Cơ hội từ chiếc điện thoại di động

Trong khi không ít chuyên gia và nhà khoa học hiện nay vẫn đang kêu gọi thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm máy tính ở Việt Nam, thì Nguyễn Xuân Tài – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Thông tin Naiscorp– lại cho rằng cơ hội phát triển ngành này đã qua, khi mà “sản lượng máy tính đã giảm 30% trong vòng từ 2009 đến nay, và sẽ còn giảm nữa”. Vì vậy, theo anh, chỉ còn một cơ hội phát triển ngành phần mềm ở Việt Nam, đó là ứng dụng trên điện thoại di động.


Điện toán đám mây và hồi kết cho một chu kỳ thịnh vượng của PC?

Trong thời kỳ đầu tiên, máy tính hoạt động theo cách điện toán tập trung, trong đó mọi dữ liệu và phép tính được thực hiện tại một main-frame, trong khi người dùng truyền lệnh và xem kết quả thông qua terminal gồm màn hình và bàn phím. Sau thời kỳ điện toán tập trung là thời kỳ điện toán phân tán ra các máy tính cá nhân, bắt đầu từ thập kỷ 1980 tới tận sau những năm 2000. Khi ấy, người ta từng nghĩ không cần main-frame và điện toán tập trung nữa mà chỉ cần các server.

Nhưng thực tế cho thấy xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên thế giới càng ngày càng cá nhân hóa hơn. Trong khi đó, máy tính cá nhân lại không có được sự nhỏ gọn như điện thoại di động để đi đâu cũng mang theo được. Con người không thể luôn mang theo một vật nặng như PC, trong khi họ cần một dung lượng lớn dữ liệu bên mình.

Đây chính là thời kỳ cuộc cách mạng lại quay vòng trở lại với mô hình cũng là điện toán tập trung, nhưng ở một bước phát triển cao hơn, tức điện toán đám mây. Đám mây tương tự như main-frame, là nơi lưu giữ mọi dữ liệu và xử lý mọi phép tính. Điều này giúp điện thoại di động phát huy tối đa lợi thế của nó.

“Mỗi một thiết bị điện thoại, bản thân nó là một cái máy tính”, theo nhận xét của Nguyễn Xuân Tài, “thậm chí điện thoại bây giờ có thể mạnh gấp 3 lần máy tính năm 1999”. Tiến bộ công nghệ khiến xu hướng phát triển nghiêng về phía điện thoại và các thiết bị di động là không thể cưỡng lại. Mỗi một thiết bị như iPad, Galaxy Tab, iPhone và các máy điện thoại Android v.v, đều là những terminal của đám mây. Các hãng công nghệ lớn như Apple tích hợp thẳng đám mây vào điện thoại iPhone 4S, đặt tên là iCloud. Xu hướng phổ biến này của thế giới là tất yếu. Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã có một vài chương trình liên quan đến tích hợp đám mây trong khuôn khổ KC 01.

Tận dụng thời cơ

Naiscorp là một công ty nhỏ và vừa đi tiên phong trong việc áp dụng điện toán đám mây. Từ năm 2007 họ đã cho ra một phần mềm tìm kiếm trên điện thoại di động mang tên Socbay Mobile Search. Ban đầu, đây chỉ là một giao diện kết nối tới server cho phép người sử dụng gửi câu hỏi truy vấn qua phần mềm này trên điện thoại, đồng thời nhận kết quả cũng trên điện thoại sau khi tất cả được xử lý trên các đám mây.

Giám đốc Nguyễn Xuân Tài khẳng định rằng người sử dụng Socbay Mobile Search có thể cảm thấy tốc độ của nó rất nhanh, do Naiscorp đã sử dụng một công nghệ đặc biệt do họ tự thiết kế. Tới nay, phần mềm của công ty đã phát triển tới phiên bản thứ tư, có tên gọi Socbay iMedia, đạt tổng cộng 9 triệu lượt tải trong nước và 200 nghìn lượt tải từ nước ngoài.

