Chuyển giao kết quả nghiên cứu: Cần có niềm tin

Sự kết nối giữa TS. Hà Phương Thư (Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Công ty Cổ phần Dược phẩm Mỹ phẩm (CVI), không chỉ đem lại cơ hội chuyển giao kết quả nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra một trung tâm hợp tác tương tự như mô hình phòng thí nghiệm chung của Công ty CP bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Viện KH&CN Tiên tiến (AIST, Đại học Bách khoa HN).


TS. Hà Phương Thư hướng dẫn các thành viên trong nhóm nghiên cứu điều khiển máy sấy phun, thiết bị do công ty CVI đầu tư.

Mối quan hệ hợp tác giữa TS. Hà Phương Thư và CVI, được bắt đầu với sản phẩm nano curcumin, một dạng vật liệu có kích thước nano mét và mang hợp chất curcumin được phân lập từ củ nghệ vàng (Curcuma longa L., thuộc họ Gừng Zingiberaceae). Với nhiều tác dụng dược lý tốt, lâu nay, hợp chất curcumin đang được nhiều công ty dược phẩm Việt Nam và thế giới sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng dùng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh như ung thư, viêm nhiễm… Việc áp dụng công nghệ nano để đưa curcumin từ vật liệu khối sang vật liệu nano đã đem lại cho nó hiệu quả điều trị mới. PGS. TS Phương Thiện Thương (Viện Dược liệu, Bộ Y tế) nhận xét, “mục đích chính của việc tạo ra vật liệu nano curcumin không chỉ để tăng sự hấp thu curcumin vào trong máu mà còn có thể dẫn nó đến đích, ví dụ như chỗ bị viêm nhiễm, tế bào ung thư, để nó phát huy tác dụng được tốt hơn”.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hoạt chất thiên nhiên khác, nhược điểm lớn nhất của curcumin là khó tan trong nước, dẫn đến khả năng hấp thu kém, tính sinh khả dụng thấp. Vì vậy cần phải nano hóa curcumin bằng cách bao bên ngoài các phân tử curcumin bằng một lớp vỏ bao là các polysaccharide có nguồn gốc từ tự nhiên. Sự khác biệt giữa sản phẩm nano curcumin do nhóm nghiên cứu này hay nhóm nghiên cứu khác làm ra không chỉ ở kích thước của vật liệu mà còn là chất bao ngoài.

“Các chất bao ngoài của chúng tôi đều là chất hòa tan có nguồn gốc thiên nhiên nhằm bảo đảm tối đa yêu cầu về độ tương thích sinh học và phân hủy sinh học”, TS. Hà Phương Thư cho biết. Đây cũng là một trong những lý do để CVI đặt hàng các nhà nghiên cứu Viện Khoa học Vật liệu (KHVL) thông qua dự án sản xuất thử nghiệm “Nghiên cứu quy trình bào chế hệ dẫn thuốc kích thước nano: Nano (Fucoidan-Ginseng-Curcumin) dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư” (2015-2016). Sản phẩm từ dự án đã được thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư và trên chuột thiếu hụt miễn dịch và đem lại kết quả tốt trong hạn chế sự phát triển ung thư phổi, gan, vòm họng, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch. Với kết quả này, vào tháng 10/2016, Viện KHVL và CVI đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nguyên liệu phức hệ nano FGC.

Niềm tin giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu

TS. Hà Phương Thư bắt đầu nghiên cứu về nano curcumin từ năm 2009, đến nay ba đề tài Nafosted, hai đề tài cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và hơn một nửa trong số 30 công bố của chị đều liên quan đến vật liệu này1. Là một nhà nghiên cứu có nhiều sản phẩm rất tiềm năng về nano curcumin, tại sao ở thời điểm này, TS. Hà Phương Thư mới chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp? Trả lời câu hỏi này, TS. Hà Phương Thư cho biết, trước khi gặp gỡ và kết nối với công ty CVI, chị cũng trải qua một vài lần hợp tác với một số doanh nghiệp, tuy nhiên “cả hai bên đều cảm thấy chưa đủ ‘duyên’ nên chưa sẵn sàng hợp tác”. Theo chị, chữ “duyên” ở đây được tạo dựng bởi lòng tin của cả hai phía.

