Các nguyên tố mới của nhà giả kim
Trong quá trình mải miết đi tìm những phép lạ biến đá thành vàng hay tạo ra thuốc trường sinh bất lão, đôi lúc các nhà giả kim cũng phát hiện được một số nguyên tố mới mà giờ đây, một nhóm nghiên cứu liên ngành có thể truy dấu bằng các thiết bị hiện đại.
“Ngay trong mùa hè, ông cũng đốt lò. Cửa buồng ông đóng kín mít. Cả ngày lẫn đêm ông ở trong ấy và chẳng bao giờ nói với ai công việc của ông. Trong sự yên tĩnh, con người mới nghiên cứu được những bí hiểm của thiên nhiên. Ông lại muốn tìm ra vật quý báu nhất trên đời, ấy là vàng… Trong cơn lo lắng đến phát sốt lên, Vanđơma đã thức thâu đêm, nấu chảy rồi để nguội, pha trộn, rồi gạn chắt. Ta nghe thấy lão thở dài như một tâm hồn đang đau khổ, rồi lão lại cầu nguyện, nín thở…”.
“Câu chuyện Vađơma Đa và các nàng con gái” (Vinden fortæller om Valdemar Daae og hans Døttre) – một trong những chuyện thần tiên phảng phất tinh thần “humour noir” (hài đen) vừa trớ trêu hài hước, vừa chua xót cay đắng về phận đời mà Christian Andersen viết lên – khơi gợi phần nào cho chúng ta thấy hành xử và niềm tin của một nhà giả kim, một nỗ lực tuyệt vọng tiêu tốn nhiều tiền của, đủ để vị lãnh chúa sống trên bạc vàng châu báu như Valdemar Daae phải tán gia bại sản. “Họ chỉ còn quần áo mặc trên người và một bình thủy tinh mới mua đựng nước luyện kim vét dưới đất, thứ nước quý báu hứa hẹn nhiều nhưng thực tế chẳng đem lại kết quả gì. Lão chúa đất, trước kia giàu có biết bao, nay ôm chặt cái bình trước ngực, một tay cầm gậy, cùng các con ra khỏi lâu đài Bôrơby” 1.
Trên thực tế, cuộc đời của những vị pháp sư, các nhà giả kim như thế nào? họ đã làm gì trong các căn phòng đóng kín? họ tạo ra thứ gì? Trong vài thập niên trở lại đây, việc tìm hiểu về “đường đi, nước bước” của các nhà giả kim thuật thời Trung cổ đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành thú vị, nơi quy tụ sự hợp tác của các nhà lịch sử, khảo cổ, hóa học, thậm chí cả nghệ thuật. Họ tập trung vào nghiên cứu các nhà giả kim, hành xử, phương thức thực hành hơn là những ý tưởng kỳ quái của họ.
Hướng nghiên cứu này khởi nguồn từ việc các nhà khoa học liên tiếp khám phá được những phòng thí nghiệm của các nhà giả kim. Các cuộc khai quật đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới, gần như một sân khấu trưng bày những hoạt động của các nhà giả kim mà chúng ta chỉ thấy qua truyền thuyết và các ghi chép may mắn còn sót lại.
Tycho Brahe (1546 -1601) là một trong số các nhà giả kim như thế, mặc dù giả kim thuật chỉ là một trong nhiều mối quan tâm của ông và ông cũng có nhiều đóng góp cho thiên văn học với những quan sát toàn diện và chính xác chưa từng có (dữ liệu của ông về sau được người phụ tá của ông, Johannes Kepler, sử dụng để phát triển ba định luật về chuyển động thiên thể). Không rõ ông có phải là nguyên mẫu, gợi cảm hứng cho người đồng hương Đan Mạch Andersen sáng tác câu chuyện thần tiên của mình không nhưng quả thực, khía cạnh giả kim thuật trong sự nghiệp của ông khiến người đời sau không khỏi tò mò, đặc biệt khi các nhà khảo cổ khám phá ra phòng thí nghiệm giả kim thuật, được ông xây dựng vào năm 1580 trên hòn đảo Ven mà ngày nay thuộc Thụy Điển. Tại sao một người được sử gia David Wootton của ĐH York, trong cuốn sách “The Invention of Science: A New History of the Scientific Revolution” (Phát minh khoa học: Một lịch sử mới của cuộc cách mạng khoa học), coi là thực hiện những nghiên cứu đưa thiên văn học trở thành ngành khoa học hiện đại đầu tiên, lại đam mê không dứt với giả kim thuật?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học ở Nhóm nghiên cứu Di sản văn hóa và trắc lượng khảo cổ, Khoa Vật lý, hóa học và Dược học, ĐH Nam Đan Mạch, và Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại đã bước vào phòng thí nghiệm của Tycho Brahe qua khung cửa thời gian, lật lại các thông tin và dấu tích ông để lại trong thời gian hai thập kỷ trước khi trở lại Đan Mạch vào năm 1597.
