Chuyện một sản phẩm nghiên cứu và thị trường
Vật liệu polyme siêu hấp thụ nước là một trong số những sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất tại Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước. Công việc nghiên cứu được bắt đầu từ năm 2001 và dự án sản xuất thử nghiệm cũng đã được kết thúc vào cuối năm 2008, nhưng loại vật liệu này hiện gặp khó trong các khâu sản xuất và tiêu thụ.
Chị Phùng Thị Phương, cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bắc Bình, Bình Thuận) là một trong những khách hàng “lớn” tiêu thụ sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước của Viện Hóa học. Năm ngoái, đơn vị của chị đã mua tới 6 tấn sản phẩm này từ Hà Nội vào để phục vụ cho việc trồng gần 400 ha rừng phòng hộ ở Bắc Bình. Tuy nhiên, để mua được sản phẩm này của Viện Hóa học, là một câu chuyện không hề đơn giản. “Trước đây tôi không hề biết Viện Hóa học có sản phẩm như vậy. Khi chúng tôi có nhu cầu về một sản phẩm như vậy, chúng tôi đã phải hỏi rất nhiều nơi ở miền Nam. Rồi có người chỉ ra Hà Nội và tình cờ chúng tôi gọi đúng đến nơi làm ra sản phẩm”, chị nói.
Câu chuyện của chị Phương không phải là điều quá khó hiểu, bởi mặc dù polyme siêu hấp thụ nước đã được tiến hành nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm đã lâu, nhưng các nhà khoa học của Viện Hóa học thừa nhận hầu như họ chưa hề có thao tác gì về quảng bá, khuyếch trương sản phẩm. “Chúng tôi là những nhà khoa học, chỉ biết nghiên cứu thuần túy và rất hạn chế trong việc quảng bá sản phẩm do mình làm ra”, anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ nghiên cứu của Phòng vật liệu Polyme (Viện Hóa học), một trong 18 cán bộ tham gia dự án sản xuất thử nghiệm nói. Trong quá trình sản xuất thử nghiệm, các sản phẩm chỉ được đóng gói đơn giản, ghi là sản phẩm của dự án và cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu.
Polyme siêu hấp thụ nước là sản phẩm được sản xuất trên cơ sở tinh bột sắn biến tính (kết hợp với nhiều nguyên liệu khác), có khả năng giữ ẩm, cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng, có thể ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Ngoài ra, sản phẩm này còn có nhiều ứng dụng khác phục vụ công nghiệp (chất thấm hút) và phục vụ dân sinh (phục vụ cắm hoa tươi, trồng cây cảnh, rau sạch…).
Có lẽ chính vì khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống như vậy nên sau khi Viện Hóa học được giao chủ trì đề tài: “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu polyme siêu hấp thụ nước” vào năm 2001, Viện tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất polyme siêu hấp thụ nước và ứng dụng để giữ ẩm, cải tạo đất”. Mục tiêu của dự án là hoàn thiện dây chuyền công nghệ sẵn có, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất polyme siêu hấp thụ nước công suất 100 tấn/năm, có giá thành hợp lý và phù hợp với điều kiện của Việt Nam…
Mặc dầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là những khó khăn về nhà xưởng, dự án sản xuất thử nghiệm có mức kinh phí được Nhà nước hỗ trợ là 2,2 tỉ đồng này cũng đã kết thúc và được nghiệm thu “thành công” vào tháng 12/2008. Đánh giá về dự án, anh Tùng cho biết: “dự án đã đạt được mục tiêu, nhiệm vụ ban đầu đặt ra”.
Hình ảnh quảng bá sản phẩm |
Sản phẩm tốt nhưng không dễ kinh doanh
Do không có chức năng kinh doanh, các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học đã nhanh nhạy kết hợp với một công ty bên ngoài để đảm bảo việc sản xuất, thương mại sản phẩm được tiến hành trơn tru và bài bản hơn. Tuy nhiên, việc sản xuất polyme siêu hấp thụ nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, mà trước hết là khâu nguyên liệu.
Các nhà khoa học cho biết nhiều nguyên liệu chế tạo ra sản phẩm phải nhập ngoại, trong tình trạng tỉ giá ngoại tệ luôn thay đổi theo hướng gia tăng như hiện nay, đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. “Bên cạnh khó đảm bảo ổn định được nguồn cung do phải nhập ngoại, việc đồng USD lên giá đã gây nhiều khó khăn cho đầu vào của sản phẩm”, anh Tùng nói.
Sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước của Viện Hóa học, mặc dầu chưa được quảng bá mạnh mẽ nhưng cho đến nay đã bước đầu được thương mại hóa và có một số lượng khách hàng nhất định. Các nhà khoa học tham gia dự án cho biết những khách hàng lớn có thể kể ra cho đến nay là công ty cổ phần giấy Tân Mai, công ty bông Đồng Nai, một số ban quản lý rừng phòng hộ ở miền Nam Trung bộ như Tuy Phong, Lê Hồng Phong, Hồng Phú, Sông Mao (ở Bình Thuận) và ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết. Hầu hết các khách hàng này đều sử dụng sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước để trồng cây ở các khu vực có ít nguồn nước tưới, hoặc cho các rừng phòng hộ trồng trên đất cát miền Trung. Chị Phương thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết: “Các khu rừng phòng hộ của chúng tôi chủ yếu trồng ở vùng sa mạc hóa, trên cát và có ít mưa. Từ khi sử dụng sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước, cây không còn bị chết vào mùa nắng”. Chị còn thông tin thêm là các sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước của Viện Hóa học đã được bón cùng phân dưới các gốc cây từ tháng 7/2009, nhưng đến nay khi đào lên vẫn còn trữ nước và như vậy có hiệu quả rất tốt. “Tuy chưa thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của sản phẩm đối với việc trồng rừng nhưng rõ ràng sản phẩm đã giúp cây sống tốt trong các điều kiện khắc nghiệt của đất đai và khí hậu nơi đây”, chị khẳng định về chất lượng của sản phẩm.
