Các tập đoàn thực phẩm gặt hái lợi nhuận kếch xù trong thời kỳ khủng hoảng

Đại dịch đã làm bộc lộ những kẽ hở trong hệ thống thực phẩm công nghiệp hoá từng được cho là hiệu quả của chúng ta: chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tình trạng thiếu công nhân và các hạn chế về mặt thương mại. Giờ đây, chúng ta có thể thêm lạm phát giá lương thực và bất bình đẳng ngày càng gia tăng vào danh sách.


Các tập đoàn liên tục tăng giá thực phẩm, trong khi lợi nhuận của nông dân Canada vẫn trì trệ hoặc sụt giảm trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Croptracker

Một báo cáo gần đây của Oxfam International cho hay, trong thời kỳ đại dịch, thế giới đã xuất hiện thêm 62 “tỷ phú lương thực” mới. Tổng tài sản của các tỷ phú kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp đã tăng thêm 42% trong hai năm qua, trong khi giá lương thực toàn cầu tăng 33,6% vào năm 2021 và dự kiến ​​sẽ tăng thêm 23% vào năm 2022.

Cargill, công ty thực phẩm khổng lồ, dự kiến ​​sẽ đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm nay, vượt qua con số kỷ lục 5 tỷ USD vào năm ngoái. Thật vậy, ba thành viên của gia tộc Cargill mới đây đã ghi tên mình vào danh sách Tỷ phú của Bloomberg.

Các tập đoàn thực phẩm của Canada cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Loblaws báo cáo rằng thu nhập trong quý đầu tiên của họ đã tăng gần 40% so với năm ngoái.

Lạm phát lương thực tăng vọt

Lạm phát bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có sự tập trung cao độ của các công ty dọc theo chuỗi cung ứng thực phẩm.

Đại dịch đã làm bộc lộ những kẽ hở trong hệ thống thực phẩm công nghiệp hoá từng được cho là hiệu quả của chúng ta: chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tình trạng thiếu công nhân và các hạn chế về mặt thương mại. Giờ đây, chúng ta có thể thêm lạm phát giá lương thực và bất bình đẳng ngày càng gia tăng vào danh sách.

Lạm phát giá lương thực đã tăng nhanh hơn nhiều so với lạm phát chung trong hàng thập kỷ qua. Theo báo cáo Giá Thực phẩm Canada năm nay, hóa đơn mua hàng bách hoá trung bình đã tăng 70% trong giai đoạn 2000 đến 2020, nhưng thu nhập trung bình lại không tăng theo kịp.

Giữa lúc này, các công ty đã đạt được lợi nhuận kỷ lục. Điều này cho thấy rằng họ nắm trong tay sức mạnh thị trường giúp cách ly mình khỏi những rủi ro bằng cách chuyển chúng sang người tiêu dùng.

‘Sân chơi’ của những tập đoàn lớn

Canada là nơi có một trong những nước có hệ thống thực phẩm tập trung nhất trên thế giới: Cargill và JBS Foods giết mổ 95% gia súc Canada, trong khi Weston Bakeries và Canada Bread chiếm 80% thị trường bánh mì. Loblaws, Sobeys, Metro, Walmart và Costco đều nắm giữ khoảng 80% doanh thu thị trường bán lẻ.

Người tiêu dùng không phải là những người duy nhất gánh chịu hậu quả. Các tập đoàn liên tục tăng giá thực phẩm, trong khi lợi nhuận của nông dân vẫn trì trệ hoặc sụt giảm trong nhiều thập kỷ.

Sự tập trung doanh nghiệp có liên quan mật thiết đến quá trình công nghiệp hóa hệ thống thực phẩm. Công nghiệp hóa nông nghiệp hướng tới cơ giới hóa và chuyên môn hóa, nhằm tăng hiệu suất. Chính phủ các nước đã tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy lợi nhuận và sản lượng bằng cách tăng quy mô, dẫn đến số lượng trang trại ở Canada và Hoa Kỳ giảm mạnh từ giữa thế kỷ 20 đến nay.

Điều này góp phần khiến chuỗi cung ứng thực phẩm chỉ còn là ‘sân chơi’ của một số ông lớn. Thậm chí các công ty còn tích cực sáp nhập và mua lại những công ty khác như một chiến lược để mang lại giá trị cho cổ đông.

Quyền lực tập trung giúp các công ty nắm quyền ‘sinh sát’ trong tay. Đại dịch vừa qua đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, và việc người lao động ngày càng biết cách thương lượng giá cả đã khiến các tập đoàn chuyển từ ép giá nhà cung cấp sang ép giá người tiêu dùng.

Sản xuất lương thực đa dạng hơn

Tuy vậy, giữa bức tranh xám xịt vẫn tồn tại một vài điểm sáng. Giá lương thực cao hơn đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường thực phẩm địa phương – một thị trường đa dạng.

Trong thời kỳ đại dịch, các hệ thống thực phẩm thay thế này đã chứng tỏ khả năng thích ứng với khủng hoảng theo cách mà các chuỗi cung ứng dài hơn, xa hơn và tập trung hơn của các thị trường công nghiệp hóa không làm được.

Những chương trình nông nghiệp do cộng đồng hỗ trợ, các trung tâm thực phẩm và các nền tảng phân phối trực tiếp hoặc trực tuyến giữa nông dân và người tiêu dùng vẫn hoạt động một cách sôi nổi, nhanh chóng.

Nếu sự tập trung thị trường tạo điều kiện cho các công ty tăng giá bán vì lợi ích của họ, thì về mặt logic, các thị trường phi tập trung, quy mô nhỏ hơn lại không làm được điều đó. Nói cách khác, các thị trường nhỏ hơn này sẽ không thể thu được lợi nhuận từ khủng hoảng như cách các thị trường công nghiệp hóa đã từng.

Để ngăn chặn những tập đoàn lớn khai thác các cuộc khủng hoảng như đại dịch, chiến tranh và biến đổi khí hậu vì lợi ích của riêng họ, chính phủ các nước sẽ cần phải đầu tư vào các giải pháp thay thế quy mô nhỏ hơn.

Hà Trang dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-06-food-giants-reap-enormous-profits.html

Tác giả