Buông ngọn nắm gốc

Lâu nay chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước ưu tiên thái quá cho kích thích tăng trưởng GDP đã dẫn tới những hệ lụy gây thất thoát, hao phí tài sản của quốc gia, và tạo điều kiện thuận lợi để các nhóm lợi ích thao túng, gây ra bất công và bất ổn trong xã hội

Trong kinh tế học, người ta gọi GDP, hay tổng giá trị sản phẩm mà các đối tượng làm ăn, sinh sống trong một quốc gia làm ra trong một năm, là giá trị mang tính “dòng chảy” (flow). Gọi là dòng chảy vì đây là dòng vào. Còn dòng ra là tổng giá trị của cải của quốc gia bị tiêu trừ, hao mòn trong năm. Giá trị ròng của cải tích tụ được (NDP) là phần còn lại của dòng vào sau khi đã khấu trừ đi dòng ra. Để đánh giá được tiềm lực thực chất của một quốc gia, người ta phải nhìn vào giá trị của cải tích lũy được, còn giá trị của GDP chỉ mang tính tham khảo.

Thế nhưng lâu nay các nhà quản lý dường như chỉ quan tâm theo dõi dòng vào mà lơ là dòng ra. Các báo cáo, phân tích đánh giá thường chỉ tập trung xem GDP hằng năm đạt được bao nhiêu phần trăm, mà không mấy ai quan tâm thống kê lượng của cải đang hao phí vì những nguyên nhân chủ quan: những ụ nổi han gỉ, những khu đô thị bị bỏ hoang, những con đường chất lượng yếu kém chưa kịp nghiệm thu đã phải sửa chữa, v.v.

Những sự hoang phí này có nhiều nguyên nhân như nạn tham nhũng hay yếu kém trong quản lý đầu tư công, yếu kém trong quản lý nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, chất xúc tác để khiến tất cả những yếu tố tiêu cực trên bùng phát mạnh mẽ chính là tư duy phát triển chạy theo bề nổi của những người quản lý Nhà nước cố đạt những con số tăng trưởng GDP ấn tượng bằng mọi giá, được cụ thể hóa bằng ba chính sách thường thấy: tăng trưởng tín dụng quá độ; đầu tư công và vay nợ công quá độ; và đánh đổi đất đai lấy tăng trưởng.

Hậu quả của tăng trưởng tín dụng quá độ

Trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, nơi nguồn tín dụng được rót vừa đủ, giá trị tài sản không bị tình trạng bong bóng làm méo mó, và các quyết định phân bổ tín dụng từ các ngân hàng không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, thì dòng tiền đầu tư của xã hội sẽ được rót vào những dự án có tiềm năng đạt hiệu quả thực chất cao nhất. Nhưng trong một nền kinh tế mà nguồn vốn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cơ chế xin cho và sự thao túng của các nhóm lợi ích thì chính sách tăng trưởng tín dụng quá độ khiến cho quá nhiều tiền đổ vào những dự án mang tính đầu cơ chụp giựt, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.

Sự lan tràn những khoản đầu tư kém hiệu quả khiến nguồn tiền trong xã hội tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tích lũy của cải, và hậu quả dễ thấy như đã xảy ra trong những năm qua là tình trạng lạm phát hai chữ số làm mất giá nghiêm trọng đồng tiền, buộc Nhà nước phải tăng cao lãi suất, trở thành một thứ thuế vô hình giáng xuống người dân. Trong khi dòng tiền chùa rơi vào túi những nhóm lợi ích đầu cơ, thì tài sản tiền (tiền mặt, tiền trong tài khoản ngân hàng, trái phiếu, và các tài sản tương tự) của những người làm ăn chân chính, có hiệu quả bỗng dưng bị mất giá trị. Hay nói cách khác, chính sách tăng trưởng tín dụng quá độ kết hợp với sự thao túng của các nhóm lợi ích khiến cho tiền từ túi những người làm ăn hiệu quả bị bòn rút chuyển sang túi những kẻ đầu cơ. Điều này một mặt gây bất công và bất ổn trong xã hội, mặt khác ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế trong lâu dài, vì hao hụt giá trị tài sản của những người làm ăn chân chính cũng đồng thời làm suy giảm nguồn lực mà họ có thể dành cho đầu tư trong tương lai.  

