Con đường công nghiệp hóa của Việt Nam

Kỳ 2: Chiến lược công nghiệp hóa trong bối cảnh Đông Á hiện nay. Trong kỳ truớc ta đã thấy sự phân công lao động tại vùng Đông Á đã thay đổi như thế nào, thách thức và cơ hội đối với Việt Nam là gì, vị trí của công nghiệp Việt Nam đang nằm ở đâu và những lãnh vực nào là lợi thế so sánh của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để phát huy tiềm năng và tăng năng lực cạnh tranh của nền công nghiệp, Việt Nam cần có chiến lược như thế nào?

Nội lực, ngoại lực và chiến lược liên kết doanh nghiệp
Nội lực và ngoại lực vừa có thể được đánh giá trên bình diện vĩ mô (vị trí của hai nguồn lực trong nền kinh tế quốc dân) vừa có thể được đánh giá qua kết quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (doanh nghiệp FDI). Nhưng hai loại doanh nghiệp này không phải lúc nào cũng hoạt động độc lập mà bổ sung nhau trong nhiều trường hợp, đặc biệt là nếu có chính sách, chiến lược đúng đắn thì sẽ có tác động tích cực từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp vốn trong nước.
Trên phương diện phân tích kinh tế, đất đai, lao động và tư bản là những yếu tố sản xuất chính, nhưng những nguồn lực (resources) khác như công nghệ, tri thức quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức, v.v., còn quan trọng hơn. Để phân tích được, ở đây ta cần giới hạn vào những nguồn lực mà nội lực và ngoại lực có quan hệ mật thiết với nhau, hoặc bổ sung hoặc thay thế. Những nguồn lực như vậy có thể gồm tư bản, công nghệ, năng lực quản lý, kinh doanh. Cùng với vốn và công nghệ, năng lực quản lý và khả năng kinh doanh là những yếu tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp và được gọi chung là nguồn lực kinh doanh. Như vậy, vốn, công nghệ và nguồn lực kinh doanh là ba yếu tố quan trọng để kinh tế phát triển và cũng là những yếu tố nhìn được cả hai mặt nội lực và ngoại lực.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là kênh quan trọng nhất tổng hợp được hết các nguồn ngoại lực. Chính sách khôn ngoan là tận dụng tối đa FDI để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh liên kết (linkage) giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, một hình thức dùng ngoại lực để tăng nội lực. Hình thái liên kết phổ biến nhất với công ty FDI là liên kết hàng dọc, trong đó công ty trong nước tạo quan hệ ổn định để cung cấp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, qua đó được các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý. Việc liên kết này càng được mở rộng sẽ làm cho nền công nghiệp cả nước càng tiến về thượng nguồn trong chuỗi giá trị.

Trên thực tế, đánh giá FDI tại Việt Nam trên bình diện vĩ mô và phân tích cụ thể hai ngành may mặc và lắp ráp xe máy, ta thấy Việt Nam còn có khuynh hướng cảnh giác ngoại lực, chưa tận dụng ngoại lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa và chưa tạo sự liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân. Hàm ý về chính sách ở đây là cần tạo môi trường thuận lợi để có thể tận dụng tối đa FDI mà không sợ kinh tế bị các công ty đa quốc gia chi phối, và việc lành mạnh hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển là những tiền đề cần thiết để dùng ngoại lực tăng cường nội lực. Các chính sách hạn chế hoạt động của doanh nghiệp FDI đều làm giảm hiệu quả của ngoại lực trong quá trình tăng cường nội lực.

– Chính sách khôn ngoan là tận dụng tối đa FDI để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh liên kết (linkage) giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, một hình thức dùng ngoại lực để tăng nội lực.

