Chỉ cần hành lang pháp lí thông thoáng

Cuối năm nay, Bộ KH&CN sẽ hoàn thành đề án khuyến khích tư nhân đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, trong đó đề cập phương án tư nhân liên kết Nhà nước. Tuy nhiên, theo đại diện của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, việc làm này chưa cần thiết, Nhà nước chỉ cần cải thiện hành lang pháp lí là đủ.

Thiệt thòi vì thủ tục pháp lí

Kể từ khi IDG thực hiện một trong những phi vụ đầu tư mạo hiểm đầu tiên vào VNG  năm 2005 với hai triệu USD và hiện giờ công ty này đang được định giá khoảng một tỷ USD, đến nay, những hành lang pháp lí mở đường cho đầu tư mạo hiểm vẫn hình thành chậm chạp. “Mặc dù Luật Đầu tư đã thay đổi nhưng chưa có thông tư hướng dẫn đối với những khoản nhà đầu tư nắm dưới 50% cổ phần. Cho nên từ trước đến nay, dù đầu tư vào 1% hay 49% cổ phần của doanh nghiệp thì chúng tôi vẫn phải đăng ký đầu tư. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, tốn rất nhiều công sức và tiền bạc của nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhiều trường hợp giải ngân lâu quá thì doanh nghiệp không có tiền để chạy và ‘chết’ giữa chừng,” ông Nguyễn Mạnh Dũng, đại diện quỹ Cyber Agent Ventures tại Việt Nam và Thái Lan, nói.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào của Bộ Tài chính quy định cơ chế hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính vì vậy, các nhà đầu tư vẫn chịu sự chi phối của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Trong đó, những rào cản trước mắt là: các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm giữ dưới 51% cổ phần của quỹ; trong nhiều lĩnh vực, quỹ nước ngoài chỉ được nắm dưới 30% cổ phần của doanh nghiệp và việc mua bán cổ phần của doanh nghiệp dù niêm yết hay chưa cũng chịu một mức thuế như nhau.

Các nhà đầu tư nước ngoài, vì những lí do trên, không muốn thành lập quỹ tại Việt Nam và cũng ngại mạo hiểm. Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hiện nay chủ yếu hoạt động “xa bờ” – off shore (nghĩa là quỹ được thành lập tại các nước có ưu đãi thuế như Singapore, Cayman, BVI…) và đầu tư gián tiếp (lập tài khoản indirect investment capital ở ngân hàng). Các quỹ cũng chỉ đầu tư tập trung vào giai đoạn Series A khi doanh nghiệp đã có sản phẩm hoàn thiện, chạy được một thời gian và cần vốn để tiếp cận thị trường chứ ít khi quan tâm đến doanh nghiệp ở giai đoạn hạt giống.
Bộ KH&CN đã nhận ra điều này từ lâu. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam từng phát biểu trên báo Khoa học và Phát triển về việc Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam của Dự án Vietnam Silicon Valley phải mất hai năm mới xin được giấy phép thành lập và hiện nay vẫn chưa biết dùng cơ chế nào để đầu tư, rút vốn, nộp thuế. Ông cũng nói, đó là đối với quỹ được Bộ KH&CN bảo trợ, với những quỹ nước ngoài còn khó khăn hơn…

Hai phương án của Nhà nước

Cuối năm nay, Bộ KH&CN sẽ hoàn thành Đề án “Xây dựng chính sách khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao”. Trong đó, Nhà nước sẽ tham gia theo hai phương thức: thứ nhất, tạo hành lang pháp lí thuận lợi hơn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm; thứ hai, đầu tư đối ứng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng với tư nhân.
Điều đáng chú ý là hành lang pháp lí sẽ dựa vào Luật Chứng khoán vốn đã có quy định về quỹ đầu tư để điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm. Như vậy, để tránh phát sinh một bộ luật mới, đỡ tốn thời gian và công sức, Bộ Tài chính sẽ ban hành thêm một thông tư quy định riêng về phương thức quản lý và giám sát quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như những ưu đãi về thuế.
Trong buổi tọa đàm góp ý cho Đề án diễn ra vào cuối tháng Chín vừa qua, ông Mikko Seppala, chuyên gia Phần Lan, người từng có hơn 50 năm làm giám đốc tài chính và tư vấn trong các công ty lớn và hiện đang sở hữu quỹ đầu tư mạo hiểm Hermia Ventures Oy, cũng đồng tình với gợi ý này. Ông cho biết, ở Phần Lan, luật đầu tư mạo hiểm cũng “thừa hưởng” một phần từ luật chứng khoán.
Việc liên kết với tư nhân cùng thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm được TS. Tạ Doãn Trịnh, người trực tiếp soạn thảo Đề án, học tập từ kinh nghiệm của Singapore, Israel, Trung Quốc, Ấn Độ. Theo đó, tỉ lệ góp vốn giữa Nhà nước và tư nhân vào doanh nghiệp khởi nghiệp là 1:1 hoặc 1:2. Ông cho rằng, việc này sẽ bù đắp được khoảng trống đầu tư hiện nay trong thị trường đầu tư mạo hiểm, hướng sự tập trung của các quỹ vào giai đoạn hạt giống và tiền Series A của các startup.

