Các tác phẩm nghệ thuật hé lộ về chứng rối loạn thị giác của những họa sĩ nổi tiếng

Tầm nhìn là công cụ quan trọng nếu muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Người họa sĩ dùng tầm nhìn để khảo sát khung cảnh, là căn cứ cho các nét vẽ trên vải bạt, và là gợi ý cho màu sắc lẫn hình thức của tác phẩm. Tuy nhiên, những chứng bệnh và rối loạn có thể làm thay đổi khả năng thị giác của người nghệ sĩ.

Bức Impression, soleil levant (Ấn tượng, mặt trời mọc) của Claude Monet được xem là tác phẩm mở đầu trường phái Ấn Tượng. Monet vẽ bức này vào năm 1872, 40 năm trước khi ông được chẩn đoán mắc bệnh đục thủy tinh thể. Ảnh: Wikimedia Commons. 

Từ lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng có những họa sĩ đã mắc chứng rối loạn thị giác, thể hiện qua những dấu hiệu trong các tác phẩm của họ. Những lập luận về các rối loạn và ảnh hưởng của chúng đối với các tác phẩm nghệ thuật thường chỉ mang tính suy đoán, và thiếu những hồ sơ lâm sàng để khẳng định. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ được quyền phóng bút theo bất kỳ cách nào họ muốn, vì vậy rất khó để suy đoán phong cách sáng tác này là kết quả của một tầm nhìn hạn chế, hay là một sự lựa chọn nghệ thuật có chủ đích của người nghệ sĩ. 

Dưới đây là ba nghệ sĩ được cho là bị suy giảm thị lực: 

Claude Monet

Claude Monet được chẩn đoán mắc bệnh đục thủy tinh thể vào năm 1912, nhưng ông ấy đã từ chối đề nghị phẫu thuật. 

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bên trong mắt bị vẩn đục dần, khiến thị lực mờ đi và tầm nhìn bị hạn chế mà không thể điều chỉnh bằng cách đeo kính. Thể thủy tinh bị đục thường có màu nâu, lọc ánh sáng đi qua chúng, làm giảm khả năng phân biệt màu sắc. Trong trường hợp nghiêm trọng, ánh sáng xanh gần như bị chặn hoàn toàn. 

Trong vòng một thập kỷ kể từ khi phát hiện bệnh, hồ sơ bệnh án của Monet ghi rõ rằng ông gặp khó khăn trong việc nhìn các chi tiết của cảnh quan, đồ vật. Vấn đề là, nó còn ảnh hưởng đến khả năng nhận biết màu sắc của ông. Năm 1914, ông mô tả màu đỏ trông xỉn và mờ, và đến năm 1918, ông giảm bớt việc chọn màu từ nhãn trên ống sơn. 

Chúng ta có thể nhận ra tác động của bệnh trong hai bức tranh cùng vẽ một cảnh: cây cầu Nhật Bản trên ao hoa súng trong vườn nhà. Bức đầu tiên được vẽ trước khi ông được chẩn đoán đục thủy tinh thể khoảng 10 năm, đầy chi tiết và màu sắc cũng vô cùng tinh tế.

Phiên bản cây cầu của Monet bắc qua một ao hoa súng được vẽ vào năm 1899, mười năm trước khi ông được chẩn đoán mắc bệnh đục thủy tinh thể. Ảnh: Wikimedia Commons

Ngược lại, bức thứ hai được vẽ vào năm 1922 – thời điểm căn bệnh đã trở nên trầm trọng, với màu sắc tối và âm u, gần như không có màu xanh lam và bức tranh cũng lược giản đáng kể chi tiết khung cảnh. 

Cây cầu Nhật Bản được vẽ vào năm 1922, một năm trước ca phẫu thuật đục thủy tinh thể của Monet. Ảnh: Wikimedia Commons

Có bằng chứng xác thực rằng những thay đổi đó không phải là một lựa chọn nghệ thuật có chủ đích. Trong một bức thư gửi cho nhà văn Marc Elder vào năm 1922, Monet bộc bạch rằng ông nhận ra mình đã làm hỏng các bức tranh vì thị lực suy giảm, và sự mù lòa đã buộc ông phải từ bỏ niềm đam mê mặc dù sức khỏe của ông hãy còn rất tốt. 

Một trong những nỗi sợ hãi của Monet là phẫu thuật sẽ làm thay đổi khả năng cảm thụ màu sắc của ông, và thực sự sau khi phẫu thuật, ông thường phàn nàn về việc thế giới trong mắt ông đôi khi quá vàng hoặc quá xanh. Tuy nhiên, hai năm sau đó, ông cảm thấy khả năng nhìn màu sắc của mình đã trở lại bình thường. Các nghiên cứu đã xác nhận rằng nhận thức màu sắc có thể thay đổi trong nhiều tháng sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, vì mắt và não thích ứng với lượng ánh sáng xanh tăng lên – mà đục thủy tinh thể trước đó đã chặn lại. 

