Bước tiến trên đường hội nhập

Sau khi ký hiệp ước song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ còn việc tổng hợp các bản hiệp ước tương tự với các quốc gia khác, đưa qua cho thư ký đoàn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để gia nhập câu lạc bộ tự do thương mại này. Đây là một bước tiến trên con đường hội nhập kinh tế, còn việc có lợi hoặc có hại như thế nào thì phụ thuộc vào sự vận dụng tự do thương mại và hội nhập kinh tế của ta như thế nào.

Một trong những người Tây phương đầu tiên đến Việt Nam yêu cầu thi hành tự do thương mại là ông Jean Dupuis, hồi thế kỷ 19 người mình gọi ông ta là Đồ Phổ Nghĩa. Jean Dupuis là một anh lái súng, chuyên cung cấp vũ khí cho các quan lại Trung Hoa ở Vân Nam, Tứ Xuyên để họ đánh dẹp đám người Hồi nổi loạn. Năm 1974, Dupuis đã thử đi xuôi dòng Sông Cái, Hồng Hà, biết chắc chắn có thể từ biển Đông theo thủy lộ đó vào đất Vân Nam trực tiếp, khỏi phải qua Quảng Đông, Quảng Tây trên đường bộ mất nhiều ngày hơn. Theo đường sông Hồng mà đem khí giới lên bán cho quan lại Trung Hoa sẽ tiết kiệm được thời giờ và chi phí, có thể chở thêm muối, càng có lợi. Jean Dupuis đã yêu cầu quan khâm sai Việt Nam ở Hà Nội phải cho ông ta sử dụng sông Hồng để mua, bán một cách tự do. Dupuis lấy cớ rằng ông ta đã có giấy ủy nhiệm của Tổng đốc Vân Nam cùng với Tổng Đốc Lưỡng Quảng. Theo ý kiến Dupuis thì Việt Nam là một phiên thuộc của nhà Đại Thanh, Tổng Đốc Lưỡng Quảng đã cấp giấy phép thì Việt Nam phải thi hành. Vì triều đình Huế không chịu, Jean Dupuis đã vận động soái phủ Sài Gòn là đại diện chính phủ Pháp hãy mang quân ra đánh Hà Nội. Dupuis hứa hẹn rằng nếu quân Pháp ra Bắc thì dân chúng ở đó sẽ nổi dậy chống triều đình Huế –  vì Dupuis nói, họ vẫn tưởng nhớ đến nhà Lê. Như vậy là quân Pháp sẽ được tiếp đón như một đạo quân giải phóng. Khi đạo quân của Francis Garnier ra Hà Nội, Khâm sai Nguyễn Tri Phương bị thương và chết, viên đại úy này đã ký giấy cho phép Jean Dupuis tự do buôn bán trên giữa Việt Nam và Trung Quốc, với độc quyền buôn muối lên Vân Nam. Khi Garnier bị quân Cờ Đen giết thì cái giấy ông ta ký cũng vô giá trị.

Việc mở cửa cho thương mại tự do cũng giống như mở một đường xe lửa vào một nơi chưa sử dụng hỏa xa bao giờ. Không riêng gì nước ta mà tất cả các nước đều đang gặp “vấn đề” phải đối phó; vì thế giới gia tăng trao đổi với nhau.

Nếu coi cuộc vận động của Jean Dupuis là một hành động đòi tự do thương mại thì cũng tội nghiệp cho khái niệm này. Bởi vì thực tâm Jean Dupuis không muốn buôn bán tự do. Ông ta muốn chiếm độc quyền, không những độc quyền về muối mà còn nhiều thứ độc quyền khác. Ngay trong các hiệp ước giữa triều đình Huế và chính phủ Pháp thời đó cũng không cho phép buôn bán tự do. Trái lại, chính quyền Việt Nam lúc đó phải nhường cho người Pháp (và người Tây Ban Nha) nhiều quyền lợi; không những thế, còn phải hứa không cho người nước nào được hưởng các quyền lợi tương tự. Đúng ra, Jean Dupuis là một tay chống tự do thương mại.
Trong thời gian đó, 21 năm trước, Matthew Calbraith Perry mang 4 chiếc thuyền tới cửa Vịnh Tokyo, Nhật Bản, và gây áp lực cho tới khi chính phủ Thiên hoàng chịu nhận lá quốc thư của tổng thống Mỹ Fillmore yêu cầu thiết lập ngoại giao và mở cửa cho tự do thương mại. Perry vốn là một sĩ quan hải quân, chứ không phải nhà buôn. Ông điều khiển chiến thuyền đầu tiên chạy bằng hơi nước của hải quân Mỹ, đã tham dự cuộc chiến với Mexico, và sau đó đi ngăn cản các tầu chở nô lệ từ Phi Châu sang Mỹ Châu. Năm 1854, Perry đem tầu thủy trở lại Tokyo lần nữa và hai bên ký một hiệp ước thương mại song phương, mở đầu mối bang giao Mỹ- Nhật. Sau hiệp ước với Mỹ, Nhật Bản ký các thương ước với Anh, Pháp, Hà Lan, Nga.
Cả hai câu chuyện trên đều liên hệ tới tự do thương mại, nhưng kết quả khác nhau. Chính quyền Pháp thì muốn chiếm Việt Nam để cho các tay thực dân Pháp chiếm độc quyền thương mại; chính quyền Việt Nam thì tìm đủ mưu mẹo chống lại tất cả các đòi hỏi mở cửa, nhưng không biết phải mở cửa để tự canh tân mới đủ sức bảo vệ chủ quyền. Hai bên phải lâm chiến, cho tới khi một bên thua, nước ta mất cả quyền tự chủ. Khi chủ quyền không còn thì cũng chẳng có thứ quyền tự do nào để gọi là thương mại tự do nữa. Còn giữa Nhật và Mỹ thì khác, hãy nói là họ may mắn hơn, họ mở nước Nhật ra bắt đầu trao đổi thương mại với nhiều quốc gia khác. Nước

