Colma ở California: thành phố của người chết

Đầu thế kỷ 20 ở San Francisco có một địa danh hầu như chỉ có các nghĩa địa, một "Necropolis" (thành phố người chết) - Colma. Colma hình thành nhờ các cơn sốt vàng và bệnh dịch tả.

Những ngôi mộ tại Colma

“Thật là tuyệt khi được sống ở Colma” – đó là câu nói cửa miệng ở đây, nơi này cách trung tâm San Francisco chừng 10 km về phía nam. Thoạt nghe thì câu nói này có vẻ như là nói tào lao cho vui. Địa danh nhỏ bé này nép mình giữa những đồi cỏ với các câu lạc bộ golf, thi thoảng có những làn sương mù lạnh lẽo từ bờ biển Thái Bình Dương lướt qua. Tại đây người ta không cảm nhận được sự hối hả, náo nhiệt của một thành phố lớn, nơi này thật yên tĩnh, rất yên tĩnh.

Sự tĩnh lặng này là do cư dân ở đây tạo ra. Trong số khoảng trên 1,5 triệu người ở Colma thì chỉ có khoảng  0,1% là những người đang sống.

“Chúng tôi có thể khẳng định nơi này là một necropolis (thành phố người chết) duy nhất ở Hoa kỳ”, bà Maureen O’Connor, chủ tịch Hội Lịch sử Colma nói đầy vẻ tự hào, “đây là thành phố duy nhất mà các nghĩa trang được quan tâm hàng đầu.”

Quả thật thành phố có nhiều nghĩa trang. Một nghĩa trang Công giáo, một nghĩa trang Chính thống giáo của những người Hy Lạp, một nghĩa trang Nhật Bản, nghĩa trang dành cho người Serbia, một nghĩa trang Italia và bốn nghĩa trang của người Do Thái. Tổng cộng gồm 18 nghĩa trang – nếu tính cả nghĩa trang dành cho thú cưng. Ở nghĩa trang dành cho thú cưng có 13.000 gia súc, từ cá vàng cho tới Geparden. Trong đó có con chó của Tina Turner, nó được bọc trong cái áo lông của cô ca sĩ này để sang thế giới bên kia. 

Tuy nhiên nó không phải là “nhân vật” nổi tiếng duy nhất trong long đất Colma: Huyền thoại Wild-West Wyatt Earp yên nghỉ tại đây, ngoài ra còn có ông trùm truyền thông William Randolph Hearst và Levi Strauss, người phát minh ra quần Jeans.

Tại đây đâu đâu cũng có sự hiện diện của cái chết. Các khối đá hình vuông, các cây thánh giá làm bằng đá cẩm thạch, các pho tượng tiên nữ xếp ngăn nắp, quy củ theo đúng hàng lối toả ra bốn phương trời, đây đó cũng có vài ba lăng tẩm. Chỗ nào còn chỗ là y như rằng bị người chết lấn chiếm, tuy nhiên cũng có chỗ người ta không nhận ra sự lấn chiếm đó: thí dụ ở góc Colma Boulevard và El Camino Real có một khoảng đất trống nhỏ bé cỏ mọc xanh um. Thoạt trông người ta tưởng đây là một mảnh đất để xây dựng còn bỏ trống, trong thực tế đây là nghĩa trang của người nghèo nơi này chôn cất gần 12 nghìn người không có của nả và bia mộ cũng chẳng có. Ngay đoạn giữa chợ xây dựng của địa phương và siêu thị có một miếng đất, nơi này có một bia đá đánh dấu đây là mộ tập thể của khoảng 28 nghìn người.

Tuy nhiên điều đặc biệt ở Colma không phải là con số người chết. Không phải con số trung bình mỗi ngày thành phố này tiếp nhận khoảng 78 “cư dân mới” được đưa vào lòng đất, cũng không phải vì Colma là địa phương có luật giao thông ưu tiên cho xe đám ma. Điều đặc biệt là phần lớn trong số 1,5 triệu cư dân có nơi an nghỉ cuối cùng tại đây là những người đã từng an nghỉ ở những nơi khác. Cho đến khi vật giá leo thang buộc họ phải rời bỏ nơi an nghỉ đó để đến đây.

Có nhiều lý do để Colma trở thành thành phố nghĩa trang, mọi sự bắt đầu từ tháng giêng 1848. Khi đó người ta xây dựng một nhà máy cưa xẻ gỗ mới ở Colma thuộc Sacramento bang California. Ông thợ mộc James Wilson Marshall bất ngờ phát hiện ở American River vài miếng vàng vụn – từ đó bùng lên cơn sốt vàng ở California.

Thành phố của người chết: thiên đường của những người thợ đẽo đá

Hàng vạn người đổ về California với ước vọng làm giàu từ vàng, nhiều người trụ lại ở thị trấn cảng nhỏ bé San Francisco. Vùng eo biển này sau đó mang tên “Cổng vàng”. Năm 1848 thị trấn này mới có khoảng một nghìn dân, sau một năm đã tăng lên thành 25.000.

Dân ngụ cư đổ về mang theo nhiều vấn đề mới, đó là bệnh tật như bệnh dịch tả, thương hàn hay bệnh sốt vàng da. Thành phố quá chật chội lại không có điều kiện chữa chạy và điều kiện vệ sinh hết sức tồi tệ. Như vậy là bên cạnh việc nỗ lực chăm lo cho cư dân mới tới San Francisco còn phải lo xử lý số người chết ngày một nhiều.

Ngay cả người chết cũng rơi vào cảnh tù túng chật chội. Ở Mỹ, đất mồ mả không cho thuê có thời hạn mà bán đứt vĩnh viễn cho người mua. Vì thế  ở San Francisco diện tích đất nghĩa trang ngày một lớn hơn, cuối cùng thành phố có tổng cộng  27 nghĩa trang.

