Bước đột phá của giới khởi nghiệp Singapore

Từ một quốc đảo nổi tiếng trầm mặc và tình hình khởi nghiệp ở mức trì trệ, chỉ sau năm năm, Singapore đã trở thành một trong 10 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Yếu tố nào đã giúp cộng đồng khởi nghiệp ở Singapore phát triển nhanh như vậy?

Thách thức đối với các doanh nhân

Vấn đề không phải là người dân Singapore sợ thất bại mà nằm ở chỗ giới doanh nhân ở Singapore không được xã hội đánh giá cao. Các gia đình vẫn thích con em họ tìm được một vị trí an toàn trong các công ty đa quốc gia hay tốt hơn cả là trong khu vực nhà nước. Giới đầu tư cũng thích đưa tiền ra nước ngoài hơn là gửi gắm tiền vào những công ty internet khởi nghiệp trong nước. Sau đợt vỡ bong bóng dotcom năm 2000, chỉ còn một số ít hãng đầu tư mạo hiểm Singapore còn tiếp tục hoạt động trong nước, hầu hết đều là những quỹ đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Chính phủ không ngồi nhìn

Có lẽ việc Chính phủ Singapore dành nhiều sự quan tâm tới các công ty khởi nghiệp là một điều đáng ngạc nhiên, bởi Singapore có lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Song những quan chức như Low Teck Seng, lãnh đạo Quỹ Nghiên cứu Quốc gia, cho hay Singapore không thể tiếp tục dựa dẫm vào các công ty đa quốc gia mà phải nỗ lực để khuyến khích tinh thần kinh doanh trong dân chúng. Khó có thể nhanh chóng tạo nên một hệ sinh thái doanh nghiệp, song những nỗ lực tổng thể và nhất quán của Chính phủ Singapore đã có vai trò rất lớn trong việc tạo đà cất cánh cho các công ty khởi nghiệp ở quốc đảo này.

Về sự chuyển mình của Singapore, Scott Anthony, một nhà đầu tư mạo hiểm có mặt tại Singapore từ năm 2010, viết trên tạp chí Harvard Business Review như sau: “Trong năm đầu tiên tôi ở Singapore, phải vài tháng mới có tin về một công ty chốt được một nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, và mỗi năm mới có một cuộc thoái vốn (công ty khởi nghiệp được công ty khác mua lại hoặc được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán – ND) diễn ra. Ngày nay, dường như tuần nào cũng có một cuộc đầu tư; giá trị đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ đã tăng từ mức dưới 30 triệu USD năm 2011 lên tới trên 1 tỉ USD năm 2013. Trong năm 2014 ở Singapore diễn ra 10 cuộc thoái vốn thành công, trong đó có những thương vụ có giá trị thấp so với chuẩn toàn cầu như vụ bán nhà cung cấp dịch vụ chat Zopim trị giá 30 triệu USD, nhưng cũng có những thương vụ lớn, chẳng hạn như vụ công ty thương mại điện tử Rakuten của Nhật mua lại nhà cung cấp video trực tuyến Viki trị giá 200 triệu USD.”

Sự trỗi dậy của Singapore là điều đáng ngạc nhiên bởi quốc đảo này vốn nổi tiếng trầm mặc và tình hình khởi nghiệp của họ mới cách đây mấy năm vẫn còn ở mức trì trệ. Trong bối cảnh các chính phủ khắp nơi trên thế giới đang tìm cách khuấy động tinh thần doanh nhân để tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế, chúng ta hãy cùng nhìn lại để tìm hiểu về các yếu tố chủ đạo đã tạo nên thành công của Singapore ngày hôm nay.

Môi trường thân thiện. Singapore thường xuyên được xếp vào hàng các quốc gia dễ kinh doanh nhất thế giới. Các luật lệ được thể hiện rõ ràng và dễ thực hiện. Có thể thành lập công ty mới chỉ trong vài giờ, thậm chí vài phút. Quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng, và luật pháp thì minh bạch. Nhập cư cũng là một chủ đề nóng ở Singapore, nhưng quốc đảo này biết cách thu hút các công nhân có trình độ đào tạo cao và có một chính sách định cư riêng cho các doanh nhân tương lai. Thành phố sạch sẽ và hiệu quả này cũng có một số lợi thế về sinh hoạt hơn hẳn so với Thượng Hải, Manila, Jakarta, hay Bangkok.

