Chương trình quốc gia về AI của Singapore
Dù đe dọa sẽ thay thế nhiều loại nghề nghiệp trong tương lai nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra nhiều loại nghề nghiệp mới khác. Vì vậy Singapore đang hướng tới mục tiêu sẵn sàng đón nhận cả hai mặt tốt và xấu này.
Một trong những mục tiêu của Sáng kiến AI Singapore là tạo ra các công cụ để có thể tăng cường năng lực quốc gia về AI. Nguồn: computerworld.com.sg
Trước những triển vọng mà AI hứa hẹn mang lại, các nhà lãnh đạo Singapore đã nhìn thấy cơ hội lớn để tận dụng AI phát triển kinh tế và làm cho cuộc sống của các công dân đảo quốc này tốt hơn lên. Họ đang cùng bàn thảo để có một phương án tốt nhất, qua đó đảm bảo cho mọi người dân Singapore, bao gồm cả những người làm trong những ngành nghề và lĩnh vực đang có nguy cơ bị tự động hóa và AI “chiếm chỗ”, cùng được chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai AI “dẫn dắt”.
Nguy cơ AI thay thế việc làm của con người rất cao. Nhìn suốt các ngành công nghiệp và các hạng mục công việc, AI đe dọa thay thế nhân công trên diện rộng. Không chỉ những công việc đơn giản, với những kỹ năng làm việc cơ bản chịu nguy cơ rủi ro mất việc bởi máy móc tự động hóa, AI còn cao hơn một bậc, nó “đe dọa” thay thế cả những công việc phức tạp hơn, những việc làm đòi hỏi cần có những bằng cấp đào tạo cao hơn và nhiều năm kinh nghiệm. Ví dụ trong ngành tài chính, tự động hóa có thể làm mất việc hàng triệu chuyên gia toàn cầu về ngân hàng, quản lý đầu tư, bảo hiểm.
Dù sẽ còn thay đổi và đe dọa chiếm chỗ nhiều loại công việc hơn song mặt khác, AI cũng tạo ra những loại công việc mới, đem đến nhiều loại công cụ hỗ trợ hoặc mở rộng khả năng cho những công việc cũ và tăng cường hiệu quả cho những người lao động. Do đó một vài quốc gia sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi lớn lao mà AI dự kiến sẽ đem về, nhưng nhiều quốc gia khác nếu không kịp chuẩn bị sẽ rơi vào rủi ro với nạn thất nghiệp trên diện rộng và gia tăng nguy cơ bất bình đẳng xã hội.
Xây dựng tài năng AI Singapore
Trong một xã hội được AI hỗ trợ, những công việc tốt nhất, có lương cao nhất sẽ thuộc về những người có kỹ năng công nghệ có thể phát triển và quản lý các hệ thống AI. Để nắm bắt lấy cơ hội này, Singapore đang tích cực triển khai các chương trình để xây dựng năng lực về AI trong các ngành có liên quan.
Một ví dụ là AI Singapore, một sáng kiến được Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF) mở vào tháng 5/2017 để kết nối các viện nghiên cứu đặt tại Singapore và các công ty tư nhân để hai bên có thể thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển các tri thức bản địa và tạo ra các công cụ để có thể tăng cường năng lực quốc gia về AI. Sáng kiến này được kéo dài trong 5 năm với tổng kinh phí đầu tư 150 triệu đô la Singapore, tương đương 111 triệu USD.
Giáo sư Ho Teck Hua, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Chủ tịch điều hành của Sáng kiến AI Singapore cho biết, mục tiêu của Singapore là “xây dựng một cơ sở bền vững về tài năng AI Singapore chất lượng cao” – yếu tố quan trọng để chính phủ nước này triển khai các chương trình quốc gia về ứng dụng AI vào đời sống kinh tế, xã hội.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Thông tin – Truyền thông Singapore, AI Singapore đã mở một Chương trình 100 Thực nghiệm (100E) và Chương trình thực tập về AI (AI Apprenticeship Program). Trong vòng 9 tháng, những người tham gia khóa thực tập sẽ được các cố vấn của AI Singapore và các nhà nghiên cứu của chương trình 100E đào tạo thông qua việc nghiên cứu về các vấn đề của AI trong thế giới thực tại.
Các sáng kiến như vậy sẽ khuyến khích đưa ra nhiều ứng dụng AI mới để áp dụng vào quá trình quản lý và sản xuất ở Singapore, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội thành lập các công ty về AI. Khi đó, nó sẽ phát sinh ra nhiều loại công việc cho các nhà lập trình, kỹ sư cũng như hỗ trợ công việc của những chuyên gia đã có nhiều kỹ năng như tài chính, bán hàng, marketing, quản trị…
Bên cạnh AI Singapore, còn có một sáng kiến quan trọng khác mang tên Những kỹ năng trong tương lai (SkillsFuture SingaporeSSG) – một chương trình phát triển nhân lực do Bộ Giáo dục điều hành. Chương trình này cung cấp một loạt chương trình về học tập suốt đời và phát triển nhân lực cho người dân ở mọi lứa tuổi, bao gồm hướng dẫn nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vị trí công việc và các lợi ích khác. Chính phủ còn mở chương trình Tín dụng cho các kỹ năng trong tương lai (SkillsFuture Credit) nhằm trợ cấp trực tiếp 500 đô la Singapore (373 USD) cho công dân Singapore trên 25 tuổi để họ có thể tham gia một trong những khóa học nâng cao kỹ năng của chính phủ (nghề chăm sóc sức khỏe có thể nhận trợ cấp cao hơn các nghề khác).
Trường đại học quốc gia Singapore (NUS) cũng hỗ trợ học tập suốt đời theo nhiều cách khác nhau, ví dụ Viện Ứng dụng KH&CN Giáo dục (ALSET) hợp tác với trường giáo dục thường xuyên để mở các khóa về khoa học cho những người lao động lớn tuổi nhằm cung cấp những hiểu biết cốt lõi để khi kết thúc khóa học, họ có thể định hướng nghề nghiệp một cách nhanh chóng trên thị trường việc làm.
Những công ty đa quốc gia có trụ sở hoặc văn phòng đại diên ở Singapore cũng đóng vai trò chính trong những nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, ví dụ LinkedIn đãký một biên bản ghi nhớ trong3 năm với trường Chính sách công Lee Kuan Yew của NUS, để cùng nghiên cứu về những điều còn thiếu hụt trong kỹ năng làm việc của nguồn nhân lực Singapore.
Với những tài năng công nghệ và sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ về AI, Singapore có nhiềunhân tố đảm bảo cuộc cách mạng AI ở đất nước này thành công.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: Báo KH&PT