Chủ nghĩa phát triển

Trên tạp chí "Foreign Policy" tháng 7-8/2007, GS Kinh tế William Easterly của ĐH New York, người nổi tiếng với các cuốn The White Man’s Burden, The Elusive Quest for Growth, đã có bài viết phê phán ảo tưởng về "công thức phát triển" trong các chương trình của IMF, World Bank, Liên Hiệp Quốc áp đặt cho các nước nghèo. Ông gọi những công thức đó là “chủ nghĩa phát triển" và "ý thức hệ về phát triển".

Chủ nghĩa phát triển hứa hẹn đưa ra câu trả lời cuối cùng, hoàn toàn cho mọi vấn đề xã hội, từ nghèo đói, mù chữ cho đến nạn bạo lực. “Nó đưa ra đáp án duy nhất, có thể áp dụng với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu. Chủ nghĩa phát triển cũng có những nhà lý luận riêng, được hóa trang thành các chuyên gia của IMF, WB và Liên Hợp Quốc”.
Và cũng giống như các ý thức hệ khác, chủ nghĩa phát triển một lúc nhắm nhiều mục tiêu, từ giảm nghèo đói trên quy mô quốc gia, phát triển kinh tế toàn quốc và Mục tiêu thiên niên kỷ. Nó nhấn mạnh tới những mục tiêu toàn cầu mà xem nhẹ sự lựa chọn con đường phát triển của quốc gia. Nó thích các học thuyết như “chính sách thị trường cởi mở”, “môi trường đầu tư tốt” hay “toàn cầu hóa cho người nghèo” hơn là tự do cá nhân.
Chủ nghĩa phát triển luôn chắc chắn có đáp án, kịch liệt phản bác những bất đồng, nhưng sau đó thay lại đổi đáp án.
 Đáp án ban đầu của chủ nghĩa phát triển là “vốn ưu đãi và công nghiệp hóa” cho các nước nghèo, sau đó là “thay đổi chính sách hướng tới thị trường”, rồi “giải quyết các lỗ hổng về cơ cấu”,  tiếp đến là “toàn cầu hóa”, và hiện là “Chiến lược giảm đói nghèo để đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ”.
Một lý do khiến đáp án luôn thay đổi bởi trên thực tế, các nước có tốc độ tăng trưởng cao đã đi theo nhiều con đường khác nhau để phát triển, và các nước đó vẫn tiếp tục thay đổi con đường phát triển từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.
GS William Easterly  đặt câu hỏi: “Có chút gì giống nhau trong sự phát triển của Trung Quốc và Chile, của Botswana và Singapore, của Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, hay của Hồng Kông và Việt Nam? Còn bao nước đã học theo những “ngôi sao đang lên” đó và thất bại thì sao? Và cả những quốc gia là “ngôi sao đã tắt” như Bờ Biển Ngà, nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ 60 và 70, sau đó chìm trong nội chiến? Và còn Mexico, quốc gia tăng trưởng nhanh trong thập kỷ 80, sau đó thì chững lại, bất chấp nỗ lực của các chuyên gia?”

Theo GS Easterly, sai lầm cơ bản của các chuyên gia IMF, WB, Liên Hiệp Quốc – những nhà “lý luận” chủ nghĩa phát triển – là thiết kế ra một kế hoạch mang tính kỹ thuật, tổng thể để giải quyết mọi vấn đề về nghèo đói. Họ xem nghèo đói đơn giản chỉ là vấn đề kỹ thuật, sẽ được giải quyết bằng máy móc và khoa học tự nhiên mà phớt lờ tất mọi khoa học xã hội khác như kinh tế học, chính trị học hay xã hội học.

Theo GS Easterly, sai lầm cơ bản của các các chuyên gia IMF, WB, Liên Hiệp Quốc – những nhà “lý luận” chủ nghĩa phát triển – là thiết kế ra một kế hoạch mang tính kỹ thuật, tổng thể để giải quyết mọi vấn đề về nghèo đói. Họ xem nghèo đói đơn giản chỉ là vấn đề kỹ thuật, sẽ được giải quyết bằng máy móc và khoa học tự nhiên mà phớt lờ tất mọi khoa học xã hội khác như kinh tế học, chính trị học hay xã hội học.
Dưới con mắt các chuyên gia IMF, WB – theo GS William Easterly – nghèo không phải là nghèo mà là “đang phát triển” cho tới giai đoạn cuối cùng của lịch sử, thành “phát triển”. Theo con đường lịch sử đó, sự chấm dứt bạo lực, nghèo đói, và chiến tranh sẽ được bưng ra như cơm mời. Các chuyên gia đó cũng xem mọi đất nước dưới góc độ thu nhập bình quân đầu người, và xem các nước giàu là hình ảnh tương lai của các nước nghèo.
Một trong những lãnh tụ của “chủ nghĩa phát triển” là Thomas Friedman đã không thể che dấu sự giễu cợt những người ngăn bước “thế giới phẳng”: “Khi bạn là Mexico, bạn được tiếng là nước có nhân công giá rẻ, nhưng công dân của bạn đang nhập khẩu tượng thánh bảo hộ của bạn từ Trung Quốc bởi họ có thể sản xuất và vận chuyển chúng xuyên Thái Bình Dương mà vẫn rẻ hơn bạn sản xuất… nghĩa là bạn gặp rắc rối. Cách duy nhất để Mexico trở nên phồn vinh là một chiến lược cải tổ…”. Song chính Friedman lại bị William Easterly giễu cợt khi viết: “Fiedman có vẻ hạnh phúc khi không hay biết rằng nước Mexico- xa Chúa nhưng gần các học giả Mỹ – đã từng nỗ lực hơn Trung Quốc nhiều để áp dụng ‘chiến lược cải tổ’ của các chuyên gia”.
Theo ông, với những quốc gia thành công trong suốt 40 năm qua thì khó có thể nói là họ đã phát hiện “đáp án đúng” từ chủ nghĩa phát triển. Trên thực tế, họ thường làm khác những gì các chuyên gia phát triển chỉ bảo. Ví dụ, những năm 60, các “con hổ Đông Á” đã chọn con đường phát triển kinh tế hướng ngoại, thay vì làm theo lời khuyên là công nghiệp hóa cho thị trường nội địa.
“Chủ nghĩa phát triển”, theo GS William Easterly, thực tế đã gây phản tác dụng: Sự thất vọng trong việc phải trả những khoản vay kèm điều kiện điều chỉnh cơ cấu ở Zimbabwe là lý do để tổng thống Robert Mugabe chống lại nền dân chủ;  “Liệu pháp sốc” do Jeffrey Sachs – chuyên gia của IMF và WB – áp dụng cho Nga đã khiến người dân thêm nhớ Liên Xô.
GS William Easterly  viết: “Một vài người nhận ra nước Mỹ năm 1776 cũng có thu nhập tương đương với châu Phi ngày nay. Song may mắn cho Mỹ là đã thoát khỏi nghèo đói nhờ tránh được những người theo chủ nghĩa phát triển. George Washington không phải làm việc với các nhà tài trợ, không phải điều chỉnh chính sách hay thảo ra các chiến lược giảm đói nghèo. Các nước phát triển vẫn đang thoải mái thử nghiệm các chính sách lớn”. Và ông kết luận: “Lịch sử đã chứng minh, những điều tốt đẹp sẽ đến khi người ta tự do lựa chọn đường đi của mình.  May mắn là rất nhiều cộng đồng nghèo đã tự tạo con đường tự do và thịnh vượng hơn cho mình. Đó mới chính là phát triển thật sự”.

Nguyễn Hưng

Tác giả