Chính sách ứng phó và giảm nhẹ rủi ro: Cần đa dạng dựa trên tri thức địa phương

Các chính sách ứng phó rủi ro của Việt Nam hầu hết đều “phẳng” – giống nhau cho tất cả các địa phương, trái ngược với thực tế rằng, nước ta rất nhiều tộc người, sinh sống ở các khu vực rất đa dạng về điều kiện khí hậu, thời tiết. Đó là nội dung trao đổi của chúng tôi với nhà nghiên cứu dân tộc học, TS Mai Thanh Sơn, viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.


TS Mai Thanh Sơn.

Sau những thảm họa ở miền núi phía Bắc vừa rồi, hình ảnh cộng đồng các dân tộc thiểu số trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện lên đầy bị động, không thể lường trước hay tự dự báo được các rủi ro thảm họa đến với cộng đồng mình. Trong khi đó các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà dân tộc học thì lại nhấn mạnh nhiều đến khả năng chủ động của họ trong việc ứng phó với các hiểm họa tự nhiên, thông qua các tri thức bản địa. Dường như có sự mâu thuẫn ở đây chăng?

Trong bối cảnh tự nhiên chưa thay đổi nhiều, đặc biệt là sự can thiệp vào tự nhiên của con người ít, không tạo nên sự mất cân bằng sinh thái, thì khả năng dự báo các quy luật tự nhiên bằng tri thức bản địa của người dân là có thật. Họ vẫn sử dụng kinh nghiệm để dự báo thời tiết hoặc sự ổn định (lành/ dữ) của một khu đất cư trú. Người Hmông ở Bắc Hà quan sát đêm ba mươi thì biết năm nay là năm mưa sớm hay muộn, nhiều hay ít. Hay để chuẩn bị làm nhà, họ phát quang một khu đất và dẫn một con chó đến, sau khi con chó ăn xong, nằm khoanh tròn để ngủ ở chỗ nào, thì cắm chỗ đấy làm tim nhà, giường ngủ của vợ chồng sẽ đặt đúng chỗ đấy.

Nhưng hiện nay, cả bối cảnh môi trường sống của cộng đồng và tính trao truyền tiếp nối của tri thức bản địa đều đang có vấn đề.

Thứ nhất, tính quy luật đang ngày càng bị thay đổi, xáo trộn nên việc dự báo bây giờ khó hơn so với ngày xưa. Không gian sinh tồn của họ đã bị tái cấu trúc hoặc thu hẹp lại, rồi các nguồn lực (đất đai, nước, rừng…) của cộng đồng đều bị suy giảm nhiều. Giờ người dân không còn nhiều lựa chọn nữa, họ không còn tự chọn nơi ở, không còn tự do lựa chọn nơi làm rẫy dưới sự quản lý của cộng đồng… cho nên kiến thức đó khó lòng phát huy tính hữu dụng. Ví dụ, bây giờ đất đai không còn nhiều, người ta chỉ còn được miếng toen hoẻn con con, thì người Hmông vừa kể trên không thể sử dụng phương pháp ấy để chọn đất mà làm nhà nữa.

Thứ hai, những tri thức bản địa mà còn có giá trị bền vững thì lại không được trao truyền một cách đầy đủ. Giới trẻ, đặc biệt là những người thoát ly nông nghiệp thì không biết đến những câu chuyện của cha ông họ nữa.

Thứ ba, bản thân các tộc người bị xáo trộn dân cư vì họ di cư đi nhiều nơi chứ không còn sinh sống tại một khu vực như trước đây. Ví dụ người Hmông từ Lào Cai chuyển vào Đắk Lắk thì sẽ không thể mang tất cả kinh nghiệm từ Lào Cai vào đó được.


Nhà dân sập do mưa lũ ở Hà Giang hôm 25/6/2018 – một trong những hình ảnh thường thấy về người dân tộc thiểu số trong đợt lũ lụt vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: AFP.

Đó là chưa kể cách thức giáo dục và truyền thông đại chúng hiện nay của chúng ta đang ngày càng tạo ra sự mặc cảm, rằng chỉ có các kiến thức khoa học của nhà nước mới là đúng, chỉ những người ít học mới cần tới tri thức địa phương, những người có học thì không cần tới.

