Cái giá thế giới phái trả
để Trung Quốc tăng trưởng kinh tế

Đã có không ít ý kiến chỉ ra những cái giá Trung Quốc phải trả để nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ liên tục trong vài thập kỷ gần đây, chủ yếu bao gồm thiệt hại về môi trường và bất ổn xã hội. Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc, có thể cả thế giới cũng đang phải mang trên vai những gánh nặng không nhỏ. Đâu là cái giá thế giới phải trả để Trung Quốc tăng trưởng kinh tế? Đây là câu hỏi các nhà kinh tế cần nghiêm túc đặt ra.

Nghị định thư Kyoto liệu có vô tác dụng khi không có sự tham gia của Trung Quốc?
Năm 2001, cựu Tổng thống Mỹ George Bush rút nước Mỹ khỏi cam kết Nghị định thư Kyoto, được các quốc gia phát triển lập ra với mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Đa số dư luận thế giới chỉ trích động thái này của Bush, coi đây là hành động thiếu trách nhiệm với môi trường chung của thế giới. Nhưng Bush, mặt khác, coi việc cam kết theo Nghị định thư Kyoto là hành động không sáng suốt, khi mà hai quốc gia lớn đang phát triển là Ấn Độ và Trung Quốc không hề bị ràng buộc bởi nghị định này. Đây cũng là lý do quyết định ký Nghị định thư Kyoto đã không được Thượng Viện thông qua, dù đã được cựu Tổng thống Clinton chuẩn y vào năm 2007. Lịch sử sẽ còn tiếp tục có sự đánh giá chính sách của Bush. Tuy nhiên, đa số dư luận chỉ trích ông ta đã không tính đến hiệu ứng thay thế hàng hóa sản xuất tại Mỹ bằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, chủ yếu là Trung Quốc, một khi nước Mỹ tuân thủ chấp hành Nghị định thư Kyoto. Hiệu ứng này sẽ làm trầm trọng thêm lượng khí thải tạo ra bởi Trung Quốc trong quá trình sản xuất và vận tải hàng hóa. Thậm chí cần xem xét cả giả thuyết rằng lượng khí thải tạo ra thêm này còn lớn hơn lượng khí thải giảm trừ được từ các nước phát triển.
Việc sản xuất ở Trung Quốc không được giám sát cẩn thận và không phải chịu các chế tài khắt khe về tác động tới môi trường như ở các nước phát triển. Điều này cho phép người sản xuất giảm thiểu chi phí và gia tăng mức độ cạnh tranh trên toàn cầu. Như vậy, khi các nước phát triển gia tăng mức độ ngặt nghèo về kiểm soát khí thải, chắc chắn giá cả sản xuất hàng hóa ở các nước này sẽ bị nâng lên, giúp Trung Quốc xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn. Qua đó các nhà máy, xưởng sản xuất ở Trung Quốc lại càng có động cơ mở rộng quy mô.
Tất nhiên chúng ta cần tính tới hiệu ứng thu nhập tại các nước phát triển, xảy ra do người lao động ở các nước này bị giảm thu nhập, do hàng hóa mà họ làm ra bị giảm sức mua. Điều này sẽ làm nhu cầu mua hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị kéo xuống, đối nghịch lại với sự gia tăng chúng ta vừa đề cập phía trên. Tuy nhiên, khá an toàn để khẳng định rằng lượng hàng hóa từ Trung Quốc và các nước đang phát triển khác sang các nước phát triển sẽ gia tăng do hệ quả của Nghị định thư Kyoto, nếu như các nước phát triển không có chính sách thương mại phù hợp. Điều này có thể làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển toàn cầu thay vì làm cho giảm đi, do việc sản xuất ở Trung Quốc và các nước đang phát triển tạo ra lượng khí thải trung bình trên mỗi đơn vị sản phẩm lớn hơn.
Cũng cần phải tính đến yếu tố khí thải từ việc vận tải hàng hóa xuyên đại dương giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Trung Quốc, công xưởng của thế giới, đóng vai trò đầu mối trung tâm của các tuyến đường biển này. Việc gia tăng thương mại liên quan tới Trung Quốc làm gia tăng mật độ giao thông đường biển, vốn đóng góp một phần không nhỏ vào ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mưa acid tại các vùng duyên hải.