Điều gì chờ đợi họ trong không gian mà lớp bụi thời gian đã phủ mờ?
Dưới sự bảo trợ của hoàng gia
Vào ngày 11/2/1576, vua Đan Mạch Frederik đệ nhị (1534–1559–1588) triệu vời nhà quý tộc và nhà khoa học Tyge Brahe (hay Tycho Brahe như ông tự gọi mình trong tiếng Latin) và ban cho Brahe đảo Ven, một hòn đảo nhỏ yên bình ở Øresund. Trong thời của Brahe, Scania và Ven thuộc đất Đan Mạch nhưng kể từ năm 1658 đều thuộc về Thụy Điển. Đức vua hứa hẹn sẽ trả tiền xây dựng một lâu dài phù hợp trên đảo theo nguyện ước của Brahe.
Tycho Brahe dĩ nhiên là đón nhận quà tặng hoàng gia và những năm sau đó (1576–1580) đã dựng lên Uraniborg, một nơi độc nhất vô nhị kết hợp lâu đài, đài quan sát và phòng thí nghiệm giả kim thuật – nói tóm lại là một trung tâm nghiên cứu khoa học. Nó hấp dẫn tới mức thu hút học trò từ khắp châu Âu tới sống và làm việc ở Ven từ vài tháng đến vài năm như một thành viên cái mà Tycho Brahe tự hào gọi bằng tiếng Latin ‘familia’ (gia đình). Dưới thời vua Frederik đệ nhị, người bảo trợ của Brahe, và suốt thời kỳ niên thiếu của người kế vị ngai vàng, vua Christian đệ tứ, Tycho Brahe thực sự thăng hoa. Tuy nhiên khi vua Christian đệ tứ vào tuổi trưởng thành và chính thức lên ngôi ở Copenhagen vào năm 1596, ông và triều đình của mình thấy Tycho Brahe ít hấp dẫn hơn.
Do đó, vào năm 1597, Tycho Brahe túng quẫn rời Đan Mạch, mang theo mọi thiết bị phòng thí nghiệm. Sau chuyến du hành qua Rostock, Wandsbeck, Dresden, và Wittenberg, ông dừng chân ở Prague, dưới triều của Hoàng đế Rudolf II của Thánh chế La Mã. Thật không may là tại đây, sự nghiệp của Brahe chỉ còn là một tiếng vọng: sau một thời gian, ông qua đời vào năm 1601, và rồi tòa lâu đài kiêm đài quan sát của ông ở Ven đã bị phá hủy để lấy đá xây những tòa nhà mới, nhỏ hơn. Những gì Brahe cố công xây dựng trong suốt cuộc đời đam mê này đứng trước nguy cơ tàn lụi như tòa lâu đài, nếu như ông không tinh táo xuất bản các công trình mình làm ra ở Uraniborg hay phòng thí nghiệm ngầm Stjerneborg.
Sự tồn tại của Tycho Brahe trong lịch sử khoa học là nhờ những quan sát thiên văn mang tính đột phá của ông với các công trình nghiên cứu có vai trò quan trọng cho sự phát triển của thiên văn học và hiểu biết về vũ trụ. Tuy nhiên theo Tycho Brahe, vào năm 1576, đức vua Frederik đệ nhị tuyên bố muốn hỗ trợ cả công việc nghiên cứu của ông cả trong lĩnh vực thiên văn học và giả kim thuật, vì vậy bổn phận của ông là tuân thủ ý chỉ. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Brahe khi coi thiên văn học và giả kim thuật là hai mặt của một đồng xu. Ông coi nghiên cứu về giả kim thuật cũng giống như nghiên cứu thiên văn học dưới mặt đất, do các vùng đất trên trời và mặt đất đều là một phần của cùng một hệ hoàn thiện, kết nối bằng một tinh thần thiêng liêng mà người ta có thể tiếp cận phần bên này thông qua nghiên cứu về phần bên kia.