Thành công của Naiscorp – một doanh nghiệp trẻ được thành lập từ năm 2006 xuất phát từ ý tưởng của năm sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Bách Khoa – là một bất ngờ. Phần mềm tìm kiếm bằng tiếng Việt trên điện thoại di động của họ khi mới ra đời (2007-2008) dù nhận những lời khen ngợi của giới công nghệ thông tin cũng như các giải thưởng trong nước cho tính sáng tạo và chất lượng sản phẩm, nhưng đa số đều nghi ngờ tính khả thi khi áp dụng vào thực tế kinh doanh. Ít người tin vào triển vọng thành công ở Việt Nam của một phần mềm nội địa, trong đó buộc người sử dụng phải bỏ tiền mua1, phải cài đặt vào điện thoại di động, trong khi phí GPRS tại thời điểm ấy còn rất cao. 

Hệ sinh thái dành cho điện thoại di động

Một điện thoại thông minh gồm có 2 phần : phần cứng là thiết bị, và phần mềm là hệ điều hành phục vụ cho các nhu cầu của con người. Nhà sản xuất điện thoại không thể chế tạo riêng các phần mềm cho từng nhu cầu mỗi cá nhân. Thay vào đó, người sử dụng tự mua các phần mềm mà mình có nhu cầu qua một hệ sinh thái, gọi là mobile system. Đây là khái niệm mới với thế giới nhưng người Nhật Bản đã có từ cách đây 13 năm. Apple hay bất kỳ hãng sản xuất điện thoại thông minh nào trên thế giới đều học theo hệ thống này của Nhật Bản. Hệ thống sinh thái (eco system) dành cho điện thoại di động xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản bao gồm nhà mạng (network operator), nhà sản xuất thiết bị, và nhà cung cấp nội dung. Trong hệ sinh thái đó, người sử dụng sẽ bị buộc vào, họ vừa phải mua thiết bị, vừa sử dụng phần mềm trên điện thoại, trả tiền cho nhà cung cấp cũng như các nhà mạng.
Có thể coi hệ sinh thái xoay quanh điện thoại di động là một thế chân vạc giữa nhà sản xuất thiết bị, nhà mạng, và nhà cung cấp nội dung, vì các bên đều cần đến nhau một cách mật thiết, và không bên nào có thể đảm nhiệm hết được phần việc của bên kia. Đây chính là yếu tố giúp đảm bảo các nhà cung cấp nội dung cho điện thoại di động một cơ hội kinh doanh lâu dài.  
                              Nguyễn Xuân Tài – CEO của Naiscorp

Tuy nhiên, nhóm của Nguyễn Xuân Tài vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu của mình. Quan điểm của họ là xu hướng gia tăng sử dụng các phần mềm trên điện thoại di động không thể bị đảo ngược vì tính tiện dụng và gắn kết cao của thiết bị với cá nhân người sử dụng. Đặc biệt, như Tài cho biết, vào thời điểm ấy họ đã có niềm tin chắc chắn rằng internet tất yếu sẽ sớm phổ cập cho điện thoại di động ở Việt Nam, bởi vì “internet là một tiện ích phục vụ nhu cầu cơ bản của con người, giống như sóng điện thoại”. 

Thực tế chứng minh rằng Tài và nhóm Naiscorp đã đúng. Chỉ trong vòng một tháng đầu tiên sau khi ra mắt, sản phẩm của họ đạt 20 nghìn lượt tải, dù giá của mỗi lượt tải là 15 nghìn VND. Đây là động lực ban đầu rất đáng kể để nhóm tiếp tục phát triển sản phẩm của mình. Theo Tài thì phần mềm tìm kiếm của nhóm đã đáp ứng đúng theo tiêu chí đặt ra từ đầu là “phục vụ tất cả mọi người, hằng ngày, ở ngay trong túi, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, chia sẻ thông tin một cách nhanh nhất”. Vì vậy, Naiscorp đã nhanh chóng giành được các hợp đồng với các nhà mạng, với những sản phẩm như M- Search cho Mobile Phone, Vina- Search cho Vina phone, hay VTC iMedia (sản phẩm hợp tác giữa Naiscorp và VTC Intercom) và Socbay Mobile Search. Xoay quanh sản phẩm cốt lõi là công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt, hiện nay Naiscorp đã mở rộng ra 13 phần mềm khác nhau.