Tác động tới thị trường dầu lửa
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm giảm sức mua của thế giới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng vấn đề cần đặt ra là điều gì xảy ra sau khi cơn khủng hoảng qua đi? Cơ cấu kinh tế của Trung Quốc dựa nhiều vào xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc thậm chí chấp nhận giữ đồng NDT ở mức giá thấp để duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc giao thương giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới hầu hết dựa vào những tuyến vận tải hàng hải đường dài vượt đại dương. Trong đó bao gồm việc vận tải nguyên liệu đầu vào từ nơi khác tới Trung Quốc và vận tải hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc tới các nước tiêu thụ.
Trước khi nền kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng, giá dầu thế giới tăng tới mức 150 USD/thùng. Một phần nguyên nhân có thể do tệ đầu cơ. Một phần do chi phí tăng cao khi phải tăng độ sâu và lưu lượng khai thác. Và phần chi phí cho một tương lai khan hiếm năng lượng tất nhiên chưa được phản ánh trong giá thị trường.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là Trung Quốc hiện đã trở thành quốc gia tiêu thụ dầu thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Một đất nước có nền công nghệ còn nhiều hạn chế nhưng đang thay thế các nước công nghiệp phát triển, trở thành công xưởng sản xuất cho cả thế giới. Đây hẳn không thể là giải pháp tối ưu cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng.

Ai kiểm soát chất lượng hàng hóa
Tháng 5 năm 2008, Cơ quan Kiểm định Thực phẩm và Dược của Mỹ (FDA) mở văn phòng đại diện tại Bắc Kinh. Đây là động thái thể hiện Mỹ quan tâm tới độ an toàn của thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng thể hiện sự cứng rắn trong việc trừng phạt các quan chức cao cấp liên quan tới các vụ tai tiếng về thực phẩm và hàng hóa xuất khẩu có nhiễm độc.
Tuy nhiên, tất cả những động thái trên đều mới thể hiện được tính hình thức. Thực tế rất khó kiểm soát độ an toàn của lượng hàng hóa khổng lồ mà Trung Quốc sản xuất. Bản thân các nhà sản xuất Trung Quốc phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối tác trong nước. Trong khi việc kiểm định hiện nay chỉ được thực thi ráo riết khi sự cố đã xảy ra. Hơn nữa, không có sự cố không có nghĩa là hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn.
Như vậy, chính quyền Trung Quốc có thể gia tăng việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, nhưng đó là điều họ chưa làm. Cũng chưa có các cơ quan kiểm định độc lập có uy tín thực thi nhiệm vụ này. Vậy thì tự các nước nhập khẩu phải tìm cách kiểm định chất lượng sản phẩm. Nhưng chi phí đó có thể sẽ phải trích ra từ nguồn thuế mà toàn dân các nước này đóng góp, trong khi không phải ai mua một lượng hàng xuất xứ từ Trung Quốc tương đương nhau. Giải pháp cuối cùng là đánh thuế cao đối với nhà nhập khẩu cũng không khả thi, vì có thể đó bị coi là sự vi phạm tự do thương mại của WTO.

