Chính phủ Anh có kế hoạch tài trợ dự phòng cho các nhà nghiên cứu

Việc mất khả năng tiếp cận với chương trình chung của châu Âu (chương trình Horizon Europe) nghĩa là giới khoa học Anh sẽ không có khả năng tiếp cận gần 100 tỷ Euro (101 tỷ USD) trong vòng bảy năm. Do vậy, Chính phủ Anh sẽ có một kế hoạch tài trợ dự phòng cho các nhà nghiên cứu - được gọi là Kế hoạch B.

Tuy nhiên kế hoạch này chưa được chi tiết hóa và Chính phủ Anh đang rơi vào tình trạng xáo trộn sau khi hàng chục bộ trưởng từ chức, buộc Thủ tướng Boris Johnson phải từ chức.
Hai ứng viên cho vị trí Thủ tướng, Rishi Sunak (trái) và Liz Truss có các chính sách khác nhau có thể sẽ tác động mạnh đến nghiên cứu của Anh.
Vào năm 2020, Anh và EU đàm phán để thỏa thuận các điều khoản giúp Vương quốc Anh trở thành thành viên ‘liên kết’ của Horizon Europe, điều này sẽ mang lại cho các nhà nghiên cứu tại Anh hầu hết các quyền được tài trợ như các nhà khoa học ở EU. Tuy nhiên, bất chấp 18 tháng đàm phán về việc liên kết, không có thỏa thuận nào được ký kết.
Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ do bất đồng về các hoạt động ở đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland, một phần của EU và Bắc Ireland, một phần của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán, các nhà khoa học Vương quốc Anh vẫn được khuyến khích tiếp tục nộp hồ sơ xin tài trợ của EU với hy vọng rằng một thỏa thuận sẽ được thực hiện và sẽ có ngân sách cho các hồ sơ được duyệt.
Nhưng đến hiện tại, EU đã hủy bỏ các khoản tài trợ của một số nhà khoa học Vương quốc Anh đã được chương trình Horizon Europe chấp thuận tài trợ. Gần 150 nhà nghiên cứu tại các cơ quan khoa học có trụ sở tại Vương quốc Anh đã giành được tài trợ của Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC) trong lần kêu gọi tài trợ đầu tiên của hội đồng, nhưng EU hiện cho biết rằng các nhà nghiên cứu ở Vương quốc Anh chỉ có thể nhận các khoản tài trợ nếu họ chuyển đến một tổ chức ở một quốc gia thành viên EU. Cho đến nay, 18 học giả đã chọn làm như vậy; 8 người khác đang chờ chuyển giao để được chấp thuận. ERC đã hủy bỏ các khoản tài trợ cho 115 người và 6 người khác đã yêu cầu thêm thời gian để đưa ra quyết định.
Vương quốc Anh đã gây áp lực lên EU để đưa ra một thỏa thuận. Tháng trước, Bộ trưởng Khoa học Anh khi đó là George Freeman (đã từ chức vào tuần trước trong nỗ lực buộc Johnson phải nghỉ việc) nói rằng ông đàm phán để thực hiện một thỏa thuận. Nếu không đạt được thỏa thuận, Vương quốc Anh sẽ ban hành một cơ chế tài trợ nghiên cứu thay thế, được gọi là Kế hoạch B.
Kế hoạch B là gì?
Kế hoạch B là giải pháp thay thế phương án liên kết với Horizon Europe (kế hoạch liên kết vốn luôn là lựa chọn hàng đầu của Anh, hay còn gọi là Kế hoạch A). Các bộ trưởng đã nghiêm túc xem xét một giải pháp thay thế cho kế hoạch A kể từ năm 2019. Một báo cáo từ năm 2019 kêu gọi thành lập một chương trình tài trợ hàng đầu để cạnh tranh với ERC, cũng như một loạt các học bổng quốc tế để thu hút nhân tài từ nước ngoài và thúc đẩy nguồn kinh phí nghiên c`ứu cơ bản.
Tháng trước, Bộ trưởng Freeman đã trình bày báo cáo trước Ủy ban Khoa học của Quốc hội về việc kế hoạch đang được xây dựng như thế nào. Ông cũng mô tả một chương trình gồm bốn trụ cột bao gồm một phần hỗ trợ tài năng, sẽ cung cấp tài trợ trong nước và quốc tế. Trụ cột thứ hai, kết hợp giữa công nghiệp và đổi mới, sẽ đem lại một cách tài trợ táo bạo để phá vỡ chu kỳ tài trợ ngắn hạn; ông mô tả đây là “cơ chế tài trợ theo kiểu DARPA, kiểu Wellcome Trust, kiểu Max Planck”.