Bên cạnh đó, chính sách tăng trưởng tín dụng quá độ khiến giá trị một số dạng tài sản bị thổi thành bong bóng, và điều nguy hiểm là đa số mọi người không thể dự đoán trước diễn biến của thị trường để biết trước chính xác khi nào thì bong bóng sẽ vỡ. Trái lại, tất cả các cá thể đều hành xử dựa trên thông tin hạn hẹp và đưa ra những quyết định đầu cơ theo quán tính của đám đông.

Khi bong bóng vỡ sẽ kéo theo sự đổ vỡ mang tính dây chuyền. Tình trạng cá thể này không thanh toán được nợ cho cá thể khác – hay còn gọi là nợ xấu – khiến tất cả mọi doanh nghiệp, không phân biệt là người làm ăn chân chính hay kẻ đầu cơ, đều bị ảnh hưởng. Hậu quả lâu dài là sự đình đốn hoặc đổ vỡ của các doanh nghiệp sản xuất chân chính, và nguồn tài sản xã hội bị lãng phí vào những dự án đầu cơ bị mất thanh khoản.

Như vậy, trái ngược với chủ đích của những người làm chính sách, mong muốn tăng trưởng tín dụng sẽ kích thích tăng trưởng GDP, việc tăng trưởng tín dụng quá độ dẫn tới những khoản đầu tư kém hiệu quả, thúc đẩy lạm phát và tạo ra nợ xấu khiến các doanh nghiệp đình đốn sản xuất hoặc đổ vỡ. Thông qua lạm phát, chính sách tăng trưởng tín dụng quá độ kết hợp với sự thao túng của các nhóm lợi ích khiến giá trị tài sản và nguồn lực đầu tư của những người làm ăn chân chính bị hao hụt, gây ra sự bất công, bất ổn trong xã hội, và giảm hiệu quả đầu tư của toàn nền kinh tế.

Đánh đổi đất đai lấy tăng trưởng

Cùng với chính sách kích thích tăng trưởng bằng tín dụng, chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai – một công cụ khác của Nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư – cũng bị các nhóm lợi ích tìm cách lợi dụng khai thác. Giá trị đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án thường tùy thuộc vào thang giá tương ứng với mục đích sử dụng hiện tại của thửa đất, và mức giá này thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên đây là nguồn lợi để các nhóm đầu tư triệt để khai thác. Đất dự án được thu gom dễ dàng càng tạo điều kiện để các nhóm đầu cơ sử dụng làm tài sản thế chấp và liên tục mở rộng vay vốn. Hậu quả gây ra là có quá nhiều các dự án được lập, vượt quá nhu cầu và điều kiện phát triển của nền kinh tế, dẫn tới hiện tượng nhiều khu công nghiệp và các khu chung cư, biệt thự bị bỏ hoang.    

Bên cạnh đó chính sách ưu đãi đầu tư bằng đất đai cũng được dùng làm công cụ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, dưới hình thức giá thuê đất không đáng kể, nhà đầu tư được hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, hoặc chỉ phải trả tiền đền bù với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Tuy được hưởng ưu đãi như vậy nhưng đổi lại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lại dùng thủ thuật chuyển lãi ra nước ngoài theo hình thức mua nguyên liệu đầu vào với giá cao và báo lỗ khiến nhà chức trách không thể thu được thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, chỉ một bộ phận người dân địa phương được thuê vào làm việc tại các dự án của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, còn lại là những người dân địa phương bị mất đất, mất nghề nghiệp, và rơi vào cảnh trắng tay sau khi tiêu hết số tiền đền bù ít ỏi, và đây là một mầm mống đáng kể khác gây bất ổn trong xã hội.

