Cây sáng kiến ở An Hữu

Ông Lê Phước Lộc (An Hữu, Cái Bè) làm ra máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp vì nông dân yêu cầu màng phủ phải được dập lỗ nhưng nhà sản xuất không đáp ứng. Một chủ đại lý vật tư nông nghiệp đốc thúc ông chế ra chiếc máy để giải quyết nhu cầu này. Hiện ông Lê Phước Lộc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng chứng nhận độc quyền công trình sáng chế này và ông cũng được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Khi được hỏi vì sao có sáng kiến làm máy dập lỗ này, ông Lộc cho biết, một chủ đại lý vật tư nông nghiệp đã “đặt hàng”  ông do máy làm màng phủ nông nghiệp nhập về cửa hàng không được dập lỗ trước nên khi sử dụng, rất mất thời gian và công sức để làm thêm công đoạn này.

Tuy nhiên việc làm ra máy dập lỗ màng phủ không đơn giản bởi ông Lộc phải tính toán sao cho nó người nông dân có thể sử dụng nó một cách linh hoạt, cơ động và có thể di chuyển để làm theo yêu cầu của nông dân. Người trồng dưa yêu cầu khoảng cách của mỗi lỗ rộng chừng 0,5m; còn người trồng ớt lại muốn 0,3 m nhưng lệch bên trái; người trồng cà thì muốn lệch sang bên phải.

Trên cơ sở yêu cầu đó, ông Lộc đã mày mò làm ra chiếc máy từ những thanh sắt lá, dây cu roa, dây xích, bánh lăn, moteur điện… Mỗi giờ máy có thể dập được hàng ngàn lỗ. Với chi phí và công sức lắp ráp cho một chiếc máy, giá bán được ông Lộc ấn định 15 triệu đồng/máy. Hiện nay có rất nhiều nơi đặt hàng nhưng ông chỉ có thể đáp ứng khoảng năm, sáu chiếc.

Không chỉ có máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp, ông Lộc còn có hai sáng chế khác là cây kéo tỉa, cần bao trái và vòi phun nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận và cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho từng loại. Với công năng của mình, cây kéo tỉa, cần bao trái của ông có thể thu hoạch trái cây và tỉa cành có đường kính từ 10mm trở xuống, cắt bỏ những trái xấu, đèo sẹo để tập trung dinh dưỡng nuôi những trái to, đẹp. Cần bao trái của ông phù hợp với các loại quả đặc sản như cam, quýt, bưởi, chôm chôm, vứ sữa…  Còn vòi phun nước của ông giúp  nước được rải đều từ trong ra ngoài với đường kính 12-15m. Trong năm 2012, ông Lộc sản xuất được 13.000 cây kéo tỉa, 500 cần bao trái, 1.000 vòi phun nước. Tổng lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Gắn bó với ruộng vườn, ông Lộc đã có gần 40 năm làm việc và liên tục làm ra những máy móc phục vụ bà con trong vùng. Việc thành lập cơ sở cơ khí Phước Lộc vào năm 2003 tại huyện Cái Bè đã giúp ông có điều kiện hoàn thành các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình.

Tất cả các sản phẩm mà ông sáng chế ra đều đáp ứng nhu cầu canh tác của nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong sản xuất mà không cần phải chọn công cụ ngoại nhập. Hầu hết các nông dân sau khi sử dụng đều phản hồi: sản phẩm dễ sử dụng, tiện lợi và bền hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Tháng 7-2014, ông vinh dự được ban tổ chức Chương trình “Vì sự phát triển nông dân Việt Nam” xét tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng ngành Nông nghiệp Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.      

 

Tác giả