Năm 1588, Tycho Brahe gửi thư cho đồng nghiệp của mình ở Kassel, nhà toán học Christopher Rothmann, nêu một số tương tự rõ ràng giữa các thiên thể, các kim loại trên Trái đất và cơ thể con người: Mặt trời/vàng/tim; Mặt trăng/bạc/não; sao Mộc/hợp kim thiếc/gan; sao Kim/đồng/thận; sao Thổ/chì/lá lách; sao Hỏa/sắt/mật; sao Thủy/thủy ngân/phổi. Ông viết thêm, những điểm tương đồng này có thể vẫn tiếp tục với nhiều ví dụ khác, khoáng chất, và những hòn đá chính xác mà ngọc lục bảo cũng cho thấy sự kết nối với sao Thủy. Điều tương tự ở ngọc lục bảo có thể bắt nguồn từ bảng ngọc lục bảo (tabula smaragdina) – một văn bản mà những nhà giả kim Phục hưng gán cho tác giả là tạo vật thần thoại Hermes Trismegistos (trong đó thần Hermes của Hy Lạp tương đương với thần Mercury của La Mã). Một trong số nội dung của tấm bảng kỳ bí này là “thứ ở trên cao cũng giống như thứ ở bên dưới, và thứ ở bên dưới cũng giống thứ bên trên, trong sự hình thành trọn vẹn những phép lạ của thứ duy nhất”. Vì tán thưởng điều đó mà Tycho Brahe đã đặt hai phiến đá được trạm trổ trên các cổng vào Uraniborg, một phiến miêu tả thiên văn học như một người nằm ngả, tay giữ quả cầu có các thiên thể cùng dòng chữ Latin “Khi ngước lên, tôi cũng nhìn xuống dưới”, một phiến miêu tả giả kim thuật như một người nằm ngả, tay cầm một cái cốc, một con rắn và một số thảo dược, được đặt trên phòng thí nghiệm giả kim thuật với dòng chữ “Khi nhìn xuống, tôi cũng ngước lên”.
Thuật giả kim của Tycho Brahe
Uraniborg do kiến trúc sư của triều đình Đan Mạch Hans van Steenwinckel (1587–1639) thiết kế theo ý tưởng của Tycho Brahe. Phần lõi của tòa lâu đài là những diện tích sinh hoạt với một mặt phẳng đối xứng vuông vắn, có những tháp vào từ phía Đông và tây. Các phần mở rộng hình tròn lớn hơn ở phía Bắc và Nam được bao quanh bởi những hành lang bằng gỗ và tháp được sử dụng để quan sát thiên văn. Phần mở rộng ở phía Bắc có cả bếp và các kho lưu trữ trong khi phần mở rộng phía Nam hoàn toàn dành cho nghiên cứu khoa học. Nó cũng có một thư viện và “bảo tàng” và một phòng thí nghiệm giả kim thuật dưới hầm, chứa ít nhất 16 cái lò mà Brahe miêu tả “ba lò đốt, một cái nung thành tro, bốn cái athanor lớn hơn (lò nung có khả năng duy trì nhiệt độ trong thời gian dài), hai cái nhỏ hơn, hai lò đốt để nung chảy cát hoặc tro, một cái có ống bễ lớn nối với hai đường ống. Một cái lò nung đặc biệt khác được kết nối với những cái đèn. Còn có hai lò nung phản xạ, một phản xạ nhiệt trực tiếp, một phản xạ qua một đương hình xoắn ốc, tự do và không trực tiếp”.
Các nhà khoa học cho rằng, việc miêu tả lâu đài cho thấy mỗi lò nung đều được đặt trong hốc riêng và có một bàn làm việc hình tròn quanh cột trung tâm của căn phòng hình vòm. Một cầu thang xoắn ốc từ “phòng mùa đông”, phòng sinh hoạt lớn của Tycho Brahe và gia đình, đi xuống phòng thí nghiệm, và sau một vài năm thì năm lò nung hóa học đã được thiết kế ngay bên trong căn phòng mùa đông để tránh việc phải đi lên và đi xuống cầu thang quá nhiều khi ông phải giám sát một thí nghiệm. Tycho Brahe mong mỏi trình diễn mọi điều kỳ diệu trong lâu đài của mình cho các vị khách thưởng lãm, kể cả phòng thí nghiệm.