Quay lại câu chuyện quảng bá sản phẩm, anh Tùng cho biết: “Quảng bá được sản phẩm tới đại đa số người sử dụng, đặc biệt là tới các hộ nông dân đối với chúng tôi là một việc rất khó”. Cái khó ở đây trước hết là từ việc chưa có các kiến thức, kinh nghiệm trong quảng bá sản phẩm, rồi đến khả năng tài chính hạn hẹp không cho phép thuê các đơn vị marketing chuyên nghiệp bên ngoài.
Do qui mô sản xuất hiện chưa lớn lắm (vẫn giữ ở mức công suất 100 tấn/năm của dự án sản xuất thử nghiệm), cộng thêm các yếu tố không ổn định như trên đã nói, việc sản xuất sản phẩm polyme hiện vẫn khá phập phù, chủ yếu dựa vào các đơn đặt hàng từ khách hàng. Như vậy, mặc dù nói là sản phẩm đã được “thương mại hóa” nhưng rõ ràng sản phẩm vẫn chưa thể ra được thị trường theo đúng nghĩa của nó. “Có những đơn vị đặt hàng chúng tôi những lô sản phẩm lên tới hàng trăm tấn. Nhưng chúng tôi không dám nhận vì rủi ro cao”, chị Phạm Thị Thu Hà, một thành viên khác của dự án nói thêm.
Rủi ro ở đây chính là việc các nhà khoa học và đối tác không thể mở rộng được qui mô sản xuất khi thị trường thực sự chưa ổn định.
Một doanh nghiệp khoa học: tại sao không?
Chúng tôi cũng đã thử đặt câu hỏi: tại sao các nhà khoa học không thành lập một doanh nghiệp khoa học trực thuộc viện để kinh doanh sản phẩm? Câu trả lời là: “Viện Hóa học cũng đã nghĩ tới điều này, đã họp để triển khai nhưng lại không thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau”, một cán bộ tham gia dự án cho biết. Mà một trong các lý do đó là tỉ lệ phần trăm doanh thu phải nộp lại cho Viện. “Chưa kinh doanh mà đã bàn đến chuyện đó thì quả là khó làm”, cán bộ kia nói.
Ngoài ra, câu trả lời của các nhà khoa học tham gia dự án thường là: “Chúng tôi không biết nhiều đến kinh doanh”. Quả thật, những công việc như đăng ký chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, thuế… thực sự là những rắc rối cho những người vốn chỉ có các kiến thức nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nhưng khi được hỏi nếu quyết tâm thành lập doanh nghiệp, liệu các nhà khoa học có muốn tham gia các lớp học về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp thì họ lại chần chừ: “Chúng tôi đã học rất nhiều thứ về chuyên môn, học thêm về kinh doanh thì…”.
Trở lại với câu chuyện của dự án sản xuất thử nghiệm, anh Tùng cho biết: “Không mấy người và không nhiều đơn vị muốn làm các dự án triển khai sản xuất vì nó đòi hỏi đầu tư tài chính lớn, rồi nhà xưởng, thiết bị, con người…”. Chính vì vậy, để quá trình thực hiện dự án được tốt hơn và các nhà khoa học có kinh phí để tiếp tục tính đến giai đoạn thương mại hóa sản phẩm, anh Tùng đề nghị: “Nhà nước nên hỗ trợ 100% kinh phí cho các dự án sản xuất thử nghiệm, không nên thu hồi lại vốn”.
Tuy vậy, các nhà khoa học tham gia dự án sản xuất thử nghiệm mà chúng tôi gặp đều đồng tình rằng việc thành lập một doanh nghiệp khoa học để kinh doanh các sản phẩm do Viện Hóa học nghiên cứu ra (không chỉ sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước) là một việc khả thi. Và, dường như công việc này cũng đang được rậm rịch thực hiện…
Lời kết
Sản phẩm polyme siêu hấp thụ nước chỉ là một trong số rất nhiều các sản phẩm được hình thành từ các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước (xem chi tiết ở phần sau). Từ ví dụ cụ thể này, có thể không mang tính đại diện cho tất cả các sản phẩm nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề trong quá trình biến một sản phẩm nghiên cứu ứng dụng thành một sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, một sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng chỉ thực sự hiệu quả khi nó bán được (hay tiêu thụ được) trên thị trường. Để làm được điều này, chắc chắn ngay từ khi hình thành ý tưởng nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần phải tính kỹ được đầu ra, tốt nhất là liên kết chặt chẽ với một doanh nghiệp hay hình thành một doanh nghiệp khoa học sau khi nghiên cứu thành công. Cách làm thông thường hiện nay, tức là chỉ sau khi nghiên cứu ra được sản phẩm thì mới tìm cách tiếp cận thị trường thì khó có thể đạt được hiệu quả thực, trừ những sản phẩm nghiên cứu xuất sắc, phù hợp với thị trường và được doanh nghiệp bên ngoài thực sự quan tâm…