Chân dung bí ẩn bên dưới bức họa của Titian
Với các nhà nghiên cứu, khám phá này như thể làm phơi lộ một câu hỏi bí ẩn mà giờ chúng ta mới biết là nó tồn tại.

Titian với chủ đề Ecce Homo
Cho đến ngày nay, Tiziano Vecellio, hay được gọi là Titian, vẫn được coi là một trong những họa sĩ Phục hưng Ý xuất sắc bậc nhất với kỹ năng sử dụng màu sắc và nét cọ đầy tinh tế. Phong cách của ông, mặc dù thay đổi đáng kể trong suốt cuộc đời, vẫn tiếp tục cho thấy sự hiểu biết hoàn hảo về màu sắc và tông màu. Có lẽ, trong số các họa sĩ cùng thời, ông chỉ đứng sau Michelangelo về danh tiếng và thành công. Danh tiếng của ông đã lan xa ngoài biên giới Ý và được nhiều khách hàng nước ngoài đặt hàng, trong đó có nhiều nhân vật quan trọng của châu Âu.
Cho đến khi qua đời vào năm 1576, trong xưởng họa của mình ở Venice, Titian đã tạo ra hàng trăm bức họa. Khác với nhiều họa sĩ đương thời, Titian sáng tác về nhiều chủ đề khác nhau, từ phong cảnh, chân dung, đến các cảnh mang màu sắc tâm linh tôn giáo hoặc thần thoại. Trong số những bức về chủ đề tôn giáo, bức Ecce Homo được ông sáng tác vào khoảng năm 1570, dựa trên câu nói “Ecce Homo”(Hãy nhìn con người này) của Pontius Pilate, quan tổng trấn thứ năm của Judaea dưới thời hoàng đế Tiberius với đám đông để họ chú ý vào Chúa Jesus, thân thể bị đánh đập, đầu đội mão gai, để đám đông quyết định số phận của ông. Khi đó, đám đông bị kích động đã hô to đòi khổ hình, xử tử Chúa Jesus, sau dẫn đến hình phạt Chúa bị đóng đinh vào thập giá. Tích “Ecce Homo” sau trở thành nguồn cảm hứng cho các họa sĩ sáng tác về chủ đề cuộc đời và khổ nạn của Chúa.
Bức Ecce Homo thứ nhất (rơi vào tay một nhà sưu tầm tư nhân) vẽ cảnh Chúa Jesus sau phiên tòa, đứng cạnh Pontius Pilate và hai binh lính thấp thoáng. Ở đây có sự tương phản giữa chiếc áo choàng lót lông xa hoa, mũ và tay điểm tô vàng ngọc của quan tổng trấn, chiếc hoa tai gắn ngọc quý ánh lên màu máu của viên lĩnh trẻ với cơ thể bầm dập gần như trần trụi của Chúa Jesus khoác tấm vải cũ nát, đôi tay bị trói, đầu đội mão gai – thứ vương miện bện bằng dây gai bị đám lính tráng, cai ngục ấn trên đầu vừa mang tính giễu cợt, vừa gây đau đớn sau mỗi cử động. Sự tương phản của một bên là sự huy hoàng, hào nhoáng trần tục và sự giản dị thuần túy tinh thần càng thêm nhấn mạnh đến nỗi đau đớn và sự sỉ nhục mà Chúa Jesus phải chịu đựng.
Một trong những tài năng sáng chói của Titian là dù Chúa Jesus được đặt ở vị trí bên rìa bức họa nhưng vẫn thu hút mọi ánh nhìn và trở thành nhân vật trung tâm.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Titian thường quay lại với chủ đề Ecce Homo, tái hình dung những khoảnh khắc căng thẳng trong phiên tòa xét xử Chúa Jesus, sự chế giễu và cuồng nộ của đám đông và bản án cuối cùng đóng đinh trên thập giá. Một trong những phiên bản Ecce Homo nổi tiếng khác của Titian là bức họa vẽ năm 1543, giờ được treo ở Bảo tàng Lịch sử nghệ thuật ở Vienna, một sản phẩm theo đơn đặt hàng của Giovanni d’Anna, một thương gia Hà Lan/Flemish giàu có định cư ở Venice.