El Greco

Kiến trúc sư, họa sĩ và nhà điêu khắc của thời kỳ Phục Hưng Tây Ban Nha, El Greco (1541-1614) thường kéo dài một số hình tượng nhất định trong tranh của mình theo chiều dọc. Năm 1913, bác sĩ nhãn khoa Germán Beritens cho rằng sự kéo dài này là do chứng loạn thị.

Loạn thị thường xảy ra khi giác mạc – bề mặt trước của mắt và và là yếu tố tập trung ánh sáng chính – không phải là hình cầu, mà có hình dạng giống quả dưa hấu hơn. Giác mạc của người bị loạn thị bị biến dạng làm mất đi độ cong đó gây ra tình trạng hình ảnh hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc (có thể ở trước và sau võng mạc) làm cho hình ảnh tạo ra bị không rõ ràng, nhòe và mờ. 

Bằng chứng cho thấy cách vẽ kéo dài của El Greco là một lựa chọn nghệ thuật có ý thức, chứ không phải là kết quả của chứng rối loạn thị giác. Ảnh: Wikimedia Commons. 

Beritens đã chứng minh suy đoán của mình bằng cách cho những vị khách đến thăm nhà sử dụng một thấu kính đặc biệt tạo ra độ giãn dài theo chiều dọc giống như các tác phẩm của El Greco. Nhưng giả thuyết này cũng không thuyết phục lắm. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu El Greco bị loạn thị thì theo lý thuyết bất cứ thứ gì trong tầm nhìn của ông cũng đều bị kéo dài – kể cả đối tượng vẽ và bức tranh được vẽ lên, tạo ra sự cân bằng. Điều này có nghĩa là hiệu ứng loạn thị sẽ được loại bỏ. Bên cạnh đó, thường thì chứng loạn thị khiến tầm nhìn của mắt bị mờ đi hơn là thay đổi kích thước hình ảnh.

Ngoài ra, các bằng chứng khác cho thấy El Greco sử dụng kỹ thuật kéo dài theo chiều dọc như một lựa chọn nghệ thuật có chủ ý. Ví dụ, trong bức tranh năm 1610 của ông, St Jerome as Scholar (ảnh trên), bàn tay đặt theo chiều ngang của vị thánh cũng dài ra. Nếu phong cách kéo dài của El Greco chỉ đơn giản là sự kéo dài theo chiều dọc trong nhận thức thị giác của ông ấy, thì bàn tay đáng lý trông phải tương đối mập mạp. 

Clifton Pugh

Ngoài bệnh về mắt, khả năng nhìn màu có thể bị ảnh hưởng do khiếm khuyết di truyền. Khoảng 8% nam giới và 0.5% nữ giới sinh ra với thị lực màu bất thường – đôi khi chúng ta vẫn gọi là “mù màu”. Một trong những dạng nghiêm trọng phổ biến nhất của nó là khi một người nhìn thấy màu sắc thuần túy chỉ là các mức độ khác nhau của màu xanh lam và màu vàng. Họ không thể phân biệt được màu xanh lục và đỏ, và do vậy khó phân biệt được quá non với quả chín. 

Nhiều người cho rằng chưa từng có họa sĩ nổi tiếng nào mù màu, nhưng một nghiên cứu đã phản bác điều này. Nghệ sĩ người Úc Clifton Pugh thực sự là một họa sĩ nổi tiếng: ông ấy đã ba lần giành giải thưởng Archibald, có nhiều bức tranh được treo trong các phòng trưng bày quốc gia, và thậm chí đã giành được huy chương đồng cho hạng mục Hội họa tại Thế vận hội Olympic (trước đây Thế vận hội Olympic từng có hạng mục kiến trúc, âm nhạc, hội họa, điêu khắc và văn học). 

Hạn chế về nhận biết màu sắc của ông đươc ghi lại đầy đủ trong thông tin tiểu sử. Do bản chất di truyền của chứng khiếm khuyết thị lực màu sắc, các nhà nghiên cứu đã có thể kiểm tra thị lực màu sắc của các thành viên còn sống trong gia đình để khẳng định chắc chắn rằng Pugh mắc chứng không thể nhận biết các sắc độ xanh lục và đỏ nghiêm trọng.

Nhưng nếu phân tích màu sắc trong các bức tranh của Pugh, ta không thể tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông bị mù màu. Điều này phù hợp với những nghiêm cứu trước đó, chứng tỏ rằng không thể khẳng định một tác giả có mù màu hay không nếu chỉ dựa vào tác phẩm của họ. 

Hoàng Nhi  dịch

Nguồn: How eye disorders may have influenced the work of famous painters

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)