Bức tranh tường ở Pompeii vẽ bánh pizza 2.000 năm tuổi?

Phát hiện mới về một bức tranh tường fresco khắc họa một chiếc đĩa bạc có miếng bánh mỏng giống pizza với rất nhiều nhân hấp dẫn trên đó, nhưng không có cà chua và pho mát mozzarella như một chiếc pizza thông thường ngày nay.

Bức tranh tường fresco ở Pompeii có vẽ miếng bánh mỏng giống pizza.

Sự kết nối giữa sự sang trọng và nghèo khó?

Bức tranh tường này được tìm thấy trong sân trước của một ngôi nhà ở Insula 10, Regio IX, mới được khai quật. ngôi nhà này được nối với một hiệu bánh, từng được khai quật một phần vào giữa những năm 1888 đến 1891; các nhà nghiên cứu mới tiếp tục trở lại khai quật vào tháng giêng năm ngoái.

Các kiến trúc được khai quật vào thế kỷ 19, và phần hiển thị cho thấy sự hiện diện của một khoảng sân lớn với cách bố trí các phòng ở phía Tây và phía Đông, một lối đi dẫn vào một lò nướng. Khoảng giếng trời này đã được dọn dẹp sạch sẽ từ đợt khai quật đó, cho thấy sự đổ sụp của lớp mái bên trong được làm từ đá bọt trắng, một loại đá núi lửa, và phần tro núi lửa ở phía Nam. Trong những phòng bên cạnh, có lẽ là khu vực làm việc cạnh lò bánh, có ba bộ hài cốt nạn nhân của đợt núi lửa phun trào, trong đó có hai người phụ nữ và một đứa trẻ, mới được phát hiện vào tháng năm. Họ được cho là những người đi tìm nơi trú ẩn, khi núi lửa phun trào và những đợt nham thạch và tro bụi kéo đến. 

Căn nhà này thuộc Regio IX, một quận của thành phố với những khối nhà ở, xưởng thủ công và hiệu bánh. Những bức tranh tường của ngôi nhà này khắc họa các hoạt cảnh thần thoại giữa thần Apollo và nàng Daphne, và thần biển Poseidon với nàng Amymone, con gái của Danaus, vua của Libya và châu Âu.

Phát hiện lớn nhất của đợt khai quật này, không phải nằm ở hai hoạt cảnh thần thoại mà thuộc về một bức khác, hé lộ cho chúng ta biết về một phần ẩm thực đời thường của Pompeii, điều mà chúng ta vẫn còn chưa biết nhiều.  

Phát hiện lớn nhất của đợt khai quật này hé lộ cho chúng ta biết về một phần ẩm thực đời thường của Pompeii, điều mà chúng ta vẫn còn chưa biết nhiều.  

Về tổng thể, bức tĩnh vật 2.000 năm tuổi như một bàn tiệc hấp dẫn. Trên đó có một chiếc cốc đựng rượu vang được chạm trổ một cách tinh vi, hoa quả và những món ăn khác nổi bật trên cái nền đen. Bức tường còn tương đối nguyên vẹn. Như các nhà khảo cổ ở Công viên Khảo cổ Pompeii giải thích, có thể thấy là bên cạnh một cốc rượu vang là một cái khay bạc, có một cái bánh mì dẹt focaccia có rất nhiều loại quả trên đó (có thể nhận ra một quả lựu, và có lẽ là chà là), với rất nhiều loại gia vị và có lẽ là một dạng pesto, với các chấm màu vàng và đỏ son. Tuy nhiên cũng trên cái khay bạc này, các loại quả khô và một chùm cây dâu tây vàng xếp cạnh lựu, chà là. Đáng chú ý là chiếc bánh focaccia hay pizza này cũng có nhiều điểm khác biệt với chiếc bánh hiện đại, vốn được UNESSCO trao tăng danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vào năm 2017 vì là “nghệ thuật truyền thống của đầu bếp pizza Naple”.

Rất nhiều hình ảnh như vậy, được biết đến trong thời cổ đại được hiển thị cho một tập tục là Xenia, đều được truyền cảm hứng từ “những món quà của lòng hiếu khách”, được chuẩn bị chào mừng các vị khách đến nhà theo đúng truyền thống Hy Lạp, vốn có từ thời Hy Lạp hóa (thế kỷ thứ ba đến thứ nhất trước Công nguyên). Khoảng 300 bức ảnh dạng như vậy được tìm thấy ở các thành phố quanh vùng Vesuvius; chúng thường xuất hiện ở các không gian thiêng liêng cũng như các không gian thể hiện lòng hiếu khách khác. Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể so sánh một cách chính xác tỷ lệ xuất hiện của các bức tranh ở những loại không gian cụ thể này, bức tranh tường mới được phát hiện đem lại nhiều điều thú vị cho các nhà nghiên cứu bởi chất lượng nghệ thuật cao và những thông tin mà nó hứa hẹn. 

Bức tường nơi các nhà khảo cổ phát hiện ra bức bích họa fresco.