 
Sẽ thay đổi tất cả cách sống, cách kinh doanh, phương pháp sản xuất.

Nhật thay đổi, không tránh được, đưa tới những cải cách của Thiên hoàng Minh Trị (1867 – 1912). Nước Nhật Bản vẫn bảo vệ được chủ quyền, cho nên có thể nói chuyện tự do thương mại một cách bình đẳng với nước khác – cho tới khi Nhật cảm thấy bị ép quá thì giải quyết bằng cách gây chiến. Sau Thế chiến thứ hai, các quốc gia thắng trận đã rút được kinh nghiệm là nếu các nước thực hiện thương mại tự do và bình đẳng thật sự thì mọi người đều có lợi, chắc sẽ bớt chiến tranh. Và muốn mọi người cảm thấy được tự do thật thì phải đối xử đồng đẳng với nhau, người ta phải được tự do ngay trong quyết định tham dự vào việc mua bán tự do hay không!
Ngày nay, Tổ chức Mậu dịch Thế giới (và các tổ chức tiền thân của nó) muốn tạo ra một khung cảnh để các quốc gia được tự do gia nhập một cách bình đẳng. Có những luật lệ quốc tế tất cả mọi nước phải theo. Tạo được một cơ chế tài phán để các nước có gì tranh chấp thì tới đó thưa kiện lẫn nhau, cơ chế đó tăng thêm uy tín thì các nước đều được lợi. Cho tới nay, có thể nói chưa có nước nào sau khi gia nhập tổ chức WTO lại xin rút ra, vì không có kinh tế nước nào bị sa sút sau khi gia nhập WTO cả.
Về mặt lý thuyết, David Ricardo là người đầu tiên biện minh cho việc tự do thương mại một cách hùng hồn với lý thuyết Lợi thế Tương đối (Comparative Advantage), vào năm 1817. Ông lấy thí dụ hai nước Bồ Đào Nha và Anh quốc cùng sản xuất vải và rượu vang. Bồ Đào Nha dệt vải và làm rượu vang đều giỏi hơn Anh, tức là có lợi thế hơn Anh trong việc sản xuất cả hai món hàng đó. Lợi thế là, thí dụ, người Bồ Đào Nha dệt vải và làm rượu Bồ Đào với phí tổn rẻ hơn hoặc ít nhân công hơn. Cho dễ hiểu, giả dụ một người Bồ Đào Nha làm việc mỗi ngày dệt được 1 mét vải, hoặc chế được 4 lít rượu Nho; trong khi người Anh làm 2 ngày mới được 1 mét vải và mỗi ngày chế được 1 lít rượu vang. Nếu chỉ nhìn vào lợi thế tuyệt đối này thì có thể nghĩ là Bồ Đào Nha không cần mua của Anh món nào cả. Hàng bên Anh đắt quá vì làm tốn sức gấp đôi hoặc gấp bốn dân Bồ.
Nhưng nếu nhìn vào lợi thế tương đối lại thấy khác. Ví dụ, ở Bồ Đào Nha, công làm 1 mét vải cũng bằng làm 4 lít rượu vang (một ngày công). Còn ở Anh công làm 1 mét vải (2 ngày) chỉ tương đương với công chế 2 lít ruợu vang thôi. So sánh giữa hai món hàng này thì Bồ Đào Nha có lợi thế tương đối khi chế rượu vang hơn là khi dệt vải. Do đó, nếu Bồ Đào Nha chỉ lo làm rượu để bán sang Anh, đổi lấy vải, thì cả hai bên đều có lợi.
Nếu Bồ Đào Nha bỏ không dệt vải mà chỉ làm rượu, thì mỗi người 1 ngày bị bớt mất 1 mét vải nhưng chế được thêm 4 lít rượu vang nữa. Có thể đem rượu sang Anh quốc đổi lấy vải. Bên Anh, 4 lít rượu vang đó phải làm 4 ngày mới xong, tương đương với công làm 2 mét vải. Họ sẽ thấy nếu đổi 1 mét rưỡi vải lấy 4 lít rượu vẫn có lời. Trong khi đó ở bên Bồ Đào Nha 4 lít đó chỉ tương đương với công làm 1 mét vải thôi, nhận được 1 mét rưỡi họ cũng thấy có lời.

