Chứng khoán dành cho người giàu?

Tuần qua, có mấy thông tin dồn dập làm náo động thị trường chứng khoán TTCK): một tin tốt và ba tin xấu.

Tin tốt. TTGDCK TP.HCM sẽ bắt đầu hình thức khớp lệnh liên tục từ ngày 07-05-2007. Trong 3 phiên giao dịch hằng ngày, đợt 1 và đợt 3 sẽ là khớp lệnh định kỳ; đợt 2 là khớp lệnh liên tục. Đây là một bước tiến văn minh, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT), tăng cường năng lực khớp lệnh của hệ thống, giảm thiểu khả năng thông đồng làm giá trên thị trường. Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh liên tục sẽ có loại “lệnh thị trường” lần đầu tiên được áp dụng. Lệnh thị trường là lệnh mua hoặc bán mà không cần đặt giá cụ thể. Lệnh mua sẽ được khớp dần lên từ giá bán thấp nhất; lệnh bán được khớp dần từ giá mua cao nhất. Vì thế nếu NĐT chưa hiểu rõ về cách khớp lệnh thì không nên dùng lệnh này vì rất dễ mua đắt, bán rẻ, mất tiền oan.
Tin xấu 1. Từ ngày 7/6, HoSTC sẽ nâng khối lượng giao dịch lô từ 10 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ  lên 100. Lô lớn cũng được nâng lên 20.000 cổ phiếu thay vì 10.000 cổ phiếu.
Tin xấu 2. Xô xát diễn ra trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 13/04 vì các NĐT chen lấn, xô đẩy nhau để vào nghe thông báo hướng dẫn về hai qui định mới nêu trên.
Tin xấu 3. Ngày 16/04, chỉ số VN-Index chính thức trở lại vị trí xuất phát hồi đầu năm, tụt xuống dưới ngưỡng 1000 điểm (đạt 983). Đây là phiên thụt giảm thứ 5 liên tiếp trong tuần giao dịch gần đây nhất. Thị trường hoang mang vì không biết đây là đợt bắt đầu hay kết thúc một làn sóng điều chỉnh mới.
Dĩ nhiên, những người hoang mang nhất lúc này chính là các NĐT nhỏ. Không thể gạt bỏ cảm giác họ đang bị dồn ép để phải tự nguyện từ bỏ thị trường. Cách đây không lâu, khi VCBS tuyên bố không mở thêm tài khoản mới và SSI chỉ mở tài khoản cho người nộp đủ 100 triệu đồng, các NĐT nhỏ đã thất vọng. Nhưng họ không trách ai vì hai công ty trên một tư nhân, một cổ phần, bị ràng buộc bởi những đường lối chiến lược phát triển riêng. Nhưng lần này thì khác. Quyết định nâng khối lượng giao dịch lô từ 10 lên 100 cổ phiếu là quyết định của một cơ quan quản lý nhà nước. Chưa bàn đến tác động hay – dở của quyết định này, nhưng rõ ràng khi thực hiện nó lập tức các NĐT nghèo sẽ bị sa thải ra khỏi thị trường. Không lẽ Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đang có chủ trương xây dựng TTCK chỉ dành riêng cho người giàu?
Mọi khó khăn có thể khắc phục. Theo lời ông Lê Hải Trà, phó Giám đốc TTGDCK TP.HCM, số lượng giao dịch lô 10 chỉ chiếm 1%, trong khi số lượng lệnh chiếm 14%, nên đã gây tắc nghẽn, khiến lúc thời điểm sốt giá chỉ có hơn 60% số lệnh nhập vào được. Thế giả sử bây giờ không còn lô 10 nữa thì sao? Cũng chỉ có 74% lệnh được nhập, 26% còn lại vẫn ngoài “vòng phủ sóng”. Vấn đề mấu chốt là năng lực nhập lệnh của chúng ta kém. Đã kém thì phải tập trung nâng cấp, chứ không vì mình kém mà tìm cách đuổi bớt người chơi. Chúng ta có thể bỏ qua rất nhiều thứ, nhưng có những thứ không thể bỏ qua được, những thứ tối thiểu cần cho một xã hội văn minh. Và một trong những thứ đó là sự bình đẳng. Nếu mỗi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thì không có lý do gì cũng chính người công dân đó không được bình đẳng trước cơ hội của thị trường. Chứng khoán và ngân hàng là hai kênh huy động vốn nhàn rỗi trong người dân, đầu tư cho nền kinh tế. Không có lý do gì ta kêu gọi người dân thực hành tiết kiệm, gửi tiền vào ngân hàng, nhưng lại ngăn cản người ta chơi chứng khoán. Với đà tư duy như thế, bạn có thể tin nổi, sắp tới các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam sẽ treo biển thông báo: “Chỉ nhận gửi tiết kiệm với khoản tiền ít nhất là từ 15 triệu trở lên”.
Rất may là điều này chắc chắn không xảy ra. Vì cấm người gửi tiết kiệm nhỏ – ngân hàng chẳng được lợi gì. Nhưng cấm NĐT nhỏ trên TTCK – chắc chắn sẽ nhiều người có lợi. Các nhà quản lý thì đỡ đau đầu, các đại gia thì nhẹ nợ, thị trường Blue Chip bây giờ chỉ dành riêng cho họ. Nhưng sướng nhất vẫn là các công ty chứng khoán – nhập lệnh nào, ra lệnh đó, chi phí vẫn thế mà lợi nhuận cao hơn gấp bội phần.
Bạn có thấy, từ trước tới nay, chúng ta đã có quá nhiều ưu đãi dành cho người giàu: từ thể thao, văn hóa, du lịch đến y tế, giáo dục… nên chăng đã đến lúc phải dành một chút gì đó cho người nghèo, ít ra là cơ hội tự thoát nghèo.

Nguyễn Văn Minh

Tác giả