Chính quyền xây dựng cộng đồng khởi nghiệp

Chính quyền Đồng Tháp không chỉ hết lòng hỗ trợ, họ còn thay doanh nhân trực tiếp tập hợp, liên kết các doanh nghiệp với nhau.


Anh Ngô Chí Công (trái) và chị Phạm Thị Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đồng Tháp tại nhà của của anh Công. Chữ “Mần” viết kiểu thư pháp được treo trên tường là do Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan tặng anh trong dịp Tết.

Tốt nghiệp đại học và cao họcngành Hóa học tại Đại học Paris 6, Pháp, Ngô Chí Công tự phát triển quy trình sấy khô cho riêng loài hoa sen, vốn không thể giữ tươi quá hai ngày sau khi cắt cành. Công ty khởi nghiệp của anh, Khởi minh thành công ở Đồng Tháp, sử dụng công nghệ này để sản xuất nguyên liệu cung cấp cho những công ty có nhu cầu sử dụng lá sen hoặc hoa sen sấy khô để phát triển sản phẩm (chẳng hạn như bình hoa, tranh, giấy viết thư pháp, túi xách, mũ, chén, đĩa dùng một lần từ lá sen…).

Hoa sen là sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp nhưng không có giá trị gia tăng cao, ngoài hạt sen có thể lưu giữ được lâu để làm thực phẩm và dược phẩm, lá sen và hoa sen có giá trị thấp vì tuổi thọ ngắn. Sáng tạo của anh Công đã thay đổi điều đó, không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ hoa sen hàng tháng trời, bán ra thị trường với giá thành cao (hơn 100 nghìn một cành hoa đã sấy khô) mà cánh sen và lá sen có thể trở thành vật liệu cho ngành thời trang và dân dụng, thay thế cho giấy và vải, điều mà nhiều người chưa từng nghĩ tới.

Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông. Ngay cả thành phố Cao Lãnh, trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh vẫn mang dáng dấp miệt vườn với những con đường đất nhỏ và nhấp nhô dẫn vào những nhà vườn trồng xoài và chăn nuôi, không giống với một đô thị khởi nghiệp như Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh mà người ta vẫn thường nhắc đến. Tỉnh Đồng Tháp cũng chưa có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng chính quyền ở đây tin rằng những đổi mới sáng tạo của họ có thể tạo ra đột phá trong những ngành hàng thế mạnh của Đồng Tháp, thay đổi tình trạng lệch pha giữa sản xuất và thị trường hiện tại. Bởi vậy mà các doanh nghiệp khởi nghiệp ở đây đều được các sở ban ngành quan tâm và hỗ trợ “hết khả năng của mình” từ khi chỉ là ý tưởng.

Ngay khi Ngô Chí Công hoàn thiện quy trình để làm ra được “một bông hoa sen sấy khô hoàn hảo”, anh đã được các sở, ban ngành tỉnh “phát hiện” và tài trợ tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp” do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA tổ chức. Sau đó, anh được hỗ trợ các kinh phí nghiên cứu thông qua một đề tài của Sở KH&CN, mua sắm các thiết bị nhờ quỹ khuyến công của Sở Công Thương và các chi phí làm marketing, bao bì, thương hiệu bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh.  Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan vẫn mua tranh làm từ cánh hoa sen sấy khô của anh để làm quà tặng trong các chuyến công tác nước ngoài của mình.

Chính quyền là “mentor về tinh thần”