Trong bức họa này, ở bậc cầu thang cao nhất dẫn vào cung điện, Chúa Jesus thân trần đến thắt lưng, đầu đeo vương miện tết bằng sợi gai, một con người đau khổ đến kiệt sức, cánh tay gần như buông thõng bị một người lính phía sau nắm chặt. Phía trước, Pontius Pilate – tổng trấn thứ năm của Judaea dưới thời hoàng đế Tiberius mặc áo kiểu La Mã màu xanh lam, tay chỉ Chúa Jesus và kêu gọi đám đông ở phía dưới sân, ngay dưới bậc thềm “Ecce Homo”. Đám đông này gồm các chiến binh cưỡi ngựa, cô gái trẻ tóc vàng vòng tay ôm cậu bé, đứng cạnh người Pharisi to béo đội khăn kiểu phương Đông – người thuộc một phong trào xã hội và trường phái tư tưởng của người Do Thái ở Levant trong thời kỳ Do Thái giáo Đền thờ thứ hai. Rất nhiều người trong đám đông nhảy lên bậc thang, khoa chân múa tay và chỉ vào Chúa Jesus hô “Hãy đóng đinh!”.

Một trong những tài năng sáng chói của Titian là dù Chúa Jesus được đặt ở vị trí bên rìa bức họa nhưng vẫn thu hút mọi ánh nhìn và trở thành nhân vật trung tâm. Nếu tâm trạng của tác giả dường như được thể hiện qua hình tượng chàng trai trẻ hoàn toàn mất tinh thần ở tiền cảnh bên trái thì chiến binh cạnh anh dẫn ánh nhìn của người xem vượt qua các bậc thang để chiếu vào nhân vật chính. Tư thế thiếu quyết đoán của Pontius Pilate không chỉ cho thấy ông với vai trò lập lờ của ông trong phiên tòa xử Chúa Jesus mà còn cho giúp hướng cái nhìn của người thưởng tranh vào Chúa. Ngay cả người Pharisi với áo nhung đỏ sẫm cũng có chức năng chuyển cảnh, dẫn nhóm khán giả tò mò ở bên phải và dồn kịch tính sang bên trái. Một chi tiết thú vị là con đại bàng hai đầu của Đế chế La Mã Thần thánh trên tấm khiên và dòng chữ trên tờ giấy da nằm ở bậc thang “eques ces[aris]” là một cử chỉ tỏ lòng kính trọng đối với triều đình mà Titian được phong là họa sĩ cung đình vào năm 1533.
Có thể kết luận là bức chân dung trước đã ảnh hưởng đến việc thực hiện bố cục mới, cung cấp các chi tiết và yếu tố biểu tượng của bức sau.
Tranh trong tranh
Cơ hội đã được trao cho nhóm chuyên gia ở Phòng thí nghiệm Các đặc điểm nghệ thuật Andreas Pittas thuộc Viện Nghiên cứu Cyprus được mời tham gia dự án bảo tồn bức họa Ecce Homo thứ nhất cùng một số bức khác trong một bộ sưu tập cá nhân vào năm 2018.
Cũng giống như những chuyên gia bảo tồn khác, ê kíp Viện Nghiên cứu Cyprus đã đặt bức họa Ecce Homo xuống dưới kính hiển vi kỹ thuật điện tử và bắt đầu nhận thấy có những nét cọ khác biệt dưới những vết nứt nhỏ (craquelure) trên mặt toan, dạng nứt dày đặc hình thành trên bề mặt trên các bức họa cổ, có thể là kết quả của quá trình khô màu vẽ, sự va đập, quá trình lão hóa hoặc cố ý… Khi quan sát kỹ hơn, họ cho rằng có thể những vết nứt này che phủ một bức họa khác của Titian, điều mà nhiều họa sĩ đương thời hoặc thế hệ sau ông vẫn thường làm với những bức họa không ưng ý.
“Việc có được thông tin tin cậy và phân tích kỹ lưỡng vật liệu trong từng lớp vẽ đã dẫn chúng tôi tới chỗ hiểu được rõ hơn chiến lược nghệ thuật mà bậc thầy Phục Hưng và xưởng vẽ của ông thường áp dụng khi tái sử dụng các tấm toan” (giáo sư Nikolas Bakirtzis).
Để làm rõ nghi ngờ này, họ đã sử dụng một loạt các thiết bị tiên tiến như máy quét đa phương thức mới do chính Viện Nghiên cứu Cyprus hợp tác với nhiều viện của Pháp phát triển, kết hợp với máy quét huỳnh quang tia X (MA-XRF), quang phổ hấp phụ (RIS) và quang phổ hình ảnh phát quang (LIS). Nhờ vậy, họ có thể lập được bản đồ vật liệu hoàn chỉnh của Ecce Homo và bức họa ẩn bên dưới.