Thành công của Naiscorp không chỉ được biết đến trong nước mà còn được quốc tế quan tâm. Tháng 5 năm 2011 vừa qua, Naiscorp là một trong 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tú trên thế giới được InfoDev – một chương trình hợp tác toàn cầu của Ngân hàng Thế giới có chức năng hỗ trợ các quốc gia trong cải tiến, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa đói giảm nghèo – ghi nhận, và sau đó trao giải thưởng Top 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu do InfoDev bình chọn.

Chìa khóa tri thức và những nỗ lực đúng hướng

Việc một doanh nghiệp trẻ được thành lập bởi năm sinh viên mới ra trường, chỉ sau 5 năm đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đứng trong danh sách 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới được InfoDev tôn vinh đã thể hiện sự nhạy bén trong lựa chọn định hướng phát triển công ty.


Naiscorp trong số 20 doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới được InfoDev bình chọn trong Top 20 SME

Đối với một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ như Naiscorp, mọi định hướng phát triển đều phải dựa trên một nền tảng tri thức và lao động nghiêm túc. Sản phẩm chiến lược của công ty, công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt, là kết quả nghiên cứu của năm thành viên sáng lập – Nguyễn Xuân Tài, Hồ Minh Đức, Lê Văn Hùng, Đinh Nho Nam, Nguyễn Hoàng Trung – từ năm 2002, khi họ còn là sinh viên đại học. Dự án này đã đủ sức thuyết phục được tập đoàn IDG Venture đầu tư2, chỉ một tháng sau khi doanh nghiệp Naiscorp ra đời. Và chỉ hai tháng sau đó, Naiscorp đã khẳng định được sự đầu tư của IDG Venture là xứng đáng, khi công nghệ xử lý tiếng Việt của Naiscorp được Google quan tâm tiếp cận.

Không dừng lại với những thành công đã đạt được, Naiscorp vẫn tiếp tục nỗ lực đổi mới, mà điển hình là việc quyết định chuyển hướng sang làm ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động vào năm 2008, trong bối cảnh lĩnh vực này ở Việt Nam khi đó hầu như chưa có.

“Có thể nói, đó là thời điểm rất sớm, sớm nhất trong các công ty về online. Chúng tôi không thể đấu được với Google [trong lĩnh vực phát triển công cụ tìm kiếm trên máy tính], chính vì vậy, chúng tôi tìm cơ hội trên điện thoại di động”, Tài cho biết.

Sự nhạy bén và không ngại đột phá của Naiscorp đã giúp doanh nghiệp nhỏ này đi trước các doanh nghiệp khác của Việt Nam tới hai năm. Phải tới năm 2010 trên thị trường mới bắt đầu xuất hiện các công ty khác phát triển phần mền trên điện thoại di động, như Felix Studios hay Tinh Vân, bên cạnh các nhà mạng và ông lớn về công nghệ thông tin ở Việt Nam như FPT.

Nhưng theo giám đốc Nguyễn Xuân Tài, “hoạt động kinh doanh ứng dụng trên Internet luôn có một nguyên tắc là người đi đầu là người nhận được sự chú ý, lợi thế nhất định. Naiscorp đã đi trước các đổi thủ cạnh tranh 2 năm trên thị trường, đó là một lợi thế về kinh nghiệm rất quý báu cho công ty tại Việt Nam”. Đối với các đối thủ quốc tế mới xuất hiện như Snaptu, Tài tỏ ra khá tự tin, cho rằng họ không thể cạnh tranh được với Naiscorp về phát triển và ứng dụng công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt. 


Đa số nhân viên của Naiscorp đều còn rất trẻ

Tuy nhiên, cũng theo Tài, để duy trì lợi thế thì “người đi đầu phải luôn chuyển động, luôn phát triển con đường mình đã và đang theo đuổi”, tức là liên tục tìm cách đổi mới, bổ sung cho tri thức của mình.

