Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu virus Đức: Nhất thiết phải có thuốc chống virus phổ rộng

Hiện nay các nghiên cứu tìm kiếm loại thuốc để bệnh nhân không nặng hơn sau khi bị lây nhiễm virus corona đang được đẩy mạnh. Vấn đề là phải tìm ra được gót chân Achilles của con virus này.

Cho đến nay chưa có thuốc thực sự có thể chặn đứng virus corona. Đây là điều mà các nhà khoa họctrên thế giới đang nghiên cứu để thay đổi. Giải pháp dùng thuốc trị corona virus hiện thực đến đâu? Thế giới còn phải chờ đợi bao lâu mới có được loại thuốc này? Ralf Bartenschlager, Chủ nhiệm khoa Virus phân tử tại Bệnh viện Đại học Heidelberg và Chủ tịch Hiệp hội virus Đức, giải thích tại sao phải rời bỏ lối mòn trên con đường tìm kiếm thuốc đặc trị Covid. 

WELT: Thưa giáo sư Bartenschlager, chúng ta mơ ước về một loại thuốc uống chặn đứng sự phát triển của virus corona trong cơ thể để không bị phát bệnh. Bao giờ sẽ có một loại thuốc như vậy, thưa ông?

Ralf Bartenschlager: Rất tiếc tôi không thể nói về một thời điểm cụ thể. Nhưng một loại thuốc như vậy chắc chắn là mục tiêu mà chúng ta phải đạt được. Một điều rõ ràng là, muốn diệt virus có hiệu quả thì hoạt chất không để cho virus phát triển nhanh chóng ở người bệnh. Muốn thế người bệnh phải được dùng thuốc càng sớm càng tốt, tốt nhất ngay sau khi xét nghiệm mà kết quả là dương tính. Thuốc phải ở dạng dễ sử dụng, thí dụ uống hoặc xịt.

Tại sao phải như vậy, thưa ông?

Vào thời điểm đó không ai có thể biết liệu mầm bệnh có trở nên nguy hiểm với người bị lây nhiễm hay không. Đại đa số người bị lây bệnh sẽ không trải qua giai đoạn bị bệnh nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó khó thuyết phục họ tiêm hoặc truyền rất khó vì đó là các giải pháp vừa gây đau đớn vừa phiền toái. Một loại thuốc dùng sớm để phòng ngừa tốt nhất nên ở dạng để nuốt hoặc hít, qua đó dễ thuyết phục mọi người. Tất nhiên các loại thuốc dù ở dạng nào cũng cần tránh các tác dụng phụ. 

Tại sao không thể dùng các loại thuốc chống virus ở các giai đoạn muộn khi đã bị bệnh?

Những ngày đầu tiên sau khi bị lây nhiễm rất quan trọng đối với sự phát triển của virus trong cơ thể. Do đó ở giai đoạn này hoạt chất phát huy hiệu quả tốt nhất. Sau đó sự sinh sản của virus giảm rồi ngưng lại, từ đây bệnh tiến triển mà không còn bị lệ thuộc vào virus. Từ thời điểm này thì hệ thống miễn dịch của cơ thể gặp nguy hiểm. Ở thời điểm này mà dùng thuốc diệt virus khác nào ném đá ao bèo. 

Cho đến nay chỉ có các loại thuốc chống virus được cấp giấy phép đối với mười bệnh do virus gây ra – phần lớn là thuốc trị HIV. Khó khăn trong việc phát triển thuốc chống virus là ở chỗ nào?

Cái khó là ở chỗ bản thân con virus có rất ít mục tiêu để tấn công – điều này khác hoàn toàn với vi khuẩn. Nguyên nhân vì bản thân virus có rất ít protein. Để sinh sản chúng dựa chủ yếu vào Enzyme và các cầu trúc của tế bào bị lây nhiễm.

Vậy sao không nghĩ đến chuyện  bao vây các Enzyme và các cấu trúc của tế bào? Qua đó cũng có thể ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh?

Đã có thí nghiệm như thế, nhắm vào các yếu tố của tế bào.  Tuy nhiên cách tiếp cận này lại nẩy sinh vấn đề khác, phải cân nhắc, tính toán rất kỹ dùng thuốc để tấn công vào chỗ nào. Vì một số Enzyme bị lợi dụng này lại có ý nghĩa sống còn với tế bào, do đó không thể phục vụ cho  điều trị, chống virus. 

Vậy thành công của các thử nghiệm này đến đâu?

Đối với  HIV thì rất thành công. Thuốc ngăn chặn không để virus thâm nhập vào tế bào. Cách tiếp cận tương tự đang được thử nghiệm đối với Sars-CoV-2. Một thử nghiệm khác, mầm bệnh sử dụng protein đột biến để bám vào các tế bào phổi của con người. Nếu protease tế bào này bị ức chế thành công, Sars-CoV-2 khó có thể xâm nhập vào tế bào và do đó không còn có thể lây lan trong cơ thể. 

