Các nhà khoa học Anh kêu gọi nới lỏng quy định về chỉnh sửa gene trên vật nuôi

Các nhà nghiên cứu, bác sĩ thú y và những người nông dân của nước Anh đã kêu gọi các vị bộ trưởng ‘giải phóng’ ngành khoa học chăn nuôi khỏi những rào cản pháp lý không cần thiết, tạo tiền đề để bắt đầu nới lỏng các quy tắc về chỉnh sửa gene. Điều này sẽ giúp tạo ra các giống vật nuôi mới có khả năng chống lại bệnh tật, nắng nóng và hạn hán.


Các nhà khoa học có thể chỉnh sửa gene lợn để chống lại một loại virus gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp đang tàn phá đàn gia súc trên toàn cầu. Ảnh: Alamy
Họ đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn George Eustice để bày tỏ lo ngại người không mấy quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ này vào mục đích tạo ra các giống lợn, bò và gia cầm mới. “Việc sử dụng sức mạnh của công nghệ chỉnh sửa gene để tạo ra các giống vật nuôi có khả năng chống lại bệnh tật, hạn hán và sóng nhiệt là điều vô cùng ý nghĩa”, giáo sư Bruce Whitelaw thuộc Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh cho biết. 
Chúng ta có thể nhận thấy giá trị của việc chỉnh sửa gene trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc thông qua công trình của Viện Roslin và Đại học Hoàng gia London. Nghiên cứu này đã xác định được một gene có thể tạo ra khả năng kháng bệnh cúm. “Giờ thì chúng ta có thể nghĩ đến việc sử dụng công cụ chỉnh sửa gene để tạo ra những con giống có khả năng chống lại bệnh cúm gia cầm và cúm lợn, từ đó hạn chế sự bùng phát dịch bệnh ở các trang trại, giảm thiểu nguy cơ gây ra đại dịch ở người trong tương lai”, Whitelaw, một trong những người ký tên vào bức thư gửi đến Bộ trưởng, cho biết. 
Những tiến bộ gần đây trong việc chỉnh sửa gene vật nuôi còn giúp tạo ra những con lợn có thể kháng virus gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRSV), căn bệnh đang gây ảnh hưởng đến những đàn lợn trên toàn cầu. “Nếu ứng dụng hợp lý theo cách này, công cụ chỉnh sửa gene sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ bảng Anh và ngăn chặn động vật mắc bệnh”.
Trước đó, để tạo ra các dòng thực vật hoặc động vật mới trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học sẽ chuyển toàn bộ hoặc một nhóm gene từ loài này sang loài khác – công việc này được gọi là biến đổi gene. EU đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về công nghệ này. Các kỹ thuật chỉnh sửa gene về sau thì chỉ bao gồm những thay đổi nhỏ đối với các gene hiện có ở cây trồng hoặc động vật, kỹ thuật này được xem là an toàn tương tự như các kỹ thuật nhân giống cây trồng truyền thống. Vào năm 2018, Tòa án Công lý châu Âu đã đưa ra phán quyết đầy tranh cãi khi cho rằng chỉnh sửa gene về cơ bản giống như biến đổi gene, và đều phải tuân theo các quy tắc chặt chẽ.  
“Nghiên cứu về chỉnh sửa gene ở Anh đã bị ràng buộc bởi những rào cản không cần thiết và phi khoa học”, giáo sư Helen Sang thuộc Viện Roslin và cũng đồng lòng ký vào bức thư cho biết. “Điều này khiến chúng tôi tụt hậu so với các đồng nghiệp ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản, Úc, Argentina, Brazil và Canada”.
Một báo cáo của Lực lượng biệt phái về Đổi mới, Tăng trưởng và Cải cách Quy định vào đầu năm nay đã khuyến cáo chính phủ cải cách quy định về chỉnh sửa gene của cây trồng, nhưng đồng thời phải thận trọng hơn khi sử dụng công cụ này trên vật nuôi.
Giáo sư Lord Trees, một chuyên gia về ký sinh trùng vaccine và cũng là một người ký tên trong bức thư, nhấn mạnh như vậy sẽ khiến Anh đánh mất một cơ hội lớn. “Anh có thế mạnh trong việc giải trình tự bộ gene. Việc kết hợp thế mạnh này với công tác bảo tồn giống quý hiếm và sự đa dạng di truyền sẽ mang lại những tiềm năng to lớn. Điều này góp phần giảm thiểu việc sử dụng thuốc chống vi trùng và diệt ký sinh trùng, từ đó hạn chế ảnh hưởng của tình trạng kháng kháng sinh cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường với dư lượng thuốc”.
“Một số người không thích ý tưởng biến đổi gene động vật”, Whitelaw nói. “Nhưng thực chất chúng ta đã làm điều đó trong hàng nghìn năm qua, và thậm chí đã biến sói thành chihuahua – nhưng có vẻ như không ai bận tâm đến điều này”.□
Hà Trang dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2021/sep/26/gene-editing-would-allow-us-to-create-hardier-farm-breeds

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)