Cho tới nay, có thể nói chưa có nước nào sau khi gia nhập tổ chức WTO lại xin rút ra, vì không có kinh tế nước nào bị sa sút sau khi gia nhập WTO cả.

Tóm lại, vì lợi thế tương đối mà khi trao đổi thương mại, quốc gia nào cũng có lợi.
Với điều kiện, phải trao đổi tự do. Adam Smith hơn 200 năm trước đã nhận xét rằng khi mọi người được tự do trao đổi với nhau, thì việc mua, bán, trao đổi chỉ diễn ra nếu cả hai bên đều thấy mình có lợi. Chính việc trao đổi tự do mang lại lợi ích cho mỗi bên. Vì vậy, nền thương mại thế giới đã phát triển rất mạnh từ khi các quốc gia mở cửa cho kinh tế lưu động toàn cầu. Năm 1987 tổng số hàng xuất khẩu giữa các nước chiếm 16% tổng sản lượng thế giới; nay tỷ số đó lên tới 27%.
Nhưng khi nói Tổ chức Thương mại Thế giới chúng ta nghĩ ngay đến việc trao đổi hàng hóa; mà sự thực việc trao đổi tự do giữa các nước hiện nay còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nữa. Khi hàng hóa nước này được đưa sang nước khác mà không bị các thứ rào cản, như vậy gọi là có tự do thương mại. Nhưng ngoài hàng hóa, các nước còn trao đổi các dịch vụ, như bảo hiểm, viễn thông, ngân hàng… Ngoài hàng hóa và dịch vụ, lại còn việc trao đổi số người làm việc và vốn làm ăn. Người và vốn là hai yếu tố trong quá trình sản xuất, khi hai yếu tố đó cũng được tự do đi lại qua các biên giới quốc gia, như vậy là tự do trao đổi tới mức tuyệt đối rồi!
Nhưng thế giới còn lâu mới tiến đến trình độ trao đổi tự do hoàn toàn như vậy. Khi các nước ký kết thương mại tự do, thường người ta bắt đầu bằng hàng hóa, thí dụ giảm bớt quan thuế trên hàng nhập khẩu. Trong tình trạng hiện nay khi các nước trong WTO thương thuyết, ngay trong lĩnh vực hàng hóa, thí dụ các nông sản, mọi người vẫn còn quyết định giữ nhiều rào cản chứ chưa bỏ hết. Sang lĩnh vực dịch vụ, lại thêm các rào cản khác. Khi Việt Nam vào WTO thì ngân hàng các nước khác cũng phải đợi mấy năm mới được phép mở cửa làm việc tự do ở Việt Nam. Đến tiền vốn, có thể được cởi trói để chạy qua chạy lại nhanh hơn. Ai cũng muốn người ta đầu tư thêm vào nước mình; mà khi đồng tiền vốn biết nó có thể ra đi tự do thì nó sẽ tự nguyện chạy tới, và chạy tới nhiều hơn. Nhưng sau những vụ khủng hoảng tài chính hồi 1997, 98 thì người ta đang quan sát rất kỹ để coi việc cho đồng tiền tự do di chuyển như thế có thể gây ra những rủi ro nào.
Nói vậy chứ rủi ro lớn lắm. Nước Mỹ đứng hàng cho tự do trao đổi vốn cao nhất (thua Singapore). Nếu bây giờ một nửa số chủ nợ của nước Mỹ (họ đã mua các công trái chính phủ Mỹ), bỗng dưng cùng quyết định đem công trái Mỹ đi bán, nghĩa là họ muốn lấy tiền về, thì sẽ khủng hoảng lớn! Đồng đô la Mỹ sẽ xuống giá, lãi suất ở nước Mỹ sẽ tăng vọt lên, dân Mỹ bớt tiêu thụ. Người Trung Quốc, người Ấn Độ cũng bớt tiêu thụ vì họ bán hàng sang Mỹ ít hơn trước. Cuối cùng thì kinh tế cả thế giới sẽ trì trệ, nếu không khủng hoảng. Chuyện đó khó xảy ra đối với công trái của nước Mỹ nhưng có thể diễn ra đối với nhiều nước khác, với những số vốn cho vay hoặc mua cổ phần. Nếu thấy các triệu chứng xấu nào thì phải lo sắp có khủng hoảng? Các quốc gia sẽ phải đặt lại các rào cản cho việc trao đổi vốn tự do mà vẫn an toàn, miễn là tất cả cùng thỏa thuận với nhau. Một nước nhỏ như Singapore cũng có những kinh nghiệm đáng học, vì nước đó vẫn mở cửa rộng nhất.