Cần nhìn xa hơn lợi ích của cá thể riêng lẻ

Theo Nguyễn Xuân Tài, một  điểm yếu cơ bản của cộng đồng các nhà cung cấp ứng dụng trên điện thoại di động ở Việt Nam là chưa đủ mạnh để tạo thành thế chân vạc với nhà sản xuất thiết bị nước ngoài và nhà mạng trong nước. Họ làm việc chủ yếu một cách riêng lẻ, sức mạnh bị phân tán, vì thế khả năng hợp tác cùng phát triển và tận dụng các cơ hội bị hạn chế đáng kể. Hệ quả là còn nhiều nhu cầu tiện ích của người sử dụng vẫn đang để ngỏ chưa được đáp ứng và khai thác.

Trong khi đó, trên thế giới đã có những cộng đồng các nhà cung cấp ứng dụng trên điện thoại di động trong đó các thành viên hợp tác tương trợ lẫn nhau. Ví dụ như Mobile Monday, một cộng đồng các chuyên gia, những người yêu thích sáng tạo ứng dụng trên điện thoại di động ở 124 lãnh thổ và thành phố trên thế giới. Với mục tiêu xây dựng một cộng đồng nhà cung cấp ứng dụng trên điện thoại di động ở Việt Nam, Naiscorp đã đứng ra đóng vai trò là đại diện của Mobile Monday ở Việt Nam. Bắt đầu từ tháng 9 tới nay, Naiscorp đã tham gia tổ chức 3 buổi gặp mặt của Mobile Monday tại Hà Nội và Sài Gòn, và dự kiến cuối tháng 12 này sẽ tổ chức chương trình tiếp theo.

Một khi đã hình thành nên một cộng đồng mạnh, Naiscorp dự kiến sẽ hợp tác với các nhóm khác đề cùng tìm các cơ hội phát triển. Với kinh nghiệm của mình, công ty sẽ đóng vai trò phân phối lại phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động của các nhóm khác, hoặc cùng hợp tác tạo ra những sản phẩm đáp ứng các nhu cầu của xã hội.

Theo nhận định của Tài, các sản phẩm ứng dụng trên điện thoại di động của Việt Nam đa phần vẫn là các tiện ích giải trí, chưa có những dòng sản phẩm mang ý nghĩa kinh tế xã hội đáng kể. Trên phương diện này, Tài cho rằng Việt Nam không cần phải học đâu xa, mà hãy học hỏi kinh nghiệm ở chính những quốc gia có điều kiện gần với Việt Nam, ví dụ như Kenya. Kenya có tiềm lực kinh tế khá khiêm tốn, nhưng ngành công nghiệp phần mềm trên điện thoại di động lại rất phát triển, với những sản phẩm được châu Âu hết sức quan tâm. Đặc biệt theo Tài cho biết, ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động ở đây có sự gắn kết mật thiết với thực tế đời sống, hỗ trợ đắc lực cho nông dân trong kinh doanh và sản xuất. Điển hình như phần mềm M-Farm giúp nông dân Kenya có thể theo dõi chính xác giá cả nông phẩm ở các địa phương khác nhau, thậm chí giúp họ kết nối, cùng nhau xây dựng kế hoạch và triển khai mua nguyên liệu đầu vào, bán sản phẩm đầu ra, đảm bảo được lợi ích tối ưu cho nông dân và tăng sự thuận tiện cho các đại lý và khách hàng.

Những thành công đầy tính thiết thực ở Kenya có thể cho thấy còn rất nhiều cơ hội từ chiếc điện thoại di động mà các nhà cung cấp phần mềm ở Việt Nam có thể tận dụng, nếu như chúng ta có thêm những doanh nghiệp nhỏ và vừa với sự chủ động đầu tư phát triển bài bản đúng hướng như Naiscorp, đặc biệt là khi họ có ý thức hợp tác kết nối sức mạnh để cùng xây dựng một cộng đồng đa năng linh hoạt, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu hiện nay của thực tế đời sống. 
                            P.V
——————–
1 Bắt đầu từ năm 2009 phần mềm Socbay iMedia cho phép người sử dụng tải miễn phí
2 Tham khảo bài đã đăng trên Tia Sáng:
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=43&News=3361

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)