Quản lý nợ của Nhà nước: rời rạc và thiếu phản biện độc lập

Trong số những chính sách vĩ mô có khả năng gây hao phí tài sản và nguồn lực của các quốc gia, nợ công là một trong những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu, vì hoạt động vay mượn của Nhà nước nếu không được quản lý hợp lý và trong giới hạn an toàn sẽ gây nhiều hậu quả tiêu cực, như làm co rút nguồn vốn của khu vực tư nhân nếu Nhà nước lạm dụng phát hành trái phiếu trong nước, hoặc làm sụt giảm kho dự trữ ngoại tệ để thanh toán nợ nếu Nhà nước lạm dụng vay nợ bằng ngoại tệ nước ngoài. Còn nếu Chính phủ vỡ nợ thì hậu quả gây ra sẽ càng to lớn hơn, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển lâu dài của cả quốc gia.

Hiện nay, nợ công của Việt Nam theo công bố của Nhà nước ở vào khoảng 50-60% GDP. Đây là con số tương đối cao, vì 60% GDP tương đương với trần hạn mức nợ công khuyến nghị cho các nước có nền quản lý tài chính công tiên tiến như liên minh EU. Tình trạng khủng hoảng nợ công ở châu Âu cho thấy việc tuân thủ khuyến nghị này là cần thiết, vì ngay cả những nước có nền quản trị tài chính công phát triển cũng không dám đảm bảo rằng mình có đủ năng lực dự báo và kiểm soát diễn biến tài chính công một khi gánh nặng nợ trở nên quá lớn. Điều đáng lo ngại trước mắt về nợ công của Việt Nam chưa hẳn là về con số cụ thể của gánh nặng nợ (do chiếm đáng kể trong nợ công là nợ ODA với kỳ hạn dài, lãi suất thấp) mà là năng lực dự báo, thẩm định, và quản lý tài chính công của chúng ta còn rất giới hạn. Ví dụ điển hình là cách đây chưa lâu, những người ủng hộ dự án đường sắt cao tốc trong Chính phủ còn lạc quan biện luận rằng GDP của quốc gia sẽ tăng trưởng đều đặn vượt bậc, dư sức giúp thanh toán mọi gánh nặng nợ nần từ siêu dự án này. Diễn biến phát triển kinh tế của đất nước trong những năm qua đã nhanh chóng cho thấy dự đoán trên là xa rời thực tế tới mức độ nào. 

Ngoài nợ công, vấn đề giải quyết nợ doanh nghiệp Nhà nước tự vay tự trả cũng là câu hỏi chưa có lời đáp. Trên lý thuyết, Chính phủ không can thiệp, hỗ trợ thanh toán nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng trong thực tế, Chính phủ vẫn phải ngầm có trách nhiệm với các khoản vay cho những dự án đầu tư vừa mang tính thể diện, vừa mang tầm chiến lược, hoặc với các đối tượng doanh nghiệp Nhà nước mà trong đó phần tài sản Nhà nước có ý nghĩa, giá trị công ích, thuộc diện không thể phát mại được. Tuy nhiên, Chính phủ chưa bao giờ công khai làm rõ phần nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ sẽ có trách nhiệm giải quyết là bao nhiêu, mặc dù trong những gói giải cứu nợ xấu sắp tới, chắc chắn sẽ có phần dành cho những đối tượng này.