Trong một đoạn thơ ở Aeneid của Virgil, người ta có thể hiểu vị trí của những hoa trái và những sản vật khác được thu hái từ các cánh đồng màu mỡ, trên những chiếc bánh thiêng có chức năng như “những chiếc bàn”. Điều này nhắc nhở chúng ta khoảnh khắc những người hùng thành Troy ăn xong phần hoa quả của mình, liền xơi luôn miếng bánh (những chiếc bàn đựng hoa quả) đựng nó. Điều này chứng tỏ những người anh hùng đã hiện thực hóa lời tiên tri: họ sẽ tìm thấy một quê hương mới khi họ “tới một bờ biển vô danh, ăn hết mọi thứ trên bàn tiệc” và cơn đói khiến họ “nuốt chửng cả bàn ăn”.

“Vượt ra ngoài sự nhận diện chính xác về những món đồ ăn được vẽ trên đó”, Tổng giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii Gabriel Zuchtriegel nói “chúng ta tìm thấy trong bức bích họa của truyền thống Hy Lạp đó, được miêu tả một cách đẹp đẽ bởi các tác giả từ thời đế chế La Mã như Virgil, Martial và Philostratus. Tôi nghĩ sự tương phản giữa cái giản dị và khiêm tốn của nó nhắc nhở chúng ta về một không gian giữa mục sự và thiêng liêng, và cái sang chảnh của khay bạc và bên kia là sự tinh tế của nghệ thuật và văn học khi xem xét cái vật chất này, chúng ta không hề nghĩ rằng pizza như một món ăn của người nghèo ở miền Nam nước Ý giờ được yêu mến trên toàn thế giới và được phục vụ trong những cửa hiệu gắn sao Michelin”.

Đó là suy nghĩ ban đầu của những người làm khảo cổ. Có lẽ, cần có thêm nhiều thông tin nữa để xác quyết điều này nhưng chắc chắn một điều, phát hiện mới cho thấy thêm bằng chứng về cuộc sống đời thường và gu ẩm thực của người dân Pompeii trước khi núi lửa phun trào. Những thông tin về cuộc sống thường nhật của họ còn ít được nhắc đến trong các tài liệu cổ. May mắn là dưới đống nham thạch, những vụn vỡ và cả tro bụi núi lửa, tất cả còn được lưu giữ. Trong một đợt khai quật vào năm 2020, người ta cũng đã tìm thấy tại Công viên Khảo cổ Pompeii, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một thermopolium – dạng quầy ăn cổ đại dưới thời La Mã hình chữ L theo kiểu giống hệt như các quầy bar hiện nay, với những cái hốc rộng đủ để đặt các bình gốm dolia sâu lòng, bên trong đựng các loại thức ăn nóng. Cái quầy này được bảo quản vô cùng tốt dưới lớp tro với các dolia và hình vẽ còn nguyên vẹn. Khi đó, Farrell Monaco, một nhà khảo cổ chuyên nghiên cứu về những thực hành văn hóa, xã hội và kinh tế liên quan đến thực phẩm (foodways) cũng như những bức bích họa liên quan đến thực phẩm của người La Mã Địa Trung Hải, cho rằng “Các không gian như quầy bar đem lại cho các nhà khảo cổ học như tôi một chân dung đích thực về văn hóa ẩm thực La Mã trong sự so sánh với những kiểu văn hóa ẩm thực La Mã khác trong những nguồn tư liệu mang tính châm biếm như ‘Trimalchio’s Banquet’ của Petronius hay được lưu tại trên những bức bích họa fresco được trang hoàng trên các bức tường phòng ăn ở dinh thự xa hoa Vettii, một domus giữ nguyên được vẻ tráng lệ theo thời gian”.

Pizza hay không phải pizza?

Marino Niola, một nhà nhân học tại ĐH Suor Orsola Benincasa ở Naples, nói với New York Times rằng không chỉ có La Mã cổ đại mà có nhiều nền văn hóa cổ đại khác đã trộn bột với nước để làm bánh. Ông cũng lưu ý là những nét tương đồng giữa những chiếc bếp lò ở Pompeii và Naples cổ đại cũng như những lò nướng pizza hiện đại. Dẫu “không phải mọi cái bánh focaccia đều trở thành pizza”, ông nói. Và bức tranh tường fresco rất quan trọng bởi vì “nó khiến chúng ta hiểu rằng có một quá khứ chung thắt chặt hiện tại với quá khứ xa xôi”. 