Ngoài liên kết hàng dọc, các công ty trong nước có thể đẩy mạnh liên kết hàng ngang với các công ty đa quốc gia, nhất là những công ty chưa đến đầu tư ở Việt Nam. Liên kết hàng ngang là tiến hành hợp tác với các công ty đa quốc gia về nhiều mặt để sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Lúc đầu có thể sản xuất và cung cấp dưới thuơng hiệu của công ty nước ngoài, xuất khẩu theo mạng lưới của công ty nước ngoài (gọi chung là OEM: Original Equipment Manufacturing), nhưng dần dần tự mình thiết kế sản phẩm (sản xuất theo hình thức ODM: Own Design Manufacturing), tạo ra những sản phẩm độc đáo để chào hàng với công ty đa quốc gia, sản phẩm càng độc đáo càng có ưu thế trong việc thương lượng với họ. Cuối cùng tiến đến giai đoạn xây dựng thương hiệu, làm chủ hoàn toàn sản phẩm công nghiệp (gọi là OBM: Own Brand Manufacturing), không còn tùy thuộc vào công ty đa quốc gia. Quá trình chuyển từ OEM sang ODM rồi đến OBM là quá trình tự lập của các công ty trong nước, lúc đầu dựa vào ngoại lực để dần dần củng cố nội lực để cuối cùng tự lập hoàn toàn.

Thông tin, tổ chức, khám phá và tiếp cận thị trường
Một vấn đề quan trọng chưa bàn đến là làm sao tìm được thị trường và chuyển đến thị trường đó những hàng công nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Giá thành và chất lượng dĩ nhiên là những yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ để làm cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Yếu tố cơ chế và nghệ thuật tổ chức trong việc khám phá và tiếp cận thị trường cũng quan trọng không kém.
Để thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp, ngoài các chính sách, biện pháp phân tích ở trên, cần một số biện pháp để tăng khả năng tổng hợp về khám phá và tiếp cận thị trường thế giới. Khả năng này bao gồm năng lực thu thập và phân tích thông tin thị truờng, năng lực khám phá và tiếp cận thị trường, năng lực tiếp thị và giao hàng với hiệu quả nhanh và phí tổn thấp. Để có khả năng tổng hợp này cần ba điều kiện: Một là cơ sở hậu cần trong nước về thông tin thị trường thế giới phải có quy mô lớn và nhất là thông tin phải được đưa nhanh đến những nơi cần đến nó. Hai là phải có những công ty thương mại tổng hợp lớn, hoạt động có hiệu quả, có sức chịu đựng rủi ro lớn, và nhất là biết tận dụng, điều động các cơ hội về thị trường, về bảo hiểm, về tín dụng quốc tế để đưa hàng công nghiệp Việt Nam đến các thị trường với phí tổn thấp mà bảo đảm các yêu cầu về giao hàng và duy trì chất lượng. Ba là phải có mạng lưới thông tin giăng bủa khắp nơi, chí ít là trên các thị trường lớn. So với Nhật Bản vào thời điểm 50 năm trước đây hoặc so với Hàn Quốc 30 năm trước, khả năng của ta hiện nay về ba điều kiện này hầu như không đáng kể. Nói khác đi, Việt Nam còn quá yếu về cả hai yếu tố tổ chức và cơ chế. Phải có chính sách xây dựng, củng cố các yếu tố này mới thực hiện thành công được chiến lược công nghiệp hoá trong giai đoạn tới.

– Chính sách cần tạo môi trường thuận lợi để có thể tận dụng tối đa FDI mà không sợ kinh tế bị các công ty đa quốc gia chi phối. Việc lành mạnh hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển là những tiền đề cần thiết để dùng ngoại lực tăng cường nội lực.