Nguyên nhân gián tiếp gây ra khủng hoảng toàn cầu?
Việc các quốc gia phát triển chuyển nhà máy, xưởng sản xuất sang Trung Quốc trực tiếp làm giảm lượng tiền đầu tư cho sản xuất tại các nước này. Một phần lượng tiền nhàn rỗi sẽ được đầu tư ra nước ngoài. Một phần khác đầu tư vào chứng khoán và bất động sản. Tất cả những loại đầu tư này đều tiềm tàng nguy cơ rủi ro cao hơn. Điều đó gây ra tác hại  khi thiếu các chế tài chặt chẽ về tài chính, và nhất là khi các công ty tài chính và ngân hàng bất cẩn trong việc cho vay và đầu tư.
Sự đổ vỡ của các ngân hàng và công ty tài chính vừa qua sẽ khiến họ phải hành động cẩn trọng hơn. Nhưng điều đó không thay đổi được cơ cấu phân bổ vốn đầu tư. Trung Quốc và các nước đang phát triển sẽ tiếp tục là môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư, cho dù trong một thế giới phẳng, việc đầu tư vào một nơi có thể nhanh chóng tạo ra rủi ro mang tính dây chuyền tới các nơi khác. Sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới là điều không tránh khỏi, nhưng trong môi trường thiếu thông tin như hiện nay, điều đó không làm cho thế giới trở nên an toàn hơn.
Hơn nữa, chính sách thu mua trái phiếu Mỹ của Trung Quốc, hòng duy trì đồng Nhân dân Tệ ở mức thấp để tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, càng làm cho giá trị đồng USD bị thổi phồng, khiến người Mỹ lạc quan thái quá về năng lực tiêu dùng và đầu tư của mình. Đây là tác nhân có vai trò không nhỏ làm nền kinh tế Mỹ, đầu tàu của nền kinh tế thế giới, lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Cái khó đối với nhà cầm quyền Trung Quốc
Việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu không chỉ đem lại các vấn đề khó khăn cho thế giới như đã nêu trên. Nó cũng trực tiếp mang lại thách thức cho nhà cầm quyền Trung Quốc, mà nổi cộm nhất là vấn nạn môi trường. Theo tiêu chuẩn an toàn của EU, chỉ có 1% trong tổng số 560 triệu dân thành thị của Trung Quốc (*) được hít thở không khí sạch. Mặt khác, chính sách mua trái phiếu Mỹ để duy trì đồng Nhân dân Tệ rẻ cũng làm cho tài sản của Trung Quốc bị suy giảm khi đồng USD mất giá. Đương nhiên, việc duy trì đồng Nhân dân Tệ rẻ cũng trực tiếp làm giảm tiềm lực tài chính của các công ty, tập đoàn trong nước, và làm hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc đắt đỏ hơn.
Thế nhưng đó là các thiệt hại mà Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận nhằm hạn chế một nguy cơ bất ổn lớn trong xã hội, đến từ khoảng cách giàu nghèo đang ngày một gia tăng giữa thành thị và nông thôn, giữa miền duyên hải và vùng sâu trong nội địa. Trung Quốc cần tiếp tục mở rộng sản xuất tới các vùng kém phát triển, bất chấp việc những nơi này không có lợi thế lớn trong cạnh tranh toàn cầu, ngoại trừ có nguồn lao động rẻ. Để mở rộng sản xuất ở những nơi này, người ta sẽ phải trả thêm chi phí cho việc vận tải nguyên liệu và thành phẩm. Người đầu tư sản xuất cũng sẽ phải chấp nhận mức năng suất thấp do chất lượng đào tạo giáo dục và tay nghề thấp hơn so với các nơi khác, và không phải khi nào số lượng cũng bù đắp được cho chất lượng. Những phí tổn trên đều được cộng vào giá thành sản xuất, mà cách duy nhất chính quyền Trung Quốc hiện nay có thể giúp hạ thấp xuống là duy trì đồng Nhân dân Tệ ở mức tỷ giá thật rẻ, đồng thời không đưa ra các yêu cầu khắt khe trong tiêu chuẩn an toàn môi trường và lao động.
Tuy nhiên, chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất và xuất khẩu ồ ạt có thể không làm cho bất ổn xã hội giảm xuống mà còn có nguy cơ gia tăng. Môi trường ô nhiễm, tệ tham nhũng, tình trạng nông dân mất đất cũng gia tăng theo mức độ phát triển kinh tế. Thu nhập người nghèo và dân cư vùng sâu vùng xa được cải thiện, nhưng không thể tăng nhanh như thu nhập các vùng khác, càng gây tích tụ thêm bất mãn trong xã hội.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, chúng ta thấy rằng thế giới năng đang trải qua một giai đoạn phát triển thiếu bền vững, và có thể chính sách kinh tế của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân. Sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc tiềm ẩn những chi phí chung cho thế giới, trong đó có thiệt hại về môi trường, sự gia tăng khan hiếm các nguồn tài nguyên mà quan trọng nhất là năng lượng, chất lượng hàng hóa không bảo đảm, và sự gia tăng tính bất ổn đối với thị trường tài chính. Đây chắc chắn là vấn đề mà người Trung Quốc không thể tự thân giải quyết. Việc tìm ra giải pháp hữu hiệu vẫn còn là câu hỏi lớn ngay cả với các nhà nghiên cứu lý thuyết kinh tế.  
 PHẠM TRẦN LÊ tổng hợp
—————————————
* New York Times, As China Roars, Pollution Reaches Deadly Extremes