Ý thức được về danh tiếng của quốc gia mình trong giới sáng tạo – đối tượng thu hút của Singapore, chính phủ nước này đã và đang nỗ lực thay đổi hình ảnh truyền thống về một đất nước Singapore buồn chán thông qua việc xây dựng hai sòng bạc, một công viên theo chủ đề Universal Studios, một thủy cung lớn nhất châu Á mang tên Vườn bên Vịnh, một sân vận động đa chức năng với 55.000 ghế ngồi, các nhà hàng ăn nổi tiếng thế giới, và một sân bay hiện đại giúp việc đi lại trở nên thuận tiện và nhanh chóng.

Chính phủ quan tâm sâu sát. Từ lâu các doanh nhân ở đây đã có cơ hội tiếp cận rất nhiều khoản trợ cấp và các chương trình liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển giai đoạn đầu của doanh nghiệp. Việc đăng ký thành lập công ty trước đây kéo dài hàng tuần thì nay đã giảm xuống còn vài giờ. Mỗi năm, ĐH Quốc gia Singapore (NUS) lại cử khoảng 120-150 sinh viên đi học việc một năm ở Thung lũng Silicon và các hệ sinh thái doanh nghiệp khác, và rất nhiều sinh viên trong số đó sau này đã trở thành các nhà sáng lập doanh nghiệp. Trong nước, các doanh nhân được tiếp cận nguồn tài trợ bằng vốn đối ứng lên tới 50.000 SGD (tương đương 40.000 USD), đồng thời  công ty của họ được nhận vào các vườn ươm công nghệ để hỗ trợ hoạt động.

Các nhà đầu tư thậm chí còn được hưởng những chính sách ưu đãi hơn, qua đó họ có thể tận hưởng mọi lợi ích của một quỹ đầu tư mạo hiểm trong khi vẫn được bảo vệ trước những rủi ro – đây vốn là một mô hình rất thành công do Israel tiên phong thực hiện. Quỹ Nghiên cứu Quốc gia NRF bổ sung một nguồn vốn lớn vào các khoản đầu tư của các vườn ươm công nghệ: cứ mỗi SGD mà các vườn ươm này bỏ ra, NRF lại rót thêm vào 5 SGD, cho tới mức tối đa là 500.000 SGD (350.000 USD). Các nhà đầu tư cũng có quyền mua lại cổ phần của chính phủ với giá ban đầu cộng thêm một khoản lãi suất nhỏ trong vòng ba năm.

Các chính sách ưu đãi này đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Theo ước tính của Gai (Great American Insurance – tập đoàn bảo hiểm của Mỹ), Singapore hiện có khoảng 800 công ty internet, tức cứ 1 triệu dân lại có 160 công ty; tỉ lệ này đã giúp Singapore vươn lên đứng trước các quốc gia như Hà Lan và Tây Ban Nha.

Sử dụng quyền lực mềm để giải quyết các rào cản tiềm tàng đối với doanh nghiệp. Cách đây một thập kỷ, việc tham gia vào một công việc thiếu chắc chắn như thành lập một công ty trong khi bạn hoàn toàn có thể đi làm cho một ngân hàng lớn hay cơ quan nhà nước là điều trái với nền văn hóa Singapore. Vì vậy mà vài năm trở lại đây, các chính trị gia đã không ngừng tuyên dương tinh thần doanh nhân; các trường đại học được nhà nước tài trợ cũng hăng hái đẩy mạnh sáng tạo; hãng truyền hình nhà nước MediaCorp cũng chạy những chương trình truyền hình biểu dương tinh thần doanh nhân.