Tại Việt Nam hiện nay, thông tin về thị trường thế giới có quá ít và doanh nghiệp khó tiếp cận với các thông tin đó. Chính phủ có lập Cục xúc tiến thương mại trong Bộ Thương mại, nhưng cơ cấu còn rất yếu, quy mô hoạt động rất nhỏ, hầu như chưa có một cơ sở nào ở nước ngoài. Cho đến nay, Cục này mới hỗ trợ một số hoạt động xuất khẩu hàng thủ công, mỹ nghệ hoặc nông phẩm. So với nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp hiện nay và so với kinh nghiệm phát triển của Nhật hay Hàn Quốc, quy mô và chức năng của Cục xúc tiến thương mại rõ ràng chưa đáp ứng nhu cầu. Việt Nam cần nhanh chóng thành lập một trung tâm thu thập, phân tích và phổ biến thông tin về thị trường và công nghệ thế giới để giúp doanh nghiệp triển khai chiến lược tiếp thị, đẩy mạnh xuất khẩu và chọn lựa, du nhập công nghệ nước ngoài. Hiện nay, thông tin về thị trường thế giới ở nước ta quá rời rạc, phân tán và chưa phong phú, sự hợp tác giữa các cơ quan, các xí nghiệp trong việc trao đổi thông tin cũng chưa được chú trọng. Nên nghiên cứu việc thành lập một tổ chức như JETRO của Nhật vừa đảm nhận vai trò tổ chức các mạng lưới về thị trường và công nghệ tại nhiều nước vừa là trung tâm phân tích và phổ biến thông tin về thị trường và công nghệ thế giới.
Về mặt tổ chức, Việt Nam chưa có công ty chủ lực chuyên môn xuất khẩu. Các công ty có thành tích xuất khẩu cao đều là các xí nghiệp sản xuất tự mình khám phá và tiếp cận thị trường. Hiện nay ít có công ty có cơ sở ở nước ngoài để tiếp cận các thông tin về thị trường và công nghệ, đồng thời hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Việt Nam chỉ dựa vào bộ phận thương mại ở các đại sứ quán mà ta đã biết là chức năng và nhân lực rất hạn chế. Cần nghiên cứu đưa ra chính sách khuyến khích thành lập một số tổng công ty ngoại thương có những cơ năng như các công ty thương mại tổng hợp của Nhật. Ta đã có nhiều tổng công ty nhưng hầu hết là đơn ngành (Tổng công ty thép, Tổng công ty may mặc chẳng hạn) nên bộ phận phụ trách ngoại thương của mỗi tổng công ty không thể có khả năng tổng hợp lớn trong việc điều tra và tiếp thị trên thương trường quốc tế. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ Việt Nam phải củng cố các yếu tố cơ chế và tổ chức để tạo nên một lực lượng tổng hợp mới thành công trong việc khám phá và tiếp cận thị trường thế giới.

Ngoài ra, để giảm chi phí tiếp cận thị trường thế giới, cần phải giảm phí tổn hành chính và dịch vụ liên quan đến lưu thông, phân phối. Nói khác đi, để tăng năng lực cạnh tranh phải làm cho Việt Nam trở thành những cứ điểm sản xuất và lưu thông có hiệu suất. Cứ điểm sản xuất và lưu thông có hiệu suất là nơi bảo đảm sản xuất một sản phẩm với giá thành (cost) rẻ (nhờ chi phí lao động, chi phí đầu vào thấp), chất lượng (quality) cao và giao hàng (delivery) đúng thời hạn. Phân tích ở các phần trên liên quan đến giá thành  và chất lượng, ở đây còn lại vấn đề giao hàng. Giao hàng là công việc của nhà sản xuất, của công ty thương mại, nhưng yếu tố quy định giao hàng là môi trường lưu thông trong đó hạ tầng phần cứng (hệ thống giao thông, bến cảng, thông tin, v.v.) và phần mềm (thủ tục hành chính, thủ tục thuế quan, luật lệ, quy định, v.v.) có vai trò quyết định. Thủ tục hành chính, thuế quan tại Việt Nam rất chậm được cải thiện và đang làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng công nghiệp Việt Nam. Về hạ tầng phần cứng, Việt Nam cần đặc biệt tập trung đầu tư nâng cấp một số bến cảng quan trọng. Tình hình hiện nay là đầu tư quá dàn trải, tỉnh nào ở ven biển cũng đều có bến cảng nên công suất sử dụng thấp và không có các bến cảng có quy mô ngang hàng với các nước trong khu vực.  

  – Người có tinh thần doanh nghiệp là người nỗ lực tìm kiếm và áp dụng cái mới, tinh thần luôn đổi mới để khám phá và sử dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, sản xuất bằng phương pháp mới, tìm kiếm thị trường mới; có thái độ tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro nhưng lại nhìn xa trông rộng về tương lai và dựa trên những phân tích có căn cứ để tránh hoặc giảm rủi ro; có ý thức mưu tìm lợi nhuận (profit seeking), chứ không phải mưu tìm đặc lợi (rent seeking)…

Tinh thần doanh nghiệp
Để thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá, vai trò của doanh nghiệp cần được phát huy. Nhưng doanh nghiệp hay doanh nhân cần một tố chất quan trọng, đó là tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship).

