Bước ngoặt của thị trường năng lượng: Giã từ dầu mỏ

Tiêu thụ dầu mỏ ở các nước công nghiệp ngày một giảm trong khi ở các nước mới nổi, nhu cầu về dầu mỏ cũng không tăng vọt như trước đây - trên thế giới hiện đang diễn ra một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử, đó là sự giã từ dầu mỏ.

Từ năm 2005, tiêu thụ dầu mỏ ở các quốc gia công nghiệp bắt đầu giảm. Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA ở Paris hy vọng năm tới có thể trở thành cái mốc của sự thay đổi toàn cầu. Theo dự báo của IEA, cơn khát dầu mỏ đến năm 2016 lần đầu tiên sẽ bắt đầu giảm nhẹ so với năm trước đó, mặc dù không có sự hoành hành của suy thoái. Khoảng năm 2030, tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới thậm chí sẽ giảm.

Vậy sự giã từ dầu mỏ đang diễn ra cụ thể như thế nào? Hãy truy tìm dấu vết ở nơi mọi sự bắt đầu, đó là từ cửa ngõ ngôi nhà của chúng ta.

Vào một ngày tháng 8/1996 đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử: một nhóm nhân vật đấu tranh thuộc phong trào Hòa bình xanh Greenpeace ở Lucerne Thuỵ Sỹ cho chạy thử chiếc xe con Twingo của hãng Renault trên một đoạn đường cả đi lẫn về dài khoảng 200 km. Các nhà kỹ thuật đã cải thiện tình trạng khí động học của con xe, chú trọng tới trọng lượng của nó và tối ưu hoá động cơ. Kết quả là trên tuyến đường đó, mức tiêu thụ xăng chỉ còn 3,2 lít trên 100 km, giảm khoảng 50% mức tiêu thụ đối với xe con thời kỳ đó.

Cuộc thử nghiệm ở Thuỵ Sỹ đã tác động mạnh mẽ đến tình hình ở Đức nói chung và ngành công nghiệp ô tô ở nước này nói riêng. Kể từ giữa những năm 1990 trở đi, mức tiêu thụ xăng dầu ở Đức liên tục giảm. Nguyên nhân chính là do sử dụng các loại xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu. Ngày nay, 18 năm sau cuộc thử nghiệm đầu tiên, loại xe ô tô 3 lít xăng không còn là chuyện lạ nữa.

Hơn nữa, số km sử dụng xe ô tô của người Đức hàng năm nói chung không tăng. Tăng trưởng kinh tế, một trong những nguyên nhân tiêu hao nhiên liệu nhiều nhất, trong thời gian qua chỉ đạt mức thấp. Xu hướng này diễn ra ở hầu hết các quốc gia công nghiệp, góp phần làm giảm mức tiêu thụ xăng dầu.

Theo chuyên gia dầu mỏ Matthew Parry thuộc IEA, khủng hoảng kinh tế làm giảm khoảng một nửa mức tiêu thụ xăng dầu, phần còn lại là do nâng cao hiệu quả của kỹ thuật và công nghệ.

Trong ba năm qua, Đức đã bắt đầu sử dụng nhiên liệu sinh học. Ước đoán, đến năm 2025, tiêu thụ xăng ở Đức sẽ giảm 30% so với năm 2010 nhờ sử dụng nhiên liệu sinh học.

Xu hướng này sẽ tăng lên nếu quy chế về bảo vệ khí hậu được tăng cường nghiêm ngặt hơn nữa. Nếu tại cuộc họp thượng đỉnh ở Paris vào năm tới, các quốc gia nhất trí với nhau hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức hai độ thì điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc tiêu thụ dầu mỏ. Theo các nhà tư vấn của Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger, mức khí thải CO2 của ô tô đến năm 2025 phải giảm xuống chỉ còn 56 gr /km. Hiện tại mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân là 5,6lít/100km, đối với loại xe đời mới thì mức tiêu thụ chỉ còn 2,4 lít/100km. Về kỹ thuật, các chỉ tiêu này thực tế đã đạt được từ lâu, như các hãng sản xuất ô tô BMW, Toyota hay VW đã chứng minh thông qua các dòng xe lai (Hybrid). Đây là các loại xe vừa chạy điện vừa chạy xăng và thải ra khoảng 50 gr CO2/km. 

Ngoài ra, tiêu thụ dầu đốt để sưởi ấm của các hộ gia đình cũng sẽ giảm mạnh. Do giá dầu đốt tương đối cao nên các hộ gia đình sẽ chuyển sang dùng khí đốt, điện mặt trời và địa nhiệt để sưởi ấm.

Lần đầu tiên điện gió, điện mặt trời và điện sinh học cũng như thuỷ điện trở thành những cấu thành năng lượng quan trọng nhất ở Đức và đẩy than nâu xuống vị trí thứ yếu. Tập đoàn hậu cần UPS là một trong những tập đoàn vận tải hàng hoá lớn nhất thế giới có đội xe vận tải trên 1.000 chiếc đã dùng khí hoá lỏng (Liquified Natural Gas LNG) thay cho dầu diesel, số còn lại 16.000 xe cũng từng bước chuyển sang dùng LNG.

Do giá LNG được làm lạnh âm 160 độ C rẻ hơn nhiên liệu truyền thống sản xuất từ dầu mỏ tới 70% nên xu hướng các tập đoàn hậu cần chuyển sang sử dụng LNG ngày càng tăng.

Nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ LNG trên đường bộ ở Mỹ là do khai thác khí đốt từ đá phiến có những tiến bộ vượt bậc. Giá khí đốt ở Mỹ hiện tại chỉ bằng một nửa so với châu Âu. Một số hãng vận tải đường sắt ở Mỹ và Canada cũng đang thử nghiệm dùng động cơ hybrid chạy bằng dầu diesel hay khí đốt.

Ngay cả các hãng tàu biển cũng đang có xu hướng thay vì dùng dầu nặng chuyển sang dùng khí đốt. Dầu nặng tuy giá rẻ song lại gây ô nhiềm môi trường nghiêm trọng vì hàm lượng chất thải lưu huỳnh quá cao.

Nhiều tập đoàn hoá chất cũng giảm mạnh việc sử dụng nguyên liệu dầu mỏ để sản xuất các chất nhựa tổng hợp vì ethane và propane sản xuất từ đá phiến có giá rẻ hơn nhiều. Các chuyên gia cho rằng điều tương tự cũng có thể xẩy ra ở Bắc Phi, Nga, Trung Quốc, Australia, Argentina, Ba Lan và Anh Quốc vì những nơi này đều có trữ lượng lớn khí đốt từ đá phiến.

Nhà nghiên cứu năng lượng Adam Brandt thuộc Đại học Stanford đã phân tích hàng ngàn dữ liệu trong quá khứ để tìm lời đáp về tiêu thụ dầu mỏ trong điều kiện dân số và kinh tế tăng trưởng cao, cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra trên thế giới. Kết quả là ngay cả khi các nước mới nổi đạt mức phát triển kinh tế mạnh mẽ thì từ năm 2030, tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới sẽ giảm sút.

Xuân Hoài lược dịch từ “Tuần kinh tế”

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)