Ba yếu tố trên tạo thành một vòng tròn khép kín, tự dung tự dưỡng, bởi khi các doanh nhân thành công, họ sẽ muốn tiếp tục kinh doanh. Chẳng hạn, năm 2010, công ty YFind Technologies đã xây dựng thành công giải pháp công nghệ thông minh có thể xác định chính xác vị trí của một người bên trong một tòa nhà bằng cách theo dõi các tương tác trên điện thoại di động của người đó với các điểm truy cập WiFi. Giải pháp này có thể là xương sống của nhiều dịch vụ tình báo kinh doanh giá trị như dịch vụ “heat mapping” (bản đồ nhiệt) trong lĩnh vực bán lẻ giúp thực hiện những phân tích phức tạp về lưu lượng khách hàng tại cửa hàng. Quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ Innosight đã đầu tư vào YFind Technologies năm 2012 với vốn đối ứng của Chính phủ Singapore chiếm 85% giá trị thương vụ, và tới năm 2013, nhà cung cấp dịch vụ WiFi có trụ sở tại Mỹ Ruckus Wireless đã mua lại công ty này. Với những thành công đầu tiên của mình, Melvin Yuan, đồng sáng lập YFind  Technologies, đã trở nên “nghiện” kinh doanh. Anh tiếp tục thành lập một công ty mới giúp kết nối những người muốn tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật độc đáo với vô số những tài năng nghệ thuật khắp nơi trên thế giới.

Khung Quốc gia về Sáng tạo và Khởi nghiệp (NFIE) là một chương trình toàn quốc nhằm thúc đẩy sức sáng tạo và tinh thần doanh nhân ở Singapore. Mục tiêu của NFIE là khuyến khích các trường đại học và trường đào tạo nghề kỹ thuật đưa nghiên cứu của họ trở thành các sản phẩm thương mại phục vụ thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nhân thành lập các công ty công nghệ. Hiện NFIE đang thực hiện các chương trình sau:

Quỹ Mạo hiểm Giai đoạn đầu (ESVF)

Mỗi năm, (cùng với vài quỹ đầu tư mạo hiểm), NRF hỗ trợ tổng cộng 10 triệu SGD (tương đương 7 triệu USD) đối ứng theo tỉ lệ 1:1 vào các công ty công nghệ cao trong giai đoạn khởi đầu đặt trụ sở ở Singapore.

Tài trợ các dự án thực nghiệm (POC)

Đây là quỹ tài trợ để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng. Mỗi dự án được đầu tư tối đa 250.000 SGD (tương đương 177.000 USD). Vốn sẽ được cấp nửa năm một lần và sau một năm, những người nhận được vốn sẽ phải đưa ý tưởng và phát minh của mình ra thị trường. NRF phụ trách chương trình này trong nhóm các nhà nghiên cứu ở trường đại học và bệnh viện công lập, còn SPRING (một cơ quan chính phủ phụ trách các doanh nghiệp nhỏ) quản lý một chương trình tương tự trong nhóm các doanh nghiệp.

Chương trình Vườn ươm Công nghệ (TIS)

Cùng với vườn ươm công nghệ, NRF đồng tài trợ tới 85% (tức 500.000 SGD, tương đương 354.000 USD) giá trị mỗi thương vụ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp đặt trụ sở ở Singapore

Chương trình Lãnh đạo Doanh nghiệp Toàn cầu (GEEs)

Đây là một chương trình đồng tài trợ với chương trình Lãnh đạo Khởi nghiệp toàn cầu (GEEs- Global Entrepreneur Executives) nhằm thu hút các công ty công nghệ cao, tăng trưởng nhanh (high-growth) trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y học và công nghệ sạch chuyển tới Sigapore. NRF đầu tư tối đa 3 triệu SGD (tương đương hơn 2 triệu USD) vốn đối ứng dưới dạng trái phiếu chuyển đổi vào các công ty này.

Chương trình Cụm Sáng tạo

Chương trình Cụm Sáng tạo khuyến khích các tổ chức công nghệ và các cơ quan kinh tế phối hợp với các công ty để hình thành nên các cụm sáng tạo. Chương trình này nhằm củng cố sự hợp tác giữa các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ nhằm nhanh chóng đưa các ý tưởng khả thi ra thị trường, nâng cao năng suất lao động, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)