Chưa cần Nhà nước đầu tư đối ứng

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà đầu tư của khu vực tư nhân lại không cho rằng cần sự đầu tư đối ứng của Nhà nước. Kịch bản Nhà nước cùng đầu tư với tư nhân có phần lãng mạn, như ở Israel có câu “Trước Yozma [quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Chính phủ Israel], ở Israel không có gì cả”, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn chưa cần vốn ngân sách. Bà Lê Huỳnh Kim Ngân, người sáng lập Seed For Action, một chương trình hỗ trợ các startup từ giai đoạn ý tưởng, cho biết vốn tư nhân còn rất lớn và chưa huy động hết, các startup ở giai đoạn phát triển ý tưởng và mô hình kinh doanh có thể nhận từ 10.000 – 250.000USD từ các nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh đó, vẫn có các quỹ đầu tư vào startup ở giai đoạn phát triển sản phẩm mẫu tại Việt Nam như 500 Startups mới đầu tư vào Tappy (mạng xã hội liên kết những người đang hiện diện ở cùng một địa điểm), Baybe Me (ứng dụng nuôi dạy trẻ); hay Cyber Agent Ventures đã đầu tư vào Foody (website đánh giá địa điểm ăn uống) khi sản phẩm này chưa ra đời.

Một trong những câu hỏi không có đáp án trong buổi tọa đàm là: “Liệu khi Nhà nước tham gia thì có giúp tăng động lực của khu vực tư nhân không?” Trả lời phóng viên Tia Sáng, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng: “Nhà nước không cần đầu tư đối ứng để khích lệ phía tư nhân mà chỉ cần tạo hành lang pháp lí thông thoáng và dễ dàng để các công ty khởi nghiệp tiếp cận nhà đầu tư và nhà đầu tư hoạt động đã là một sự khích lệ lớn rồi”.

Ông Thân Trọng Phúc, một trong ba người quản lý quỹ DFJ VinaCapital, cũng có ý kiến tương tự: “Việc quan trọng nhất của Nhà nước là tạo nên chính sách thuận lợi để khuyến khích các startup và nhà đầu tư.”

Việc thành lập quỹ đầu tư song song hoặc đầu tư đối ứng, theo ông Phúc, tuy có “tác động tốt vì nói lên sự quan tâm của nhà nước” nhưng không gây ảnh hưởng đến quyết định của các quỹ trong việc lựa chọn giai đoạn nào của các startup để đầu tư bởi vì theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, “phần lớn các quỹ đầu tư chủ yếu vào một nhóm khởi nghiệp đã có sản phẩm chạy một thời gian để hiểu về tiềm năng của thị trường và khả năng triển khai của đội ngũ, mặc dù ‘chạy một thời gian’ thì cũng chưa có gì để nói”.

Ông Phúc cũng cho biết thêm, Nhà nước tham gia đầu tư mạo hiểm có thể khuyến khích tư nhân “thay đổi tầm ngắm” trong các lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, theo đề án của TS. Tạ Doãn Trịnh, trước mắt, Nhà nước sẽ chỉ đầu tư ở lĩnh vực do tư nhân lựa chọn.
Việc tư nhân hăng hái hay không, không phụ thuộc vào nguồn vốn đối ứng từ phía Nhà nước mà phụ thuộc nhiều vào hành lang pháp lí thông thoáng. Ông Mikko Seppala cũng nêu ra bốn câu hỏi chính cần tự vấn nếu muốn khuyến khích các quỹ nước ngoài đầu tư mạo hiểm: Môi trường kinh doanh như thế nào? Luật thuế và các ưu đãi? Các yêu cầu về thủ tục và trình tự giải quyết có minh bạch và rõ ràng không? Mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc để có giấy phép thành lập công ty và quỹ đầu tư?

Trước hết, cần ra thông tư hướng dẫn đối với một số điều khoản trong Luật Đầu tư mới. Ông Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh việc loại bỏ giấy chứng nhận khi các quỹ thực hiện đầu tư dưới 50% vào một công ty khởi nghiệp. Bên cạnh đó, về phía các startup, hiện giờ thuế mua bán cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết hay chưa đều giống nhau là 0,1%, dẫn đến tâm lý e ngại vì bị đánh thuế oan uổng khi họ nhận đầu tư. Chính vì vậy, cần có văn bản phân biệt hai loại giao dịch này. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực công nghệ lại được xếp vào những ngành truyền thống, hạn chế tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Thân Trọng Phúc, hiện nay trên thế giới đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ phân tích tài chính (fintech – financial technology) nhưng ở Việt Nam, lĩnh vực này được xếp vào ngành ngân hàng, chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% cổ phần trong công ty. Chính vì vậy, cần có những định nghĩa rõ ràng hơn về các lĩnh vực công nghệ để nới rộng tỉ lệ sở hữu cổ phần, từ đó khuyến khích tư nhân đầu tư.

Với các startup, cần hỗ trợ hoạt động của họ bằng cách giảm bớt các giấy phép hoặc giãn thời gian yêu cầu giấy phép. Chẳng hạn, giấy phép ICT, giấy phép mạng xã hội, giấy phép giao dịch thương mại điện tử phải được rút ngắn thời gian hoàn tất hoặc không yêu cầu ngay đối với các startup để họ có thể tập trung vào việc phát triển sản phẩm và tồn tại trong một đến hai năm đầu.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)