Chúng ta có thể diệt vi khuẩn có hại mà vẫn bảo vệ được vi khuẩn có ích?

Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học ĐH St Andrews đã phát hiện ra kháng sinh vẫn được sử dụng để điều trị lao có thể đã loại đi các vi khuẩn tiềm năng có ích.

Công trình đã được xuất bản trên tạp chí The Lancet Microbe 1.

Con người và các vi sinh vật thường tiến hóa với nhau chủ yếu trong một mối liên hệ mang tính lợi ích chung. Hàng tỉ các vi sinh vật sống một cách thoải mái bên trong cơ thể con người trong khi những vi sinh vật khác thì sống ở ngay trên làn da. Chúng đều được gọi là hệ vi sinh. Các vi sinh tốt có thẻ giúp tăng cường hệ miễn dịch của chúng ta chống lại bệnh tật như giúp chuyển hóa thức ăn chúng ta ăn thành các chất ding dưỡng để nuôi cơ thể chúng ta. Một phần cực nhỏ của hệ vi sinh là nguyên nhân gây ra bệnh tật, buộc chúng ta phải sử dụng loại thuốc mà chúng ta vẫn gọi là kháng sinh để loại trừ chúng.

Tuy nhiên trong khi các kháng sinh có hiệu quả trong việc trừ khử các vi sinh vật gây bệnh thì nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ là chúng có thể cũng vô tình giết đi cả những vi sinh vật có lợi.

“Hiệu ứng trừ khử” có kết quả rõ ràng trong một hai tuần đầu tiên bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh, sau khi đó vi khuẩn bắt đầu phục hồi, đạt được mức độ phong phú tương tự như trước khi điều trị trong vòng hai tháng. Lao là căn bệnh thường xuyên được điều trị bằng cách kết hợp bốn loại kháng sinh. Bảy trong số những kết hợp dùng thuốc đã được nghiên cứu.

Tất cả các kết hợp đều có một hiệu ứng gây suy giảm cộng đồng vi sinh vật, chỉ có hai kết hợp – một chứa 35 milligrams trên mỗi kilogram rifampicin, và một chứa 20 milligrams trên mỗi kilogram rifampicin, được bổ sung bằng 400mg moxifloxacin – để đạt được hiệu quả loại trừ vi sinh vật.

Quan trọng nhất là hệ vi sinh đã phục hồi nhanh hơn với sự kết hợp thứ hai chứa liều rifampicin thấp hơn. Điều này ngụ ý là sự cân bằng cẩn thận kháng sinh có thể đạt được mục đích loại trừ vi khuẩn gây bệnh trong khi vẫn bảo vệ được vi khuẩn có ích mà cơ thể cần để phục hồi sức khỏe một cách đầy đủ.

Bình luận về những phát hiện này, tiến sĩ Wilber Sabiiti (trường Y), người dẫn dắt nghiên cứu nói, “Trong một thời gian dài, việc đánh giá độ an toàn của thuốc chỉ tập trung vào tác động vào các cơ quan như gan và não. Điều này khiến người ta không để ý đến tác động với các vi sinh vật sống trong cơ thể người. Rấ nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng tỏ sự hiện diện của các vi sinh vật giúp hệ miễn dịch của con người học hỏi được rất nhiều và ngăn ngừa nhiều loại bệnh như dị ứng, hen suyễn. Đây là điều cốt yếu để cái nhìn về an toàn thuốc được mở rộng để bao gồm cả sự an toàn của các vi sinh vật hữu dụng trong cơ thể con người”.

Điều đáng chú ý là với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu sử dụng RNA, một phân tử gene có mối quan hệ mật thiết với các tế bào sống. Điều này cho phép họ đo lường riêng các vi sinh vật sống trước và sau khi chịu ảnh hưởng của kháng sinh. Phần lớn các nghiên cứu trước đây về vi sinh vật đều sử dụng DNA, vốn là một phân tử gene bền vững có thể tồn tại trong nhiều tháng và nhiều năm sau khi tế bào chết đi. Do đó, việc đo lường DNA của vi khuẩn đặc biệt sau chịu tác động của kháng sinh không nhất thiết chỉ dấu là liệu việc thực hiện đo lường đó trên vi khuẩn sống hay không.

Bất chấp dưới tác động của kháng sinh, hệ vi sinh phục hồi trong vòng hai tháng điều trị ở mọi kết hợp thuốc kháng sinh, ngoại trừ một kết hợp. Các nhà khoa học cho rằng cần có những nghiên cứu trong tương lai để tìm hiểu về việc liệu sự phục hồi này có do sự bổ sung các nguồn dinh dưỡng hay do vi khuẩn thu được các gene kháng kháng sinh?

Người ta chỉ biết rằng sự phơi nhiễm trong thời gian dài với kháng sinh khiến cho vi khuẩn tìm được nhiều cách để sống sót thông qua việc phát triển hoặc đón nhận được các gene có khả năng đem lại cho chúng sự kháng cự trước sức tấn công của kháng sinh. Để ngăn cho phổi hoặc dạ dày, vốn chứa hàng triệu vi sinh vật, khỏi trở thành “những công xưởng lên men” của những siêu vi khuẩn kháng kháng sinh, cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu để hiểu cách vi khuẩn trong những cơ quan đó phản hồi với tác động của kháng sinh và khai thác kháng sinh. Điều đó cũng có nghĩa là ngăn được hiện trạng kháng kháng sinh.

Nghiên cứu này là kết quả của mối hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Tanzania và các nhà nghiên cứu ở các trường đại học Radboud (Hà Lan), Munich (Đức) và St Andrews (Anh) với hỗ trợ của Hiệp hội đánh giá kháng kháng sinh lao châu Phi (PanACEA).

Nhàn Thanh tổng hợp

Nguồn: https://news.st-andrews.ac.uk/archive/finding-a-balance-in-antibiotic-medicine-can-we-kill-bad-bacteria-while-preserving-the-good/

https://phys.org/news/2023-08-antibiotics-growth-antibiotic-resistant-bacteria-gut.html

—————————————

1. https://www.thelancet.com/journals/lanmic/article/PIIS2666-5247(23)00191-X/fulltext

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)