Cà phê Trung Nguyên trực tiếp vào siêu thị nước ngoài

Vượt qua các bước thẩm định ngặt nghèo của đơn vị kiểm định quốc tế, càphê hoà tan G7 của Trung Nguyên chính thức vào hệ thống phân phối của tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Á E-Mart (Hàn Quốc). Kế hoạch thâm nhập hệ thống siêu thị Costco (Mỹ) cũng đang được Trung Nguyên thực hiện.

Những ngày cuối năm 2011, hơn 400 công nhân nhà máy càphê hoà tan Trung Nguyên – G7 (Bình Dương) đang gắng sức ngày đêm sản xuất cho kịp đơn hàng. Thương hiệu càphê hoà tan G7 được cơ quan thẩm định quốc tế Bureau Veritas cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán trực tiếp vào hệ thống siêu thị lớn nhất Hàn Quốc, E-Mart.

Một bước tới siêu thị Hàn

Bureau Veritas đã thẩm định hơn 20 tiêu chí từ chính sách, cơ sở hạ tầng trang thiết bị, công nghệ sản xuất, công tác nghiên cứu, thí nghiệm đến nguyên liệu, bao bì, thành phẩm và quy trình kiểm tra, kiểm soát, truy nguyên sản phẩm, vấn đề vệ sinh, môi trường, an toàn lao động… trước khi cấp giấy thông hành để G7 chính thức góp mặt vào E-Mart.

Ông Đỗ Đình Đức, giám đốc điều hành nhà máy càphê G7, nhớ lại những ngày “đối mặt” với vô số câu hỏi hóc búa mà nhân viên Bureau Veritas đặt ra: “Họ soi tỉ mỉ từng chi tiết, con người cho đến các thiết bị máy móc, cách vận hành nhà máy. Mỗi tiêu chí đưa ra đều có những bảng đánh giá riêng với từng câu hỏi”.

Riêng phần nguyên liệu, để vượt qua đánh giá của Bureau Veritas, kho bãi của G7 đáp ứng quy định về diện tích, nhiệt độ. Nhân sự có kinh nghiệm quản lý; đảm bảo quá trình kiểm tra, kiểm soát trước khi nhập kho, xuất kho và phân loại hàng hoá. Và phải thực hiện đầy đủ cả quy định kiểm soát đầu ra, đầu vào; lưu giữ hồ sơ truy xuất; lưu giữ mẫu mỗi lần xuất ba tháng…

“Họ yêu cầu nguyên liệu từ lúc nhập kho cho đến khâu ra thành phẩm đóng container phải có hệ thống camera giám sát và tất cả phải lưu lại để kiểm chứng khi cần”, ông Đức nói thêm. Theo ông Đức, các bước đánh giá tuy không quá khó, nhưng tỉ mỉ và nó luôn đặt cán bộ công nhân nhà máy ở trong tình trạng phải ý thức đến từng khâu nhỏ nhất trong quá trình vận hành.

Hướng đến siêu thị Mỹ

E-Mart là hệ thống bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc và cả châu Á, nổi tiếng cung cấp các mặt hàng nông sản chất lượng. Từ tháng 5.2011, E-Mart tách ra khỏi tập đoàn Shinsegae có 80 năm kinh nghiệm để trở thành nhà phân phối độc lập. Hệ thống E-Mart là mô hình siêu thị hiện đại, có những khu mua sắm tại trung tâm thương mại, sân bay. E-Mart cũng tấn công mạnh vào thị trường Trung Quốc. Đến tháng 1.2011, đã có 27 cửa hàng và mục tiêu trong tương lai sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ toàn cầu.

Ông Đỗ Đình Đức khẳng định nhà máy càphê G7 đã đạt tất cả những tiêu chuẩn khắt khe của hệ thống kiểm soát chất lượng thế giới chứ không phải đến khi Bureau Veritas vào đánh giá mới đủ tiêu chuẩn vào E-Mart. “Chúng tôi đang xuất khẩu khá mạnh càphê G7 sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, châu Á”, ông Đức nói. Nhưng ông đánh giá, việc G7 thâm nhập được vào E-Mart có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Nguyên vì nó khẳng định chất lượng và vị thế của thương hiệu G7 nói riêng và càphê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

Không chỉ dừng lại ở E-Mart, G7 còn đang nhắm đến tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ là hệ thống siêu thị Costco. “Mình phải làm để thế giới biết đến mình”, đó là tham vọng mà ông Đức chia sẻ. Ngoài ra ông cũng tiết lộ rằng tháng 10.2011, công ty giám định chất lượng quốc tế SGS đã cấp giấy chứng nhận G7 đạt tiêu chuẩn vào Costco. Tuy nhiên sau đó lại bị một đơn vị giám định độc lập quốc tế khác là STR (Specialized Technology Resources, Inc) “đánh trượt” vì nhà máy chưa đạt các tiêu chí liên quan đến “trách nhiệm xã hội”.

Ông Đức kể: hôm đó có hai nhân viên STR xuống nhà máy làm việc, bảo vệ cấp thẻ nhưng nghĩ rằng hai người cùng một công ty nên chỉ kiểm tra giấy tờ của một người, thế là chúng tôi bị đánh trượt vì khâu kiểm soát an ninh không chặt chẽ. Hay như quy định công nhân nếu vào nhà máy sớm hơn giờ làm chính thức thì phải được tính thêm tiền ngoài giờ và tuyệt đối không được làm tăng ca. “Đây là những quy định rất khó thực hiện vì hiện nay công nhân ở hầu hết doanh nghiệp thường vào nhà máy trước mười, mười lăm phút”, theo ông Đức.

Tuy nhiên, gạt ra ngoài tất cả những khó khăn chưa thực hiện được, Trung Nguyên vẫn nuôi tham vọng lấy bằng được giấy thông hành vào Costco trong năm 2012. Bởi với Trung Nguyên, việc xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán sỉ của Mỹ và Hàn Quốc là cơ hội quảng bá thương hiệu G7 ra toàn cầu. Đặc biệt, vào được siêu thị Mỹ là bảo chứng cho việc mở rộng phát triển thị phần, từ đó lan toả đến những thị trường khác ở châu Âu, Mỹ, châu Á…

Costco là tập đoàn được thành lập năm 1983, đứng thứ 3 của Mỹ về bán sỉ và thứ 8 trên toàn thế giới (2010). Costco tập trung vào việc bán sản phẩm với giá thấp, và khối lượng rất cao. Hiện Costco có gần 600 cửa hàng tập trung chủ yếu tại Mỹ (hơn 400) và một số thị trường châu Âu (Canada, Anh), Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh số năm năm 2010 đạt khoảng 77,9 tỉ đôla Mỹ (2010). Costco mua hàng không rẻ hơn giá mua của các hệ thống khác, nhưng họ bán giá thấp nhất, giá sỉ nên mức lời rất thấp. Vì giá thấp và có uy tín về chất lượng, hậu mãi, nên họ có số hội viên cao nhất.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)