“Các quan sát vết nứt trên kính hiển vi điện tử cho phép chúng tôi có được tư liệu địa tầng học của bức họa và dò được sự tồn tại của những màu sắc khác dưới bức họa Ecce Homo”, giáo sư Nikolas Bakirtzis, Giám đốc Viện Nghiên cứu Cyprus, cho biết. Thuật ngữ “địa tầng học” (stratigraphy) là chỉ những lớp khác biệt của màu vẽ và vật liệu làm nên tác phẩm nghệ thuật, giúp tiết lộ phần lớn quá trình họa sĩ hình thành bức họa theo thời gian.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia lịch sử nghệ thuật Paul Joannides, họ đã có thể thấy được bức chân dung hoàn chỉnh của một người đàn ông đang đứng trước bàn làm việc trong một không gian nội thất, được vẽ ở góc 180 độ, bên dưới bố cục của Ecce Homo và bằng chứng về nó là bức ảnh bằng tia X. Người đàn ông này có bộ ria mép mỏng, mặc một bộ trang phục chỉnh tề và nghiêm túc, hơi nghiêng người, một tay tựa lên cuốn sách dày đặt trên bàn, tay kia cầm chiếc bút lông, mắt nhìn thẳng về phía trước. Do chưa ai rõ ông ta là ai nên nhóm nghiên cứu đặt tên cho bức họa ẩn là Portrait of an Unknown Man (Chân dung người đàn ông vô danh). Rõ ràng đây là chân dung của một người ở môi trường chuyên nghiệp, một chủ nhà băng, một luật sư?, nhiều khả năng đã được nêu. “Hai bức họa được tạo ra này có thể cho những đơn đặt hàng khác nhau và người thưởng thú khác nhau. Thật không may là những gì chúng tôi có không cho phép chúng tôi nhận diện được người đàn ông hoặc có thể xác định được thời điểm vẽ bức họa trước”, Bakirtzis nhận xét. “Chúng tôi không ước tính được khoảng cách thời gian giữa hai bức họa. Bất kỳ thông tin đề xuất nào, do đó, cũng chỉ là giả thuyết và dựa trên những quan sát về phong cách”. Tuy nhiên, ông cũng tạm đưa ra một ước đoán: có vẻ như bức chân dung được Titian thực hiện vào nửa sau những năm 1550.
Khám phá sáng tạo của bậc thầy
Việc có được cả Ecce Homo lẫn Portrait of an Unknown Man cho phép nhóm nghiên cứu liên ngành dấn thêm một bước nữa. Thông qua việc lập bản đồ mối quan hệ trực tiếp của hai bức tranh và xác định cách các đặc điểm của lớp màu vẽ sơn lót ảnh hưởng đến các chi tiết về sự phát triển bố cục của Ecce Homo, họ đã có thể hình dung và tái tạo được phần nào quá trình sáng tạo của Titian, thậm chí là ý đồ nghệ thuật được ông và xưởng vẽ của mình khi tái sử dụng tấm toan cho những mục đích khác nhau. Giáo sư Ioli Kalavrezou, một chuyên gia lịch sử nghệ thuật Thiên Chúa giáo và nghệ thuật Byzantine thời kỳ đầu, dẫn dắt khám phá thứ hai này khi phân tích sâu mối quan hệ giữa hai tác phẩm.
Tuy chưa rõ vì sao Titian lại không ưng ý bức chân dung ẩn nhưng nhiều khả năng, hành động tái sử dụng những bức tranh cũ trong xưởng vẽ của ông đã là một thói quen, có lẽ do tiết kiệm vật liệu vẽ. Việc phân tích mối quan hệ “địa tầng” chặt chẽ giữa hai bức tranh còn tiết lộ, Ecce Homo được vẽ trực tiếp lên bức chân dung người đàn ông mà không cần lớp chuyển tiếp làm trung gian và cũng không thêm một lớp mầu trung gian để thoát khỏi sự ảnh hưởng của bức họa cũ như nhiều họa sĩ thường làm. Giáo sư Ioli Kalavrezou cho biết, chi tiết về đôi bàn tay bị trói của Chúa Jesus trong bức Ecce Homo đã được vẽ trực tiếp lên trên khuôn mặt của bức chân dung Portrait of an Unknown Man. Điều này cho phép họa sĩ không chỉ tái sử dụng tấm toan một cách hợp lý mà còn “tái sử dụng” tông màu đã được dùng để vẽ chân dung. Kết cấu sơn trên má và cằm của người đàn ông vô danh cũng được dùng để mô tả sợi dây trói cổ tay của Chúa. “Chúng tôi đã tìm thấy những phần của đặc điểm khuôn mặt, đường viền của khuôn mặt người đàn ông, ví dụ như đường viền hàm dưới, là sợi dây trói tay Chúa Jesus”, Bakirtzis nói. “Có một số chi tiết khác trong không gian nền và căn phòng được thể hiện trong bức chân dung cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vẽ bố cục Ecce Homo.”