Nhiều tác giả của các ý tưởng kinh doanh mới chia sẻ với phóng viên Tia Sáng rằng, nếu không có sự hỗ trợ về tinh thần của những cán bộ nhà nước, có lẽ họ đã từ bỏ. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Nguyễn Hòa Văn, phường 6, thành phố Cao Lãnh nhận ra rằng, Đồng Tháp là một nơi rất thích hợp để nuôi dê, ngay cả ở những huyện thành thị vì có sẵn cỏ. Anh tạo ra một mô hình nuôi dê kiểu hữu cơ, mỗi gia đình ngoài công việc chính có thể nuôi một số lượng dê hạn chế (2-10 con) cắt cỏ hoặc lá mít ở ngoài vườn, ngoài ruộng cho dê ăn. Sau đó, anh kết nối họ với các hàng quán ở các tỉnh lân cận. Mô hình này cho phép những người nuôi dê chỉ phải bỏ ra một chi phí thấp nhất (tận dụng cỏ có sẵn ngoài thiên nhiên, nuôi ít con một lần) nhưng lợi nhuận cao nhất (vì dê ăn cỏ thường béo tốt, bán được giá, lãi gấp 3-4 lần). Tuy nhiên, mô hình này nếu muốn bền vững, nó đòi hỏi các hộ phải nuôi dê theo một quy trình, chất lượng đồng đều và thống nhất giá cả. Điều đó phụ thuộc vào người dẫn đầu. Anh Văn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, tự bỏ tiền túi ra vận động mọi người, sinh hoạt thường xuyên với họ để thống nhất giá bán, quy trình nuôi và cũng không thu phí kết nối với người mua. “Cũng nhờ anh em ở Hội liên hiệp thanh niên, ở thành đoàn động viên về tinh thần nên mình mới có động lực để mình làm” – Anh Văn chia sẻ. Ông Lê Văn Thành, ở Cù lao Tân Thuận Tây cũng là một trường hợp tương tự. Là một lão nông chuyên trồng xoài và nhãn, 90 tuổi, ông bỏ ra 450 triệu đầu tư, chấp nhận là người “thí điểm” cho mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở thành phố Cao Lãnh. “Nếu thành phố giúp đỡ tôi hoài thì tôi còn mần hoài” – Ông nói. “Giúp đỡ” ở đây đơn giản là những cuộc điện thoại, ghé thăm trò chuyện của Bí thư Thành ủy thành phố Cao Lãnh Lê Thành Công và Bí thư tỉnh Ủy Lê Minh Hoan.

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, dịp Tết vừa rồi, còn tặng cho mỗi “anh em khởi nghiệp” trong tỉnh chữ “Mần” (nghĩa là “làm”) viết kiểu thư pháp treo trong nhà. Ngô Chí Công coi ông Lê Minh Hoan như một mentor về mặt tinh thần của mình: “Mỗi lần gặp ổng là như gắn tên lửa vào để chạy… Ổng gọi lên nói ‘làm đi con!’ là làm thấy bà nội luôn đó”.

Chính sách do doanh nghiệp đề xuất

Trở về Đồng Tháp sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Anh Huỳnh Hoàng Nhân trở về Đồng Tháp thành lập tổ hợp tác trồng nấm bào ngư ở phường 3, thành phố Cao Lãnh. Mô hình sản xuất của anh được chia sẻ cho nhiều hộ gia đình để tiết kiệm tối đa chi phí, trong đó, anh chỉ tập trung vào khâu khó nhất là làm phôi nấm, còn việc chăm sóc và thu hoạch sẽ được chuyển về cho các hộ và cuối cùng anh thu mua và đưa ra thị trường. Thấy anh gặp khó khăn về vốn, Thành đoàn Cao Lãnh đã liên hệ với quỹ khuyến công và khuyến nông của tỉnh hỗ trợ cho anh Nhân gần 100 triệu đồng và kiến nghị với UBND thành phố xin một trường học bỏ không có diện tích vài trăm m2 để anh làm nhà xưởng. Tất cả các thủ tục diễn ra trong vòng trên dưới một tháng.

Chị Phạm Thị Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Đồng Tháp tỏ vẻ ngạc nhiên khi phóng viên Tia Sáng hỏi tỉnh có chính sách gì cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo chị, doanh nghiệp mới là người tạo ra chính sách. Nói cách khác, nếu họ có khó khăn gì, họ cứ đề xuất với chị và chị sẽ tìm cơ chế ưu đãi phù hợp. Trong trường hợp cái họ cần nằm ngoài lĩnh vực của Sở Kế hoạch – Đầu tư? Không vấn đề gì, chị sẽ gọi điện cho các sở, ban ngành liên quan để kêu gọi sự giúp đỡ và vấn đề sẽ được giải quyết ngay. Không chỉ chị Đào, tất cả cán bộ sở, ban ngành của Đồng Tháp đều hành động theo tinh thần như vậy. Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương còn nghĩ ra “cà phê doanh nhân”, là hoạt động diễn ra trên bộ bàn ghế đá trong khuôn viên của UBND tỉnh Đồng Tháp vào bất kì buổi sáng nào trong tuần từ 7h15 – 8h để đại diện các doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ khó khăn và ý tưởng của mình với lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Đồng Tháp.


