Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỉ XXI
Như nhan đề của nó đã cho thấy, cuốn Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỉ XXI - Chiến lược dẫn tới thành công của những công ty hàng đầu thế giới* của Hermann Simon - một nhà tư tưởng về quản trị kinh doanh có uy tín nhất ở Đức và cũng là một trong vài người có uy tín nhất thế giới - vừa được NXB Tri thức ấn hành, trước hết là tác phẩm dành cho các doanh nhân muốn trở thành những tay chơi trên bình diện toàn cầu.
Nhưng không chỉ có thế, mỗi độc giả – dù chỉ là người chủ doanh nghiệp nhỏ, hay một sinh viên vừa ra trường – đều tìm được ở đây những bài học có thể áp dụng ngay.
Tại sao lại “vô địch ẩn danh”?
Vâng, đây là lối chơi chữ của tác giả, nhưng lại rất đúng. Vô địch có nghĩa là những công ty nắm được thị phần rất lớn trong phân khúc thị trường của họ. Đó là những công ty đáp ứng được ba tiêu chuẩn sau: Một, đứng ở vị trí từ thứ nhất đến thứ ba trên thị trường toàn cầu hay thứ nhất trên châu lục của họ – những công ty này có thể nắm tới 50%, thậm chí 70-80%, trên phân khúc thị trường của mình. Thứ hai, có doanh thu dưới 4 tỉ USD. Và thứ ba, ít được người tiêu dùng, cũng như các phương tiện truyền thông biết tới. Nhưng, trái ngược với quan niệm thông thường, những công ty này lại có nhiều bài học rất quý giá mà những người khởi nghiệp và những công ty muốn thành công trên thị trường cần học tập.
Công trình nghiên cứu Hermann Simon bắt đầu vào năm 1986, từ cuộc gặp gỡ với Giáo sư Theodore Levitt, người được coi là đạo sư trong lĩnh vực marketing, đang dạy tại Harvard Business School. Trong cuộc gặp gỡ này, hai ông đã thảo luận vấn đề: Vì sao nước Đức và những nước nói tiếng Đức có thành tích xuất khẩu cao và ổn định hơn hẳn những nước khác. Quá trình nghiên cứu đã dẫn tác giả tới những phát hiện cực kì lí thú. Từ năm 1985 đến năm 2010, nước Đức chiếm vị trí số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu 10 lần. Mỹ, với nền kinh tế lớn gấp bốn lần Đức, giữ vị trí cao nhất 13 lần, gần đây nhất là năm 2002. Trung Quốc leo lên vị trí số 1 vào năm 2009. Nhật Bản, nước vốn giữ vị trí thứ ba trong nhiều năm và là nước xuất khẩu được nhiều người ngưỡng mộ, từ năm 2004 đã không còn nằm trong nhóm ba nước hàng đầu nữa. Trong khi đó, năm 2010 Mỹ có 133 công ty lọt vào danh sách Fortune Global 500; Nhật có 68, gấp đôi con số 34 của Đức. Vì sao Đức, và cả các nước nói tiếng Đức, lại có thành tích xuất khẩu xuất sắc như thế? Câu trả lời là, những nước này có nhiều công ty quy mô vừa và nhỏ, nhưng lại là những công ty dẫn đầu trong phân khúc thị trường của họ hay được Hermann Simon gọi là các nhà vô địch ẩn danh.
Các công ty nhỏ và vừa hiện đang có vai trò to lớn trong quá trình toàn cầu hóa hơn bất kì giai đoạn nào khác. Trong suốt 20 năm nghiên cứu, tác giả đã tìm được tổng cộng 2.734 nhà vô địch ẩn danh trên khắp thế giới, trong đó Đức có 1.307 công ty, Mỹ có 336 công ty, Nhật có 220 công ty. Số nhà vô địch ẩn danh trên đầu người ở Đức là 16 trên một triệu dân; những nước nói tiếng Đức khác như Luxembourg, Áo, Thụy Sĩ khoảng 14 trên một triệu dân – cao hơn hẳn những nước khác.
Các nhà vô địch ẩn danh đánh giá thành công của họ như thế nào? Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn nói chung với kết quả kinh doanh trong 5 năm qua (thang từ 1 = không thỏa mãn, đến 7 = rất thỏa mãn), hơn một nửa (51,9%) trả lời với điểm 6 và 7, chứng tỏ mức độ thỏa mãn cao. Ngoài ra, 81,4% thỏa mãn với khả năng sống sót; 53,1% thỏa mãn với khả năng cạnh tranh. Lợi nhuận trước thuế trong 10 năm qua là 13,6%. Giả định mức thuế là 30% thì lợi nhuận sau thuế của các nhà vô địch ẩn danh là 9,5%. Trong khi đó, năm 2009 lợi nhuận của các công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500 là 1%. Ta có thể thấy ngay, so với các công ty lớn nhất thế giới, các nhà vô địch ẩn danh là những công ty rất có lời.