Sau cao trào bùng nổ dân di cư, ngay cả sau khi cơn sốt vàng giảm nhiệt rồi tắt hẳn vào năm 1854 nhu cầu về đất dành cho người sống cũng không ngừng tăng lên. Nhà cầm quyền thành phố cảnh báo về “những luồng khí vô hình” bốc lên từ các nghĩa trang và “khí độc này có thể gây chết người” . Luồng khí này đặc biệt nguy hiểm  “đối với trẻ con và những người phụ nữ gầy yếu”, theo tờ “SF Weekly”. Năm 1900 người ta đã cấm không được mở rộng các nghĩa trang thành phố, từ năm 1902 bắt đầu cấm không được chôn cất trong địa giới thành phố. Các nhà điều hành, khai thác nghĩa trang đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Một nhóm các tổ chức, trong đó có nhiều nhà thờ mua đất ở phía nam San Francisco để xây dựng nghĩa trang mới. Trong khi nhiều nghĩa trang thành phố thiếu sự quan tâm chăm sóc, nơi này lại thu hút các thành phần bất hảo trong khi đó các nghĩa trang mới được xây dựng như công viên nghĩa trang. Đường đi phong quang, có nhiều cây xanh và bãi cỏ cắt tỉa đẹp mắt. Những người thợ làm vườn và kiến trúc sư phong cảnh không những đã xây dựng nghĩa trang thành nơi uy nghi và trang nghiêm dành cho người quá cố mà còn biến nơi này thành địa điểm thư giãn, nghỉ ngơi cho người dân thành phố.

Tháng giêng 1914 thành phố San Francisco lại một lần nữa phải cân nhắc và cho rằng: “Không có cảm giác nào đáng kính hơn là  sự trân trọng người đã khuất”, thị trưởng Jim Rolph tuyên bố – tuy nhiên chính phủ phải “quan tâm nhiều hơn tới người đang sống hơn là đối với người chết”. Thị trưởng Rolph đã ký luật cải táng những người chết ở San Francisco và chuyển tới các nghĩa trang xa hơn.

Đây là một dự án khổng lồ kéo dài nhiều thập niên: đến năm 1941 người ta đã bốc và di chuyển 150.000 người chết – việc di chuyển diễn ra qua tuyến đường sắt mà hiện nay tuyến đường này phục vụ hệ thống  tầu nhanh.

Trong khi đó thành phố San Francisco không ngừng phát triển và lớn mạnh, vành đai của thành phố giờ đây đã vươn gần tới địa phận của các nghĩa trang mới. Liệu những người chết mới được bốc mộ và chuyển đến nơi ở mới nay có phải tái cải táng một lần nữa? Các nhà điều hành nghĩa trang tìm cách  ngăn cản việc di rời này bằng một biện pháp không bình thường: Họ viện dẫn luật thành phố. Năm 1941 người ta đã đặt tên cho địa phận nhỏ bé này là “Colma”.

Đầu tiên cư dân sinh sống tại đây chủ yếu là những người làm nghề xe đòn đám ma, thợ đá, phu đào huyệt, và có thể còn có một số người làm nghề bán hoa phục vụ tang lễ. Giờ đây thành phần cư dân có nhiều thay đổi, có trung tâm mua sắm Toys “R” Us, sòng bạc “Lucky Chances”, đại lý bán xe ô tô và thậm chí còn có cả quán rượu. Khách vãng lai đến đây chủ yếu là khách đưa tang hoặc những người đến thăm thân nhân quá cố. Tuy nhiên các nghĩa trang ở Colma vẫn chiến tới 73% diện tích thị trấn. Điều này không làm những người dân sống tại đây phải  lăn tăn. Bà Pat Hatfield, một cư dân tại đây nói “chúng tôi coi các nghĩa trang ở đây như một công viên. Chúng tôi picnic ở đây, đi dạo cũng ở đây. Bọn trẻ chạy chơi ở đây, các nghĩa trang  đơn giản đã trở thành một phần thuộc về chúng tôi.”

Ngược lại ở San Francisco công viên là công viên – tuy vậy người chết vì một lý do nào đó vẫn là một phần của thành phố này, mặc dù thành phố đã đào bới và tống khứ họ đi. Thí dụ khi ta đi dạo trong công viên Buena Vista và nhìn xuống mặt đất sẽ thấy những tấm lát bị sẻ dọc, nửa kia hình bán nguyệt, đây nguyên là những tấm lát cho khách bộ hành. Và  nếu cúi xuống nhìn vào các rãnh nước đôi khi ta thấy có những viên  đá với con số đề ngày tháng hay một phần của một cái  tên.

Đầu thế kỷ 20 khi thành phố bắt đầu bán tháo khoán các ngôi mộ chính quyền yêu cầu thân nhân của người chết trả một khoản tiền là 10 đôla cho việc chuyển xác chết và mộ chí. Không phải ai cũng có tiền thanh toán. Tất cả được vận chuyển ra khỏi thành phố và được đưa vào một ngôi mộ tập thể. 

Còn điều gì đã xảy ra với bia mộ, ngày nay người ta vẫn thấy dưới các máng nước ở  San Francisco. Hay ở một số vùng ven biển có những đoạn người ta gia cố đê kè chắn song có khi còn thấy dấu vết của bia mộ và đôi khi người ta còn đọc được mấy hàng chữ trên những phiến đá cẩm thạch nằm chỏng trơ ven biển.

Nguyễn Xuân Hoài dịch

Nguồn: http://www.spiegel.de/fotostrecke/colma-in-kalifornien-friedhoefe-mit-stadtrecht-fotostrecke-160078-2.html

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)