Anh Huỳnh Hoàng Nhân trong xưởng sản xuất phôi nấm của mình.

Người sáng lập website đầu tiên về khởi nghiệp ở Việt Nam – action.vn, được biết đến là một trong những người xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tích cực nhất ở Việt Nam, hiện đang làm việc ở Tp. Hồ Chí Minh, Lê Huỳnh Kim Ngân nhận định: “Tôi nghĩ tất cả mọi phòng ban ở Đồng Tháp đều rất hết mình với doanh nghiệp. Họ tự tạo ra nơi hỗ trợ ngay cả khi doanh nghiệp chưa kêu than”.

Doanh nhân phải vào cuộc

Ông Lê Minh Hoan đang xúc tiến xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp. Ông dự định cho xây dựng hai khu không gian làm việc chung và vườn ươm khởi nghiệp ở thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc. Ông thành lập CLB Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp (LBCD) gồm 11 doanh nghiệp lớn ở Đồng Tháp và ĐBSCL như Imexpharm, Domesco, Cỏ May, Mylan, Vinasun… để mentor cho các doanh nghiệp đi sau. Đồng Tháp cũng có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với các thành viên trong hội đồng thẩm định đến từ LBCD.

Tuy nhiên, mặc dù có lợi thế là gần vùng nguyên liệu cho nông nghiệp và môi trường kinh doanh thân thiện nhưng việc Đồng Tháp có thể trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, bên cạnh tỉnh cần phát triển kinh tế, thu hút đầu tư từ bên ngoài và nâng cấp cơ sở hạ tầng còn có những vấn đề nằm ngoài khả năng kiểm soát của tỉnh. Không chỉ ở Đồng Tháp, nhìn chung trên cả nước, hệ sinh thái trong kinh tế nông nghiệp vẫn rất sơ khai. Từ nghiên cứu phát triển các công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống cây, bảo quản cho đến các dịch vụ phụ trợ cho nông nghiệp như tư vấn, logistic, cửa hàng bán thực phẩm sạch…đều hạn chế và thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực cần vốn lớn và rủi ro cao.    

Trong khả năng của mình, điều Đồng Tháp có thể tập trung làm ngay chính là thúc đẩy văn hóa mentor như ông Lê Minh Hoan gọi là “người đi trước hướng dẫn người đi sau” mà việc thành lập LBCD là một ví dụ. Phần lớn các doanh nghiệp, tổ hợp tác hay ý tưởng khởi nghiệp Đồng Tháp dù nhiều tiềm năng nhưng mới chỉ nghĩ đến phục vụ thị trường của tỉnh hoặc một vài vùng nhỏ lẻ lân cận. Chính vì vậy, họ cần được “đồng hành” bởi những doanh nghiệp thành đạt đi trước để trau dồi kỹ năng kinh doanh, kỹ năng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và dám “nghĩ lớn”. Hiện nay, việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Tháp đều là do các cán bộ sở, ban ngành, tổ chức Đoàn các cấp thực hiện qua CLB Doanh nhân trẻ, CLB Khởi nghiệp… hoặc như những câu chuyện “cổ vũ tinh thần” ở trên, đích thân ông Lê Minh Hoan làm (bản thân LCBD cũng là do ông vận động từng doanh nghiệp một). Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn trong tương lai, việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy văn hóa mentor phải do doanh nhân, những người có độ năng động, linh hoạt cao hơn các cán bộ nhà nước, những người có nguồn lực và rất hiểu về kinh doanh tự khởi xướng, vận động, triển khai. Bởi vì, “Hãy trao quyền cho xã hội, cho doanh nghiệp thì tự động người ta nghĩ thay cho mình. Chứ mình ngồi, mình nghĩ hoài cũng không ra.” – ông Lê Minh Hoan chia sẻ với Tia Sáng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)