Không riêng với trường hợp của TS. Hà Phương Thư, một số nhà nghiên cứu mà chúng tôi gặp gỡ đều cho rằng, sự tin tưởng của doanh nghiệp đối với công nghệ, quy trình sản xuất và sản phẩm của họ là yếu tố quan trọng để đưa đến thành công trong hợp tác. Ví dụ, PGS. TS Tăng Thị Chính (Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), người đã chuyển giao thành công ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, sản phẩm của một dự án KH&CN độc lập cấp nhà nước, cho công ty Quản lý môi trường đô thị Hà Tĩnh vào năm 2015, cho biết, sự tin tưởng tuyệt đối của giám đốc công ty Lê Quang Đức cũng là một trong những động lực để chị hoàn thiện quy trình, “đem lại sản phẩm thật chứ không phải là sản phẩm mang tính đối phó”, qua đó giúp doanh nghiệp có thể tự chủ trong mọi công đoạn sản xuất.

Đó cũng là yếu tố mà TS. Hà Phương Thư đánh giá cao ở CVI, công ty ngay từ ngày thành lập đã chọn hướng ứng dụng công nghệ nano trên các hợp chất ít tan, nâng cao độ tan của các dược chất để tăng cao tính sinh khả dụng của thuốc và tin tưởng các nhà khoa học có thể giúp công ty kiên trì định hướng này. Chị bộc bạch, “dù sản xuất ở quy mô nhỏ thì chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, không chỉ để họ hỗ trợ mình kinh phí sản xuất đâu mà sự có mặt của họ đem lại niềm tin là sản phẩm do mình làm có đầu ra chứ không phải tự làm một cách mơ hồ”.

Về phần CVI, dược sĩ Phan Văn Hiệu, chủ tịch hội đồng quản trị công ty, cho biết, qua nhiều kênh, anh biết TS. Hà Phương Thư đã thực hiện nghiên cứu về về nano curcumin từ khá lâu, và quan trọng là “đề tài đã được nghiệm thu và có công bố quốc tế đi kèm”. Với kiến thức về dược liệu cổ truyền và sự nhạy bén trong kinh doanh, anh nhận thấy sản phẩm từ đề tài của chị có khả năng “sống được” trên thị trường. Vì thế, anh đã trao đổi với TS. Hà Phương Thư về khả năng khai thác vật liệu nano curcumin dựa trên kết quả nghiên cứu về hợp chất nano curcumin và betaglucan mà chị đã thực hiện cùng PGS. TS Lê Thị Mai Hương (Viện Hóa học và Các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cơ sở hình thành dự án sản xuất thử nghiệm về phức hệ nano FGC Nano (Fucoidan-Curcumin-Ginseng) giữa CVI và Viện KHVL  do TS. Hà Phương Thư làm chủ nhiệm.

Với các dự án sản xuất thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực, hoàn thiện quy trình công nghệ để đưa sản xuất từ quy mô phòng thí nghiệm lên quy mô công nghiệp là yêu cầu khó nhất. Nguyên nhân thông thường là “các nhà khoa học mới chỉ quen làm thí nghiệm và có ý tưởng ban đầu” như lời giải thích của ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Traphaco với Tia Sáng vào đầu năm 2016. May mắn là vấn đề này không quá khó khăn với các nhà nghiên cứu của Viện KHVL bởi từ lâu, lãnh đạo Viện đã khuyến khích các thành viên mạnh dạn ứng dụng kết quả nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm bằng những cơ chế rất cởi mở, linh động về thủ tục hành chính, tài chính…, khi cần thiết sẵn sàng đầu tư kinh phí mua sắm một số thiết bị đầu tay để họ có thể sản xuất ở quy mô nhỏ. Nhờ thế, bên cạnh các trang thiết bị thí nghiệm, Phòng Vật liệu nano Y sinh cũng đã được lãnh đạo Viện KHVL tạo điều kiện để có “một diện tích sản xuất nho nhỏ”, trong đó “một số máy móc là do chúng tôi tự thiết kế và đặt hàng doanh nghiệp chế tạo, một số thiết bị được Quỹ Innofund của Bộ KH&CN tài trợ, đây là cách chúng tôi làm quen dần với quy mô sản xuất”, TS. Hà Phương Thư cho biết.

Tuy nhiên, nâng cấp quy mô không phải chuyện dễ, “hai chị em phải làm tiếp bằng cách đầu tư máy móc trang thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào, qua đó nâng dần sản lượng từng mẻ lên từ 3kg lên 10kg, 20kg vật liệu/tháng rồi mới ổn định được”, dược sĩ Phan Văn Hiệu kể. Quá trình này diễn ra gần một năm song song với việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu tác dụng kháng ung thư của sản phẩm CumarGold Kare” do CVI đặt hàng PGS. TS Nguyễn Lĩnh Toàn (Học viện Quân y) để nghiên cứu tác dụng của sản phẩm trên dòng tế bào ung thư vòm họng, phổi, gan, vú, tuyến tiền liệt người và kiểm chứng  trên chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối ưng thư phổi người.