Trên đây ta đã có dịp nói về khái niệm nguồn lực kinh doanh(managerial resource). Nguồn lực kinh doanh của một doanh nghiệp bao gồm công nghệ đã tích luỹ, thương hiệu đã xác lập, nguồn nhân lực xây dựng trong nội bộ doanh nghiệp, năng lực nghiên cứu hoặc hấp thu công nghệ mới, năng lực quản lý, năng lực khám phá thị trường, năng lực tiếp thị, v.v.. Nói chung, đây là nguồn lực mà càng tích lũy được nhiều thì doanh nghiệp càng phát triển mạnh. Hay nói khác đi, doanh nghiệp muốn phát triển phải không ngừng tích lũy nguồn lực kinh doanh.

 – Cần nhanh chóng thành lập một trung tâm thu thập, phân tích và phổ biến thông tin về thị trường và công nghệ thế giới để giúp doanh nghiệp triển khai chiến lược tiếp thị, đẩy mạnh xuất khẩu và chọn lựa, du nhập công nghệ nước ngoài.

Tùy theo giai đoạn phát triển của doanh nghiệp mà phương pháp, chiến lược tích lũy nguồn lực kinh doanh cũng khác. Khi doanh nghiệp còn non trẻ, bản lĩnh và năng lực của cá nhân người lãnh đạo công ty rất quan trọng vì cá nhân đó ở giai đoạn này là tài sản (asset) quan trọng nhất của doanh nghiệp. Bản lĩnh và năng lực của cá nhân đó sẽ quy tụ được nhân tài và tạo uy tín xã hội của doanh nghiệp, những yếu tố cần thiết làm cơ sở cho các nguồn lực kinh doanh. Sau khi doanh nghiệp phát triển một bước lớn sẽ có nhiều cơ hội đẩy nhanh quá trình tích lũy các nguồn lực kinh doanh. Ngoài việc đầu tư cho nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, chẳng hạn, doanh nghiệp có thể chọn các hình thái liên kết (linkage) hàng dọc hoặc hàng ngang với các công ty đa quốc gia để có thể làm cho quá trình tích lũy tiến nhanh. Nói chung, để  liên tục tăng cường năng lực kinh doanh và sử dụng có hiệu quả năng lực đó, nhà kinh doanh, người lãnh đạo công ty phải có tinh thần doanh nghiệp.
Một lãnh đạo công ty được xem là người có tinh thần doanh nghiệp nếu người đó có các đặc tính sau: trước hết, đó là nỗ lực tìm kiếm và áp dụng cái mới, tinh thần luôn đổi mới để khám phá và sử dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, sản xuất bằng phương pháp mới, tìm kiếm thị trường mới. Các hoạt động này được gọi chung là cách tân công nghệ (innovation). Thứ hai là thái độ tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro. Thương trường vốn nhiều rủi ro, bất trắc, nếu không mạo hiểm thì không thể thành công. Tất nhiên, mạo hiểm không có nghĩa là làm liều, không tính toán. Phải có trí tuệ, có óc nhìn xa trông rộng về tương lai và dựa trên những phân tích có căn cứ mới tránh hoặc giảm rủi ro. Thứ ba, ý thức mưu tìm lợi nhuận (profit seeking), chứ không phải mưu tìm đặc lợi (rent seeking) cũng là yếu tố quan trọng tạo nên tinh thần doanh nghiệp. Mưu tìm đặc lợi là lợi dụng cơ chế xin cho để mua chuộc những người có chức có quyền, qua đó kiếm được những cái lợi lớn mà không mất nhiều công sức trong kinh doanh.

Người có tinh thần doanh nghiệp chỉ mưu tìm lợi nhuận chân chính và do đó hàm chứa tính chất cao thượng trong hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận chân chính là thành quả của nỗ lực khám phá công nghệ, khám phá thị trường cho những sản phẩm mới, hoặc cải tiến quản lý, khám phá phương pháp sản xuất mới để giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị phần. Người có tinh thần doanh nghiệp không màng đến cái lợi truớc mắt, có hoài bão, lý tưởng, quyết đem tài năng của mình góp phần biến cải xã hội, thay đổi được cuộc sống của mọi người . Do đó, trong một đất nước còn nghèo khó, người có tinh thần doanh nghiệp còn là người yêu nước. Kinh nghiệm của Nhật cũng cho thấy điều đó. Thứ tư, một khi kinh doanh mang đủ các yếu tố trên, nhất là yếu tố thứ ba, thì đồng thời nó thể hiện rõ tính chất đạo đức trong kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói, đạo đức kinh doanh là kết quả tổng hợp của ba yếu tố kể trên. Người có tinh thần doanh nghiệp do vậy được xã hội kính nể, công ty của họ được xã hội ngưỡng mộ, tin cậy và nhiều khi được xem là tài sản chung của cả xã hội.