Nhưng, mặc dù có những thay đổi, xáo trộn và đứt gãy như vậy, thì vẫn còn có nhiều tri thức bản địa có giá trị bền vững và rất hữu ích cho cộng đồng chứ!

Vậy làm thế nào để những tri thức đó trở nên hữu dụng, giúp cộng đồng giảm tránh được những rủi ro thiên tai?

Tôi phải nhấn mạnh lại là những yếu tố cốt lõi mà những người già, người lớn tuổi, người gắn bó với đồng ruộng, nương rẫy vẫn trao truyền lại được, vẫn có ích chứ không phải không có ích. Ví dụ, nếu có quyền tự do lựa chọn nơi để sinh sống, lập làng, thì các dân tộc thiểu số bao giờ cũng chọn không gian để lập làng phải đáp ứng các điều kiện cơ bản cho các phương thức sinh kế, an toàn trước các nguy cơ rủi ro thiên tai và không có tranh chấp. Từ quan sát của mình, tôi thấy rằng, những làng có lịch sử vài ba trăm năm hầu hết là bền vững, bởi vì nó đáp ứng được những tiêu chí lựa chọn của họ. Còn những ngôi làng bị lũ quét, thì phần lớn là làng mới thành lập sau này – khi mà họ không có nhiều lựa chọn. Hay kể cả người Hmông, người Dao vào Tây Nguyên sinh sống, thì bên cạnh việc họ phải học những tri thức mới, thì có những tri thức cũ vẫn phát huy giá trị, ví dụ như kinh nghiệm canh tác theo đường đồng mức mang vào làm ở Tây Nguyên thì rất hiệu quả, tiết kiệm được nước tưới, tạo ra những mặt bằng tương đối để canh tác thuận tiện. Vấn đề là cách xây dựng và thực thi chính sách có tạo điều kiện cho các tri thức ấy phát huy giá trị của nó hay không.

Tôi được biết là các cơ quan nghiên cứu vẫn điều tra và đưa ra bản đồ cảnh báo thiên tai. Họ tạo điều kiện cho các tri thức bản địa tham gia vào quá trình đó như thế nào?

Mặc dù đánh giá tổng thể thì có, bản đồ thiên tai có, kịch bản biến đổi khí hậu thì có, nhưng nó mới ở tầm quốc gia, là những khung rất chung. Trong khi đó, câu chuyện của chúng ta cần phải gắn với những con người cụ thể, tộc người cụ thể, thôn làng cụ thể…Kiến thức bản địa có một đặc điểm là không thể dùng chung cho cả dân tộc đó. Mỗi một tộc người, một vùng đất thì có một đặc điểm riêng, thổ nhưỡng riêng, địa mạo riêng, thủy văn riêng… kiến thức của các tộc người, cách ứng phó với tự nhiên phải gắn với vùng đất đấy. Dân tộc Kinh ở miền Bắc khác với Kinh ở miền Nam và miền Trung. Câu “cơn đằng đông vừa trông vừa chạy” chỉ đúng với miền đồng bằng Bắc Bộ thôi, còn trong Nam Bộ thì không đúng, vì mưa ở đây từ vịnh Thái Lan mưa sang.

Để làm được điều đó, thứ nhất là các nhà khoa học cần phải rà soát lại toàn bộ quỹ đất và quỹ rừng, thứ hai là rà soát điểm cư trú của các cộng đồng. Cả đất nước có khoảng sáu nghìn xã, mỗi xã 5 – 7 làng thôi, trong đó trước mắt phải tập trung rà soát những địa điểm nhiều nguy cơ nhất như các làng bãi ngang ở miền xuôi, làng có chế độ thủy văn phức tạp ở miền núi. Như thế cũng không hề nhiều. Cái này Trung Quốc làm lâu rồi, từ năm 1985 – 1990 họ đã đi đánh giá từng làng, nhưng đến bây giờ mình vẫn không làm được điều ấy, trong khi cả đội ngũ cán bộ khoa học thì vẫn ngồi trong phòng máy lạnh là chính. Khi chúng tôi đi Quảng Bình nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2011, cán bộ ở đó đã nói “cả Quảng Bình này có bao nhiêu làng có nguy cơ đâu, nhưng không sao biến cái ý tưởng về chống biến đổi khí hậu thành hành động hiệu quả được. Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia thì có, nhưng xây dựng cụ thể thành kịch bản cho từng làng thì không”.