 
Lại nàng tiên “kinh tế thị trường”
Tư bản thuần tuý ý thức hệ
 
Tư bản tài chính là hình thái thuần tuý ý thức hệ (idéologie, định nghĩa của Hannah Arendt : logique d’une idée) của tư bản, tiền đẻ ra tiền, theo công thức:
A → A + A’ (Tư bản luận, Marx)
Trong lý luận “khoa học” kinh tế của những trường phái thống trị tư duy kinh tế ngày nay trên thế giới, A’ là phần thưởng xứng đáng cho những chủ vốn vì họ dám hy sinh tiêu thụ trước mắt của họ và chấp nhận rủi ro khi họ ứng vốn cho phép sản xuất phát triển.
Nguyên lý hình thức trên, như mọi nguyên lý hình thức, không có nội dung cụ thể. Mặt nào đó, nó phi thời gian tính. Chính vì thế, khi con người dựa vào nó để hành động, họ cho phép chuyện này xảy ra: trong một chớp mắt, 1 tỷ USD có thể để ra một vài tỷ USD!
Tình hình mấy tháng nay cho thấy tính “khoa học” của các lý luận trên hão đến thế nào.
1/ Trong một chớp mắt, tiêu thụ chỉ một người đàn bà thôi còn chưa kịp, nói chi tới tiêu thụ 1 tỷ USD. Nhưng vẫn có thể khiến hàng triệu người sa cơ thất thế, lún vào cảnh bần cùng ô nhục.
2/ Những người thực sự trả giá cho rủi ro là những ai? Mấy ông chủ ngân hàng? Mấy chàng lãng tử tài chính? Mấy lý thuyết gia của chúng? Quá rõ!
Buồn thay
2009-03-29

Một niềm tin lỗi thời từ… khá lâu !

Nhiều lần người đời đã thương hại hay mỉa mai bảo tôi : học thuyết kinh tế của Marx đã lỗi thời, đó là học thuyết của thế kỷ 19.
Gần đúng vậy. Chỉ có điều những người ấy chưa hề biết điều này : những học thuyết kinh tế hiện đại mà họ ca ngợi còn… lỗi thời hơn nữa ! Chúng đều dựa vào hai niềm tin có từ thời tiền Marx :
a/ “Bàn tay vô hình của thị trường”
Cứ để nó tự do thao tác, nó sẽ đưa nhân loại lên thiên đường hay, chí ít, đến thế giới đẹp nhất có thể có thực ở thế gian này.
b/ Kinh tế phát triển nhờ các cá nhân lỗi lạc : tài năng và lòng dũng cảm, thậm chí liều lĩnh chấp nhận rủi ro, ý chí hy sinh tiêu thụ trước mắt hay ôm của cải của những vĩ nhân, để làm giàu. Et tutti quanti.
Xin mời bạn đọc chiêm ngưỡng hai nguyên lý ấy hoành hành đời thực người thực mấy hôm nay.
Chẳng có gì vui cả. Hàng trăm triệu người khốn khổ đến thế này thì vui sao được ? Ngay cả khi điều ấy cho thấy mình chưa đến nỗi ngu. Chán thật.
8-3-2009

