Bulgaria mở trung tâm nghiên cứu AI để thu hút tài năng KH&CN

Chính phủ Bulgaria hi vọng những đầu tư công và tư trong trung tâm mới sẽ giúp nước này đảo ngược được tình trạng chảy máu chất xám và khiến thủ đô Sofia trở thành một điểm đến hàng đầu cho các nhà khoa học máy tính.

Chính phủ Bulgaria mới loan báo về một tiếng kèn lệnh: thiết lập một viện nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học máy tính ở Sofia nhằm hướng đến việc thúc đẩy nhận diện mới về quốc gia với một trung tâm KH&CN ở Trung và Đông Âu.

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov nói chính phủ đang rót 100 triệu USD vào Viện Khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo và công nghệ (INSAIT). Các công ty công nghệ lớn như Google, DeepMind, Amazon và SiteGround loan báo sẽ đầu tư thêm 10,5 triệu USD, các doanh nghiệp Bulgaria cũng sẽ đầu tư 600.000 USD.

“Mô hình tài chính này sẽ tạo ra cây cầu nối giữa khoa học và thương mại, được chính phủ và châu Âu hỗ trợ”, thủ tướng Petkov cho biết tại sự kiện mở màn ở Sofia.

Petkov là một nhà kỹ trị, người mới đảm nhiệm chức vụ này vào tháng 12/2021, kết thúc một thời kỳ rối rắm về chính trị ở Bulgaria với hai thất bại bỏ phiếu bầu quốc gia vào năm 2021. Ông nhận được một bằng MBA từ Harvard và có thời gian dài là nhà đầu tư vào các start-up công nghệ ở Trung và Đông Âu. Việc ứng cử của ông làm tăng hy vọng về việc chính phủ Bulgaria sẽ tập trung sự chú ý vào đầu tư cho công nghệ cao và thu hút các tài năng KH&CN từ phương tây trở lại đất nước.

Trong sự kiện này, ông Petkov nói 100 triệu USD đầu tư là một tín hiệu cho thấy ông sẽ giữ lời hứa trao cho chính quyền cơ hội mang những bộ óc tài năng nhất của Bulgaria trở về”.

Ủy viên phụ trách nghiên cứu của châu Âu Mariya Gabriel, một công dân Bulgaria, đã chứng kiến thời khắc đó và cho biết viện nghiên cứu mới sẽ “đủ sức cạnh tranh với các viện nghiên cứu khoa học toàn cầu ở một cuộc đua cỡ Champions League” và có thể trở thành “một nền tảng cho những người tầm cỡ thắng giải Nobel”.

INSAIT là đứa con tinh thần của Martin Vechev, một nhà khoa học máy tính Bulgaria, người rời đất nước 20 năm trước để nghiên cứu và giảng dạy tại các trường hàng đầu thế giới. Ông hiện đang lên kế hoạch chia thời gian của mình ở ETH Zurich và chủ tịch đoàn cố vấn của INSAIT. ETH Zurich và Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL) đã là những đối tác của viện nghiên cứu mới.

Vechev lưu ý là viện nghiên cứu này sẽ là viện đầu tiên của Đông Âu trong việc thu hút đầu tư của cả các chính phủ lẫn các công ty tư nhân. Ông mong muốn INSAIT trở thành một trong những nơi “có các khám phá có thể làm thay đổi thế giới này” và hy vọng viện nghiên cứu này sẽ trở thành thỏi nam châm hút tài năng và đầu tư từ khắp nơi trên khắp thế giới.

Trung tâm này sẽ là nơi thành lập các chương trình nghiên cứu và giáo dục về trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, học máy, thị giác máy tính, an toàn thông tin và máy tính lượng tử. Mục tiêu của nó là nhanh chóng thu hút những khoa, trường ở đẳng cấp thế giới tới để đào tạo các chuyên gia thế hệ mới trong các lĩnh vực này.

