Các tạp chí danh tiếng chỉ trích Kế hoạch S

Các nhà xuất bản các tạp chí học thuật danh tiếng - bao gồm cả Nature và Science - tuyên bố, không thể tuân thủ Kế hoạch S, một sáng kiến buộc các tạp chí cho truy cập miễn phí những kết quả nghiên cứu xuất bản từ năm 2020 trở đi.


Các thư viện không thể hiểu lý do tại sao các nhà xuất bản không nên thay đổi mô hình kinh doanh của họ để tuân thủ các yêu cầu truy cập mở. Nguồn: Nature

Liên minh Kế hoạch S do EU dẫn dắt đã gửi một tài liệu vào tháng 11/2018, trong đó giải thích cách các nhà tài trợ của Kế hoạch S dự định thực hiện sáng kiến này. Là một phần của một cuộc tham vấn lớn về cách hoạt động của sáng kiến truy cập mở, cuộc tham vấn này kết thúc vào ngày 8/2 và nhận được khoảng 600 phản hồi của hầu hết các nhà xuất bản học thuật lớn trên thế giới.
Theo Kế hoạch S, kể từ năm 2020, các nhà khoa học có nghiên cứu được tài trợ phải công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí truy cập mở, hoặc nếu chọn một lộ trình xuất bản khác thì phải tạo một bản sao gần cuối của bản thảo, lưu trong một kho lưu trữ được phê duyệt và cho phép truy cập mở ngay khi xuất bản. Các nhà tài trợ sẽ không trả chi phí xuất bản công bố trên các tạp chí “lai” (tạp chí tính phí một số bài viết hoặc thu một khoản phí khi xuất bản và cho phép truy cập mở). Các nhà tài trợ nghiên cứu cũng sẽ xác định một khoản phí hợp lý mà các nhà xuất bản có thể tính phí cho việc bình duyệt bài viết, để giúp đem lại nguồn thu cho tạp chí.
Tuy nhiên nhiều nhà xuất bản cho rằng, dù ủng hộ các mục tiêu chung của Sáng kiến S nhưng họ không đồng ý về các chi tiết của sáng kiến lẫn khung thời gian cho quá trình chuyển đổi, do nó quá ngắn. Các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao có chi phí nội bộ cao, không thể bù lại được nếu hoạt động theo mô hình truy cập mở hoàn toàn nên việc cắt giảm chi phí sẽ có nguy cơ làm giảm chất lượng của tạp chí. Một số công ty xuất bản cũng kêu gọi xem xét lại chính sách của Kế hoạch S trên các tạp chí lai.
Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ (AAAS), nơi xuất bản Science và Springer Nature, nói rằng chi phí cao vì các tạp chí của họ có các biên tập viên nội bộ chuyên nghiệp đánh giá và chọn lọc các bài báo. Springer Nature ước tính chi phí để xuất bản một bài báo trên một trong những tạp chí của Nature là 10.000 đến 30.000 euro – mức chi phí cao hơn nhiều so với các tạp chí khác. Nếu theo phương án của Kế hoạch S thì khó bù đắp được chi phí với các mức phí bình duyệt. AAAS không đưa ra chi phí cho mỗi bài báo nhưng nói rằng các nhà khoa học gửi bài tới các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao vì “các sàng lọc bình duyệt chất lượng và giá trị”. Giới hạn khoản kinh phí mà nhà tài trợ trả cho xuất bản công bố là “một mối nguy cho việc duy trì chất lượng của các bài báo khoa học”.
Springer Nature cho rằng các tạp chí chất lượng cao cần một cách tiếp cận khác để tuân thủ Kế hoạch S, cần một pha chuyển đổi sang xuất bản truy cập mở. Có thể đạt được điều này thông qua “các chính sách và tài trợ” cho các nhà xuất bản để biến các ấn phẩm của họ thành các tạp chí lai hoặc tạo ra các phiên bản truy cập mở, riêng biệt. Ngoài ra, các tạp chí có thể tính cả phí nộp và xử lý bài viết. Họ cũng đề xuất thêm một phiên bản gần cuối của bản thảo có thể được chia sẻ sau sáu tháng, với phiên bản hoàn thiện của nghiên cứu vẫn chỉ có thể truy cập thông qua đăng ký hoặc thông qua một liên kết chia sẻ miễn phí nhưng chỉ dành để đọc (Những đề xuất này sẽ không tuân thủ các yêu cầu hiện tại của Kế hoạch S.)
Các tạp chí khoa học khác lập luận, trong khi các tạp chí của họ có thể chuyển sang các mô hình truy cập mở hoàn toàn, cũng có thể họ phải tính phí xuất bản cao hoặc xuất bản thêm nhiều bài báo hơn để duy trì hoạt động, và họ cho rằng điều này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Paul Ayris, giám đốc dịch vụ thư viện tại Đại học College London, nói rằng không thể hiểu lý do tại sao các nhà xuất bản không nên thay đổi mô hình kinh doanh của họ để tuân thủ các yêu cầu truy cập mở. “Dù quá quen với các thông lệ cũ nhưng các nhà xuất bản thương mại cần phải trở nên thực tế hơn”, ông nói.
Còn Robert-Jan Smits, đặc phái viên của Ủy ban châu Âu và kiến trúc sư của sáng kiến truy cập mở, không đồng ý với phản hồi này. Ông nói với Nature, các tạp chí uy tín nên đón nhận các mô hình kinh doanh mới: “Điều tương tự đã đến với ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh, và giờ nó đang xảy ra với xuất bản học thuật”. □

Hoàng Nam lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-00596-x

Tác giả