Trong mười năm qua, các nhà vô địch ẩn danh tăng trưởng rất nhanh. Với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 8,8%, họ đã tăng doanh thu lên trung bình khoảng 2,3 lần. Sự tăng trưởng của các nhà vô địch ẩn danh tạo ra nhiều việc làm mới. Mười năm trước, các nhà vô địch ẩn danh trong mẫu nghiên cứu của tác giả sử dụng trung bình 1.285 nhân viên. Hiện nay con số này là 2.037 người, nghĩa là gia tăng 58,6% hay 753 việc làm mới.
Gió đã xoay chiều
Mỗi công ty đều phải sẵn sàng học tập từ những công ty thành công. Cho đến nay, quá trình này chủ yếu là con đường một chiều chạy từ những công ty lớn và nổi tiếng xuống những công ty vừa và nhỏ. Khoảng 90% các công trình nghiên cứu theo chuyên đề được tiến hành với những công ty lớn. Nói cách khác, chỉ những công ty lớn mới được coi là có điều gì đó đáng dạy mà thôi. Đã đến lúc đảo ngược quá trình này – như chúng ta sẽ thấy trong cuốn sách ngay cả các công ty lớn cũng có nhiều điều cần phải học từ những nhà vô địch ẩn danh. Qua nhiều năm làm việc với các công ty lớn, tác giả rút ra kết luận, những chiến lược độc đáo và thành công đáng kinh ngạc của các nhà vô địch ẩn danh đã khuấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi và dẫn đến những cải tiến rõ ràng và cụ thể.
Như vậy là, gió đã xoay chiều. Xin đưa ra ở đây thí dụ: Hàn Quốc là một trường hợp đặc biệt thú vị, ý tưởng về các nhà vô địch ẩn danh mới bùng lên ở nước này chưa lâu. Chúng ta phải hiểu rằng, trước đây, năm chaebol hàng đầu (Samsung, Hyundai, LG, Daewoo và SK) đóng góp hơn 50% GDP của Hàn Quốc và 30 chaebol hàng đầu đóng góp 75% tất cả các hoạt động kinh tế tại Hàn Quốc. Nhằm tạo mức độ đa dạng hóa rủi ro cao hơn, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chương trình xây dựng cho bằng được từ 300 đến 500 nhà vô địch ẩn danh trong 5 đến 10 năm tới. Đây là kế hoạch đầy tham vọng, nhưng nếu tính đến những sức mạnh nội tại của các công ty quy mô vừa của Hàn Quốc thì kế hoạch này có thể là khả thi.
Những bài học cho mọi người
Đối với người viết thì từ cuốn sách, có thể rút ra ba bài học quan trọng nhất sau đây. Trước hết, bao giờ cũng là vai trò của người lãnh đạo. Thành công phi thường không bao giờ hoàn toàn do may mắn hay sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ngay từ đầu đã luôn phải biết mình muốn gì hay ít nhất là cũng phải luôn sẵn sàng. Ngoài ra, để có thể trở thành tay chơi trên bình diện toàn cầu, người lãnh đạo phải biết truyền ngọn lửa đang cháy trong lòng mình sang những người khác, thậm chí là những người thuộc những dân tộc khác và những nền văn hóa khác.
Bài học thứ hai là sự chú tâm. Có thể có những nhà cải cách hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng đó là những ngoại lệ vô cùng hiếm và hầu như không thể là hình mẫu cho các doanh nhân hay nhà quản lí doanh nghiệp trung bình. Phần lớn các nhà vô địch ẩn danh không phải là thiên tài, nhưng họ điều chỉnh nguồn lực có hạn của mình tốt hơn những người khác và bám chặt vào phương hướng đã chọn cho đến khi leo lên được vị trí dẫn đầu.
Bài học thứ ba: Đổi mới. Đổi mới là biện pháp duy nhất có hiệu quả bảo đảm thành công trong cạnh tranh. Đổi mới chủ yếu là vấn đề sáng tạo và chất lượng, chứ không phải là vấn đề tiền bạc. Các nhà vô địch ẩn danh coi thị trường và công nghệ là những động lực phát triển như nhau. Ít tập đoàn lớn có sự cân bằng như thế.
Trên đây không chỉ là những bài học cho các công ty có tham vọng tham gia vào cuộc chơi trong thị trường toàn cầu. Xét cho cùng, ở địa phương nào cũng có những cửa hàng ăn hay cửa hàng bán quần áo… tốt nhất trong khu vực. Các doanh nhân đó có thể học ở đây những bài học để vươn lên, trở thành nhà vô địch trong thành phố, rồi cả nước và sau đó là vươn ra khu vực và toàn cầu.
—–
* Tác giả: Hermann Simon; Người dịch: Phạm Nguyên Trường; NXB Tri thức ấn hành tháng 12/2013 với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann. Sách dày 396 trang, giá bìa 105.000 đồng