Như vậy, phần trách nhiệm ngầm của Chính phủ cho các doanh nghiệp Nhà nước có thể coi là một gánh nặng cho nợ công, mặc dù không được tính vào nợ công. Nhưng trách nhiệm quản lý phần gánh nặng nợ này thuộc về Ngân hàng Nhà nước, còn trách nhiệm quản lý phần nợ công theo định nghĩa chính thống quy định trong luật lại thuộc về Bộ Tài chính. Do đó, có thể nói rằng chúng ta vẫn chưa có một cơ quan quản lý nợ công đúng nghĩa, được chủ động toàn diện trong quản lý và chịu trách nhiệm cho toàn bộ những gánh nặng nợ mà Nhà nước phải gánh vác.

Trong khi hoạt động quản lý nợ của Nhà nước còn phân tán tản mát, thì Luật Quản lý Nợ công và các văn bản hướng dẫn hiện vẫn chưa có sự quy định rõ ràng về các biện pháp phòng vệ cần thiết khi gánh nặng nợ tiếp cận ngưỡng mất an toàn. Vì vậy, các cơ quan chức năng sẽ không có điểm tựa chống lưng và dễ dàng bị chi phối bởi ý chí của Chính phủ mà không đảm bảo được vai trò, chức năng độc lập của người quản lý nợ. Trong những trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, hay các dự án vay nợ của Vinashin, tất cả các ý kiến chính thức từ các cơ quan chức năng đều ủng hộ theo ý chí chỉ đạo của Chính phủ, và mọi quan điểm phản biện của những cơ quan này nếu có thì đều thuần túy mang tính tham mưu trong nội bộ.  
  
Như vậy, chức năng phản biện độc lập được các cơ quan chức năng nhường sân cho Quốc hội, và cũng chỉ có những dự án quy mô rất lớn như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam mới có cơ hội được phản biện và phủ quyết. Thiếu tiếng nói phản biện độc lập, quyền lực của Chính phủ trong hoạt động vay nợ và phân bổ vốn vay trở nên quá lớn, và nếu những khoản vay này được giải ngân vào tay những người quản lý yếu kém hoặc thiếu đạo đức thì sự thất thoát, hao phí là không thể tránh khỏi.

Đề xuất

Những năm qua, xu hướng suy giảm tăng trưởng GDP, vấn nạn nợ xấu tồn đọng chưa có lời giải thỏa đáng, những biến động của kinh tế toàn cầu từ khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia, v.v., đã cho chúng ta thấy rằng không thể tập trung cho tăng trưởng GDP bằng mọi giá và ảo tưởng rằng chỉ cần vốn và đất là đủ để duy trì tăng trưởng.

Nhà nước ta luôn khẳng định chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng chưa đưa ra được những cơ sở lý luận rõ ràng cho chủ trương này. Chúng ta có thể tạm hiểu rằng định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là chú trọng vai trò quản trị của Nhà nước thay vì phó thác hoàn toàn cho thị trường, đồng thời đề cao lý tưởng công bằng xã hội. Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế đất nước trong những năm qua cho thấy Nhà nước đã chưa làm tốt vai trò quản trị, khi để xảy ra phổ biến hiện tượng tài sản quốc dân bị thất thoát, hoặc bị hao phí vô ích; mặt khác cũng chưa làm tốt nhiệm vụ đảm bảo công bằng xã hội khi để tồn tại hiện tượng của cải và đất đai bị thâu tóm bởi những kẻ đầu cơ chụp giựt, trong khi những doanh nghiệp và cá nhân làm ăn chân chính phải vật lộn trong khó khăn.

Để thay đổi thực tế này, điều tiên quyết mà Nhà nước phải chú trọng là điều chỉnh những chính sách gây thất thoát, hao phí nguồn lực của quốc gia. Những người cần thay đổi tư duy đầu tiên chính là Quốc hội. Hằng năm, thay vì chỉ đặt ra các chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, hãy đòi hỏi Chính phủ phải báo cáo về nguồn tiền Ngân sách Nhà nước dành cho mục đích sửa chữa, khắc phục những công trình và dự án đầu tư công kém chất lượng, làm rõ sai phạm, và đặt ra cho Chính phủ mục tiêu cụ thể về giảm trừ con số thất thoát này trong những năm tiếp theo.

