Brazil: Cuộc bán đấu giá tài nguyên gây nhiều tranh cãi
Cuộc bán đấu giá mỏ dầu khổng lồ Libra của Brazil đã kết thúc chóng vánh hôm thứ Hai mới đây vì chỉ có một bên duy nhất tham gia bỏ thầu. Trước khi cuộc bán đấu giá được truyền hình trực tiếp, hàng nghìn người dân đã biểu tình để phản đối.
Libra là một trong những mỏ dầu ở vùng biển sâu đầu tiên, lớn nhất và quan trọng nhất mà Brazil đã phát hiện cách đây sáu năm. Việc khai thác mỏ dầu sẽ đưa Brazil vào hàng ngũ các quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới. “Libra tạo nên một bước ngoặt đối với Brazil”, như Bộ trưởng Năng lượng Edson Lobão từng nhấn mạnh trước khi tiến hành cuộc bán đấu giá này.
Tuy nhiên chỉ có một bên duy nhất tham gia đấu giá vì thế sự kiện nổi đình đám và được truyền hình trực tiếp này đã kết thúc chóng vánh sau ít phút. Một liên doanh gồm tập đoàn dầu mỏ nửa nhà nước của Brazil là Petrobras (40%); các hãng dầu châu Âu như Shell, Total (mỗi hãng 20%) và hai doanh nghiệp dầu mỏ quốc doanh của Trung Quốc (mỗi doanh nghiệp 10%) đã thắng thầu và được quyền khai thác Libra trong thời gian 35 năm. Liên doanh phải trích 41,65 % lợi nhuận, lợi nhuận tối thiểu, nộp cho nhà nước Brazil, ngoài ra còn có thêm khoản tiền thưởng một lần là 5 tỷ Euro.
Vụ bán đấu giá gây nhiều tranh cãi trong dân chúng và đã có hàng nghìn người biểu tình phản đối vụ làm ăn này, dẫn đến đụng độ giữa người dân phản đối bán đấu giá với lực lượng an ninh Brazil. Những ngày qua, thẩm phán đã ra 20 phán quyết chống lại việc bán đấu giá, tuy nhiên các luật sư của chính phủ đã kịp thời vô hiệu hóa những phán quyết này.
Cuộc tranh cãi về tài nguyên khoáng sản ở Brazil từ lâu mang tính ý thức hệ, câu khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình là “O Petróleo é nosso!” (Dầu mỏ là của chúng ta!). Tổng thống Getúlio Vargas đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ từ những năm năm mươi, ông cũng là người sáng lập tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Các chính phủ sau này tuy nới lỏng dần sự độc quyền, nhưng chính phủ vẫn giữ quyền ra quyết định đối với những vấn đề hệ trọng. Tổng thống Lula da Silva, từng lãnh đạo chính phủ cách đây hai năm và người kế tiếp ông là bà Dilma Rousseff đã dùng Petrobras vào các mục đích chính trị. Việc trao các chức vụ quan trọng của tập đoàn này không theo các tiêu chí về chuyên môn, nghiệp vụ mà chủ yếu cho các đồng minh chính trị.
Bà Rousseff tuy có giảm sự can thiệp về chính trị nhưng bà lại can thiệp khá sâu vào vào chiến lược kinh doanh của tập đoàn: bà phản đối tăng giá xăng thái quá vì điều đó có thể gây lạm phát, do đó Tập đoàn lại thiếu nguồn thu để đầu tư cho các hạng mục quan trọng và cấp thiết để tiếp tục phát triển.
Petrobras căng thẳng
Cựu tổng thống Lula năm 2006 từng tuyên bố đầy tự hào rằng, lần đầu tiên Brazil đã hoàn toàn tự giải quyết được khâu cung cấp năng lượng, tuy nhiên sự thật lại không phải như vậy: Brazil vẫn phải nhập xăng với giá thị trường, vì sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu về xăng. Do đó Petrobras bị thua lỗ hàng triệu đôla, tình hình tài chính của tập đoàn khổng lồ này hiện khá căng thẳng.
Tuy bị phản đối nhưng chính phủ vẫn coi kết quả cuộc đấu thầu vừa qua là thành công. Nhiều chuyên gia từng nhận định các doanh nghiệp tư nhân sẽ choáng trước những điều kiện đấu thầu và Libra sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nhà nước, và các doanh nghiệp này lại chịu những chi phối về chính trị của nhà nước. Đặc biệt Trung Quốc là quốc gia nghèo tài nguyên nên rất quan tâm đến nguồn dầu mỏ của Brazil. Giờ đây 40% của Libra nằm trong tay các tập đoàn dầu mỏ tư nhân khổng lồ Shell và Total, người Trung Quốc chỉ chiếm 20%, như vậy thì nỗi lo đã được dàn trải.
Bà tổng thống Rousseff theo dõi cuộc đấu giá qua truyền hình ở ngay văn phòng, bà coi sự kiện này là một trong những quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Tuy nhiên liệu hy vọng của bà tổng thống về nguồn tài nguyên trong biển cả có trở thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố và các yếu tố đó hầu như không chịu sự chi phối của bà: không lâu nữa, Mỹ sẽ không còn lệ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ – Mỹ áp dụng công nghệ Fracking gây nhiều tranh cãi để khai thác khí đốt từ đá phiến. Ở châu Âu, trong những thập niên tới, xe ô tô chạy điện sẽ đẩy lùi ô tô chạy bằng động cơ chạy xăng, có nghĩa là nhu cầu về dầu mỏ của châu lục này cũng sẽ giảm.
Nếu giá dầu mỏ xuống liên tục thì giấc mơ dầu mỏ ở biển sâu sẽ vỡ tan tành vì việc khai thác rất tốn kém vì thế chỉ khi nào giá dầu cao thì việc khai thác dầu ở biển sâu mới sinh lời.