Trụ cột thứ ba sẽ là “tăng cường hoạt động đa phương và song phương trên toàn thế giới để giải quyết các thách thức toàn cầu”. Trụ cột cuối cùng sẽ bao gồm các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng.
Stephanie Smith, người đứng đầu chính sách nghiên cứu tại Russell Group gồm các trường đại học nghiên cứu ở Vương quốc Anh cho biết Kế hoạch A vẫn là tốt nhất cho các nhà khoa học Vương quốc Anh, nhưng chính phủ đang đưa ra các kế hoạch thay thế. “Đã đến lúc công bố chi tiết các kế hoạch để cộng đồng nghiên cứu ở Vương quốc Anh có thể tận dụng tối đa Kế hoạch B nếu điều đó xảy ra. Chúng ta cần có các phương án phù hợp để thu hút tài năng, về sự đổi mới và quan hệ đối tác toàn cầu để đảm bảo chúng ta có thể hiện thực hóa tham vọng duy trì và củng cố vị trí siêu cường về khoa học của Vương quốc Anh”.
Tuy nhiên cơ quan nào sẽ phụ trách Kế hoạch B thì vẫn chưa xác quyết. Cơ quan tài trợ như Trung tâm về Nghiên cứu và Đổi mới của Vương quốc Anh (UKRI) có thể là một lựa chọn.
Các khoản bù đắp?
Vào năm 2021, Bộ Tài chính Vương quốc Anh đã trích ra 6,9 tỷ bảng Anh để thực hiện dự luật liên kết với Horizon Europe và các chương trình khoa học khác của EU, hoặc tài trợ cho bất kỳ giải pháp thay thế nào khác trong kế hoạch B, cho đến năm 2024–2025. Phát biểu với Ủy ban Khoa học vào tháng sáu, Bộ trưởng Freeman cũng xác nhận đang đàm phán để phân bổ kinh phí cho kế hoạch như vậy.
Ngoài ra, Anh sẽ đầu tư tiền vào một loạt các kế hoạch hiện có khác để bù đắp cho việc không liên kết với Horizon Europe. Anh sẽ cấp nhiều tiền hơn cho các chương trình tài trợ khác nhau do các học viện quốc gia và các cơ quan tài trợ nghiên cứu khác điều hành. Nguồn tiền bổ sung sẽ đổ vào các chương trình đổi mới khác nhau, bao gồm mạng lưới Eureka toàn cầu, để giúp các doanh nghiệp Vương quốc Anh duy trì các liên kết hiện có với các đối tác châu Âu, đồng thời tạo dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các quốc gia xa hơn, chẳng hạn như Hàn Quốc, Canada và Singapore.
Cũng sẽ có một “quỹ ổn định tài năng và nghiên cứu” để hỗ trợ thu nhập của các trường đại học bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc mất đi nguồn ngân sách của Horizon Europe. Vương quốc Anh sẽ tiếp tục đảm bảo tài trợ cho những người đăng ký thành công ở Vương quốc Anh vào Horizon Europe.
Tuy nhiên, bất chấp những kế hoạch mới nhất này, việc thay đổi thủ tướng ở Anh có thể khiến mọi kế hoạch trở nên khó đoán định hơn. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu lo lắng rằng khoản tài trợ 6,9 tỷ bảng Anh có thể không được cấp mà sẽ ưu tiên để thực hiện mối quan tâm khác của chính phủ mới.
Tất cả những điều đó xảy ra trong bối cảnh Thủ tướng Anh và một loạt các bộ trưởng từ chức trong đó có cả Bộ trưởng Khoa học và đến nay chưa ai được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Khoa học.
Trước những lo ngại này, báo cáo gần đây của Thượng nghị viện cũng cảnh báo rằng tham vọng trở thành “siêu cường về khoa học và công nghệ” của Vương quốc Anh vào năm 2030 đang gặp rủi ro.
Ngọc Đỗ

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)