Có thể kết luận là bức chân dung trước đã ảnh hưởng đến việc thực hiện bố cục mới, cung cấp các chi tiết và yếu tố biểu tượng của bức sau. Bản thân sự hình thành trực tiếp của bố cục mới trên bức tranh chân dung đã cho thấy bàn tay giàu kinh nghiệm và tràn đầy tự tin ở một bậc thầy, Titian. Bên cạnh đó, việc thực hiện phân tích còn giúp tái hiện một số khoảnh khắc sáng tạo của ông, đó là lớp màu vẽ trên bề mặt toan được phết bằng ngón tay của họa sĩ chứ không phải bằng cọ như bậc thầy Phục Hưng Ý này vẫn thường làm. “Điều này chứng tỏ đôi tay của một con người tự tin, cái tư duy của người đứng đầu xưởng vẽ danh tiếng và của chính Titian… Đó là lý do giải thích tại sao phiên bản Ecce Homo này là một tác phẩm tương xứng với phẩm chất nghệ thuật của Titian”, giáo sư Nikolas Bakirtzis nói.
Trong suốt cuộc đời mình, Titian đã được coi là một trong những họa sĩ nổi danh bậc nhất và thường được các nhân vật quyền lực như các giáo hoàng, các vị vua chúa. Những phẩm chất như nét cọ quả quyết, bố cục nhạy bén, màu sắc tinh tế và chiều sâu của cảm xúc đều là những đặc điểm quan trọng của phong cách thời kỳ cuối sự nghiệp của Titian, tất cả đều được thể hiện ở cả hai bức họa.
“Việc có được thông tin tin cậy và phân tích kỹ lưỡng vật liệu trong từng lớp vẽ đã dẫn chúng tôi tới chỗ hiểu được rõ hơn chiến lược nghệ thuật mà bậc thầy Phục Hưng và xưởng vẽ của ông thường áp dụng khi tái sử dụng các tấm toan”, giáo sư Nikolas Bakirtzis nhận xét.
Nhóm nghiên cứu đã hợp tác với Erato Hadjisavva, một nghệ sĩ đảo Cyprus và là Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Athens, Hy Lạp, không chỉ để tái tạo bức chân dung ẩn mà còn diễn giải những phát hiện của nghiên cứu, bao gồm cả những thông tin mới về việc tại sao Titian lại quay ngược bức họa và tái sử dụng nó. “Trong các cuộc thảo luận, Hadjisavva nói rằng điều này tạo ra nhiều cảm xúc nghệ thuật”, Bakirtzis nói. “Việc đảo bức họa giúp nhìn thấy một cách rõ ràng cái điểm yếu hoặc làm loại đi ý nghĩa của bức chân dung, tạo điều kiện thuận lợi để có thể vẽ đè lên nó”.
Việc nghiên cứu và phân tích bức họa thông qua các vết nứt giống như giải một câu đố bởi bức họa ‘đã nắm giữ một bí mật, và bí mật ấy được giữ kín đến bây giờ, một chân dung gần như hoàn chỉnh bên dưới”, giáo sư Nikolas Bakirtzis nói. “Một thông điệp đến với chúng ta từ thế kỷ 16 và đồng thời là một phát hiện rất quan trọng đối với lịch sử nghệ thuật thế giới, giờ đây đã được đưa ra ánh sáng”.
Thông điệp ấy đã được Viện Nghiên cứu Cyprus trình bày trong triển lãm “Unseen Gaze: The Hidden Portrait Under Titian’s Ecce Homo” (Nhìn cái chưa thấy: Bức chân dung giấu kín dưới Ecce Homo của Titian) tại Trung tâm nghệ thuật thành phố Limassol, bờ biển phía Nam đảo Cyprus.□
Trong một thời gian dài, bức Ecce Homo ở Viena được coi là bản trích yếu những nhân vật nổi tiếng đương thời: người ta cho rằng Pilate mang nét mặt của Pietro Aretino – nhà văn, nhà viết kịch, nhà thơ Ý, bạn của Titian và là người có ảnh hưởng sâu rộng đến nghệ thuật và chính trị đương thời; người Pharisi to béo ở bên phải bức họa là Pietro Lando, người có sự nghiệp lẫy lừng với danh hiệu Đại tướng của Biển cả và là Tổng trấn Venice thời điểm đó ((tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nguyên mẫu của nhân vật là Vua La Mã Aulus Vitellius); hiệp sĩ Ottoman đội khăn kiểu phương Đông phía sau ông là Sultan (vua) Süleyman II; và xa hơn về bên phải là Alfonso d’Avalos, đối thủ chính trên chiến trường của Süleyman II (Venice đã từng đánh bại đội quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Tunis vào năm 1535); người phụ nữ trẻ mặc váy trắng được cho là con gái của Titian. |
Tô Vân tổng hợp
https://news.artnet.com/art-world/hidden-portrait-under-titian-painting-2606234
Bài đăng Tia Sáng số 4/2025