Mô hình phòng thí nghiệm chung

Thành công bước đầu trong chuyển giao công nghệ của TS. Hà Phương Thư với CVI đã góp phần nhen nhóm ý tưởng thành lập một cơ sở nghiên cứu chung giữa CVI và Viện KHVL. Dược sĩ Phan Văn Hiệu thấy, mối quan hệ hợp tác hiện nay chỉ chạy theo đề tài là chính nên thiếu sự liên tục, “nếu có phòng thí nghiệm chung có thể huy động được nhiều người tham gia nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau. Rất khó để các nhà khoa học tới làm cho CVI nhưng thông qua phòng thí nghiệm chung, họ có thể tham gia vào nghiên cứu của cả CVI lẫn của Viện”. Dự kiến, phòng thí nghiệm chung này sẽ được đặt ở Viện KHVL với một số trang thiết bị máy móc do CVI đầu tư, một số trang thiết bị dùng chung khác của Viện cung cấp dưới dạng thuê khoán, nguồn nhân lực chủ yếu sẽ là các nhà nghiên cứu của Viện.

Sự kết hợp giữa CVI và Viện KHVL khiến người ta không khỏi liên hệ với mô hình phòng thí nghiệm chung giữa Rạng Đông và Viện AIST, vốn được hình thành cách đây 10 năm, nơi được đánh giá là đóng góp một phần không nhỏ vào việc gia tăng hàm lượng KH&CN trong sản phẩm của công ty. PGS. TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện AIST, chia sẻ kinh nghiệm vận hành phòng thí nghiệm chung với Tia Sáng, “muốn có sự hợp tác lâu dài thì về bản chất, công việc phải thật sự rõ ràng, trong đó phần đóng góp kinh phí, công sức của mỗi bên đều phải minh bạch. Hai bên cần phải ‘học’ nhau với tinh thần cầu thị để tháo gỡ những khoảng cách về nghiên cứu và sản xuất”. Về hiệu quả của phòng thí nghiệm chung, PGS. TS Phạm Thành Huy đánh giá, “khó định lượng được cụ thể nhưng nó đã tạo ra nền tảng cho công tác R&D của Rạng Đông”.

Mặc dù vẫn còn lúng túng về cơ chế điều hành phòng thí nghiệm chung nhưng theo quan điểm của dược sĩ Phan Văn Hiệu, kinh phí hoạt động do CVI rót về đây sẽ không theo “một khoản cố định mà theo các đề tài đặt hàng”, ngoài ra có thể “tận dụng” được kinh phí của các tổ chức, quỹ tài trợ trong và ngoài nước mà hướng nghiên cứu của phòng thí nghiệm phù hợp với tiêu chí của họ… Tuy nhiên, anh vẫn cho rằng, CVI vẫn phải tự lực là chính để “chủ động làm, chủ động về mặt thời gian. Bản chất của doanh nghiệp là không phải đi xin tiền của nhà nước để đầu tư cho các hoạt động của mình mà là phải đầu tư khi nhìn thấy cơ hội”.

Song song với phòng thí nghiệm chung đặt tại Viện KHVL, CVI còn chuẩn bị xây dựng một nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP WHO và trung tâm R&D tại Khu CNC Hòa Lạc, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2018. Dược sĩ Phan Văn Hiệu cho rằng, hai cơ sở nghiên cứu tại Hòa Lạc và Viện KHVL không “giẫm chân lên nhau” mà ngược lại, bổ sung cho nhau một cách hiệu quả, đem lại “nhiều điều kiện triển khai hợp tác nhiều đầu việc hơn, chủ động hơn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng, ví dụ như có thể tự nghiên cứu, chiết xuất vật liệu đầu vào cho chị Thư nghiên cứu và thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, còn nhà máy đảm trách quy mô pilot và cuối cùng là quy mô công nghiệp”.

Đồng quan điểm với PGS. TS Phạm Thành Huy, dược sĩ Phan Văn Hiệu coi phòng thí nghiệm chung giữ vai trò nghiên cứu cơ bản vì “sẽ đến lúc không thể đào mãi những kết quả có sẵn, công ty phải chấp nhận đầu tư thêm một bước nữa, chấp nhận bỏ tiền vào nghiên cứu cơ bản nhưng có tiềm năng ứng dụng. Có như vậy, CVI mới có được nhiều sản phẩm mới với khả năng tồn tại trên thị trường dài lâu”.

1. https://www.researchgate.net/profile/Ha_Phuong_Thu2

Tác giả