Các vấn đề về cấu trúc

Bất chấp nỗ lực của Ủy ban châu Âu trong việc thuyết phục các quốc gia thành viên gia tăng đầu tư cho R&D, Bulgaria là một trong số các quốc gia có mức đầu tư R&D thấp nhất châu lục. Chỉ có 0,75% GDP của quốc gia này được rót vào KH&CN, do đó các trường viện của họ ít có sức hút đối với các nhà khoa học và các nhà đổi mới sáng tạo.

Thêm vào bất lợi của một hệ thống thiếu thốn đầu tư cho R&D, dân số Bulgaria đang suy giảm do tỉ lệ sinh thấp và di cư. Mỗi năm có khoảng 30.000 người Bulgaria rời tổ quốc mình.

Dan Shechtman, giáo sư về khoa học vật liệu tại Technion, Viện Công nghệ Israel, nói việc thành lập INSAIT là một bước đi đúng đắn nhưng chính quyền Bulgaria cần làm nhiều hơn nữa để khuyến khích người dân ở lại đất nước. “Công việc của chính phủ là đảm bảo cho viện nghiên cứu này không chỉ tạo ra các chuyên gia cho châu Âu mà còn có những chuyên gia cho Bulgaria,” ông nói.

Ủy ban châu Âu đang vật lộn với việc giữ môi trường cân bằng hơn cho các tài năng trong khoa học và đổi mới sáng tạo. Những trường đại học và các phòng thí nghiệm được đầu tư tốt ở Tây Âu từng có khả năng thu hút tài năng trên khắp thế giới trong khi những viện nghiên cứu “chị em” của nó ỏ Đông Âu, nơi nhận được ít đầu tư của chính phủ và các lĩnh vực tư yếu về động lực phát triển, đang phải chật vật trong một cuộc chiến cam go để cạnh tranh với họ.

Hơn 90% tiền trong chương trình tài trợ cho nghiên cứu của châu Âu là Horizon 2020 đều rơi vào túi của các quốc gia Tây Bắc Âu. Tỉ lệ này dường như không thay đổi dưới khuôn khổ của chương trình Horizon Europe mới.

Các quốc gia thành viên EU hiện đang làm việc về chương trình Vùng nghiên cứu châu Âu (ERA), một quá trình hoạch định chính sách buồn tẻ hướng đến việc gia tăng đầu tư vào R&D lên tới 3% GDP khắp các quốc gia thành viên EU, và hoàn thành cải cách điều này ở các vùng và các quốc gia tụt hậu.

Tại sự kiện ở Sofia, chủ tịch của Hội đồng nghiên cứu châu Âu Maria Leptin cho rằng cơ quan đầu tư cho khoa học cơ bản đang trao các suất hỗ trợ cho các trường viện hàng đầu châu Âu. Leptin không nghĩ là hệ thống tài trợ nghiên cứu châu Âu  thiên kiến với Đông Âu nhưng các nhà nghiên cứu ở các quốc gia này cần có những cơ sở nghiên cứu tốt, các điều kiện làm việc tốt hơn và cơ hội để làm việc với các đồng nghiệp hàng đầu thế giới mỗi ngày.

“[INSAIT] tự đặt cho mình những mục tiêu đầy tham vọng để tạo ra các chương trình nghiên cứu và giáo dục ở đẳng cấp thế giới”, Leptin nói. “Chúng tôi biết là rồi đây sẽ có nhiều học viên có kỹ năng tốt và nghiên cứu ở đẳng cấp thế giới sẽ được thu hút về các công ty quốc tế và các công việc chất lượng cao cũng như tạo ra những công ty spin-offs”.

Nhàn Nguyễn  tổng hợp

Nguồn: https://ellis.eu/news/new-ai-and-computer-science-institute-insait-launched-in-bulgaria

https://sciencebusiness.net/news/bulgaria-launches-ai-research-centre-woo-science-and-tech-talent

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)