Các starup Cuba đang học theo người Đức?
Trường đại học Havana trở thành vườm ươm starup đầu tiên tại Cuba thông qua sự hỗ trợ của trường đại học Humboldt ở Berlin.
Jan Ehlers trình bày về ý tưởng kinh doanh trong một khóa hướng dẫn tăng tốc khởi nghiệp tại Cuba. Ảnh: DW
Từ Đức, Jan Ehlers tới Cuba để thực hiện nhiệm vụ: thiết lập vườn ươm đầu tiên này của Cuba để đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành doanh nghiệp khởi nghiệp. “Người Cuba chưa có ý tưởng, hay nói đúng hơn là có ý tưởng hoàn toàn khác, về việc thực hiện điều này như thế nào”, Ehlers cười. Tại Berlin, Ehlers làm việc tại trong bộ phận phát triển doanh nghiệp và kết nối doanh nghiệp của trường thương mại châu Âu (ESCP).
Để bắt đầu cho khóa học, nhiều thách thức về logistic cần phải vượt qua, ví dụ phải mất nhiều tháng để kết nối internet nhưng ngay sau khi có internet thì vẫn còn nhiều giới hạn khác. “Tôi chỉ xem video trên Youtube có 5 phút mà thời gian truy cập của tôi trong một tháng đã hết”, Ehlers kể và cho biết thêm may mắn là anh đã nhận được quyền truy cập internet không giới hạn.
Cuộc gặp giữa nghiên cứu hàn lâm và công nghiệp
Bảy startup trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ y tế và năng lượng mặt trời đã được chọn tham gia dự án này. Một nhóm mong muốn phát triển một ứng dụng cho phép người sử dụng định vị con đường của mình từ điểm A đến điểm B trên các phương tiện giao thông công cộng mà không cần phải truy cập internet. Một nhóm khác có kế hoạch sử dụng thiết bị bay để kiểm tra các nhà máy điện mặt trời và kiểm tra cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp. Một nhóm khác do Marta L. Baguer, một giáo sư toán tại trường đại học Havana dẫn dắt, đang làm việc về phần mềm ghi nhận hình ảnh để dò bệnh ung thư cổ họng giai đoạn đầu.
Ở Cuba, có một khoảng cách rất lớn giữa thế giới nghiên cứu kinh viện và công nghiệp, Baguer nhận xét. Vườn ươm ở trường đại học Havana sẽ góp phần giúp lấp đầy khoảng cách này. “Khi gặp đối tác từ các viện nghiên cứu nhà nước, trước đây chúng tôi thường trao đổi về những nội dung toán học còn bây giờ chúng tôi tập trung vào những vấn đề cụ thể hơn”, bà cho biết thêm.
Những bài học từ nước Đức
Đầu tiên, vườn ươm khởi nghiệp tổ chức những hội thảo về thiết kế ý tưởng, mô hình kinh doanh và marketing. Sau đó, một số khách mời từ Đức đã tham gia và một mạng lưới các mentor Cuba gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực thương mại, các cơ quan nhà nước và cả trường đại học Havana. Mỗi nhóm đều được một chuyên gia Đức giàu kinh nghiệm tư vấn cho kế hoạch phát triển ý tưởng sản phẩm của họ.
Chính phủ Cuba giờ đây đã cho phép thực thi những sáng kiến kinh doanh tư nhân. Các cơ quan của chính quyền đã được trao nhiều quyền hạn hơn, một đặc khu kinh tế đã được thiết lập và một luật đầu tư mới đã được thông qua để thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Những thay đổi đó bắt đầu thể hiện ở vườn ươm khởi nghiệp nhưng ở quy mô nhỏ hơn: nó đại diện cho cách tiếp cận thị trường và tư duy định hướng kinh doanh, điều đó thể hiện một lạc quan nhất định nhưng vẫn còn một số điều chưa thật sự chắc chắn về tương lai của những doanh nghiệp khởi nghiệp. “Chương trình ươm tạo này có vai trò trong việc chuẩn bị cho mọi người về những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường ngoài việc truyền đạt những kỹ năng nghiên cứu hàn lâm”, Ehlers nói.
Một hình mẫu cho Cuba?
“Tại các trường đại học nước ngoài mà tôi từng đến, hầu hết các giáo sư đều điều hành các dự án kết hợp với các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân và lãi thu được từ các dự án đó được họ đầu tư trở lại cho khoa học và phát triển công việc nghiên cứu của họ,” Baguer nhận xét. Đây có thể là một hình mẫu cho Cuba. Bà cho biết, viện nghiên cứu của bà cần phải có thu nhập của chính mình thông qua các hoạt động như vậy.
“Vấn đề cơ bản là chúng tôi dành nhiều năm cho đào tạo sinh viên tốt nhất của mình và sau dó họ rời khỏi đất nước. Các giáo sư giàu kinh nghiệm cũng như thế, hoặc chuyển sang làm hẳn trong các công ty tư nhân,” bà nói. Do đó việc tìm ra các cách để phát triển điều kiện làm việc và thu nhập là thách thức lớn nhất.
Cuba có trình độ giáo dục cao và khả năng ứng biến cao của người dân Cuba đã đưa đất nước này trở thành một nơi lý tưởng cho các startup công nghệ trong tương lai. Có thể việc các vườn ươm công nghệ ở Mỹ và châu Âu thu hút các tài năng khởi nghiệp ở đây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ehlers cho rằng người Cuba phải được trao cơ hội để tạo dựng doanh nghiệp của mình. “Hàng ngày tôi chứng kiến tình yêu của người dân dành cho đất nước mình. Họ không muốn rời nơi này và họ đang phải trả giá để được ở lại. Chính phủ và cả những nhà quản lý trường đại học cần phải nhanh chóng tìm ra cách để hỗ trợ những giáo sư và sinh viên có thể sống tốt mà không phải lái xe taxi hay bán cigar”. Mục tiêu của vườn ươm công nghệ này là hỗ trợ trường đại học Havana để nơi này đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra sự thay đổi đó.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: https://www.dw.com/en/how-young-cubans-are-learning-capitalism/a-39707448