Chung sống với nợ xấu?
Bản chất của kinh doanh tiền tệ chính là “Kinh doanh rủi ro”, và nợ xấu vì vậy là một phần tất yếu trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, cách thức để “chung sống hòa bình với nợ xấu” có thể xem như là vấn đề gai góc nhất trong hoạt động quản trị ngân hàng từ trước đến nay.
Tự chủ nhưng vẫn cần vai trò của Nhà nước
Từ khi quyết định 493 ban hành, lần đầu tiên ngân hàng thương mại được trao quyền tự chủ tài chính thực sự, được quyền sử dụng nội lực của chính mình để hóa giải phần lớn các khoản nợ xấu, góp phần giảm tải gánh nặng rủi ro cho toàn hệ thống mà không phải trông chờ chủ yếu từ nguồn lực ngân sách nhà nước (thông qua cơ chế “xin cho khoanh/ xóa nợ” đã từng tồn tại nhiều thập kỷ trước đó).
Đối chiếu với quy định 493 và những thay đổi về cơ chế quản trị rủi ro thời gian gần đây ở một số ngân hàng lớn, có uy tín, thì có thể khẳng định hệ thống ngân hàng Việt Nam đang dần từng bước chủ động tiếp cận tư duy quản lý rủi ro theo trình độ ngày càng nâng cao. Bên cạnh kỹ thuật đánh giá phân loại nợ theo phương pháp định lượng (dựa theo số ngày nợ quá hạn là chủ yếu), hiện nay một số ngân hàng đã bắt đầu chuyển hướng sang phân loại nợ theo phương pháp định tính, điều này giúp cho quá trình đánh giá chất lượng tín dụng được kịp thời và chuẩn xác hơn, kể cả phải chấp nhận tỷ lệ nợ xấu tăng thêm so với định lượng. Ngoài ra, dựa trên nền tảng công nghệ tin học hiện đại, một số ngân hàng đã có điều kiện triển khai hệ thống xếp hạng khách hàng theo định kỳ với nhiều tiêu chí tài chính và phi tài chính được xây dựng khá cụ thể, mang tính khoa học, phù hợp thông lệ quốc tế. Những thay đổi này đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, đang trở nên phổ biến, không chỉ phản ánh sự quan tâm, lo lắng của hệ thống ngân hàng đối với lợi ích của chính mình, mà còn cho thấy quá trình tiếp cận những chuẩn mực quốc tế trong phân tích đánh giá chất lượng nợ là xu hướng không thể đảo ngược, tất nhiên phải có lộ trình phù hợp với hoàn cảnh, không thể nóng vội, máy móc.
Các ngân hàng hoặc khách hàng vô hình chung bị buộc phải nghĩ ra nhiều chiêu thức để luồn lách, đảo nợ, dẫn đến việc đánh giá chất lượng tín dụng nhiều khi trở nên thiếu thực chất. |
Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh đặc biệt, vai trò Nhà nước là không thể thay thế. Khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng toàn diện, gánh nặng nợ nần quốc gia (kể cả thể nhân/ pháp nhân) tăng lên, mất khả năng thanh toán, hệ thống tài chính ngân hàng có nguy cơ bị tê liệt nếu không được tiếp ứng đủ thanh khoản và vốn liếng để duy trì hoạt động. Một khi nỗ lực tự thân vận động nhằm ứng phó với nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng trở nên kém hiệu quả thì sự ra tay kịp thời và đúng liều lượng của cơ quan điều hành luôn là điều tối cần thiết nhằm duy trì sự ổn định cho nền tảng kinh tế – xã hội. Thực tế này được phản ánh rất rõ qua cuộc giải cứu rất ngoạn mục nhưng không kém phần mạo hiểm của FED đối với hệ thống ngân hàng Mỹ trong cuộc đại khủng hoảng 2008-2009. Gần đây là nỗ lực của ECB nhằm tiếp ứng vốn để hệ thống ngân hàng Châu âu có thể cầm cự với khủng hoảng nợ công.
Thực trạng khó khăn hiện nay của Việt Nam
Bất luận nguyên nhân phát sinh như thế nào, nợ xấu luôn được xem như là bức tranh toàn cảnh về trình độ phát triển và sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế, là hàn thử biểu phản ánh sức sống của lực lượng doanh nghiệp cũng như đo lường năng lực kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng trước những sức ép thường xuyên, mang tính chu kỳ do tác động của tình trạng bất ổn vĩ mô.
Dự báo năm 2012 và những năm tiếp theo, nợ xấu chính là một trong những bài toán nghiệt ngã không riêng của các doanh nghiệp, ngân hàng, mà của cả Chính phủ và Ngân hàng nhà nước. |
Năm 2011, cùng với những khó khăn do tác động của lạm phát và lãi suất cao, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng đến mức cần báo động. Số tuyệt đối nợ xấu năm 2011 theo ước tính của NHNN vào khoảng 85 ngàn tỷ đồng. Nhưng theo một số chuyên gia am hiểu thì con số này vào khoảng 100 ngàn tỷ đồng với lý do còn một số khoản nợ tiềm ẩn chưa được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ sách. Xung quanh tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam (< 5%), vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ này có thể gấp đôi (10-12%) và chính NHNNVN cũng thừa nhận việc đánh giá phân loại nợ ở các ngân hàng vẫn chưa theo đúng chuẩn mực thông lệ quốc tế.
