Chấp nhận cạnh tranh

Trong số các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng được tiến hành gần đây tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, mọi người hay nhắc tới Dự án “Thử nghiệm công nghệ oxy hóa metanol thành formaldehyt”, tiến hành trong giai đoạn 2005-2008. Nhờ bài học kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của một số dự án tiến hành trước đó ở Viện, cùng với quyết tâm “chấp nhận cạnh tranh” với sản phẩm ngoại nhập, các cán bộ nghiên cứu của Viện đã thành công trong việc tạo ra một sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế thực sự.

   
     Tạo ra sản phẩm có ích cho thị trường

    Trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Đỗ Thanh Thùy, Trưởng phòng Kế hoạch của Viện Hóa học Việt Nam giới thiệu nhiều dự án thành công của Viện, nhưng một trong những thành công gần đây nhất là Dự án sản xuất formalin, công suất 10.000 tấn/ năm được thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ (formalin là tên thương mại của dung dịch chứa 37% formaldehyt).
    Tiếp chúng tôi tại cơ sở 2 của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, nằm tại Cầu Diễn, Hà Nội, ông Phương Kỳ Công, Giám đốc Trung tâm Xây dựng và Phát triển Dự án sản xuất Formalin cho biết: “Dự án formalin thực chất phôi thai từ một dự án thử nghiệm (pilot) nằm trong khuôn khổ của Dự án Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về lọc và hóa dầu”. Mục tiêu ban đầu của dự án lúc đó là xây dựng một dây chuyền pilot để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ ngành hóa dầu và ứng dụng các sản phẩm hóa dầu.

Công nhân bảo dưỡng máy chủ của hệ thống

Công nhân bảo dưỡng máy chủ của hệ thống

Trong số các sản phẩm này, các nhà nghiên cứu chú ý tới formalin, một chế phẩm quan trọng trong hoá học hữu cơ đi từ dẫn xuất của dầu mỏ và là một sản phẩm được sử dụng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực hóa chất, mà trong nhiều ngành kinh tế khác. Ông Công cho biết: Dự án này do đó phải có qui trình thử nghiệm cẩn thận, bài bản: từ thẩm định về trang thiết bị, tới công nghệ rồi tính toán tới lợi ích kinh tế – xã hội và tác động tới môi trường… 
    Thành công của các dự án trước đó, thí dụ như sản xuất thuốc tuyển quặng apatit, cùng các công nghệ do các thế hệ nhà nghiên cứu đàn anh của Viện tạo ra là nền móng quan trọng để dự án formalin được triển khai thuận lợi. Hơn thế nữa, theo tính toán của các nhà nghiên cứu của Viện, vào thời điểm đưa ra dự án, Việt Nam hoàn toàn chưa có bất cứ cơ sở nào sản xuất ra formalin. Các cơ sở trong nước có nhu cầu phải nhập khẩu formalin từ Trung Đông, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia…Trong khi đó, formalin được coi là một hoá chất cơ bản không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp để chế tạo ra sơn, verni, keo dán gỗ, thuốc khử trùng, thuốc nhuộm… 
    Từ những năm 80, các nhà nghiên cứu của Viện Hóa học Công nghiệp đã nghiên cứu thành công công nghệ oxy hóa metanol, nhưng chỉ ở qui mô rất nhỏ, công suất khoảng 100tấn/năm mang tính thử nghiệm”, ông Công cho biết.
    Tháng 6/2008, dây chuyền thiết bị sản xuất thử nghiệm formalin được lắp đặt xong và thử nghiệm từng cụm riêng biệt, trước khi tiến hành liên động tổng thể. “Những thiết bị chính chúng tôi nhập từ Trung Quốc vì giá thành của họ rất hợp lý, một số thiết bị khác chúng tôi đặt hàng chế tạo trong nước”, ông Công nói. Thế là thay vì nhập một dây chuyền chìa khóa trao tay, cũng từ Trung Quốc với giá khoảng 4-5 triệu USD (khoảng 100 tỉ đồng), các cán bộ của Viện đã hoàn thành một dây chuyền với tính năng tương tự, với chi phí nhỏ hơn rất nhiều lần. “Kinh phí đầu tư của Nhà nước cho chúng tôi chỉ khoảng 6-7 tỉ đồng, Viện đầu tư thêm một khoản gấp 2-3 lần như thế thì mới ra được sản phẩm”, ông Công cho biết. Mặc dù thành công ban đầu, nhưng những khó khăn trong giai đoạn lắp đặt dây chuyền vẫn còn nhiều. “Chúng tôi mua thiết bị riêng lẻ nhưng không có thiết kế tổng thể, do đó anh em phải mày mò rất nhiều mới ra được. Riêng về hệ thống điều khiển tự động, chúng tôi phải mời chuyên gia Trung Quốc sang hướng dẫn, giúp đỡ”, ông Công kể tiếp.
    Đến tháng 9/2008, toàn bộ dây chuyền được chạy thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thông số công nghệ cũng như năng lực sản xuất và công việc hoàn thiện công nghệ được tiếp tục từ lúc đó sang tới đầu năm 2009 với lượng sản phẩm là trên 4.000 tấn.
    Đánh giá về kết quả của dự án thử nghiệm, ông Công nhận xét: “Mục tiêu xây dựng một dây chuyền công nghiệp để sản xuất ra sản phẩm formalin một cách hoàn chỉnh đã hoàn thành. Sản phẩm này lại có nhiều tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao và đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội nhất định”. 
   
