Cách động vật học “mánh khóe” sinh tồn từ đồng loại

Từ dế mèn, thằn lằn, rùa tường Ý, các nhà khoa học nhận thấy động vật sống đơn độc vẫn có khả năng học hỏi từ đồng loại; song mức độ và cơ chế học tập xã hội của chúng vẫn còn là điều bí ẩn.

Trong một thí nghiệm, thằn lằn tường Ý, một loài bản địa ở miền Nam và trung tâm châu Âu, đã bắt chước những con thằn lằn (đã được huấn luyện) để tháo nắp hòng tiếp cận thức ăn. Ảnh: MattiaATH/Shutterstock

Nhiều loài động vật sống bầy đàn, một trong những lợi ích chính của việc này là chúng sẽ chia sẻ kiến ​​thức cho nhau về các vấn đề như tìm thức ăn và bạn tình ở đâu, các tuyến đường di cư và làm thế nào để tránh những kẻ săn mồi.

Đồng loại là nguồn khai thác thông tin có giá trị. Chẳng hạn, chuột biết được loại thực phẩm nào an toàn để ăn bằng cách ngửi mùi của các thành viên khác sống trong cùng khu vực. Trong khi những con chim myna của Ấn Độ hiểu về những kẻ săn mồi thông qua tiếng kêu thảm thiết của “bạn đồng hành”.

Những con vật này tăng cơ hội sống sót bằng cách theo dõi, bắt chước và học hỏi lẫn nhau. Các nhà khoa học hành vi gọi đây là “học tập xã hội”.

Nhưng nhiều loài động vật khác lại thích sống một mình. Chúng sẽ học từ ai, hay chỉ đơn giản là trải nghiệm nhiều để tự tìm ra câu trả lời cho vấn đề mình gặp phải?

Đây là điều TS Mike Webster (Khoa Sinh học, Đại học St Andrews) thắc mắc trong quá trình tìm hiểu về học tập xã hội ở động vật sống đơn độc. Có vẻ như việc sống một mình không phải là rào cản đối với quá trình học hỏi từ các cá thể cùng loài. Có hàng chục ví dụ về học tập xã hội ở các loài côn trùng, bạch tuộc, cá, cá mập, thằn lằn, rắn và rùa.

Thực chất động vật sống đơn độc không nhất thiết phải cắt đứt liên lạc xã hội. Trên thực tế, chúng sống trong thế giới xã hội phong phú tràn ngập tiếng gọi và tín hiệu mùi hương từ các cá thể động vật khác – chúng cũng thường xuyên tiếp xúc (và đôi khi xung đột) với những cá thể này.

Giống như những loài sống theo đàn tiếp thu kiến ​​thức quý giá từ những con khác, động vật sống đơn độc cũng vậy.

Một nghiên cứu cho thấy dế mèn Nemobius sylvestris có thể học cách cảnh giác thông qua quan sát hành vi của những con dế khác vừa chạm trán với nhện săn mồi. Một nghiên cứu khác tiết lộ rằng rùa chân đỏ Nam Mỹ có thể quan sát những con rùa khác để học cách di chuyển xung quanh chướng ngại vật. Và thằn lằn tường Ý, một loài bản địa ở miền Nam và trung tâm châu Âu, đã bắt chước những con thằn lằn đã được huấn luyện để học cách tháo nắp hòng tiếp cận thức ăn,

Lý thuyết học tập xã hội có thể giải thích làm thế nào hành vi có thể lan truyền qua các quần thể động vật. Ví dụ, một số loài động vật có vú chia sẻ cho nhau lộ trình di cư giữa các môi trường kiếm ăn và sinh sản. Do đó, hiểu cách học tập xã hội phát sinh và phát triển có thể cung cấp cho chúng ta thông tin về bảo tồn và quản lý loài hiệu quả.

Học tập xã hội cũng là một phần quan trọng của văn hóa nhân loại. Việc hiểu rõ cơ chế động vật chia sẻ kiến ​​thức sẽ giúp ta hiểu hơn về về cách trí óc của chúng ta phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa rõ về vai trò của chọn lọc tự nhiên và ý nghĩa của hoạt động tiếp xúc với các tín hiệu xã hội để hình thành cơ chế học tập xã hội.

Vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp

Chia sẻ kiến ​​thức là một cơ chế quan trọng trong thế giới tự nhiên, và nhiều loài động vật sống đơn độc vẫn có khả năng đó. Nhưng loài động vật nào nhận tín hiệu xã hội tốt nhất? Hầu hết các động vật sống bầy đàn sẽ tiếp xúc với thông tin xã hội thường xuyên hơn so với động vật sống đơn độc, do đó những thông tin dần trở thành một phần tất yếu thông qua chọn lọc tự nhiên hoặc thông qua kinh nghiệm. Một số nhà khoa học lập luận rằng học tập xã hội cũng giống như các loại học tập khác ở cấp độ nhận thức. Tuy vậy các cơ quan cảm giác và vùng não liên quan đến việc thu thập và xử lý thông tin có thể đã được chọn lọc qua nhiều thế hệ để chú ý hơn đến các tín hiệu xã hội.

Đến cả những động vật sống đơn độc như bạch tuộc cũng học các mánh khóe sinh tồn từ các loài động vật khác. Ảnh: Olga Visavi / Shutterstock

Các nhà khoa học đã áp dụng các kỹ thuật thống kê để tìm kiếm bằng chứng về sự chọn lọc tự nhiên giữa các nhóm động vật có liên quan; họ muốn đánh giá xem liệu việc sống theo bầy đàn có liên quan đến các yếu tố như nhận thức hay không. Một nghiên cứu được thực hiện trên các loài linh trưởng cho thấy thước đo học tập xã hội thực sự có mối liên hệ với quy mô và mức độ phức tạp của các nhóm xã hội trong bầy.

Mức độ tiếp xúc với xã hội trong giai đoạn đầu đời của một con vật cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ học hỏi từ những con khác của nó trong giai đoạn về sau. Những con chuột đánh hơi mùi của đồng loại trong thức ăn bằng cách liên kết mùi của thức ăn dở dang với các hợp chất mà chuột thở ra. Chúng có được kỹ năng này khi còn là chuột con và học cách kết hợp mùi thức ăn với mùi hơi thở của mẹ khi mẹ chăm sóc cho chúng.

Đáng chú ý, nghiên cứu phát hiện ra rằng những con chuột không được mẹ quan tâm và ít chải chuốt cho chúng khi còn nhỏ không có được khả năng tìm hiểu thông tin thức ăn từ hơi thở của đồng loại.

Nhưng chuột là loài sống bầy đàn. Ngược lại, giới khoa học biết rất ít về tầm quan trọng của việc tiếp xúc với xã hội ở những con non sống đơn độc. Nhóm nghiên cứu hy vọng trong các thí nghiệm kế tiếp nhằm điều chỉnh việc tiếp xúc sớm với các tín hiệu xã hội, những loài sống đơn độc này có thể mở rộng hiểu biết khoa học về cách động vật tiếp nhận các mối liên hệ dẫn đến học tập xã hội.

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn:

Animals learn survival tricks from others – even if they live alone

Social learning in non-grouping animals

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)