Cần hình thành hệ thống các quỹ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Từ năm 2007, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này phát triển nhanh, cần những chính sách mang tính chất có hệ thống và đủ mạnh. Tia Sáng có cuộc trao đổi với TS Mai Hà, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, về vấn đề này nhân cuộc Hội thảo quốc tế “Chính sách tạo môi trường hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.


Theo nhận xét của nhiều nhà khoa học, khái niệm “doanh nghiệp khoa học và công nghệ” ở ta còn chưa thực sự rõ ràng. Ông có đồng ý với nhận định này?

Khái niệm doanh nghiệp khoa học công nghệ (S&T based enterprises) đúng là còn có vấn đề phải bàn thêm, điều này ngay cả thế giới cũng không có định nghĩa nhất quán và có nhiều trường phái.

Về cơ bản, Doanh nghiệp KH&CN có thể được hiểu là doanh nghiệp, mà trong đó cách thức khai thác kết quả nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến việc chiếm giữ một bí quyết công nghệ cụ thể và có thể áp dụng bí quyết công nghệ đó để đổi mới sản phẩm, có khả năng tạo sản phẩm và dịch vụ cụ thể có thể tiêu thụ trên thị trường dựa trên bí quyết công nghệ của mình.

Gần đây người ta xem xét cách thức đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) nếu chiếm trên 5% của tổng doanh thu thì được xem là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Điều đó nói lên rằng khoa học công nghệ phải đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị thặng dư cho các doanh nghiệp này. Tôi không nói về tỉ lệ cụ thể nhưng tôi cho rằng cách đánh giá dựa vào tiêu chí đầu tư cho nghiên cứu phát triển là hợp lý. Việt Nam cũng đang đi theo hướng này.

Theo đánh giá của ông, các doanh nghiệp vẫn chưa thiết tha lắm với việc đổi mới công nghệ?

Đúng, trước hết là bởi đổi mới công nghệ gặp không ít khó khăn do mức độ cạnh tranh chưa thật sự cao. Bên cạnh đó, đang còn quá nhiều những dáng dấp của bao cấp và kiểu làm ăn chộp giật, đánh quả, nên thực sự khó cho những doanh nghiệp muốn làm chân chính dựa trên đổi mới công nghệ.

Trong số các doanh nghiệp khoa học công nghệ có nhu cầu đổi mới công nghệ thì chúng ta chưa có hệ thống các quỹ tạo thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu phát triển cũng như việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu ở các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khoa học công nghệ.

Các chương trình tài trợ do cơ chế tài chính cứng nhắc, nên hiện có đang còn nhiều bất cập dẫn tới chúng ta vẫn chưa lựa chọn được nhiều “ứng cử viên” đủ điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu phát triển.

Trong khoảng 2 năm gần đây, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia đã hoạt động và mang lại niềm tin mới cho các nhà khoa học làm trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Quỹ đã có nỗ lực đáng trân trọng và đúng hướng trong việc nâng cao hiệu quả quá trình đầu tư cho nghiên cứu và quản lý kết quả nghiên cứu.

Theo kế hoạch phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2015, việc phát triển nhanh các  doanh nghiệp khoa học công nghệ được xem là một trong những giải pháp để nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước. Ông đánh giá tính khả thi của giải pháp này như thế nào?

Theo tôi, giải pháp này có tính khả thi. Hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Và một khi đã hội nhập tất yếu có sự cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được nếu thiếu sự đầu tư đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, nếu như chúng ta có nhận thức đúng và đồng bộ để có các chính sách đủ mạnh khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển thì tính khả thi sẽ cao hơn. Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực theo định hướng đúng đắn này, song vấn đề là cần có sự đồng bộ từ phía các Bộ ngành khác. Nếu chưa nhìn ra được vai trò của các doanh nghiệp khoa học công nghệ, chưa có giải pháp hữu hiệu thì các doanh nghiệp này sẽ vẫn phát triển song ở mức độ thấp mang tính chất tự phát và manh mún. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như hạn chế mức độ hội nhập của đất nước.

Những đề xuất của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN để đưa ra những chính sách tạo môi trường hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ?

Chúng tôi đề xuất hình thành hệ thống quỹ hỗ trợ đổi mới, trong đó có 3 loại quỹ cơ bản: Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện nay Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia đã đi vào hoạt động và có tác động tích cực đối với nghiên cứu cơ bản. Hai quỹ còn lại sẽ được Bộ KH&CN vận động thành lập trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nghiên cứu soạn thảo Chương trình Phát triển thị trường công nghệ tạo sân chơi cho bên cung và cầu công nghệ.  

Các chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN

* Ưu đãi về sử dụng các kết quả KH&CN thuộc sở hữu Nhà nước: Khi áp dụng kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp KH&CN được Nhà nước ưu đãi đến 70% giá trị kết qủa KH&CN. Tức là khi sử dụng kết quả KH&CN để kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp trở lại ngân sách Nhà nước 30% giá trị kết quả KH&CN kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế.
* Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp KH&CN sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo nếu đáp ứng được các điều kiện sau: doanh thu của các sản phầm, hàng hoá hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai 50% tổng doanh thu trở lên và năm thứ ba trở đi 70% tổng doanh thu.
* Ưu đãi trong việc vay vốn: Hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, từ các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
* Ưu đãi trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: được ưu tiên trong sử dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghê, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước mà không phải trả phí dịch vụ.
* Ưu đãi về việc sử dụng đất: cho thuê đất và miễn tiền thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất.
(Vụ tổ chức cán bộ – Bộ Khoa học và Công nghệ)

N. T thực hiện

Tác giả