Việc gia nhập WTO cũng chỉ tạo ra khung cảnh, điều kiện mới cho việc phát triển kinh tế. Có các điều kiện mới rồi, liệu chúng ta biết sử dụng có lợi cho mình hay không, đó mới là chuyện phải lo.

Lĩnh vực sau cùng và khó nhất là trao đổi nhân lực. Tổ chức chính trị chính yếu của loài người hiện nay vẫn là những quốc gia. Đem người nước này sang nước khác làm việc là cả một chuyện rắc rối. Hãy coi ở Tây Âu người ta đang than phiền vì những người thợ sửa ống nước ở Ba Lan sang “cướp” công ăn việc làm của đồng nghiệp ở Pháp hay Đức! Và cả nước Mỹ đang tranh luận làm sao giải quyết vấn đề 12 triệu người Mexico sống ở Mỹ mà không có giấy tờ. Chuyện sẽ còn rắc rối cho tới… thế kỷ 22! Trong khi đó thì cả khối lao động ở hai lục địa Trung Quốc và Ấn Độ đang “xâm lăng” các quốc gia khác –  mà không cần bước chân rời khỏi nước họ! Họ vẫn cứ ở xứ họ, và làm việc với đồng lương rẻ hơn, thế là các công nhân và kỹ sư ở Mỹ bị mất việc, bao nhiêu người Mỹ than phiền – trừ những người tiêu thụ được mua hàng hóa rẻ! Đó cũng là hậu quả của tự do thương mại cả!
Nhưng việc trao đổi tự do vẫn là trào lưu tự nhiên, vì mọi quốc gia đều thấy có lợi, kể cả việc trao đổi tiền vốn. Từ năm 1990 đến nay, số tiền ngoại quốc đầu tư trực tiếp vào các nước đã tăng lên ba lần. Cũng trong thời gian đó, số tiền đầu tư dưới hình thức mua trái phiếu hoặc cổ phần cũng tăng lên hơn 5 lần. Tương đối, tiền vốn chuyển nhanh hơn việc chuyển người, nhưng đồng tiền cũng để lại vết tích dễ theo dõi và phòng ngừa các hệ quả xấu nhanh chóng dễ dàng hơn.
Tất cả những cuộc trao đổi tự do sẽ làm cho mọi người phải đổi thay để thích ứng. Joseph Schumpeter đã nêu thí dụ khi người ta mở một con đường xe lửa vào một xứ hoàn toàn mới, nó sẽ thay đổi tất cả cách sống, cách kinh doanh, buôn bán, phương pháp sản xuất và phân phối; những cách làm ăn trước coi là tối hảo bây giờ sẽ phải đổi. Việc mở cửa cho thương mại tự do cũng giống như mở một đường xe lửa vào một nơi chưa sử dụng hỏa xa bao giờ. Không riêng gì nước ta mà tất cả các nước đều đang gặp “vấn đề” phải đối phó; vì thế giới gia tăng trao đổi với nhau.
Một cơ bản phải giữ chính là quyền tự do. Mọi cuộc trao đổi đều có lợi nếu đặt trên căn bản tự nguyện, tự do. Nếu các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nhau và thương thảo với nhau khi bất đồng ý kiến, thì tổ chức thương mại thế giới sẽ tồn tại và giúp thế giới mở cửa mỗi ngày rộng hơn. Chúng ta may mắn hơn cổ nhân thời thế kỷ 19, vì ngày nay không còn ai như tay lái súng Jean Dupuis nữa. Nhưng, trong đại thể thì như vậy, còn trong tiểu tiết chưa biết được. Nếu có những anh Jean Dupuis bây giờ thì anh ta cũng khôn ngoan hơn, khéo léo hơn. Có điều là trong một thế giới có luật lệ và các nước phải đối đãi với nhau cho công bằng thì các anh Jean Dupuis cũng không làm bậy được nữa – trừ khi anh ta hối lộ tinh vi quá, không ai biết được! Việc gia nhập WTO cũng chỉ tạo ra khung cảnh, điều kiện mới cho việc phát triển kinh tế. Có các điều kiện mới rồi, liệu chúng ta biết sử dụng có lợi cho mình hay không, đó mới là chuyện phải lo.

Quý Đỗ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)