Đối với những công trình bỏ hoang, đắp chiếu có quy mô lớn của khu vực tư nhân, Chính phủ cũng cần phải điều tra về nguồn gốc nguồn vốn đầu tư và làm rõ liệu có sự liên quan lợi ích nhóm giữa chủ đầu tư và các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng chính sách của Nhà nước hay không. Nếu không hạn chế được vấn đề nhóm lợi ích thì các gói giải cứu nợ xấu sẽ chỉ là những liều thuốc giảm đau nhất thời.

Hai giải pháp trên đây là phương cách thiết thực để chúng ta chống tham nhũng vì chúng gắn với những mục tiêu cụ thể, có thể kiểm soát được, quy trách nhiệm được. Cách làm này thiết thực hơn so với chống tham nhũng bằng lời nói, và trông chờ vào sự dũng cảm tố cáo của người dân, hay lệ thuộc vào ý chí và đạo đức của các ban phòng chống tham nhũng.

Để tránh sự thao túng của các nhóm lợi ích và đảm bảo công bằng, ổn định xã hội, cần trả lại giá trị thực cho đất đai, xây dựng những thang giá đền bù được cập nhật theo giá thị trường thay vì máy móc quy theo mục đích sử dụng đất trong hiện tại. Với những dự án có tiềm năng giá trị kinh tế xã hội to lớn cho địa phương và quốc gia, Nhà nước có thể có chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư, nhưng cần đi kèm với ràng buộc rõ ràng, ví dụ như buộc nhà đầu tư phải cam kết về những lợi ích mà dự án sẽ đem lại, và sẽ phải hoàn lại tiền đền bù đất theo giá thị trường cộng với lãi suất nếu sau một số năm doanh nghiệp không đóng được thuế cho Nhà nước và dự án không đem lại được các lợi ích như nhà đầu tư từng cam kết. Không nên e ngại rằng những ràng buộc này sẽ làm mất cơ hội thu hút đầu tư, mà trái lại, chúng sẽ giúp sàng lọc bớt những người đầu tư đơn thuần vì mục đích lợi dụng kiếm chác qua kẽ hở luật pháp.

Chính sách tăng trưởng tín dụng cần được cân đối hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy đầu tư và ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể nói, trong năm 2012 Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện khá tốt chức năng điều tiết chính sách tiền tệ, giảm lạm phát được đáng kể. Nhưng đây mới là sự đối phó mang tính tình thế, được sự đồng thuận từ cả Chính phủ lẫn Quốc hội. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần giữ được tiếng nói độc lập trong chính sách tiền tệ thay vì bị chi phối hoàn toàn bởi những mục tiêu chính trị của Chính phủ. Cũng tương tự như vậy, cơ quan quản lý nợ của Nhà nước cũng cần được đảm bảo vai trò độc lập của mình, chuyên tâm vào trách nhiệm đảm bảo an toàn nợ, giảm thiểu rủi ro và chi phí vay, thay vì đơn thuần chỉ là công cụ đàm phán các khoản vay và giải ngân vốn vay của Chính phủ. 

Nhìn nhận trên bình diện tổng quan, có thể thấy rằng giá trị và chất lượng của cải mà một quốc gia tích lũy được là nền tảng quan trọng để quốc gia ấy phát triển và tiếp tục tạo ra thu nhập mới, giống như cây cần phải có gốc rễ mới mong cho ra quả ngọt. Nếu chúng ta bị chi phối bởi tư duy bỏ gốc hớt ngọn, chăm chăm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP mà lơ là việc quản trị những của cải quốc gia tích lũy được, thì nền tảng của cải ấy sẽ hao mòn, nguồn thu nhập cũng sẽ suy giảm, đồng thời càng tạo môi trường cho tham nhũng sinh sôi nảy nở.

Tác giả