Cũng có ý kiến cho rằng khi xảy ra thiên tai, những cộng đồng không được chính sách bao phủ đến thì sẽ chịu thiệt hại nhiều, còn những cộng đồng có đầy đủ chính sách hỗ trợ này kia thì sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều?

Không đúng! Kể cả những cộng đồng được chính sách phủ đến, hỗ trợ nhiều theo kiểu cho không vẫn bị [chịu rủi ro] như thường, bởi chính sách ấy không căn cứ trên nhu cầu của người dân, không tính đến tri thức bản địa, không tính đến sự phối hợp để các bên cùng tham gia mà – như anh Oscar Salemink đã nói, đó là một thứ chính sách “gia trưởng nhà nước”. Do đó, có nhiều dự án nhưng nhà trôi vẫn cứ trôi. Ví dụ, tôi đi khảo sát nhiều vùng miền núi, có những vùng được thụ hưởng chính sách 167, 135, nhưng chưa kịp làm xong nhà nó đã trôi đi rồi, rồi đối tượng đáng được thụ hưởng lại không được cho. Như ở Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái, họ đã có chính sách rời những hộ dân ở ven suối, nhưng sau thảm họa lũ cuốn trôi nhà năm 2009 đó thì tới 5 năm sau, những hộ dân ở trong phạm vi có nguy cơ lũ cuốn vẫn cứ ở đó, không đi đâu cả. Vấn đề ở đây là dù có chính sách, nhưng người dân không có quyền tham gia, quyền lựa chọn và họ sẽ không di dời.

Hiện nay đã có dự án nào dựa vào tri thức của người dân để giảm thiểu rủi ro thiên tai chưa, thưa ông?

Ở một số địa phương, đã có những nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn như tưới nhỏ giọt, trồng cây chắn cát, giữ muống biển… nhưng không lớn. Các nhà khoa học đã đưa ra khuyến nghị rõ ràng về việc này. Sau này, các nghiên cứu đã được cụ thể hóa thành những bộ sổ tay hướng dẫn, kiểu cẩm nang “Xác định và sử dụng kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đối khí hậu dựa vào cộng đồng”. Khuyến nghị của giới khoa học là các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương cũng như các chương trình phát triển, xóa đói giảm nghèo (Chương trình 135, Nông thôn mới, chương trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng chính sách, chương trình dạy nghề) khác cần có hỗ trợ cụ thể các sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng sử dụng kiến thức bản địa.

Nếu muốn nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển nói chung, các kịch bản liên quan đến giảm nhẹ và phòng ngừa thiên tai nói riêng (lưu ý là chi tiết đến từng thôn làng), thì phải lưu ý đến đặc điểm là tri thức bản địa có tính đặc thù mà những đối tượng đặc thù sẽ am tường một số kiến thức hơn những đối tượng khác: 1) Theo khu vực sinh sống…. Ví dụ như các gia đình sống gần sông gần suối thì biết mưa lũ tới mức nào, xoáy nước ra làm sao, lúc nào cơn lũ ở mức đỉnh; trong khi, cũng trong một làng đó, những người ở xa tít trên đồi không thể biết tới điều đó được; 2) Theo giới: chẳng hạn, ở người Dao, kiến thức của nam giới về cây thuốc thì không thể tốt bằng phụ nữ , ngược lại kiến thức về đi rừng, khai thác lâm sản của nam giới tốt hơn nhiều so với nữ; 3) Theo lớp tuổi; 4) Theo giới chức xã hội trong làng (người thuộc tầng lớp tinh hoa của làng bản sẽ nắm nhiều tri thức hơn những người khác)…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Bảo Như thực hiện

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)