Cơ chế xét duyệt công bằng, minh bạch sẽ cho sản phẩm khoa học chất lượng cao
Phát biểu tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2017 tại Hà Nội sáng 18/5/2017, PGS.TS Nguyễn Sum (Khoa Toán, ĐH Quy Nhơn) nhấn mạnh, sự tài trợ của Quỹ NAFOSTED với cơ chế xét duyệt minh bạch, dân chủ và công bằng, cùng với việc đánh giá khắt khe và yêu cầu cao đối với chất lượng của các sản phẩm đã tạo điều kiện cho ông thực hiện việc nghiên cứu nghiêm túc nhất, để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao nhất.
PGS.TS Nguyễn Sum tại Nhật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Dưới đây là toàn văn phát biểu của PGS.TS Nguyễn Sum*:
Kính thưa các quý vị,
Tôi được biết đến GS Tạ Quang Bửu không những là nhà khoa học xuất sắc mà ông còn là nhà quản lý tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Khoa học – Công nghệ và Giáo dục – Đào tạo của nước nhà. Những đóng góp của ông có những tác dụng lâu dài đối với sự phát triển của nền khoa học, Giáo dục và Đào tạo mà cá nhân tôi cũng là người được thừa hưởng từ những thành quả đó trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Vì vậy, hôm nay tôi rất vinh dự khi được nhận giải thưởng khoa học Tạ Quang Bửu danh giá này.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức giải thưởng, đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã tài trợ cho công trình này. Tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng khoa học ngành Toán của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng giải thưởng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã tin tưởng trao cho tôi vinh dự lớn lao này. Đặc biệt, tôi còn hạnh phúc nhiều hơn khi công trình mà nhờ nó tôi được nhận giải thưởng là công trình tôi đề tặng ngày sinh nhật thứ 60 của thầy hướng dẫn chính của tôi, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng.
Quá trình học tập và công tác của tôi là một chuỗi tháng, năm đầy khó khăn và vất vả. Tôi học 8 lớp học đầu tiên vào những năm chiến tranh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam (1967-1975), hầu như không có năm nào được học hành trọn vẹn, năm sau phải tự học để bù đắp những kiến thức bị mất ở năm trước. Sau ngày Miền Nam được giải phóng, vào năm 1979, tôi được vào học ở Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn là một niềm vui lớn lao của cả gia đình tôi, mặc dù lúc đó Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn mới vừa tròn 2 tuổi. Giảng viên giảng dạy tôi là các cử nhân mới tốt nghiệp, được điều động từ các trường Đại học ở Miền Bắc vào công tác tại Trường. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những người thầy của tôi cũng trang bị cho tôi một nền tảng kiến thức đủ vững chắc để có thể hoàn thành các khóa học sau đại học sau đó tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Điều may mắn và thuận lợi đầu tiên mà tôi có được là khi làm NCS, tôi được sự hướng dẫn GS Nguyễn Hữu Việt Hưng và PGS Huỳnh Mùi, những người thầy đã chỉ cho tôi một hướng nghiên cứu hiện đại, ngang tầm với quốc tế. Những người thầy đã dạy cho tôi cách làm khoa học một cách chân chính và truyền cho tôi một nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trong nghiên cứu và cuộc sống trong thời kỳ bao cấp lúc bấy giờ. Những điều đó đã giúp cho tôi không ngại khó khăn vất vả trong nghiên cứu khoa học sau này, để đạt được kết quả của ngày hôm nay. Tôi luôn luôn ghi nhớ công ơn của hai Thầy.
Điều may mắn thứ hai tôi có được là vào năm 2009, sau khi tôi được nghỉ làm công tác quản lý để có thể tập trung trọn vẹn thời gian vào việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cũng là lúc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) ra đời. Chính nhờ sự tài trợ của Quỹ với cơ chế xét duyệt minh bạch, dân chủ và công bằng, cùng với việc đánh giá khắt khe và yêu cầu cao đối với chất lượng của các sản phẩm nên đã giúp cho tôi cũng như các đồng nghiệp thực hiện việc nghiên cứu nghiêm túc nhất, để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao nhất. Điều đó cũng giúp cho tôi trở lại mạnh mẽ với việc nghiên cứu khoa học sau một thời gian dài (15 năm) làm công tác quản lý, và giúp cho tôi đạt được một số thành công như hiện nay.
Việc trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho tôi, một người đang làm việc tại một trường đại học ở một thành phố nhỏ, Quy Nhơn, là một sự khích lệ, động viên lớn không những cho cá nhân tôi mà còn cho tất cả giảng viên ở trường Đại học Quy Nhơn nói riêng và các trường đại học ở các địa phương nói chung, có thể tự tin nhiều hơn để phấn đấu trên con đường nghiên cứu khoa học, đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp chung, phát triển khoa học công nghệ và xây dựng đất nước.
Được nhận giải thưởng danh giá này, mặc dù tuổi của tôi hiện nay đã nằm ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình trong nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học để đóng góp những kết quả có chất lượng tốt, xứng đáng với vinh dự mà tôi được nhận hôm nay.
Xin chân thành cảm ơn các quý vị đã lắng nghe.
* Tiêu đề do Tia Sáng đặt.