Thưa giáo sư, liệu có ứng viên đầy triển vọng dưới dạng viên nang chống virus corona?

Có đấy, đó là các chất ức chế men protease của virus. Tức là các hoạt chất không nhắm vào các proteasen của tế bào, mà chống lại loại Enzym tương tự mà virus mang theo. Có khả năng loại protease này là gót chân Achilles của mầm bệnh, vì không có nó, chúng không thể tồn tại. 

Vậy độ bao giờ loại thuốc đó xuất hiện tại các hiệu thuốc?

Theo tôi biết, có hai loại thuốc ức chế men protease đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Điều này có nghĩa là một số ít bệnh nhân được kiểm tra để xác định xem các hoạt chất này có an toàn và dung nạp tốt hay không. Các nghiên cứu giai đoạn 2 và giai đoạn 3 lớn hơn đáng kể sẽ được nối tiếp khi thành công vượt qua thử nghiệm này. Chất ức chế protease từ công ty dược phẩm Pfizer đã đạt được bước tiến xa nhất trong quá trình phát triển. Hiện có rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đang nghiên cứu về các loại thuốc tương tự. Do đó, tôi tin rằng sẽ có  nhiều chất  sớm được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Ngành nghiên cứu dược phẩm có thể cung cấp thêm điều gì không, thưa giáo sư?

Có đấy, họ đang thử nghiệm một số hoạt chất, ví dụ hãng Merck có một loại thuốc ức chế men polymerase của virus. Đây là chế phẩm Molnupiravir lúc đầu nhằm chống virus cúm. Merck đang khảo nghiệm trong bệnh viện về hiệu lực của hoạt chất này đối với Sars-CoV-2. 

Nguy cơ tác dộng phụ của chúng như thế nào?

Cho đến nay với Molnupiravir không có vấn đề lớn. Ưu điểm cơ bản của liệu pháp chống virus ở bệnh nhân bị lây nhiễm  Sars-CoV-2 là chỉ phải dùng thuốc trong một thời gian ngắn. Nhất là đối với các trường hợp mới bị lây nhiễm. Trường hợp lây nhiễm mãn tính cũng chỉ cần một tuần là đủ.

Từ đại dịch này chúng ta rút ra được bài học gì để nhân loại không bị bó tay khi xẩy ra một vụ lây nhiễm virus mới?

Chúng ta nhất thiết phải có thuốc chống virus phổ rộng. Tức các loại thuốc không chỉ có tác dụng đối với một loại virus nhất định mà chống nhiều loại virus khác nhau. Với  thuốc kháng sinh ai cũng biết chỉ dùng một loại thuốc có thể chống nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Với thuốc chống virus cho đến nay mỗi loại thuốc chỉ chống được một loại virus nhất định vì các virus khác nhau chỉ có ít các mục tiêu chung để tấn công. 

Vậy ở đây ông thiên về một loại thuốc chống virus phổ rộng nào?

Thí dụ thuốc ức chế Pan-Coronavirus, tức là một loại chế phẩm chống lai nhiều loại virus corona. Bởi vì rất có thể trong một dịch hoặc đại dịch sau này cũng lại là một loại virus cùng họ này là tác nhân. 

Nhưng ý tưởng về một loại thuốc chống virus phổ rộng liệu có thật sự hiện thực không? Thí dụ đối với Sars-CoV-2 chúng ta chẳng có bất kỳ một loại thuốc nào như vậy trong tay?

Điều đó có thể thành hiện thực nếu người ta  rời khỏi những lối mòn cố hữu. Ví dụ, người ta có thể tập trung vào các mục tiêu giống nhau ở virus. Các polymerase của virus, tức là các enzym tái tạo cấu trúc gen của virus, đặc biệt thích hợp cho việc này. Chúng khá ổn định về cấu trúc do đó người ta có thể phát triển các chất ức chế có thể có tác dụng phổ rộng nhất định. Một khả năng khác là ức chế các enzym của chính tế bào mà virus phụ thuộc vào đó để sinh sản. Các enzym như vậy trong tế bào thường được chuyển đổi theo một cách tương tự bởi nhiều loại virus khác nhau. Cũng có thể đạt được hiệu ứng phổ rộng theo cách này. Về nguyên tắc, con đường này là có thể.

Nhà virus học Ralf Bartenschlager, đứng đầu khoa virus học phân tử tại Bệnh viện Đại học Heidelberg đồng thời là chủ nhiệm khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức. Ông chủ yếu nghiên cứu các virus RNA như tác nhân gây bệnh viêm gan C và sốt xuất huyết và cả Sars-CoV-2. Ông tham gia vào việc phát triển các liệu pháp kháng virus  và các loại thuốc tương ứng – kể cả thuốc chống coronavirus. Bartenschlager còn là  chủ tịch Hiệp hội virus học Đức. 

Xuân Hoài lược dịch
Nguồn: https://www.welt.de/wissenschaft/plus231484189/Covid-19-Wir-brauchen-unbedingt-Breitbandvirostatika.htm

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)