Cần làm gì khi mọi ý tưởng hay đều đã có chủ

Bạn hãy hình dung về tình huống này: Bạn vừa nảy ra một ý tưởng kinh doanh mới, và bạn háo hức vào Google để dạo qua một lượt, để rồi thất vọng khi thấy rằng ít nhất cũng có khoảng chục người đang thực hiện cái mà mới vài phút trước bạn còn cho là ý tưởng độc đáo của riêng mình. Một chuyện quá thường gặp phải không?

Trong trường hợp đó bạn nên làm gì?

Có lẽ bạn sẽ tự thuyết phục mình rằng ý tưởng của mình có điểm khác biệt so với những người khác, có thể là tốt hơn bởi biết đâu trong lúc thực hiện bạn sẽ nghĩ ra được những nét mới thú vị để bổ sung vào ý tưởng ban đầu.

Nhưng dĩ nhiên, càng nghiên cứu tìm hiểu, bạn càng thấy rằng ý tưởng của mình chẳng có gì khác so với những gì người ta đang làm trên thị trường. Và bạn buông xuôi: vô ích thôi, mọi ý tưởng hay ho đều đã có người nghĩ ra rồi.

Thực tế đúng là như vậy. Dù bạn có ý tưởng gì đi chăng nữa thì khả năng cao là đã có người nghĩ đến nó trước bạn rồi. Gần như mọi thứ có thể làm đều đã được làm rồi, trừ khi bạn định hoạt động trong một lĩnh vực hoàn toàn chưa có người khai phá – nhưng chuyện này thật hiếm hoi. Nhưng biết đâu, đó lại chẳng phải là một điều hay?

Một khi bạn đã chấp nhận cái thực tế rằng ý tưởng hoàn toàn mới mẻ không phải là điểm tạo nên sự khác biệt cho các doanh nghiệp, đầu óc bạn sẽ cởi mở đón nhận những khả năng mới, những gì bạn thực sự có thể đạt được. Nó cũng giúp bạn xác định rõ những mục tiêu của mình thay vì cố gắng nghĩ đến những điều xa xôi vĩ đại chưa ai từng làm.

Suy cho cùng, nhiều doanh nhân mà chúng ta tán dương là những nhà sáng tạo thực chất lại là những người biết tận dụng các ý tưởng sẵn có. Chẳng hạn, Steve Jobs không phải là người phát minh ra máy tính, mạng xã hội, hay điện thoại di động, nhưng ông đã khiến tất cả những lĩnh vực đó trở nên tốt và thú vị hơn rất nhiều, và ông được “ghi công” vì điều đó.

Vì vậy, câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Trên cương vị là một doanh nhân, bạn tận dụng sự cạnh tranh và những ý tưởng đang xuất hiện trên thị trường hiện nay như thế nào để mang lại lợi ích cho mình?

Có một cách: hãy “lắng nghe” đối thủ. Chúng ta thường cho rằng cạnh tranh là chuyện nên tránh, nhưng thực ra đó lại là chuyện rất hay. Khi bạn định làm điều mà những người khác cũng đang làm, điều đó có nghĩa rằng ý tưởng của bạn đã được kiểm chứng rồi, rằng bạn đã có sẵn cái để so sánh/ làm chuẩn, hay một xuất phát điểm ban đầu, để từ đó lấy cơ sở phát triển tiếp ý tưởng của mình.

Nhờ có cạnh tranh, bạn có thể lắng nghe khách hàng của đối thủ để tìm hiểu xem họ thực sự muốn và cần cái gì, để qua đó bạn có thể tạo ra thứ thực sự có sức hút trên thị trường thay vì phải mò mẫm trong bóng tối. Tất cả những gì bạn cần làm là một chút nghiên cứu thị trường thôi.

Giả sử bạn muốn bán quần áo trẻ em, nhưng đừng bán bất kỳ loại quần áo nào dành cho trẻ em. Bạn muốn có sự độc đáo, vì thế có thể bạn sẽ bán loại quần áo trẻ em theo phong cách miền nam vì đó là một xu hướng lạ. Thế là bạn bắt tay vào tìm hiểu rồi nhanh chóng nhận ra là khối người cũng đang bán quần áo trẻ em phong cách miền nam. Ý tưởng của bạn, rốt cuộc, chẳng có gì độc đáo cả. Bạn phải làm gì đây?

Thay vì thất vọng, hãy liệt kê tất cả những website, Facebook page bán quần áo trẻ em phong cách miền nam mà bạn có thể tìm thấy. Sau đó, hãy đi hỏi những nhóm này xem họ muốn gì, họ sẽ sẵn sàng thay đổi điều gì, và có điều gì họ không thích ở sản phẩm họ đang mua hay không. Hãy hỏi, và xem mọi chuyện đi tới đâu.

Cái thú vị nằm ở chỗ ai cũng thích kể cho người khác nghe họ thích gì. Khi đã có doanh nghiệp làm điều mà bạn dự định làm, hãy tiếp cận thẳng với khách hàng của họ và hỏi xem bạn có thể làm gì để phục vụ họ tốt hơn. Như vậy, bạn sẽ không chỉ có được một ý tưởng tuyệt vời mà bạn còn có sẵn một lượng khách hàng để bán hàng ngay từ ngày đầu thành lập. Hãy gọi đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi.

Như vậy, nếu bạn muốn độc đáo và muốn tạo ra thứ gì đó mà mọi người thực sự muốn có, hãy bắt đầu bằng việc tìm kiếm những mảnh ghép đang còn thiếu trên thị trường hiện tại thay vì loay hoay tìm cách lập nên một thị trường mới toanh.

Và hãy làm ơn cho chính bạn bằng một hành động nhỏ này: đừng hoảng lên khi thấy cứ mỗi khi bạn nghĩ ra được một ý tưởng gì đó hay ho là y như rằng đã có người đang thực hiện rồi. Thay vì giận dữ và chán nản, hãy thấy vui mừng khi thấy rằng có người đang kiếm được tiền bằng việc mà bạn dự định làm.

Mà, suy cho cùng, nếu rốt cuộc bạn cũng nghĩ ra được một ý tưởng độc đáo tới độ chưa có ai làm, thì hẳn họ cũng có lý do để đừng làm chứ.

Thu Trang dịch theo Entrepreneur

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)