Để hiểu thêm về các hoạt động giả kim thuật của Tycho Brahe, nhóm nghiên cứu đã lục lại lịch sử. Họ tìm thấy những thông tin vô giá từ luật sư và nhà sử học Johann David Wunderer, khi ông tới phòng thí nghiệm này vào năm 1589 và ghi lại về căn phòng dưới lòng đất dành trọn cho thuật giả kim: “Nhiều lò nung và dụng cụ bất thường, vô số bình cổ cong lớn, nhiều ấm đun nước, bình cổ thắt, bầu bí kỳ lạ và rất nhiều những thứ thất kinh tương tự, chắc đều rất tốn kém”. Một vị khách người Đức khác, nhà sử học văn hóa Martin Zeiller thì miêu tả “Tầng hầm bên dưới cạnh hầm rượu vang là một phòng lớn, chốn tĩnh lặng và lò nung của Tycho, với một lượng lớn các bình thót cổ dùng để chưng cất. Rất nhiều bình trong đó được uốn cong ở miệng, gắn bằng đồng rồi thò cổ ra ngoài một số cửa sổ, thò vào một số bình khác, bên trong đựng một số thứ khác thường được chưng cất”. Một số bình được nhồi đầy chì có ống thò ra ngoài cửa sổ để không khí bên ngoài làm lạnh và chảy vào các bình khác.
Trái ngược với tinh thần chia sẻ về nghiên cứu thiên văn học mà Tycho Brahe thường đề cập đến trong những bức thư và cuốn sách, ông có thói quen giữ kín những điều liên quan đến thí nghiệm giả kim thuật. Trong một cuốn sách về công việc và thiết bị năm 1598, ông miêu tả một cách bí ẩn: “Tôi đã phải lao động rất nhiều và tiêu rất nhiều tiền cho những phát hiện liên quan đến các loại kim loại và khoáng chất cũng như những hòn đá và cây cỏ ma thuật cũng như nhiều loại hợp chất tương tự. Tôi đã buộc phải cam kết thảo luận về những câu hỏi tế nhị với các hoàng tử và các bậc quý tộc, cũng như những bậc cao quý và người có hiểu biết khác, những người thật sự quan tâm đến chủ đề này và biết một chút ít về nó, và tôi phải thi thoảng tiết lộ với họ một ít thông tin, miễn là tôi cảm thấy chắc chắn ý định tốt của họ và họ sẽ giữ bí mật. Bởi không nên dùng nó cho những mục tiêu vô bổ và thật vô lý khi để những điều như vậy được toàn dân thiên hạ biết”.
Tuy vậy có lúc ông cũng tiết lộ quan điểm của mình về thuật giả kim và quyền sử dụng nó của mình. Trong tác phẩm chính của ông về thiên văn học Astronomiæ instauratæ progymnasmata, được xuất bản sau khi Brahe qua đời ở Prague vào năm 1602, ông rõ ràng đã tỉnh mộng về việc tạo ra vàng: “Hãy nghi ngờ ai đó cho là mình đã tìm ra thứ nghệ thuật mà họ gọi là ‘giả kim thuật’, bắt chước được tự nhiên, họ có thể không đủ năng lực tạo ra bất cứ thứ gì tốt đẹp và bền bỉ như chính tự nhiên làm được”. Đúng là các nhà giả kim có thể tạo ra được một thứ gì đó giống như vàng về màu sắc và khối lượng nhưng có thể phát hiện ra thứ ‘vàng’ đó thực sự là giả, khi gia nhiệt tới một mức nhiệt cao hoặc cho tiếp xúc với antimony hoặc acid. “Chỉ rất hiếm hoi một vài kết quả như chúng ta đã biết trong khi gần như tất cả đều thất bại và quá muộn để ngộ ra rằng mình đã phí hoài biết bao thời gian, công sức và tiền bạc”.