 
Bắt con tin, một hình thái khủng bố “mới”

Cách đây không lâu, sếp hãng xe hơi Renault đã trắng trợn nạt nhà nước Pháp : anh mà lôi thôi, tôi rỡ nhà máy đi nước khác, tôi đuổi công nhân Pháp đi thất nghiệp. Nhà nước Pháp đành cúi đầu.
Hôm nay, hãng xe hơi General Motor, sau khi đã nhận 13,4 tỷ đôla của chính phủ Mỹ, đòi thêm 30 tỷ nữa và doạ : anh không cho thì tôi tuyên bố phá sản (luật pháp Mỹ cho phép các công ty phá sản ngưng trả nợ trong khi điều chỉnh tổ chức, kinh doanh…). NÓ mà ngưng trả nợ thì… hỡi ơi, kinh tế Mỹ có nguy cơ… sập xuồng !
Trong “thị trường lao động” toàn cầu hoá, quân đội lao động thất nghiệp dự trữ (Marx) có đến cả tỷ người. Ở mỗi nước Tây Âu cũng có vài triệu. Điều ấy cho phép các sếp tư bản dùng giai cấp công nhân, lao động thuê làm con tin.
“Quyền lao động” ghi trong Hiến Pháp các nước dân chủ tư sản đang trở thành lỗi thời như quyền lãnh đạo của đảng cộng sản trong những nước “xhcn” Đông Âu xưa.
“Bàn tay vô hình” của nàng tiên Thị Trường Thị Nở đang điều chỉnh kinh tế thị trường toàn cầu hoá với “vũ khí” ấy : những con người chỉ có quyền sống khi bán được sức lao động của mình cho ai ai khác.
Với quân đội lao động thất nghiệp dự trữ to lớn kia, nó khỏi lo thất nghiệp, khỏi lo thiếu tiền thuê cộng tác viên phục vụ hay ca ngợi nó, tương lai nó còn dài lắm. Cứ để nó tự do ban phước lành cho nhân loại thì tương lai của nó và những người phục vụ nó vĩnh cửu. Bởi vì, trong lôgích vận hành của nó, càng đưa khoa học và trí tuệ của con người vào sản xuất thì đội quân ấy càng tăng, thế thôi.
May thay, ta đã chết trước. Đó là niềm an ủi đê hèn của ta. Ta cũng chỉ là một con của người trong thời tiền sử của nhân loại thôi.
Đau quá, em ơi. Sao hôm nay anh thèm biết làm thơ quá ! Hè hè.
6-3-2009

 
Bàn tay vô hình của nàng tiên Thị Trường

Lúc này nó tàn nhẫn quá !
Hàng trăm triệu người mất nhà mất cửa, mất công ăn việc làm, nói chi đến hạnh phúc, tự do, tương lai ca hát.
Không biết nó đang điều chỉnh cái gì cho ai đây ? Những ai, Nobel kinh tế or not, đã từng vinh danh ca ngợi nó, làm ơn làm phúc giải thích cho ta sáng mắt một tí.
Thôi, cũng không nên bi quan : nó không tàn nhẫn với mọi người. Thế nào cũng có ngày nó sẽ hồi tâm và lại tử tế với tất cả, kể cả chính ta.
Chỉ có điều lúc này mà ca ngợi nó thì khó ăn khách quá !
Đành đợi ít lâu, khi tai qua nạn khỏi, khi người đời, một lần nữa, quên.
Mất khả năng quên, không ai sống được.
Hè hè…
                               Phan Huy Đường

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)