Theo quy định tại 493, khái niệm “nợ xấu” bao hàm tất cả các khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 đến nhóm 5 tùy theo cấp độ rủi ro khác nhau, theo nguyên tắc chỉ cần một món vay (trong tổng thể nhiều món vay khác nhau) phát sinh quá hạn, hoặc được điều chỉnh kỳ hạn nợ, hoặc gia hạn nợ, thì toàn bộ dư nợ vay của khách hàng đó phải chuyển sang nhóm nợ xấu. Trường hợp khách hàng tích cực thanh toán xong khoản nợ quá hạn nói trên thì vẫn phải chịu phạt “thời gian thử thách” khá dài (3 tháng đối với vay ngắn hạn; 6 tháng đối với vay trung dài hạn ) trước khi toàn bộ dư nợ chuyển về trạng thái bình thường.
Những quy định tương đối ngặt nghèo trên đây đã gây áp lực nợ xấu rất lớn cho khách hàng và ngân hàng, cản trở đến quá trình duy trì quan hệ tín dụng bình thường. Các ngân hàng hoặc khách hàng vô hình chung bị buộc phải nghĩ ra nhiều chiêu thức để luồn lách, đảo nợ, dẫn đến việc đánh giá chất lượng tín dụng nhiều khi trở nên thiếu thực chất.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn, doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn, việc duy trì những quy định có phần hà khắc như trên sẽ đẩy doanh nghiệp và ngân hàng vào thế bất lợi, tạo ra rủi ro cao hơn, về lâu dài sẽ gây lãng phí, thiệt hại các nguồn lực tài chính của nền kinh tế. Đặc biệt, kể từ năm 2012 trở đi, kinh tế Việt Nam phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, chắc chắn sẽ có một làn sóng các doanh nghiệp buộc phải cải tổ, sàng lọc, sáp nhập, hợp nhất, kể cả chấp nhận đổ vỡ để làm lại từ đầu. Trong xu hướng ấy, tất yếu nợ xấu sẽ phát sinh nhiều hơn, trên diện rộng hơn, và hơn ai hết hệ thống ngân hàng phải là nơi trực tiếp gánh vác phần lớn hậu quả này. Dự báo năm 2012 và những năm tiếp theo, nợ xấu chính là một trong những bài toán nghiệt ngã không riêng của các doanh nghiệp, ngân hàng, mà của cả Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Cần một giải pháp toàn diện
Nợ xấu, trên thực tế, phát sinh nhiều hay ít có lẽ không quan trọng bằng việc làm sao nâng cao được năng lực kiểm soát rủi ro mang tính hệ thống theo hướng minh bạch hóa và chuẩn mực hóa hơn. Bản thân từng doanh nghiệp và ngân hàng trước hết phải tự hoàn thiện năng lực quản trị rủi ro nói chung, quản trị dòng tiền nói riêng để phòng tránh nợ xấu phát sinh vượt tầm kiểm soát, đây là con đường cơ bản để góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng tín dụng cũng như hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế.
Nợ xấu, trên thực tế, phát sinh nhiều hay ít có lẽ không quan trọng bằng việc làm sao nâng cao được năng lực kiểm soát rủi ro mang tính hệ thống theo hướng minh bạch hóa và chuẩn mực hóa hơn. |
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề nợ xấu một cách đồng bộ và hiệu quả, thiết nghĩ cần có sự thay đổi căn bản về quan niệm điều hành, nhanh chóng nghiên cứu ban hành những cơ chế và công cụ phù hợp hơn nhằm thúc đẩy tiến trình xử lý nợ tại các doanh nghiệp đi vào khuôn khổ hợp pháp, hợp lý, phù hợp với thực trạng sức khỏe của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Điều này cũng cần thiết khi nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với những khó khăn có thể nảy sinh trong tương lai.
Chính phủ và NHNNVN, cần tiến hành sửa đổi bổ sung quyết định 493 cho phù hợp với hoàn cảnh mới, động viên đúng mức những nỗ lực của doanh nghiệp và ngân hàng trong tiến trình xử lý nợ xấu. Điều quan trọng nhất là tạo lập hành lang pháp lý để nhanh chóng tái cơ cấu, khôi phục trạng thái lành mạnh cho những khoản nợ xấu, nợ đóng băng sau khi đã được xử lý một cách hợp lệ, qua đó phát huy cao hơn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tránh thất thoát, lãng phí.
Cần tập trung nâng cao năng lực hoạt động cho các công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng ở các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái cấu trúc nợ và vốn. Chính phủ cần sớm trình Quốc hội ban hành Luật bảo vệ phá sản theo mô hình của Hoa Kỳ, với quan niệm rằng thất bại trong kinh doanh không bị coi là xấu – luật phá sản Hoa Kỳ được xây dựng theo hướng khuyến khích để những người thất bại có được cơ hội tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh hợp pháp của mình. Đồng thời cần khẩn trương hoàn thiện pháp luật, kiên quyết áp dụng những chế tài mạnh để đảm bảo duy trì kỷ cương, kỷ luật thanh toán trong toàn bộ nền kinh tế, tránh tình trạng chiếm dụng vốn triền miên, vô tội vạ như hiện nay, bởi chính thực trạng này đang khiến nhiều doanh nghiệp khốn khổ, mất khả năng thanh toán, kể cả dẫn đến phá sản nhưng thực ra không phải vì trách nhiệm chủ quan của chính họ.