Brahe chưa bao giờ sử dụng từ ‘giả kim thuật’ để miêu tả nghiên cứu của mình mà sử dụng những từ khác như nghệ thuật về nhiệt (ars pyronomica) hay nghệ thuật phân tách (ars spagyrica). Trong một bức thư năm 1580, ông đề cập đến nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của mình với từ “y học phân tách”. Nguồn cảm hứng cho ông là bác sĩ, nhà thực vật học, nhà giả kim và triết gia Đức Theophrastus Paracelsus (1492–1541), người có ý tưởng về khái niệm vũ trụ kín – một tập hợp thấm nhuần sự sáng suốt và khôn ngoan của Chúa – có thể là một cách tiếp cận và thấu hiểu thông qua những quan sát cẩn trọng cùng thực nghiệm giả kim thuật. Tư tưởng của Paracelsus đã được phát triển và tinh chỉnh bởi rất nhiều học trò và người kế cận, có thể trong đó có một nhân vật quan trọng là bác sĩ Đan Mạch Peter Sørensen, tác giả một cuốn sách có nhiều ảnh hưởng, xuất bản vào năm 1571, về ý tưởng y học triết học. Sørensen biết rõ Brahe, và Brahe rõ ràng cũng chia sẻ sự quan tâm về y học kiểu Paracelsus.
Khảo cổ học ở Uraniborg
Để tìm ra bí mật của Tycho Brahe cũng như vết tích về thuật giả kim của Tycho Brahe nhưng đây là một điều vô cùng khó. Phòng thí nghiệm đã tan tành, mọi thứ cũng biến mất. Năm 1824, người ta đã phát hiện ra những tàn tích cuối cùng của tòa lâu đài, nhận diện được phòng thí nghiệm ở trong một phòng hình tron với đường kính 11,3 m. Vết của hai lò đốt cũng tìm thấy ở dưới sàn. Một hình tròn, có một ít tro còn sót lại, một hình vuông với ít than củi. Gần phòng thí nghiệm nhưng bên ngoài tòa lâu đài, một mái vòm cũng được khai quật. Người ta còn tìm thấy một số mảnh bình cổ cong và đá cũng như than chì và lưu huỳnh, có thể là chất thải từ thực nghiệm giả kim thuật của Tycho Brahe.
Trong nhiều cuộc khai quật vào những năm 1988–1990, tập trung vào vườn và một số tòa nhà phụ, người ta phát hiện thêm một số mảnh vỡ của bình thủy tinh phức tạp và gốm có thể từ phòng thí nghiệm. “Thoạt nhìn thì vị trí tìm thấy chúng có thể cho là quá xa để tìm ra sự kết nối với phòng thí nghiệm nhưng thật khó để đưa ra một nguồn gốc phù hợp với những thứ như phễu, bình thót cổ và các thiết bị thí nghiệm mà rõ là thiết bị ‘công nghệ cao’ vào thời kỳ đó ở một hòn đảo như Ven”, nhóm nghiên cứu lập luận trong bài báo và cho biết đó là những vật liệu quan trọng để truy vết thực nghiệm của Brahe.
Vậy họ đã tìm ra được những gì? Nhờ các mẫu vật đều được bảo tàng Lund bảo quản tốt nên họ có thể nhờ đến phân tích huỳnh quang tia X vi mô (µ-XRF), phân tích khối phổ plasma kết cặp cảm ứng bốc bay laser (LA-ICP-MS). Kết quả, họ tìm thấy vết calcium, mangan, sắt, kẽm trong các mảnh thủy tinh, wolfram, thiếc, vàng và chì ở bề mặt các mảnh gốm.
Đáng chú ý một mảnh gốm chứa một lượng lớn các nguyên tố như đồng, kẽm, thiếc và chì ở bên trong và niken, đồng, thiếc, wolfram, thủy ngân, chì ở phía bên ngoài. Một lý giải có thể cho lượng lớn nguyên tố này, đó là mảnh gốm thuộc về một cái bình chứa chất thải thí nghiệm hoặc có thể được dùng trong quá trình đun nóng chảy kim loại như hợp kim đồng hoặc hòa tan kim loại trong acid mạnh.
