Các nhà sinh vật học tạo giống cáo đã thuần hoá

Các nhà khoa học Nga đã tiến hành thử nghiệm này từ sáu chục năm nay: nhân giống loài cáo không còn sợ con người. Kết quả thu được đã làm cho ngay cả các nhà sinh học cũng bị bất ngờ.


Làm thế nào để những con sói hoang dã trở thành những chú chó ngoan ngoãn và là người bạn thân thiết nhất của con người?

Đó là điều các nhà nghiên cứu đang muốn biết để áp dụng vào các loài động vật khác, chính vì thế hơn sáu chục năm nay các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu, nhân giống cáo bạc – một loài cáo có mầu sắc biến thể từ loài cáo mầu hung đỏ – loài này có đặc tính thân thiện với con người. “Thử nghiệm này đã làm sống lại sự hiểu biết của chúng ta về quá trình thuần hoá”, nhà sinh học tiến hoá làm việc tại University of Louisville, Hoa Kỳ, Lee Dugatkin nói. 

Nhà sinh học người Nga Dmitri Beljajew là người bắt đầu cuộc thử nghiệm này từ những năm 1950, thời kỳ thịnh vượng của Liên Xô. Ông muốn tìm hiểu xem có thể thuần hoá loài cáo như thuần hoá loài chó sói hay không – để từ đó làm rõ cơ chế sinh học trong quá trình thuần hoá thú hoang dã. Thời kỳ đầu Beljajew phải đặc biệt thận trọng vì khi đó ở Liên xô còn cấm nghiên cứu về gene. Điều may mắn lớn nhất với Beljajew là: ông làm việc trong ngành công nghiệp da, lông thú do đó ông có thể bí mật tiến hành công trình nghiên cứu của mình.

Năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, những con chồn bạc thuần thục nhất được tuyển chọn và nhân giống, điều này được tiến hành cho đến tận ngày nay. “Người ta khảo sát về tính xã hội của chúng đối với con người”, Dugatkin giải thích. “Mười phần trăm số chồn có tính xã hội cao nhất đối với con người sẽ được chọn lọc.”

Beljajew cùng với nhà nữ sinh vật học Ludmila Trut đã xây dựng ở trung tâm Sibiri một trang trại đặc biệt để nuôi chồn, trang trại này gần Akademgorodok, một vị trí dành cho nghiên cứu khoa học của Liên xô trước đây gần Nowosibirsk. Chuồng nuôi chồn làm bằng gỗ xếp thành hàng kề nhau có lối đi ra ngoài dành cho loài thú này. Tại đây không có nhà cửa  dành cho con người, ông Dugatkin, người nhiều lần đến thăm trang trại này, kể.

Giai đoạn đầu hầu như không có gì thay đổi, các con chồn giữ nguyên tính hung dữ, thường xuyên nhe nanh, gầm gừ mỗi khi có người đến gần. Cho đến năm 1963, một chú chồn đực mang tên Ember ra đời. Điều đặc biệt ở Ember là nó thích vẫy đuôi. “Vẫy đuôi là phản ứng khi có người là biểu hiện thông thường ở loài chó và cho đến ngày hôm đó có thể nói chó là loài duy nhất có hành vi vẫy đuôi khi thấy người.”

Sau này động vật có thể những đặc điểm như: con vật liếm tay người chăm sóc chúng, thích nằm ngửa để được xoa bụng, giữ tính nghịch ngợm của chó con lâu hơn so với đồng loại nơi hoang dã. “Những con chồn được thuần hoá này dường như không muốn lớn”, Dugatkin kể. “Thậm chí chúng chịu để cho con người nhìn trực diện vào mắt chúng và dường như chúng cũng trừng trừng nhìn lại.” Đối với động vật hoang dã và cả với loài chó cái, nhìn trực diện được coi như một sự thách thức, từ đó dẫn đến tấn công.

