Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một dạng kháng kháng sinh mới

Các nhà nghiên cứu Úc đã phát hiện ra một dạng kháng kháng sinh mới, không thể phát hiện được bằng các phương pháp thử nghiệm truyền thống trong phòng thí nghiệm.

Kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa sức khỏe lớn nhất hiện nay. Người ta dự đoán đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ cướp đi khoảng 10 triệu sinh mạng. Các nhà khoa học đang chạy đua nghiên cứu và đón đầu khi những lợi ích của thuốc kháng sinh đang giảm dần.

Nhóm nghiên cứu do TS. Timothy Barnett, trưởng nhóm Chẩn đoán và Sinh lý bệnh liên cầu khuẩn nhóm A, Trung tâm Vaccine và bệnh truyền nhiễm Wesfarmers (Viện Telethon Kids ở Perth, Tây Úc), đã phát hiện ra bằng chứng quan trọng về việc một số vi khuẩn đang tìm cách né tránh thuốc kháng sinh như thế nào.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, các tác giả đã tiết lộ một cơ chế mới cho phép vi khuẩn hấp thụ chất dinh dưỡng từ vật chủ là con người và né tránh liệu pháp kháng sinh. Họ đã phát hiện ra điều này khi tìm hiểu về mức độ nhạy cảm với kháng sinh của liên cầu khuẩn nhóm A – một loại vi khuẩn có thể gây chết người thường tồn tại trên da và trong cổ họng.

“Vi khuẩn cần tạo ra folate (axit folic) để phát triển và gây bệnh. Một số loại kháng sinh ngăn chặn quá trình sản xuất folate của vi khuẩn, từ đó ngăn chúng phát triển và điều trị nhiễm trùng”, TS. Barnett giải thích. “Khi xem xét một loại kháng sinh thường dùng để điều trị nhiễm trùng da do liên cầu khuẩn nhóm A, chúng tôi đã phát hiện ra một cơ chế kháng thuốc mới – khi quá trình sản xuất folate của vi khuẩn bị ngăn chặn, chúng có thể lấy folate trực tiếp từ vật chủ là con người. Điều này khiến thuốc kháng sinh không còn hiệu quả và tình trạng nhiễm trùng sẽ tồi tệ hơn”.

Các phòng thí nghiệm bệnh lý thông thường không thể phát hiện được dạng kháng thuốc mới này, khiến các bác sĩ rất khó kê đơn điều trị nhiễm trùng hiệu quả, khiến sức khỏe bệnh nhân suy yếu, thậm chí tử vong sớm.

“Thật không may, chúng tôi nghi ngờ đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi – chúng tôi đã xác định được cơ chế này ở liên cầu khuẩn nhóm A nhưng có khả năng đây sẽ là vấn đề lớn hơn đối với các mầm bệnh vi khuẩn khác”, TS. Barnett nói. Nghiên cứu của họ nhấn mạnh rằng việc tìm hiểu về kháng kháng sinh phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.

“Kháng kháng sinh là một đại dịch thầm lặng có rủi ro lớn hơn nhiều so với COVID-19 – ngoài 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính kháng kháng sinh sẽ gây thiệt hại 100 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu nếu chúng ta không tìm ra cách ngăn chặn”, ông nói thêm. “Nếu không có thuốc kháng sinh, chúng ta sẽ không có cách nào để ngăn chặn các bệnh nhiễm trùng chết người, phẫu thuật cho người bệnh hay hóa trị cho bệnh nhân ung thư”.

“Để duy trì hiệu quả lâu dài của kháng sinh, chúng ta cần xác định và hiểu rõ hơn về các cơ chế kháng kháng sinh mới, từ đó tìm ra các loại kháng sinh mới và cho phép chúng ta giám sát kháng kháng sinh khi nó phát sinh”.

Kalindu Rodrigo, tác giả thứ nhất của nghiên cứu cho biết, giờ đây họ sẽ tập trung phát triển các phương pháp thử nghiệm nhằm phát hiện cơ chế kháng thuốc này và tìm cách điều trị hiệu quả.

“Trong bối cảnh kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, điều quan trọng là phải có các công cụ chẩn đoán mới có thể phát hiện nhanh tình trạng kháng kháng sinh, bao gồm cả tình trạng kháng thuốc phụ thuộc vào vật chủ. Do vậy, chúng tôi muốn phát triển các xét nghiệm tại chỗ cho những nơi xa xôi – nơi nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A là bệnh đặc hữu”, Rodrigo nói.

“Điều quan trọng là chúng ta phải đi trước một bước trước những thách thức của kháng kháng sinh, đồng thời phải tiếp tục khám phá cơ chế kháng thuốc của các mầm bệnh và thiết kế các phương pháp chẩn đoán, điều trị một cách chính xác và nhanh chóng. Mặt khác, sự nỗ lực từ mọi phía, bao gồm bệnh nhân, các chuyên gia y tế, các nhà hoạch định chính sách là điều cần thiết để giảm tác động của kháng kháng sinh”, Rodrigo kết luận.

Thanh An dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-11-antimicrobial-resistance.html

Tác giả