyến tham quan khứu giác đặc biệt trong triển lãm “Put It This Way: (Re)Visions of the Hirshhorn Collection”. Trong triển lãm này, các nghệ sĩ Cianne Fragione và Renee Stout đã kết hợp các loại nước hoa từ bộ sưu tập cá nhân của mình với các tác phẩm nghệ thuật. Đơn cử, Fragione đã chọn Maison Margiela Replica Jazz Club, với hương vị của hạt tiêu hồng, rượu rum và lá cây thuốc lá, để đi kèm với loạt ảnh đen trắng Eye/Body 1963 của nghệ sĩ thử nghiệm thị giác Carolee Schneemann. “Mọi người muốn kết nối với các tác phẩm theo những cách khác ngoài thị giác”, Nancy Hirshbein, hướng dẫn viên phòng trưng bày Hirshhorn, người phụ trách chuyến tham quan khứu giác, cho biết. “Thật thú vị khi trải nghiệm nghệ thuật theo những cách mới”, cô nhận xét, và hiểu sâu hơn về những tác phẩm trong quá trình này.

Ngoài việc giới thiệu những kết quả của dự án Odeuropa, Hội chợ Văn hóa mùi hương còn hướng dẫn thực hành kể chuyện bằng khứu giác và tìm hiểu về các mùi hương trong các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ và viện bảo tàng. Một sản phẩm khác của dự án là Bộ công cụ kể chuyện khứu giác – hướng dẫn cách kết hợp mùi vào các bảo tàng và các tổ chức di sản khác, có thể tải xuống trên mạng internet. “Thật tuyệt khi thấy các nhà sử học giác quan hợp tác với các bảo tàng để tạo ra những trải nghiệm như vậy”, Kutzler nhận xét.

Đổi lại, theo Leemans, các bảo tàng có thể “góp phần giáo dục mọi người về tầm quan trọng của mùi hương trong cuộc sống của chúng ta ngày nay”.□

Thanh An dịch

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/innovation/a-new-encyclopedia-explores-europes-smelly-history-180983417/

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)