Cái bánh mới được phát hiện này không có cà chua. Thứ quả nguyên liệu không thể thiếu cho pizza ngày nay được người châu Âu biết đến như một món quà của châu Mỹ mới được vài thế kỷ và một số nguồn lịch sử cho rằng việc làm ra phô mai mozzarella đã dẫn đến việc phát minh ra pizza ở gần Naples vào những năm 1700. Dẫu vậy theo lời của Gennaro Luciano, chủ hiệu bánh pizza cổ nhất thế giới Antica Pizzeria Port’Alba, những gì ông biết về pizza là từ thời kỳ Đồ đá mới là các bộ lạc thường nướng bột thô trên đá và các biến thể pizza của người Naples lại từ người Hy Lạp và người Etrusca – những người thuộc nền văn minh cổ đại Etrusca từng tồn tại ở khu vực mà ngày nay tương ứng với vùng Toscana, phía Nam sông Arno, phía Tây Umbria, phía Bắc Lazio, thung lũng sông Po mà ngày nay là vùng Emilia-Romagna, phía Đông Nam Lombardia và miền Nam Veneto, và ở một số vùng thuộc Campania. Sau khi cà chua được đưa vào Ý, người nghèo Naples bắt đầu làm ra sốt cà chua để ăn kèm với bánh mì của họ.

Tuy nhiên, “quả dứa” trên đĩa dường như khiến người ta không khỏi thấy kỳ lạ, vì người châu Âu đầu tiên nhìn thấy loại quả này chính là Christopher Columbus, tại Guadeloupe vào năm 1493.

Các chuyên gia cho biết chiếc bánh được tẩm gia vị (moretum), một loại phô mai thảo mộc được người La Mã cổ đại ưa thích. Tuy nhiên thật bất thường khi thấy một bức bích họa lại chứa hình ảnh của một chiếc bánh focaccia. 

Naples là quê hương của margherita, loại pizza truyền thống bao gồm một hỗn hợp đơn giản của cà chua, mozzarella, lá basil tươi và dầu ô liu nguyên chất, và khái niệm rắc một số miếng hoa quả trên đó khiến nhiều người Ý phẫn nộ.

Nhưng Gino Sorbillo, một trong những chủ cửa hiệu pizzeria cổ nhất Naples, tin hình ảnh trên bức bích họa ở Pompeii trên thực tế là chiếc bánh pizza. “Ở Pompeii cổ đại, chúng ta đã biết rằng đã có những hình thức của bánh mì dẹt, được làm từ bột, nước, muối và có thể là bia như một chất giúp lên men”, ông nói. “Sau đó có thể là họ đã rải rau quả, cá đánh bắt trong ngày… đó là một hình thức của pizza thời cổ đại”.

Ông cũng cho biết thêm là quả tươi có thể được xem xét như một thành phần thực phẩm chính của thời kỳ La Ma cổ đại. Khi nói đến quả tươi trên chiếc bánh pizza hiện đại, ông cho biết “Anh có thể dùng hoa quả, ví dụ như những quả sung, hoặc dâu tây, nếu đó là một chiếc pizza ngọt”.

Nhưng khi được hỏi là liệu bức tranh tường có đem lại một lời giải thích cho dứa trên pizza không thì  Sorbillo phản hồi “không”.

“Khẩu vị là khẩu vị”, ông nói. “Khi làm bánh pizza truyền thống, chúng tôi không bao giờ dùng đến dứa”.

Có thể là trong tương lai, ở những đợt khai quật tới, người ta sẽ giải đáp được bí ẩn về quả dứa. Rất có thể thứ quả nhiệt đới này sẽ là sản phẩm của một nền giao thương rộng mở từ các vùng nhiệt đới xa xôi cập bến cảng La Mã. Điều đó hoàn toàn có thể bởi toàn bộ khu vực khai quật này có diện tích khoảng 3.200m2, gần bằng toàn bộ khu vực lân cận của thành phố cổ đại này, vốn bị chôn vùi trong đợt phun trào năm 79 trước công nguyên, trong vụ núi lửa Vesuvius. Đây là một phần của một dự án có cách tiếp cận lớn hơn trước đây cả thập kỷ với mục tiêu là giải quyết những vấn đề thủy văn và bảo tồn của các ranh giới khảo cổ, những đường phân cách giữa phần đã khai quật và những phần chưa được nghiên cứu của thành phố cổ đại này. Phần chưa được khám phá của thành phố rộng chừng 22 ha gồm vùng lân cận và các ngôi nhà vẫn còn bị chôn vùi dưới tro và sỏi đá lửa; khu vực này chiếm khoảng 1/3 toàn bộ thành cổ này.

“Pompeii chưa bao giờ làm chúng ta hết ngạc nhiên; đó là một nơi luôn luôn tiết lộ những kho báu mới”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ý Gennaro Sangiuliano nhận xét về phát hiện mới này. “Nó vượt qua những thứ vật chất mà các nhà nghiên cứu hiện có, và giá trị toàn cầu của nó khiến chúng ta phải tiếp tục chú ýđến nó”.□

Thanh Hương tổng hợp

Nguồn: http://pompeiisites.org/en/comunicati/pompeii-a-still-life-discovered-by-the-new-excavations-of-regio-ix/

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/pompeii-fresco-pizza-180982446/
https://www.theguardian.com/world/2023/jun/27/pompeii-fresco-find-possibly-depicts-2000-year-old-form-of-pizza

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)