    Bài học thành công

    Giám đốc Phương Kỳ Công, vốn được đào tạo tiến sĩ chuyên ngành hóa vô cơ ở Tiệp Khắc cũ có vẻ dè dặt khi đề cập đến hiệu quả của các dự án nghiên cứu ứng dụng trong nước, nhưng lại sẵn sàng chia sẻ nguyên nhân thành công của dự án mà ông chịu trách nhiệm.  “Theo tôi, một dự án nghiên cứu ứng dụng muốn thành công phải chọn ra được những sản phẩm cụ thể. Các sản phẩm này càng có hàm lượng công nghệ cao càng tốt và phải đi vào được cuộc sống. Hướng nghiên cứu ra các sản phẩm “hoa hòe, hoa sói” khó có thể tồn tại và sẽ không được thị trường chấp nhận”, ông nói.
    Tiến sĩ Công cũng thừa nhận: ngay trong Viện Hóa học Công nghiệp cũng từng có những dự án, đề tài thất bại, thí dụ như dự án sản xuất chất xử lý nước TCCA, một sản phẩm hóa chất xử lý nước cao cấp được triển khai trong những năm 2006-2007. Dự án này chỉ được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà không triển khai ra thị trường được.
    Đối với kinh phí từ nguồn Nhà nước, tiến sĩ Công cũng cho rằng “cực kỳ quan trọng”, bởi đây được coi là “chất xúc tác” để tiến hành các dự án nghiên cứu ứng dụng. “Mặc dù trong một số trường hợp, kinh phí Nhà nước chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong toàn bộ chi phí nghiên cứu nhưng nó lại tạo ra tính pháp lý và động cơ để các nhà nghiên cứu phấn đấu, làm việc”, ông nói.
    Trong trường hợp của dự án sản xuất formalin, ông Công cho biết kết quả thu được không chỉ ở việc chúng ta làm chủ được công nghệ sản xuất một sản phẩm hóa học hoàn toàn mới, thay thế hàng nhập khẩu với giá cạnh tranh cao (rẻ hơn 20-30% hàng nhập khẩu), mà còn tạo ra công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận.
    Lúc đầu khi đưa ý tưởng ra bàn bạc, vẫn theo tiến sĩ Công, ngay trọng Viện cũng có nhiều ý kiến phản biện. Nhiều người lo rằng liệu khi sản phẩm formalin ra đời có cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc, vốn đã tràn ngập thị trường với giá thành khá rẻ. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo Viện và với tinh thần chấp nhận cạnh tranh, dự án đã được tiến hành triển khai. “Với xu hướng hội nhập, mình không thể “một mình một ngựa“ mãi được”, ông nói.
    Từ thành công của dự án nói trên, vào năm ngoái, Viện Hóa học Công nghiệp lại tiếp tục đệ trình một dự án sản xuất thử nghiệm mới với tên: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất formaldehyt công suất 10.000 tấn năm từ quá trình oxy hóa metanol trên xúc tác Bạc”. Đây thực ra là bước tiếp nối cho dự án lắp đặt dây chuyền thử nghiệm, tiến tới hình thành một nhà máy sản xuất formalin theo qui trình công nghiệp tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Dự án sản xuất thử nghiệm được tiến hành trong vòng 18 tháng (từ tháng 12/2009 đến tháng 6/2011) với tổng vốn là 33,5 tỉ đồng. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông qua dự án và cung cấp 8,8 tỉ đồng, phần còn lại (gần 25 tỉ đồng) do Viện đầu tư. Dự kiến, kinh phí thu hồi sẽ vào khoảng 6,13 tỉ đồng, bằng 70% kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học.
    Theo tính toán của các nhà nghiên cứu của Viện Hóa học Công nghiệp, thị trường tiêu thụ formalin của cả nước vào khoảng 50.000 tấn formalin/năm, riêng thị trường phía Bắc khoảng 20.000 tấn/năm. Triển khai dự án sản xuất formalin trong nước sẽ đảm bảo cung cấp ổn định sản phẩm này cho thị trường với giá thành cạnh tranh, chất lượng tương đương với hóa chất nhập khẩu và tiến tới thỏa mãn toàn bộ nhu cầu của thị trường trong nước. Ngoài ra, từ kết quả và kinh nghiệm sản xuất, Viện Hóa học Công nghiệp dự kiến sẽ tiến hành các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ hoặc liên doanh liên kết thành lập doanh nghiệp để sản xuất formalin và các dẫn xuất của nó. “Cho đến giờ này, theo thông tin của chúng tôi đã có hai liên doanh nước ngoài tại miền Nam xây dựng nhà máy sản xuất formalin cung cấp cho thị trường trong đó. Điều này chứng tỏ rằng thị trường formalin trong nước vẫn còn khá nhiều tiềm năng”, ông Công kết luận.

Trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, Viện Hóa học Công nghiệp đã nổi danh với những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường như bột giặt Con Mèo, dầu mỡ bôi trơn… Thời gian gần đây, các cán bộ nghiên cứu của Viện đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất, phục vụ thị trường gần đây thì nhiều, như thuốc tuyển VH-2000, cung cấp cho Công ty TNHH một thành viên Apatit Lào Cai; sản phẩm formalin (37% CH2O) thay thế cho hàng nhập khẩu và sản phẩm VHCKK (chất chống kết dính phân đạm), phục vụ cho các nhà máy sản xuất phân bón; dầu phanh VH 3-2; các chất extract (TTVL); Gluconat các loại; Dextran Fe…Viện hiện đang có dự án sản xuất Biodiesel hợp tác với Hàn Quốc nhằm đưa vào sản xuất dây chuyền B100 công suất 200 tấn/năm. Ngoài ra, Viện cũng cung cấp các dịch vụ hợp đồng, phân tích, đánh giá tác động môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao… Doanh thu sản xuất thử, thử nghiệm và hợp đồng kinh tế triển khai trong năm 2009 đạt hơn 64,2 tỉ đồng (tăng 10% so với năm 2008) trong đó doanh thu từ hợp đồng kinh tế kỹ thuật và hợp đồng dịch vụ là 14,7 tỉ đồng. Năm 2010, Viện đặt mục tiêu doanh thu triển khai và sản xuất thử nghiệm là 75,9 tỉ đồng (tăng 18% so với 2009) và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với kinh phí khoảng 28 tỉ đồng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)