  Xã hội Việt Nam đang chờ đợi sự xuất hiện những doanh nhân có tầm vóc quốc tế, đem lại vinh dự cho người Việt Nam và góp phần thúc đẩy vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Để khởi động và thành công trong quá trình công nghiệp hóa, Việt Nam đang rất cần những nhà doanh nhân có tinh thần doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bãi bỏ các cơ chế xin cho, có hình thức biểu dương những doanh nghiệp thành công. Sau khi Luật doanh nghiệp mới đi vào hiệu lực (ngày 1-1-2000), số doanh nghiệp thành lập tăng nhanh, chứng tỏ Việt Nam có nhiều nhà doanh nghiệp tiềm năng, sẳn sàng hưởng ứng tích cực khi nhà nước cởi trói các cơ chế ràng buộc họ trước đây. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân hiện nay còn gặp khó khăn trong việc triển khai kinh doanh, nhất là khó khăn trong việc tiếp cận với vốn đầu tư dài hạn và việc thuê đất. Nhà nước cần có chính sách thích đáng để các khó khăn này được giải quyết nhanh, tránh sự đối xử phân biệt giữa công ty quốc doanh và công ty tư nhân. Ngoài ra, cần hình thành loại vốn mạo hiểm (venture capital) để cung cấp, đầu tư cho những dự án quá mới, có độ rủi ro cao. Xã hội Việt Nam đang chờ đợi sự xuất hiện những doanh nhân có tầm vóc quốc tế, đem lại vinh dự cho người Việt Nam và góp phần thúc đẩy vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Thông tin, tri thức, và công nghiệp hóa nông thôn

Gần đây, ở Việt Nam nói nhiều về thời đại công nghệ thông tin, thời đại kinh tế tri thức. Các vấn đề này gợi ý gì cho chiến lược công nghiệp hóa của một nước đông dân, lao động dư thừa, và phần lớn lao động làm trong nông nghiệp? Từ góc độ phát triển trong công bằng mà nội dung cốt lõi là có chiến lược phát triển tạo nhiều cơ hội làm việc và tạo điều kiện để mọi người dân tiếp cận bình đẳng các cơ hội đó, hay nói khác đi là tạo điều kiện để mọi người tham gia vào quá trình phát triển, ta cần nhìn vấn đề công nghệ thông tin và kinh tế tri thức trên một bình diện rộng.

  – Việt Nam phải trở thành những cứ điểm sản xuất và lưu thông có hiệu suất, là nơi bảo đảm sản xuất một sản phẩm với giá thành (cost) rẻ (nhờ chi phí lao động, chi phí đầu vào thấp), chất lượng (quality) cao và giao hàng (delivery) đúng thời hạn.