60 năm “chỉ là cái chớp mắt của cả một quá trình tiến hoá”, Dugatkin nói. Tuy nhiên thời gian này cũng đủ để làm cho những con chồn vốn sống cô độc ngày càng giống chó nhà nhiều hơn. “Những con chồn được thuần dưỡng này không những chỉ ngoan ngoãn, dễ bảo như những con chó thích ngồi vào lòng và được ôm ấp”, Dugatkin nói. “Với thời gian nhiều con chồn cũng có ngoại hình như chó. Mõm của chúng ngắn và tròn, đuôi cong và tai cụp.” Hoàn toàn không luyện tập chúng biết làm theo cử chỉ và ánh mắt của con người. “Những con chồn hoang không có các khả năng này.”

Còn một đặc điểm nữa thể hiện khá rõ: nhiều con thú có khoang, một vài con thậm chí còn có vệt sáng như ngôi sao ở trên trán, giống như thường thấy ở chó và ngựa. Từ lâu các nhà nghiên cứu luôn trăn trở với câu hỏi vì sao những người lai tạo giống gia súc lại luôn quan tâm đến các đặc điểm như tai cụp, đuôi tròn và khuôn mặt bầu bĩnh như mặt đứa trẻ, Dugatkin giải thích. “Người nông dân nuôi bò xét đến cùng có lợi lộc gì khi đàn bò của họ có vết lang đen trắng. Và người nuôi lợn quan tâm gì đến đuôi con lợn có tròn trịa hay không?”

Nhà nghiên cứu người Hoa Kỳ này cho rằng, Beljajew đã phát triển lý thuyết về chọn lọc không ổn định. Theo đó trong quá trình thuần dưỡng hoạt động của gene bị biến đổi mà không có sự tham gia của đột biến, bản thân bộ gene không thay đổi, mà một số đoạn có thay đổi do có kích thích tố. Điều này giải thích vì sao các nhà nghiên cứu chỉ trong một thời gian ngắn thuần hoá được con vật.

Beljajew đã gửi các bài báo của ông cho các tạp chí quốc tế. Năm 1969, xuất hiện bài báo đầu tiên bằng tiếng Anh ở bên ngoài Liên xô, bài báo có tên “Domestication in Animals”. Ông đã mở rộng lý thuyết của mình sang một một sinh vật khác cũng đã được thuần hoá – đó là con người. Theo đó cả ở con người cũng diễn ra áp lực trong quá trình chọn lọc làm giảm huyết áp và hormon, điều này kéo dài giai đoạn vị thành niên vốn ít tính hung bạo. Dugatkin cho rằng “xét cho cùng thì chúng ta là linh trưởng đã thuần hoá – hay tự thuần hoá”.

Beljajew mất năm 1985. Ludmila Trut tiếp tục công trình của ông. Trong những năm 1990, trong bối cảnh có những biến đổi về chính trị và trang trại này đã rất vất vả để duy trì sự tồn tại. Ngày nay tình hình tài chính đã ổn định, hiện ở trại còn có khoảng 500 cá thể, Dugatkin tiết lộ. Theo bà Trut thì những chú cáo ở đây “rất đáng yêu, lông mịn màng và nghịch ngợm”. Thời gian gần đây trại đã bán sản phẩm của trại là gia súc cho khách hàng, trong đó có cả khách từ Tây Âu và Hoa kỳ với giá khoảng 5000 đôla Mỹ một con. Dugatkin ước tính trong năm năm qua trại đã bán khoảng dăm ba chục con.

Nhà nghiên cứu Mỹ cho hay những con cáo này không được các nhà chọn giống huấn luyện vì vậy người nuôi phải dạy bảo chúng giữ vệ sinh. Tuy nhiên: “chúng dễ dạy bảo và huấn luyện, nguy cơ chủ nuôi bị cáo thuần dưỡng ngoạm không cao hơn nguy cơ chủ nuôi chó bị chó của mình đớp.” Bà Trut cũng rất tin tưởng vào những ưu điểm của loài cáo do bà thuần dưỡng: “Tôi hy vọng chúng sẽ được công nhận là một loại gia súc mới”.

Tuy nhiên loài cáo thuần dưỡng này vẫn không bỏ được một đặc tính gây khó chịu ở tổ tiên hoang dã của chúng, theo lời Dugatkin. “Chúng khá nặng mùi, hơi có mùi cầy hương.”

Hoài Trang dịch

Nguồn: http://www.spiegel.de/fotostrecke/fuechse-zahm-wie-hunde-fotostrecke-160964.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)