Các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan làm gia tăng bạo lực giới

Khủng hoảng khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn, dẫn đến gia tăng nguy cơ bạo lực giới với phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số giới và tính dục.

Thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng bạo lực giới với phụ nữ, trẻ em gái, các nhóm thiểu số về giới và tính dục. Nguồn: The Third Pole

Trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health, một nhóm nghiên cứu do ĐH Cambridge dẫn đầu đã phân tích các bài báo khoa học hiện nay và phát hiện ra các bằng chứng phác họa một bức tranh tương lai ảm đạm: các sự kiện thời tiết cực đoan dẫn đến bất ổn kinh tế, mất an ninh lương thực, căng thẳng tinh thần, gây thiệt hại cơ sở hạ tầng và khiến tình trạng bất bình đẳng giới thêm trầm trọng.

Chỉ riêng từ năm 2000-2019, lũ lụt, hạn hán và bão đã ảnh hưởng đến gần 4 tỷ người trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người. Các hiện tượng này ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn: tần suất lũ lụt đã tăng 134%, bão tăng 40% và hạn hạn tăng 29% trong hai thập kỷ qua. Những con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Các hiện này có thể dẫn đến gia tăng bạo lực giới, do sự bất ổn kinh tế xã hội, bất bình đẳng quyền lực, hạn chế tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khan hiếm tài nguyên và những yếu kém trong thực thi pháp luật. Tình trạng bạo lực giới dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài như tổn thương về thể chất, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục, các vấn đề sinh sản, tự kỳ thị, các vấn đề sức khỏe tâm thần và nhiều hậu quả khác với trẻ em.

Để hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa các sự kiện thời tiết cực đoan và bạo lực giới, các nhà nghiên cứu đã xem xét các tài liệu đã có về lĩnh vực này. Cách tiếp cận này cho phép họ tập hợp các nghiên cứu – đôi khi mâu thuẫn hoặc thiếu sót – để đưa ra kết luận chắc chắn hơn.

Nhóm nghiên cứu đã chọn 41 công bố về các sự kiện cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng, và bạo lực giới như bạo lực và quấy rối tình dục, bạo lực thể chất, đàn áp, tảo hôn hoặc hôn nhân cưỡng ép, bạo lực cảm xúc. Các nghiên cứu bao phủ nhiều quốc gia trên sáu lục địa lớn, tất cả đều tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái (trừ một nghiên cứu).

Họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy bạo lực giới ngày càng trầm trọng hơn do các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan, kết hợp với các cú sốc kinh tế và bất ổn xã hội.

Theo các nghiên cứu, thủ phạm bạo hành gồm bạn đời và các thành viên trong gia đình, các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhân viên cứu trợ và quan chức chính phủ. Mối liên hệ giữa các sự kiện cực đoan và bạo lực giới có thể thay đổi do sự khác biệt về chuẩn mực xã hội, truyền thống, tính dễ bị tổn thương, mức độ phơi nhiễm, khả năng thích ứng, cơ chế tố cáo và phản ứng pháp lý. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực giới trong và sau các sự kiện cực đoan trong phần lớn nghiên cứu đều giống nhau – cho thấy sự gia tăng bạo lực giới không bị hạn chế về mặt địa lý.

“Các sự kiện cực đoan không gây ra bạo lực giới, nhưng chúng thúc đẩy nguyên nhân dẫn đến bạo lực hoặc tạo ra môi trường thuận lợi cho hành vi này”, Kim van Daalen, nghiên cứu sinh ở Khoa Y tế công cộng và chăm sóc ban đầu (ĐH Cambridge) cho biết.

“Căn nguyên của hành vi này là các cấu trúc gia trưởng và xã hội đã tạo thuận lợi và bình thường hóa bạo lực. Các vai trò và chuẩn mực xã hội hiện có, kết hợp với bất bình đẳng dẫn đến tình trạng lề hóa, phân biệt đối xử, tước đoạt khiến phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số giới và tính dục dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực của các sự kiện cực đoan”.

Van Daalen nói thêm: “Việc quản lý thiên tai cần tập trung vào ngăn ngừa, giảm thiểu và thích ứng với các yếu tố gây ra bạo lực giới. Điều quan trọng là phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số giới và tính dục bị ảnh hưởng phải cung cấp thông tin, đồng thời phải chú ý đến yếu tố văn hóa, chuẩn mực, truyền thống địa phương và thái độ của xã hội”.

Một số các biện pháp can thiệp tiêu biểu là cung cấp nơi trú ẩn sau thiên tai và các dịch vụ cứu trợ – bao gồm khu vực vệ sinh và tắm rửa – được thiết kế riêng cho phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số giới và tính dục, hoặc cung cấp các nhóm ứng phó khẩn cấp được đào tạo chuyên biệt về phòng chống bạo lực giới.

Thanh An lược dịch

Nguồnhttps://phys.org/news/2022-06-extreme-weather-climate-events-violence.html

Tác giả