Các nguyên tố được tìm thấy đều là những các hóa chất có thể xuất hiện ở một phòng thí nghiệm giả kim thuật và từng được Brahe miêu tả trong các ghi chép của mình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bất ngờ khi thấy wolfram bởi vào thời của Brahe, các nhà giả kim không biết đến wolfram nguyên chất. Đó là một nguyên tố mới, một kim loại chỉ được nhà hóa học Thụy Điển gốc Đức Carl Wilhelm Scheele phân lập vào cuối thế kỷ 18. Điều quan trọng là quặng wolfram bao gồm scheelite (CaWO4) và wolframite ((Fe, Mo) WO4). Về sự hiện diện của wolfram, họ lý giải là một lượng khoáng chất chứa wolfram đã được mang vào phòng thí nghiệm nhưng có thể là người mang nó không rõ bản chất của khoáng chất ấy hoặc là nhầm lẫn. Vì vậy, nguồn cơn của wolfram trong phòng thí nghiệm này vẫn còn là một bí ẩn.
Trong cuộc khai quật của các nhà khảo cổ Đan Mạch – Czech vào năm 2010 ở khu mộ Brahe tại nhà thờ Tejn, Prague, thì phân tích tóc của Brahe cho thấy ông đã bị phơi nhiễm quá mức cobalt, asen, bạc và vàng trong hai tháng cuối đời. Các nhà khoa học kỳ vọng là các mẫu xương, bao gồm cả vỏ não và sợi xương, có thể tiết lộ thông tin phơi nhiễm của ông trong thời kỳ sống ở Ven, và do đó cả thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm ở Uraniborg. Họ dự đoán, đó có thể là thủy ngân, và kết quả cho thấy các mức thủy ngân của ông không cao hơn mức độ thủy ngân của người bình thường ở thời đại ông. Có chút mâu thuẫn là nồng độ thủy ngân trong vỏ gốm cho thấy phòng thí nghiệm của Brahe có sử dụng thủy ngân nhưng hài cốt ông lại không cho thấy nồng độ thủy ngân vượt quá. Có thể lý giải là Brahe ngày càng thận trọng với các thí nghiệm có thủy ngân hoặc sau này, ông không trực tiếp thực hành trong phòng thí nghiệm mà để cho học trò và cộng sự làm.
Mặt khác, người ta cũng thấy nồng độ vàng cao trong cả xương lẫn tóc của Brahe, trước đây được giải thích là nó phản ánh một cuộc sống giàu có, xa xỉ, thường sử dụng bộ đồ ăn mạ vàng. Tuy nhiên, sự phát hiện vàng trong phòng thí nghiệm cho thấy là vàng thậm chí là một phần của thí nghiệm ở Uraniborg. Xem xét đến việc chính Brahe từng úp mở nói đến việc sử dụng vàng trong đồ uống của một trong những “tiên dược” của mình thì có lẽ đây là nguyên nhân của dấu vết của vàng trong tóc và xương Brahe. “Tiên dược” chứa vàng này được tạo ra trong chính phòng thí nghiệm của Brahe.
Brahe chưa bao giờ tiết lộ công thức tiên dược, đặc biệt là thứ ông đắc ý nhất Medicamenta tria có chứa các hợp chất vô cơ. Việc chứa các hợp chất này lý giải vì sao không dưới 16 cái lò được sử dụng để đun chảy các hợp chất vô cơ theo phong cách Paracelsus. Dĩ nhiên có một số lò có nhiệt thấp để phân tách các chất trong một số thảo dược trồng trong vườn, pha phách công thức với các hợp chất vô cơ, có thể là vàng, antimon, thủy ngân, đồng. Rõ ràng Brahe không dùng phòng thí nghiệm của mình để tạo ra vàng bởi em rể của ông, nhà giả kim Erik Nielsen Munk Lange đã cạn kiệt tài sản do nỗ lực đó.
Rút cục, thuật giả kim và cuộc tìm kiếm tiên dược của Brahe đã phơi bày phần nào trong một cái nhìn thoáng qua. Có lẽ, nói người chính là nói mình, ông cũng tự ngậm ngùi bởi dành nhiều công sức mà vẫn “không đủ năng lực tạo ra bất cứ thứ gì tốt đẹp và bền bỉ như chính tự nhiên”. □
———
Tài liệu tham khảo
“Chemical analysis of fragments of glass and ceramic ware from Tycho Brahe’s laboratory at Uraniborg on the island of Ven (Sweden)”. Heritage Science.
https://heritagesciencejournal.springeropen.com/articles/10.1186/s40494-024-01301-6
———–
1. “Câu chuyện Vađơma Đa và các nàng con gái”, Truyện cổ Anđecxen. Nguyễn Văn Hải – Vũ Minh Toàn dịch, NXB Đà Nẵng – 1986.