Ta có thể hình dung một mô hình phát triển ba khu vực: Khu vực nông nghiệp (A) dựa trên hai yếu tố sản xuất là đất đai và lao động giản đơn, khu vực công nghiệp (I) dựa trên lao động và tư bản, và khu vực có hàm lượng thông tin, tri thức cao (K). Phát triển kinh tế trong khung phân tích này là quá trình di chuyển lao động từ A sang I (như trong mô hình hai khu vực thường thấy trong sách giáo khoa của kinh tế phát triển), và quá trình thu hút lao động tri thức vào khu vực K. Khu vực K thu hút một phần lao động từ khu vực I nhưng chủ yếu tiếp nhận lực lượng lao động mới từ thị trường. Điều cần nhấn mạnh là sự quan trọng của giáo dục cơ bản, của việc phổ cập thông tin, tri thức để lao động từ A có thể di chuyển sang I. Ngoài ra, cần phát triển cả công nghệ thông tin phần cứng, song song với việc đẩy mạnh phát triển khu vực có hàm lượng cao về tri thức, về công nghệ thông tin phần mềm.
Để phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và công nghiệp hóa của cả nước nói chung, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy nông nghiệp thường phát triển (tăng năng suất lao động và năng suất đất, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tăng giá trị gia tăng, v.v.) trước một bước để có tích lũy đầu tư cho công nghiệp, để tăng sức mua ở nông thôn cho hàng công nghiệp và có thể liên tục cung cấp lao động cho công nghiệp mà không giảm sản lượng nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa ngày nay, nếu xây dựng tốt cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm, có thể tiến hành đồng thời công nghiệp hóa và phát triển nông nghiệp vì sẽ có nhiều tác nhân (agent) xuất hiện, đưa vốn và công nghệ từ các vùng đô thị trong nước hoặc từ nước ngoài tới, và đưa hàng công nghiệp nông thôn đến các thị trường trong nước và nước ngoài.
Về cơ sở hạ tầng phần cứng, cần đầu tư nâng cấp các thị trấn, thị tứ ven biển và đặc biệt tăng cường xây dựng hệ thống giao thông nối với các huyện, xã trong các tỉnh. Chiến lược ở đây là kết hợp công nghiệp hóa nông thôn với việc phát triển các đô thị lân cận. Song song với nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng, cần quan tâm xây dựng cở sở hạ tầng phần mềm tại các thị trấn, thị tứ ven biển. Cụ thể, cần xây dựng các trung tâm thông tin kinh tế tại các thị trấn. Các trung tâm này sẽ thu thập, lưu trữ, phổ biến thông tin về sản phẩm, về hoạt động của doanh nghiệp địa phương, đồng thời cũng là nơi lưu trữ, phổ biến thông tin về thị trường trong nước và thế giới liên quan đến vốn, công nghệ, hàng hóa mà doanh nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm. Ngoài ra các trung tâm tư vấn kinh tế cũng rất cần được phát triển để làm đầu mối cho những tác nhân đem thông tin, công nghệ và tri thức quản lý kinh doanh từ các thanh phố lớn trong nước và nước ngoài. Mặt khác, các công ty tư vấn về kế toán, thuế vụ, v.v.. cũng phải được hình thành tại các trị trấn, thị tứ địa phương để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài các cơ sở xí nghiệp quốc doanh và tập thể đã có, nên đặc biệt khuyến khích tư nhân đầu tư vào các lãnh vực tận dụng lao động (nhóm A) hoặc nguyên liệu và các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp địa phương (nhóm B). Đồng thời tạo điều kiện để các công ty lớn thuộc nhóm B ở các thành phố lớn lập các công ty vệ tinh ở nông thôn hoặc ở các thị trấn lân cận. Thật ra, khi các cơ cở hậu cần phần cứng và phần mềm được thiết lập và các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp được ban hành thì các tác nhân trong nước và thế giới sẽ đến kết hợp các cơ hội ở nông thôn với thị trường thế giới, kể cả hình thái đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Để xây dựng chiến lược công nghiệp hóa nông thôn cần có một cách tiếp cận mới. Hai yếu tố thông tin và tổ chức cần được nhấn mạnh. Có hai yếu tố này sẽ giải quyết đuợc các vấn đề vốn, công nghệ và thị trường cho công nghiệp hóa nông thôn. Thấy được sự quan trọng của hai yếu tố thông tin và tổ chức mới đề ra được chiến lược thích hợp.
 Tóm lại, để đối phó hữu hiệu với các thách thức tại vùng Đông Á và phát huy các cơ hội phát triển của vùng này, ta cần thấy rõ vị trí của công nghiệp Việt Nam ở vùng này và đề ra các chiến lược thích hợp. Tận dụng ngoại lực để củng cố nội lực, nhấn mạnh vai trò của tổ chức trong nỗ lực khám phá và tiếp cận thị truờng thế giới, phát huy tinh thần doanh nghiệp và hiểu đúng vai trò của thông tin, tri thức trong việc phát triển nông thôn là những nội dung chính cần có trong chiến lược công nghiệp sắp tới.
     Trần Văn Thọ, GS Đại học Waseda, Tokyo

Trần Văn Thọ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)